10 chuyện thú vị xoay quanh \'hot chym Nam Cực\' - Cánh cụt Adélie
1. Tại sao chúng lại có tên Pháp như Adélie? Chả lẽ cánh cụt cũng sống ở Pháp?
Có Pháp, nhưng chỉ hơi liên quan thôi.
Loài chim này được này có tên đầy đủ là Pygoscelis adeliae, trong đó từ Pygoscelis có nghĩa "di chuyển bằng phần thân sau", nhưng câu chuyện đằng sau tên Adeliae lại là một câu chuyện lãng mạn hơn nhiều. Số là khi nhà thám hiểm Nam Cực người Pháp Jules Dumont d'Urville bắt gặp loài chim này, ông đã đặt tên chúng theo tên người vợ yêu dấu của mình là Adélie.
2. Cánh cụt hoàng đế hay những loài khác đều rất to lớn, thế những anh bạn này thì sao?
Loài Adélie thực chất là loài cánh cụt bé nhỏ nhất trong số các loài đang sống ở Nam Cực. Nhìn bé bé đáng yêu vậy thôi, Adélie lại là những loài thiện chiến nhất ở vùng đất băng giá này. Khi đối mặt với các đối thủ tự nhiên lớn hơn mình rất nhiều như hải cẩu hay hải âu lớn, chúng cũng sẵn sàng đấu tay đôi lại. Nếu những nhà nghiên cứu đã vô tình làm nó phật ý, thì... bép, một cái đạp vào mặt.
3. Đầu gấu vậy! Thế ai mà dám đến hang ổ của bọn này chứ?
Có chứ, các con chim cái.
Trong đàn, chim đực luôn là người xây tổ. Những chiếc tổ chim thường được xây dựng từ các viên đá nhỏ mà chúng nhặt được từ những vùng lân cận, rồi lăn đá về "tổ ấm bình yên" nói trên. Chim cái sẽ chọn cái tổ nào chắc chắn nhất, lớn nhất để ở. Nếu anh chàng chim nào thấy tổ mình hơi bé hơn, hay không đủ đá, anh ta sẽ ăn gian bằng cách ăn trộm đá từ tổ những con chim khác.
Có lẽ, cạnh tranh lành mạnh không có trong từ điển của chim Adélie.
4. Bỗng thấy tò mò về tủ lạnh của Adélie quá, không biết là nó có thích ăn cá giống mình không ta?
Thức ăn chủ yếu của chúng thường bao gồm những loài nhuyễn thể và cá nhỏ, nhưng nếu hỏi món khoái khẩu nhất thì chắc chắn đó là sứa, đặc biệt là những loài có phần bộ phận sinh dục có màu. Theo các nhà nghiên cứu, phần bộ phận này của loài sứa có chứa rất nhiều carbon và protein, thậm chí là nhiều hơn những loài sứa cùng loài.
5. Một loài chim "toàn diện" - Sáng diện, trưa diện, tối diện
Cả chim đực và chim cái đều có kích thước và những đặc điểm bên ngoài rất giống nhau, nên phân biệt giữa hai giới là không hề đơn giản. Nhìn chung, chúng đều "mặc suit", với phần lông đầu và thân đen, trắng ở bụng và ngực với vòng tròn trắng quanh mắt.
6. Dậy thì sớm = Trưởng thành sớm
Ngay khi vừa đủ 7- 9 tuần tuổi, chim cánh cụt con bắt đầu biết rời đàn để đi săn mồi một mình. Đa phần chim non sẽ không quay về đàn ban đầu của nó, cho đến khi chúng đủ tuổi để sản sinh lứa mới (3-5 tuổi).
7. Nhanh, nhanh nữa, nhanh mãi
Khác với dáng vẻ lạch bạch của mình trên cạn với tốc độ rùa bò 1,5 dặm/h (2.4 km/h), chim cánh cụt Adélie có thể đạt tốc độ là 2.5 - 5 dặm/h (4-8 km/h) khi ở dưới nước. Nếu đang đi kiếm ăn hay chạy trốn khỏi các mối đe dọa, chúng còn có thể bơi nhanh hơn nữa, tầm 9,3 dặm/h (15km/h), tương đương với tốc độ của loài hải báo hay cá voi sát thủ.
8. Hộ khẩu chính chủ ở Nam Cực
Có đến 18 loài cánh cụt trên thế giới, và đa phần chúng sống ở gần Nam Cực, hay những vùng đất ở phần bán cầu Nam. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất hai loài là thực sự sống trên lục địa này, đó là cánh cụt Hoàng đế và cánh cụt Adélie.
9. Huy chương vàng Olympic môn lặn sâu thuộc về...
Cánh cụt Adélie, với kết quả không phải bàn cãi. Khi kiếm ăn, những chú chim dễ thương này có thể lặn sâu tận 150m và nhịn thở trong hơn 6 phút. Thế nhưng, đây không phải là giới hạn cuối cùng của chúng. Kết quả kỉ lục đo được từng lên tới 180m, có nghĩa là còn sâu hơn cả tòa tháp Blackpool danh tiếng ở nước Anh nữa kia.
10. "Ông kẹ" của cánh cụt Adélie là ai?
Bên cạnh những hiểm nguy đến từ những thiên địch trong tự nhiên, biến đổi khí hậu cũng là một mối đe dọa lớn tới sự phát triển của loài này. Hiện tại, băng ở khu vực Nam Cực đang tan ra với tốc độ rất nhanh cùng với nạn nước biển dâng do tác động của hiệu ứng nhà kính. Trong tương lai gần, nếu người ta không có biện pháp khắc phục, chắc chắn cuộc sống của chúng sẽ gặp nguy.
Ngắm thêm một số hình nữa không các bạn?
- 0
- 0Bình luận