30 sự thật không ai kể cho bạn về nền văn minh Ai Cập cổ đại (P1)
Ai Cập cổ đại là một trong những nền văn minh lâu đời nhất lịch sử loài người. Hơn 5.000 năm đã trôi qua, những dấu ấn mà các pharaoh để lại vẫn luôn tạo được sức hấp dẫn đặc biệt đối với thế giới ngày nay.
Nếu tất cả những gì bạn biết về thời kỳ này chỉ gói gọn trong vài đoạn clip ngắn trên The History Channel và bộ phim hoạt hình của hãng DreamWorks - The Prince of Egypt, thì những sự thật dưới đây chắc hẳn sẽ làm bạn bất ngờ đấy.
1. Nghệ thuật ướp xác
Nhắc đến Ai Cập cổ đại mà bỏ qua nghệ thuật ướp xác thì thật là một thiếu sót vô cùng lớn.
Nhiều người cho rằng thuật ướp xác dưới thời các pharaoh đã đạt đến độ hoàn hảo tuyệt đối. Khi thực hiện quy trình này, các cơ quan nội tạng được lấy ra khỏi cơ thể người chết và cho vào những lọ đựng riêng biệt hay còn gọi là bình canopic. Sau đó, những lọ này sẽ được đặt vào trong mộ trong quá trình diễn ra nghi lễ chôn cất.
2. Vai trò của loài mèo trong tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại
Mèo có một vị trí vô cùng quan trọng trong văn hóa của người Ai Cập cổ đại. Chúng là biểu tượng cho sự duyên dáng cũng như tính cân bằng. Vì vậy, loài vật này thường gắn liền với nhiều khái niệm quan trọng như khả năng sinh sản và quá trình mang thai.
Tuy nhiên, xã hội cổ đại này lại tồn tại một nghịch lý. Theo luật, những người làm hại loài vật linh thiêng trên sẽ phải nhận án tử hình. Vậy mà khi một người Ai Cập qua đời, con mèo của họ cũng bị chôn theo chủ nhân dù chúng vẫn còn khỏe mạnh.
3. Bí mật của pharaoh Tutankhamun
Dù được mô tả là sở hữu vẻ ngoài trẻ trung và đẳng cấp, hình ảnh xác ướp của pharaoh Tutankhamun lại phản ánh điều ngược lại. Tutankhamun là kết quả của một cuộc hôn nhân cận huyết khi cha và mẹ ông là hai anh em.
Có nhiều giả thuyết xoay quanh cái chết của vị pharaoh nổi tiếng, từ tai nạn xe ngựa đến bị mưu sát. Tuy nhiên, đa số các nhà sử học khẳng định rằng ông qua đời vì mắc phải hội chứng Kohler, một bệnh thoái hóa xương hiếm gặp.
Hình ảnh phục chế của vị vua trẻ cho thấy ông sở hữu vòng hông nữ tính và một bàn chân bị biến dạng (có thể do ảnh hưởng của hôn nhân cận huyết).
4. Tra tấn là "chuyện thường ngày ở huyện"
Luật pháp của Ai Cập cổ đại không hề có tính khoan hồng. Tra tấn là biện pháp phổ biến để lấy lời khai từ các nghi phạm. Phương pháp tra tấn thường dùng nhất là bastinado (một hình thức dùng gậy đánh vào chân).
5. Tinh bột là nguồn thực phẩm chính
Ngũ cốc là một trong những loại lương thực chính của người Ai Cập cổ đại.
Cả người giàu và người nghèo đều có thể thưởng thức những sản phẩm làm từ ngũ cốc mà mình yêu thích như bia và bánh mì.
6. Bất chấp những tiến bộ khác về mặt xã hội, y học thời Ai Cập cổ đại vẫn còn rất lạc hậu
Mê tín dị đoan vẫn để lại dấu ấn khá nặng nề trong nền y học thời Ai Cập cổ đại. Các phương pháp chữa bệnh là sự kết hợp giữa huyền thuật và khoa học. Làn ranh giữa nhiệm vụ của linh mục và bác sĩ lúc bấy giờ khá mong manh.
Phân động vật là phương thuốc khá phổ biến và được kê cho nhiều loại bệnh khác nhau. Loại thuốc đặc biệt này không chắc có tác dụng gì không, nhưng rõ ràng việc làm cho hơi thở bệnh nhân có mùi phân đem đến nhiều tác hại hơn là lợi ích.
7. Tháo bỏ những chiếc mặt nạ bằng vàng xa xỉ, người Ai Cập thật sự còn lại gì?
Những chiếc quan tài và vương trượng mạ vàng tuyệt đẹp cùng với vô số vật phẩm xa hoa bao quanh thường khiến bạn lầm tưởng về thực tế ở Ai Cập cổ đại. Mặt tối của câu chuyện kia là điều không phải ai cũng biết.
Phần còn sót lại bên trong lớp hào nhoáng đó là vô vàn các chứng bệnh bủa vây người Ai Cập cổ đại như bilharzia (bệnh gây ra bởi việc đi chân trần trong nước bị ô nhiễm), dịch hạch, viêm khớp, sâu răng, và suy dinh dưỡng.
Thêm vào đó, những người đàn ông Ai Cập trung bình chỉ cao khoảng 1m57 và ít khi nào sống thọ hơn 60 tuổi.
8. Ngôi đền vĩ đại ở Abu Simbel
Ngôi đền vĩ đại ở Abu Simbel là nơi tôn thờ pharaoh Rameses và các vị thần Amun, Ra-Horakhty và Ptah.
Điều thực sự tuyệt vời về ngôi đền này là việc tính toán của các kiến trúc sư đã tạo ra nó. Vào hai ngày 22/10 và 22/02 hàng năm, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu sáng khuôn mặt của pharaoh Rameses, thần Amun và thần Ra-Horakhty, chỉ riêng khuôn mặt thần Ptah là không được ánh sáng soi rọi. Đây có thể không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì Ptah là một vị thần có mối liên kết với thế giới bên kia và bị bao phủ bởi bóng tối.
9. Người lùn trong văn hóa Ai Cập cổ đại
Các nhà khoa học tin rằng Achondroplasia (một căn bệnh làm cho tứ chi người mắc phải bị teo nhỏ lại dù phần thân vẫn toàn bình thường) có nguồn gốc từ thời kỳ Ai Cập cổ đại.
Bệnh lùn trong văn hóa Ai Cập cổ đại lại là một điều vô cùng thiêng liêng và đáng tôn kính. Người ta tin rằng người lùn đã từng phục vụ trong triều đình của các pharaoh như những vũ công.
Một vài người trong số họ còn giữ các chức vụ quan trọng như tướng lĩnh quân đội và lãnh chúa của các vùng đất. Một vài vị thần thậm chí cũng mang hình dáng của người lùn.
10. Nữ thần Ammut
Ammut trong ngôn ngữ bản địa có nghĩa là “người ăn hồn”. Bà là nữ thần đại diện cho sự trừng phạt của thần linh. Bà có đầu cá sấu, còn phần thân là sự kết hợp giữa hà mã và sư tử.
Ammut giáng sự trừng phạt của mình xuống những người phạm tội vào thời điểm họ qua đời. Trái tim mỗi người sẽ được cân để xác định bản chất thật sự của chủ nhân chúng. Những người có trái tim nhẹ được phép đầu thai, còn những kẻ mang trái tim nặng như chì sẽ trở thành bữa ăn nhanh của nữ thần Ammut.
11. Tục hiến tế người
Dấu vết từ những ngôi mộ cổ cho thấy các cư dân Ai Cập cổ đại đã từng dùng người làm vật hiến tế trước khi chuyển sang các loài động vật như mèo và bò.
Người ta tin rằng phương pháp này chỉ dành riêng cho hoàng gia Ai Cập. Người hy sinh và được đặt trong các ngôi mộ chính là người hầu của họ. Dần dần, việc dùng người hiến tế giảm dần và gần như biến mất hoàn toàn vào cuối thời kỳ Vương triều Thứ nhất. Hình thức man rợ này đã kéo dài từ khoảng năm 3100 đến năm 2900 trước Công nguyên.
12. Các vị thần thường hay thay đổi hình dạng
Trong tín ngưỡng của người Ai Cập tồn tại rất nhiều vị thần khác nhau. Mỗi vị thần phục vụ một mục đích nhất định cũng như có hình dạng riêng biệt.
Trong số các vị thần, Geb có thể được xem là vị thần đặt biệt nhất. Ông thường xuất hiện dưới hình dạng một người đàn ông da xanh khỏa thân. Tuy nhiên, ông có thể thay đổi hình dạng hoặc biến thành các loài động vật như ngỗng và thỏ.
13. Các loại lăng mộ thịnh hành
Ai Cập cổ đại được chia thành hai vùng là Thượng Ai Cập và Hạ Ai Cập. Sự phân chia này dẫn đến những khác biệt không tránh khỏi trong lối sống, đặc biệt là việc xây dựng lăng mộ và quy trình chôn cất người chết.
Trong khi vùng Lisht ở Thượng Ai Cập có nhiều lăng mastaba (kiến trúc cao và phẳng ở phần trên cùng), các lăng mộ được chạm khắc trực tiếp vào các ngọn núi lại vô cùng phổ biến ở vùng Thebes ở Hạ Ai Cập.
14. Văn Tự Kim Tự Tháp
Bên cạnh Cuốn Sách Của Cái Chết, Văn Tự Kim Tự Tháp cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các tang lễ của người Ai Cập cổ đại.
Tuy nhiên, nếu Cuốn Sách Của Cái Chết chứa nhiều hình minh họa thì Văn Tự Kim Tự Tháp lại tập trung vào việc ghi chép lại các bùa chú để bước vào thế giới bên kia (có 759 loại bùa chú trong cuộn giấy này).
15. Cuộc sống ở thế giới bên kia
Thế giới bên kia sẽ như thế nào nếu bạn vẫn có thể ăn uống như hiện tại?
Người Ai Cập cổ đại tin rằng điều quan trọng nhất đối với người chết là việc ăn, uống và hít thở ở thế giới bên kia. Vì lý do đó, nghi thức mở miệng ra đời để giúp người chết có thể làm được các điều trên. Một buổi lễ hoàn chỉnh bao gồm tổng cộng 75 hồi, từ việc đọc thần chú cho đến dâng cúng thức ăn.
(Còn tiếp)
- 0
- 0Bình luận