8 sự kiện nổi bật trong cuộc đời Frida Kahlo - Nữ nghệ sĩ có phong cách độc nhất vô nhị trong lịch sử
Frida Kahlo là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu của thế kỷ 20. Cuộc đời và tài năng của Frida Kahlo từng được chuyển thể thành phim tiểu sử Frida và nhận 2 giải Oscar tại hạng mục Best Makeup (hóa trang xuất sắc nhất) và Best Original Score (kịch bản gốc xuất sắc nhất) năm 2003.
Các tác phẩm hội họa của Frida Kahlo phản ánh thế giới nội tâm sâu sắc và chứa đựng biểu tượng phản ánh đời sống cá nhân của bà. Để hiểu hơn về tranh của Frida Kahlo, hãy điểm qua 8 sự kiện nổi bật nhất trong cuộc đời nữ nghệ sĩ Mexico nổi loạn này.
1. Tự vẽ chân dung bản thân
Trong tổng số 143 bức tranh của Frida Kahlo, có 55 bức bà vẽ chân dung chính mình. Những bức tranh này phản ánh cuộc đấu tranh nội tâm và nỗi đau tinh thần trong con người bà. Sức khỏe của Frida Kahlo vốn không tốt. Để vẽ nhiều tranh chân dung bản thân đến vậy, chứng tỏ bà đã tốn rất nhiều thời gian và sức lực.
2. Nói dối tuổi tác
Năm 6 tuổi, Frida Kahlo mắc bệnh bại liệt và buộc phải nghỉ học một thời gian. Vì lẽ đó bà bị bạn bè xa lánh và trở thành một cô bé sống nội tâm. Khi đi học trở lại, vì muốn tái hòa nhập cộng đồng, Frida Kahlo đã khai bớt 3 tuổi so với tuổi thật.
3. Ước mơ làm bác sĩ
Khi còn nhỏ, Frida Kahlo muốn trở thành bác sĩ. Đối với bà, nghệ thuật cũng chỉ là một thú vui tao nhã mà thôi. Năm 18 tuổi, Frida Kahlo gặp tai nạn xe nghiêm trọng khiến bà phải nằm viện một thời gian dài.
Trong khoảng thời gian này, bố của Frida Kahlo – một nhiếp ảnh gia – đã tạo ra những khung vẽ đặc biệt để giúp con gái có thể nằm vẽ trên giường bệnh. Frida Kahlo bén duyên với nghệ thuật từ đó.
4. Xuất hiện trên tạp chí Vogue
Có nhiều nguồn tin cho rằng Frida Kahlo từng chụp cho bìa Vogue Mỹ. Thực tế là Frida Kahlo chưa bao giờ chụp ảnh bìa cho tờ tạp chí nổi tiếng này. Bà chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong bài viết của Vogue Mỹ tháng 10/1937. Còn tờ bìa Vogue năm 1939, đó là người mẫu hóa trang thành Frida Kahlo.
5. Từng bị nghi là thủ phạm giết người
Frida Kahlo và chồng, họa sĩ Diego Rivera, đều là thành viên của Đảng Cộng sản Mexcio. Năm 1937, hai vợ chồng Frida Kahlo đệ đơn lên chính phủ Mexico cho phép nhà lãnh đạo Xô viết Leon Trotsky được đi tị nạn.
Vợ chồng Leon Trotsky sống chung nhà với Frida Kahlo trong vài năm. Trotsky và Kahlo đã nảy sinh tình cảm và vụng trộm với nhau trong một thời gian ngắn. Có lẽ đây cũng là lý do khiến Diego Rivera lăng nhăng với em gái của Frida Kahlo để trả thù vợ mình.
Năm 1940, Leon Trotsky bị ám sát. Frida Kahlo và em gái bị nghi là thủ phạm. Sau 2 ngày bị giam giữ, hai chị em được trả tự do và hung thủ thật sự đã bị bắt.
6. Đến buổi triển lãm tranh cá nhân bằng... xe cứu thương
Sức khỏe của Frida Kahlo ngày một yếu và gần như dành phần đời còn lại ở trong bệnh viện. Bà thường sử dụng nạng và xe lăn để di chuyển. Dẫu vậy, Frida Kahlo vẫn bỏ thời gian và công sức cho hội họa.
Tháng 4/1953, buổi triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của Frida Kahlo được tổ chức. Lúc này Kahlo đang nằm viện và có khả năng không thể tham dự. Cuối cùng bà vẫn tới bằng xe cứu thương của bệnh viện. Giường bệnh cũng được đưa tới và đặt trong phòng tranh để bà vừa nghỉ ngơi vừa tận hưởng buổi triển lãm đầu tiên của mình.
Vài tháng sau đó, chân phải của Kahlo bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ đến đầu gối. Một năm sau buổi triển lãm, năm 1954, Frida Kahlo từ giã cõi đời.
7. Những kỉ lục
Năm 1939, bức tranh The Frame của Frida Kahlo được treo tại viện bảo tàng Louvre và bà trở thành nghệ sĩ Mexico đầu tiên của thế kỷ 20 có tác phẩm góp mặt trong bộ sưu tầm tranh quốc tế.
Năm 1977, Tree Of Hope Stands Firm là bức tranh đầu tiên của Frida Kahlo được đem đấu giá với số tiền 19.000 USD (hơn 443 tỷ đồng).
Năm 1984, hầu hết các tác phẩm của Frida Kahlo được xem là một phần của di sản văn hóa Mexico. Điều này khiến tranh của bà hiếm khi xuất hiện trong các buổi đấu giá quốc tế.
Năm 1990, với bức Diego And I, Kahlo là nghệ sĩ Mỹ Latinh đầu tiên có tranh đấu giá lên đến 1,4 triệu USD (hơn 32 tỷ đồng). Năm 2016, Frida Kahlo tiếp tục phá vỡ kỷ lúc với 8 triệu USD (hơn 186 tỷ đồng) cho bức Two Lovers In A Forest.
Lúc sinh thời, Frida Kahlo thường được mọi người nhớ đến là “vợ của Diego Rivera”. Những kỷ lục này đã chứng minh tài năng hội họa của Kahlo và khẳng định bà cũng là một nghệ sĩ thực thụ.
8. Biểu tượng của nữ quyền, tinh thần Mexico và LGBT
Vào những năm 1970, các học giả cho rằng thật bất công nếu sách lịch sử chỉ đề cập các nữ nghệ sĩ phương Tây mà quên đi những khu vực khác trên thế giới. Kể từ đó, tên tuổi của Frida Kahlo được biết đến và lan truyền rộng rãi như biểu tượng nữ quyền.
Là một bisexual, Frida Kahlo rất cởi mở với chủ đề giới tính và là biểu tượng trong cộng đồng LGBT. Không chỉ dừng ở đó, tinh thần và lòng kiêu hãnh đậm chất Mexico của Frida Kahlo còn tạo ra hiện tượng “Fridamania”. Đây là một hiện tượng khuyến khích người dân Mexico hãy giữ vững bản sắc dân tộc.
Hội họa không chỉ thể hiện tài năng thiên bẩm của Firda Kahlo mà còn phơi bày những góc khuất trong thế giới nội tâm nổi loạn, cá tính và đau đớn. Frida Kahlo từng là cái bóng của chồng nhưng di sản bà để lại, cả mỹ thuật lẫn biểu tượng tinh thần, chứng tỏ bà xứng đáng là nữ nghệ sĩ Mexico vĩ đại nhất thế kỷ 20.
- 0
- 0Bình luận