30 sự thật không ai kể cho bạn về nền văn minh Ai Cập cổ đại (P2)
16. Quy trình chôn cất người chết
Quy trình ướp xác cũng như nghi lễ chôn cất người chết thời kỳ Ai Cập cổ đại là những hiện tượng văn hóa đáng chú ý vì nhiều lý do. Một trong số đó chính là thời gian mà các chuyên gia ướp xác đã bỏ ra để hoàn thành "tác phẩm nghệ thuật" của mình. Toàn bộ quá trình ướp xác và tiến hành nghi lễ kéo dài đến 72 ngày.
17. Tầm quan trọng của việc ướp xác
Người Ai Cập cổ đại tin rằng để tận hưởng đầy đủ những lạc thú của thế giới bên kia, cơ thể người chết phải được giữ càng gần với hình dạng trước khi chết càng tốt.
18. Những đứa con của thần Mặt Trời
Người Ai Cập cổ đại tin rằng các pharaoh là những Á thần. Họ là mối liên kết giữa các vị thần và người Ai Cập. Đôi khi, một vài thường dân hiếm hoi cũng được người dân Ai Cập tôn sùng như các vị thần.
Imhotep là một trong số đó. Ông từng là tể tướng cho pharaoh Djoser. Khoảng 2000 năm sau khi ông qua đời, Imhotep cuối cùng cũng được người dân Ai Cập tôn vinh và đứng ngang hàng với Thoth, vị thần của kiến trúc, toán học, y học đồng thời là người bảo trợ của những thợ ghi chép.
19. Cuộc sống và cái chết
Người Ai Cập cổ đại có nhiều đức tin phức tạp về cuộc sống và cái chết. Một trong số đó là niềm tin cho rằng trong mỗi cá nhân đều tồn tại Ka và Ba. Hai thứ này nhất định phải được hợp nhất trong thế giới bên kia.
Ka đại diện cho phần thể chất của con người. Nó là thứ nhận thức ăn và nước uống trong khi sống, nên phải tiếp tục công việc của mình sau khi chết. Ba giống như linh hồn của con người và được giải phóng khỏi cơ thể sau khi chết.
Những nghi lễ đặc biệt để kết hợp Ka và Ba của một người sau khi họ qua đời là điều cần thiết. Nếu các nghi thức này thành công, người đó sẽ tiếp tục cuộc sống ở thế giới bên kia như một Akh.
20. Luật pháp và trật tự
Trung tâm của xã hội Ai Cập cổ đại là niềm tin vào Ma'at và Isfet, hay trật tự và hỗn loạn. Theo đó, nhiệm vụ chính của các pharaoh là làm hài lòng Ma'at, nữ thần nắm giữ vương trượng Ankh đại diện cho quyền lực và cuộc sống vĩnh cửu.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc phần còn lại của Ai Cập có thể bung xõa tùy thích! Việc duy trì sự cân bằng của Ma'at và Isfet không chỉ là nhiệm vụ của người đứng đầu mà còn được thực hiện ở từng hộ gia đình.
21. Vấn đề bình đẳng giới
Nhiều bằng chứng cho thấy rằng bình đẳng giới đã từng tồn tại trong xã hội Ai Cập cổ đại.
Phụ nữ Ai Cập cổ đại được phép sở hữu tài sản riêng, tham gia vào quá trình ban hành các văn bản pháp luật cũng như trở thành bác sĩ. Ngay cả với tiêu chuẩn của thế giới ngày nay, đây vẫn được xem là hiện tượng hết sức tiến bộ.
22. Nạn đói và sự phân hóa quyền lực
Trong thời kỳ Cựu Vương Quốc (từ năm 2686 đến năm 2182 trước Công nguyên), các pharaoh đã tiến hành ban phát những mảnh đất rộng lớn cho các viên chức của mình để họ có thể tiếp tục được tôn thờ ngay cả khi chết đi.
Sự tập trung quyền lực thừa thãi đó cộng với những cơn hạn hán nghiêm trọng (từ năm 2200 đến năm 2150 trước Công nguyên) dẫn đến sự suy giảm quyền lực của các pharaoh. Từ đó, những khu vực tự trị xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nhân tố mới này lại góp phần thúc đẩy khả năng phát triển của nền kinh tế.
23. Hiệp ước hòa bình
Ramesses II lên nắm quyền trong thời kỳ Tân Vương Quốc từ năm 1549 đến năm 1069 trước Công nguyên. Trong thời kỳ trị vì, ông đã cho dựng thêm nhiều di tích, đài tưởng niệm, đền thờ và có nhiều con hơn so với bất kỳ vị pharaoh nào khác trong lịch sử.
Người ta cũng tin rằng ông là người thiết lập hiệp ước hòa bình đầu tiên trong lịch sử. Ramesses Đại Đế đã cùng người đứng đầu của đế chế Hittite làm nên hòa ước đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử loài người.
24. Nome
Nome là một đơn vị hành chính ở Ai Cập cổ đại tương đương với quận, huyện ngày nay. Đứng đầu mỗi nome là thống đốc khu vực.
25. Hệ thống giai cấp
Mặc dù Ai Cập cổ đại tồn tại nhiều hiện tượng văn hóa vô cùng tiến bộ, xã hội thời bấy giờ vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của hệ thống phân biệt giai cấp.
Phần lớn người Ai Cập là nông dân, nhưng cây trồng của họ lại bị kiểm soát bởi các gia đình quý tộc. Các nghệ nhân và thợ thủ công là tầng lớp tiếp theo trong bậc thang giai cấp. Tuy vậy, việc sản xuất của họ cũng bị theo dõi, kiểm soát chặt chẽ và chủ yếu phục vụ các ngôi đền. So với hai tầng lớp này, những người ghi chép và các quan chức giữ địa vị cao hơn hẳn.
26. Sông Nile
Từ muối để ướp xác, thạch cao xây tường, vàng làm đồ trang sức, đá granit để xây tượng đài cho đến đá lửa cho các công cụ, người Ai Cập cổ đại đã tiếp cận với nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên để xây dựng nên đế chế của họ. Trong số các nguồn tài nguyên sẵn có ở Ai Cập cổ đại, sông Nile chính là nhân tố quan trọng nhất.
Sự trù phú của quốc gia này phần lớn là nhờ phù sa mà sông Nile cung cấp. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi những cơn lũ lụt hàng năm của sông Nile cũng được người dân Ai Cập cổ đại hóa thần và đặt tên là Hapi.
27. Ngôn ngữ
Hầu hết các nhà sử học cho rằng ngôn ngữ Ai Cập cổ đại thuộc Ngữ hệ Phi-Á và khá giống với hai ngữ tộc Berber và Semit.
TIếng Ai Cập đã trải qua nhiều thay đổi qua các thời kỳ sử dụng và là một trong các ngôn ngữ có lịch sử lâu đời nhất thế giới chỉ sau tiếng Sumer. Ngày nay, giai đoạn phát triển cuối cùng của tiếng Ai Cập (tiếng Copt) vẫn được sử dụng trong các hoạt động của Giáo hội Chính thống Ai Cập. Tiếng Ả Rập Ai Cập hiện đại cũng còn sót lại một số tàn tích từ ngôn ngữ xa xưa này.
28. Khỏa thân không phải là điều gì quá to tát ở Ai Cập cổ đại
Nhiều người tin rằng hầu hết người Ai Cập cổ đại khi đi ra ngoài đều không hề bận quần áo. Hiện tượng này kéo dài cho đến khi họ khoảng 12 tuổi.
Theo đó, có lẽ họ chỉ khỏa thân cho đến trước tuổi trưởng thành. Bên cạnh đó, khi bước qua giai đoạn mới trong cuộc đời, các bé trai cũng được cắt bao quy đầu và cạo hết tóc.
29. Các hình thức tiêu khiển
Khái niệm trò chơi đã tồn tại từ thời Ai Cập cổ đại. Hai trò chơi phổ biến của các cư dân Ai Cập cổ đại là Senet và Mehen. Các nhà sử học vẫn chưa có nhiều thông tin về các trò chơi này ngoài việc Senet là một trò chơi có liên quan đến yếu tố ngẫu nhiên còn Mehen thì có một bảng trò chơi hình tròn.
30. Tuổi thọ trung bình của người Ai Cập cổ đại
Vào thời kỳ Ai Cập cổ đại, tuổi thọ trung bình của nam giới là 35 còn con số này với nữ giới là 30. Tuy nhiên, có hơn một phần ba dân số Ai cập không sống đến tuổi trưởng thành.
Dù Ai Cập cổ đại ẩn chứa nhiều điều đáng sợ và điên rồ, chúng ta không thể nào phủ nhận những thành tựu về kiến trúc và nghệ thuật cũng như các tiến bộ về văn hóa của nền văn minh này. Tuy hơn 5.000 năm đã trôi qua, những đóng góp ấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.
- 0
- 0Bình luận