Những điểm tương đồng giữa \'My Neighbor Totoro\' và một vụ án mạng kinh hoàng trong lịch sử Nhật Bản
Ra mắt từ năm 1988, My Neighbor Totoro là bộ phim hoạt hình kể về một vị thần rừng bí ẩn luôn dõi theo hai cô bé ngây thơ là Satsuki và Mei. Đây được xem là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của hãng Ghibli, đồng thời cũng là bộ phim hoạt hình kinh điển được nhiều thế hệ yêu thích.
Miyazaki là một đạo diễn nổi tiếng với phong cách kể chuyện thần sầu. Xen lẫn trong những câu chuyện mà ông kể, người xem có thể tìm hiểu về văn hóa dân gian Nhật Bản, những vấn đề về tín ngưỡng, tâm linh, chủ đề về thiên nhiên, phản chiến và rất nhiều những chi tiết thú vị khác.
Bên cạnh thông điệp trong sáng mà chúng ta vẫn biết, một số người hâm mộ còn đưa ra những suy đoán riêng họ về cốt truyện, ý tưởng hay tình tiết trong tác phẩm của Miyazaki. Họ tự gọi đây là những "thuyết âm mưu" và theo đó, đằng sau sự ấm áp và dễ thương của My Neighbor Totoro là cả một câu chuyện tăm tối.
Trong phim, Totoro được biết đến là vị thần bảo hộ khu rừng nhưng theo những thuyết âm mưu của một số người xem, sinh vật mập mạp và dễ thương này thực chất lại là thần chết, sẽ xuất hiện và đưa linh hồn người chết về nơi an nghỉ cuối cùng.
Giả thuyết này được liên hệ với một vụ giết người có thật xảy ra tại thành phố Sayama thuộc tỉnh Saitama, Nhật Bản. Năm 1963, nữ sinh Yoshie Nakata 16 tuổi đã bị cưỡng hiếp và giết hại khi đang trên đường từ trường về nhà. Tên sát nhân được xác định là một nông dân tại một trại nuôi lợn tại địa phương. Bi kịch tiếp diễn khi chị gái của nạn nhân sau đó tự sát vì tự trách bản thân đã phá hỏng những nỗ lực giải cứu của cảnh sát.
Ba mươi mốt năm sau, kẻ thủ ác được mãn hạn và ra tù. Quyết định này đã gây tranh cãi khi người đàn ông này thuộc tầng lớp "burakumin" - những người phải chịu sự ruồng bỏ và phân biệt đối xử nặng nề tại Nhật Bản.
Những người đặt ra giả thuyết này đã chỉ ra một vài chi tiết minh chứng cho suy nghĩ của họ là đúng. Đầu tiên, họ chỉ ra bối cảnh ngôi làng không rõ tên trong My Neighbor Totoro, tương tự thành phố Sayama những năm 1960.
Ở một phân cảnh trong phim, cụ bà đang cùng Satsuki và Mei dỡ đồ, chiếc thùng phía sau lưng bà có dán mẩu giấy ghi "Sayama tea" bằng tiếng Nhật. Bên cạnh đó, bệnh viện nơi mẹ của hai cô bé đang nằm thật sự là một bệnh viện tại Sayama.
Mọi chuyện bắt đầu khi cô em gái Mei mất tích, và đương nhiên chị của cô bé Satsuki đã vô cùng sợ hãi. Cuộc tìm kiếm được triển khai và một chiếc dép của bé gái được tìm thấy.
Satsuki đã khóc và cảm thấy nhẹ nhõm vì đó không phải là dép của Mei. Tuy nhiên, người hâm mộ lại cho rằng cô khóc là do quá đau lòng và không chịu chấp nhận sự thật là em gái mình đã chết.
Ở đầu phim, Mei là người duy nhất có thể nhìn thấy Totoro. Theo quan điểm của những người tin vào giả thuyết này, nguyên nhân Mei có thể nhìn thấy Totoro là do cô bé sắp chết.
Tiếp sau đó, Satsuki cũng bắt đầu nhìn thấy và nguyên nhân là bởi cô đang có ý định tử tự sau khi nhận ra em gái đã chết, cô tự trách bản thân vì đã không bảo vệ được cô bé. Diễn biến của giả thuyết này có vẻ khá giống với vụ án có thật xảy ra tại thành phố Sayama nhiều năm trước.
Một trong những phân cảnh đáng nhớ trong My Neighbor Totoro là khi chiếc xe buýt Mèo xuất hiện. Nhưng phương tiện di chuyển có vẻ đáng yêu này trong mắt những "nhà phân tích" bỗng trở nên rùng rợn hơn bao giờ hết.
Chữ viết hiển thị phía trên của chiếc xe hay chính là điểm đến sắp tới của chiếc xe buýt dịch từ tiếng Nhật có nghĩa là "Path to Grave/Grave Road", hiểu nôm na là "Con đường dẫn xuống hoàng tuyền". Những người không biết tiếng Nhật và bộ chữ Kanji có lẽ sẽ dễ dàng bỏ qua chi tiết này.
Trước đó, Totoro chính là người đích thân gọi dịch vụ xe buýt mèo cho hai cô gái nhỏ.
Cuối cùng, một chi tiết ở gần cuối bộ phim khi người mẹ bệnh tật nhìn thấy hai cô con gái bên ngoài cửa sổ phòng bệnh. Theo giả thuyết, chỉ có người mẹ nhìn thấy hai cô bé, còn người bố thì không. Và lẽ nào điều này đã trở thành một điềm báo rằng cái chết cũng đang đến rất gần với bà?
Còn có một vài chi tiết chưa rõ là vô tình hay cố ý được chỉ ra trong bộ phim như: vụ án mạng tại Sayama xảy ra vào ngày 1 tháng 5; tên của Satsuki trong tiếng Nhật cũng có nghĩa là tháng Năm và tên Mei là một cách đọc chệch của May cũng có nghĩa là tháng Năm trong tiếng Anh. Chuyện này ít nhất cũng đủ khơi gợi sự liên tưởng cho những người giàu trí tưởng tượng.
Năm 2015, Toshio Suzuki, một trong những nhà sản xuất có tiếng của Studio Ghibli và cũng là người chủ trì cho chương trình radio hàng tuần Ghibli Sweaty vốn thảo luận những điều liên quan tới Ghibli, đã lên tiếng gạt bỏ những tin đồn không mấy tốt đẹp này.
Bên cạnh đó, đã có một thông báo chính thức từ phía Ghibli phản bác quan điểm cho rằng ở phân cảnh cuối cùng Satsuki và Mei không có bóng và họ không còn sống nữa. Cụ thể, thông báo có nội dung như sau:
Mọi người này, hãy suy nghĩ đơn giản thôi nào! Những giả thuyết về việc Totoro là thần chết và Mei thực ra đã chết cùng những lời đồn đoán xung quanh đó thật sự không đúng chút nào.
Một vài người đưa ra quan điểm này vì chẳng qua, đối với họ điều đó có vẻ thú vị thôi, nhưng có vẻ nó đã đi quá xa trên mạng xã hội.
Còn về việc tại sao "Satsuki và Mei không có bóng trong phân cảnh cuối cùng", chúng tôi chỉ đơn giản là thấy nó không cần thiết lắm nên quyết định lược bỏ trong quá trình sản xuất bộ phim.
Chúng tôi mong rằng mọi người sẽ không tin vào những điều nhảm nhí này. Bộ phận truyền thông chính thức thông báo điều này tại đây.
Dù sao thì, giờ bạn đã biết tới một vài câu chuyện đáng sợ và những thuyết âm mưu xoay quanh nhân vật này rồi đấy. Liệu bạn còn muốn Totoro trở thành hàng xóm của mình nữa không?
- 0
- 0Bình luận