\'In The Flesh\': Khi cuộc sống này cũng chẳng dễ dàng gì với người đã chết
Phim mở đầu với một tông màu nhợt nhạt và lạnh lùng đến hiu hắt của vùng ngoại ô yên tĩnh nước Anh, nơi mà trước đó, hàng nghìn con zombie vô tri – chính là những người chết bỗng dưng sống dậy – kéo đi khắp nơi và giết chóc bao người vô tội.
Đương nhiên In The Flesh sẽ không là một series phim đi theo lối mòn về cuộc sinh tồn giữa thế giới đầy rẫy xác sống. Ngay thời điểm mở đầu câu chuyện, hầu hết những người chết sống dậy kia đã được chữa trị, được dần dần trả về cho gia đình để hòa nhập với xã hội như một công dân bình thường với tên gọi “bệnh nhân mắc Hội Chứng Tử Vong Cục Bộ”.
Nhưng thế giới ngoài kia tàn nhẫn lắm, chẳng phải ai cũng dễ dàng chấp nhận những con người lẽ ra đã chết từ lâu, những con người đã từng là con zombie gớm ghiếc ăn não đồng loại của mình.
Trailer giới thiệu mùa thứ nhất của bộ phim
Kieren – nhân vật trung tâm của In The Flesh - lẽ ra đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất lạnh sau khi tự sát ở tuổi 18. Kieren là một đứa trẻ khác lạ. Một đứa trẻ lặng lẽ và yếu đuối chỉ biết chôn chặt đau thương trong lòng và gửi cảm xúc vào những bức vẽ nơi phòng riêng của mình, để rồi tan biến vào hư không khi còn chưa vương mấy bụi trần.
Cậu ra đi mà chẳng mấy ai hay biết và bị người ta gọi là hèn nhát vì chọn cách tự kết liễu đời mình. Tái sinh và được trở về với gia đình trong một thân xác gần như toàn vẹn, một vẻ ngoài mãi mãi ở tuổi thiếu niên, tưởng chừng như sự tái hòa nhập của Kieren sẽ suôn sẻ hơn những “bệnh nhân” khác rất nhiều. Nhưng khổ sở thay khi các “hoạt tử nhân” – cách gọi chung những bệnh nhân được chữa trị - vẫn vẹn nguyên ký ức về chuỗi ngày là những con zombie khát máu. Và với Kieren, đó là cơn ác mộng và nỗi ân hận, dằn vặt bất tận.
Có lẽ Kieren đã tự hỏi rằng tại sao mình lại được trao cho cơ hội thứ hai, cơ hội tái sinh cho kẻ ngày trước đã chọn lấy cái chết. Nước da và đôi mắt kia vốn chẳng thể trở lại màu sắc trước đây, và thể xác kia chẳng còn sợ bất kì thương tổn nào nữa. Nhưng những nỗi đau âm ỉ vẫn còn đó, cũng như bao cảm xúc vẫn tồn tại và toàn vẹn đến khó tin dẫu cho đã theo con người đi một chuyến khứ hồi vào lòng đất và trở về với cuộc đời. Đối với Kieren, chấp nhận sống là bước chân đầu tiên để đi đến sự vững vàng và dũng cảm.
Cuộc gặp gỡ cô gái tên Amy có lẽ là khoảnh khắc mà Kieren quyết định bước ra khỏi cuộc sống tăm tối hư vô, thoát khỏi bóng đêm của cuộc đời mình ngày trước.
Amy cũng giống như Kieren, nhưng cô chẳng lấy làm tự ti mà thậm chí còn lạc quan đến khó tin, giễu cợt bản thân mình và những bệnh nhân khác bằng chính từ ngữ mà người ta khinh bỉ gọi cô – zombie, xác thối.
Amy biết tủi thân và biết khóc bởi sự đối xử thô bạo mà cô phải nhận lấy từ những kẻ tự coi mình là người bình thường. Amy của In The Flesh không phải là kiểu nữ nhân vật dễ tìm trong hằng hà sa số những phim ảnh cùng thể loại. Cô gái xinh xắn trong những bộ váy sặc sỡ này nhẹ nhàng mà mạnh mẽ tựa như cánh hoa vững vàng trong gió. Giữa thế giới u ám đó, cô như ánh nắng trong trẻo và tinh khôi thắp sáng những con người thuần khiết và tốt đẹp như Kieren.
Thế giới này độc ác quá hay là nó chưa bao giờ đủ nhân từ. Những kẻ tự xưng là con người không công nhận Kieren và những người giống cậu là đồng loại của mình. Rick – bạn thân và mối tình đầu của Kieren – phải trốn dưới lớp hóa trang cho giống người thường, phải vờ như vết thương vĩnh viễn trên mặt rồi sẽ được cắt chỉ và lành lại, phải cố nốc hằng đống rượu bia để rồi nôn ra toàn bộ trong lén lút, tất cả chỉ để mình vẫn là đứa con giỏi giang trong mắt bố.
Và bố của Rick, người đã bảo rằng Kieren chết trong hèn nhát mà không biết rằng cậu bé tự sát khi nghe tin Rick hy sinh ở chiến trường, đã đành lòng giết cả đứa con trai của mình khi thấy nó trong hình dạng một hoạt tử nhân – giống loài mà ông hằng căm ghét.
Mãi đến khi Rick thật sự chết đi, Kieren mới dám thầm thì mấy câu vào tai người thương, có lẽ là những lời yêu mà cả hai chưa bao giờ dám nói. Và đến tận khi đấy, người ta mới vỡ ra rằng Rick và Kieren yêu nhau, một mối tình vụng dại, bé mọn đến đáng thương.
Simon là bệnh nhân đầu tiên có phản ứng với loại thuốc chữa trị, sau hàng tá những thí nghiệm đổ lên cơ thể, để rồi khi được trả về cho gia đình, anh mới bàng hoàng nhận ra mình đã giết chính mẹ ruột khi còn là một xác sống vô tri.
Thế giới này không chứa chấp những kẻ như Simon, đến bố của anh cũng chẳng còn đủ vị tha để giữ đứa con trai này bên cạnh. Vốn từng là một con nghiện qua đời vì sốc thuốc, Simon dường như chẳng lấy gì làm vui sướng với sự tái sinh này, và anh ráo hoảnh, bất cần với cuộc sống, cho đến khi gặp Kieren.
Giữa Simon và Kieren là một sự đồng cảm khi hai con người với những vết sẹo mãi chẳng mờ đi trên cơ thể, với sự trưởng thành vừa đủ khi đã từng chết đi, chứ không hề đơn thuần thứ tình yêu bộc phát. Tình cảm đó đủ để Simon chấp nhận phản bội lại giáo phái của chính mình – cho dù đó là nơi cưu mang anh những ngày không chốn dung thân.
In The Flesh bị ngừng sản xuất khi mọi thứ vẫn chưa ngã ngũ khiến cho kết thúc ở cuối mùa thứ hai của phim trở thành một cái kết mở. Kieren, Rick, Simon, Amy và những người giống họ vùng vẫy để hòa nhập, để tồn tại và chấp nhận sống tiếp giữa một thế giới mà chẳng mấy nơi cho họ chốn dung thân, dường như ẩn dụ cho sự đố kị mà con người đối xử với những kẻ khác biệt.
Kết phim là một câu hỏi bỏ ngỏ. Cũng như nỗi khắc khoải trong chính chúng ta. Rằng phải chăng, trong cuộc đời này, những người đang sống và cả những người đã chết đều không thể trốn thoát khỏi nỗi ám ảnh về sự cô đơn và cảm giác lạc lõng tận sâu trong tim mình?
- 0
- 0Bình luận