logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky6 năm trước
Lostbird

Bị gọi là \'béo\', ai mới là người thật sự tổn thương?

Tôi đang ở cổng an ninh của sân bay thì nghe thấy một giọng nói nhỏ nhẹ cất lên sau lưng mình. "Nhìn cô béo đó kìa mẹ ơi!"...

Nguồn ảnh: Verne Ho.

Tôi quay lại, bắt gặp ánh mắt trong veo của một đứa trẻ mới ba tuổi, và mỉm cười với bé. Khuôn mặt mẹ bé hết sức bối rối, cô ta nghiêm giọng nhắc: "Con không được gọi người khác như vậy."

"Không sao đâu," tôi bảo. Với cân nặng tầm 340 pounds (khoảng 154 kg), việc tôi cơ thể tôi ngoại cỡ là rõ ràng. "Em bé nói đúng. Tôi béo mà."

"Không đâu thưa cô. Nói vậy không hay chút nào."

"Có những người không thích bị gọi là béo, nhưng tôi thì thật sự không để tâm." Tôi nhìn bé gái. "Bé nói đúng rồi - Cô là cô béo đó," Tôi nói, rồi phồng má lên kèm theo nụ cười.

Cô bé con cũng nhoẻn cười, ngay trước khi mẹ bé lại cắt ngang lần nữa, giọng nói nghiêm khắc và đanh thép: "Đừng có bao giờ dùng từ đó nữa. Đấy là một từ không hay, mẹ không bao giờ muốn nghe con nhắc lại đâu nhé, con có hiểu mẹ nói gì không?"

Và bé gái bật khóc. Mẹ bé, vẫn khắt khe như vậy, quăng cho tôi một ánh nhìn không mấy thiện cảm. Cô ta giống như đang dùng sự thừa cân của tôi làm một con dao để dạy dỗ con mình vậy, và trong trường hợp này, tôi vô tình lại trở thành lưỡi dao, không chỉ là xúc tác mà còn trực tiếp gây thương tổn.

"Giờ thì xem cô vừa làm gì kìa."

Bản thân là một người béo,

...đó là chuyện hàng ngày trong cuộc sống của tôi: cố gắng thuyết phục những người có size cơ thể bình thường - những người không có thân hình ngoại cỡ - rằng tôi không tổn thương sâu sắc đến thế chỉ bởi vì từ béo.

Khi tôi tự nói rằng mình béo, tôi nhận được những lời an ủi dỗ ngọt gần như ngay lập tức như phản xạ, "Không có đâu yêu dấu à, cậu đâu có béo!" Khi những đứa trẻ chỉ đơn thuần là quan sát và thấy tôi béo, những vị phụ huynh có cơ thể gọn gàng của chúng cứng nhắc và gay gắt chấn chỉnh con họ, nhất mực cho rằng béo là một cách nói xúc phạm, gây tổn thương, và hãy coi như không thấy, không biết, không bàn luận khi bắt gặp những cơ thể béo. Những em nhỏ như vậy sẽ dần ăn sâu vào tiềm thức rằng dám nhắc đến "từ cấm" đó sẽ luôn là sự bối rối, ngượng ngùng sâu sắc, và đôi khi nó sẽ không khác gì lăng nhục người khác.

Tôi thường xuyên thử, và cũng gần như luôn thất bại y như nhau, mỗi lần gắng thuyết phục những người gầy rằng tôi không để bụng nếu họ dùng từ béo đâu; và tôi thấy thoải mái với nó hơn là khi những đứa trẻ sẽ cứ nói là béo thay vì cố gắng dùng từ đồng nghĩa và hoa mĩ một cách thiếu tự nhiên như cơ thể có những đường cong tròn mềm mại hay là mũm mĩm, và cũng đừng dùng những từ nghe hơi y khoa như phì hay phệ; bởi sự miễn cưỡng ấy khiến tôi cảm thấy mình lại trở thành "cái mài dao" một lần nữa.

Tôi béo, đúng thế, nhưng tôi cũng cao, tóc vàng, và 34 tuổi nữa. Đó đều là những thông tin cơ bản về cơ thể của tôi, và một yếu tố trong số đó không cái nào khiến tôi cảm thấy bị lăng mạ cả. Nhưng việc tôi nhìn cơ thể mình như thế nào có vẻ không là gì trong quan điểm của những người có cơ thể bình thường mà tôi gặp mỗi ngày. Họ có vẻ không chịu nổi suy nghĩ bình thường với tôi nhưng tréo ngoe với họ, rằng tôi tự gọi mình là béo, nên họ tự dưng phải đấu tranh giữa việc nhìn nhận đúng cơ thể của tôi và việc dùng từ nào cho "đúng" với thế giới quan của họ.

Khi tôi nói chuyện với những người "cùng cỡ", họ gần như đều cảm thấy tương tự với tôi. Tổn thương không đến từ việc gọi chúng tôi hay cơ thể chúng tôi là gì, nó đến từ việc những nguy hại có thể xảy đến với những người béo, có tạng người lớn thấy rõ như chúng tôi. Đó là việc bị bắt nạt trên phố, bị trêu ghẹo và quấy rối vì béo, sự phân biệt đối xử thường thấy trong các hoạt động y khoa, và sự im lặng hiện hữu mỗi ngày của những người gầy mỗi khi chúng tôi bị chèn ép, bắt nạt.

Nguồn ảnh: rawpixel.

Nhưng khi tôi bàn luận với những người gầy về từ béo, tôi thấy mình chẳng khác gì một nhà khảo cổ bất đắc dĩ, cố gắng đào xới lịch sử sâu xa như đã hóa thạch của nỗi sợ và sự tổn thương từ họ. Những người béo mà tôi quen thì chẳng ai nặng nề vì từ béo cả, bởi vì chúng tôi là như vậy — thế thì phủ nhận để làm gì? Nhưng những người khác, với vóc dáng gọn gàng, thì lại cảm thấy như bị đụng chạm, và không thể nào trung tính cũng như bình thường hóa một từ mà họ đã vốn cho là thô thiển, thiếu lịch sự.

Với những người có cơ thể cân đối nhưng dường như lại có sẹo tâm lí về ngoại hình, thì nỗi đau của việc bị gọi là béo nằm ở việc từ đó từng được sử dụng không đúng. Những kẻ như tôi mới là chủ ngữ của tính từ béo, còn họ, vì bị sử dụng sai từ, nên đã trở thành sự tổn thương.

Chúng ta hầu hết đều đã từng bị gọi là 'béo', khi này hoặc khi khác.

Đôi khi từ đó được buông ra với tâm ý xấu. Đôi khi là sự khinh miệt. Trong các trường hợp khác, nó được buông ra với giọng điệu đầy thương hại, tiếc rẻ. Nhưng dù bạn là ai, thì việc bị gọi là béo thường là một phần của cuộc sống — nhất là khi nếu bạn là phụ nữ.

Hầu hết trong các tình huống, những lời chê tôi béo không đến từ những người béo khác. Tôi từng bị gọi là con lợn béo bởi một nhân viên phục vụ, cô ta lẩm bẩm vu vơ như vậy ở một bữa tiệc đứng, dù lúc đó bữa ăn còn chưa bắt đầu. Tôi bị gọi là con bò mộng phốp pháp vãi l** bởi một gã đàn ông cơ bắp khi hắn liếc qua tôi từ cửa sổ xe hơi. Tôi bị gọi là con đi*m mập đ*t bởi vài gã đàn ông mà tôi từ chối tình cảm. Và tôi bị gọi là con béo bệnh bởi một người đàn bà trung niên khi bà ta hét vào mặt tôi giữa phố. Những giờ phút đó thường khiến tôi khi thì thấy nực cười, lúc thì lại thấy đau xót. Nhưng dù sao chăng nữa, chúng cũng qua cả rồi.

Những người gầy thường rất ngạc nhiên khi biết rằng đó không phải những trường hợp khiến tôi buồn phiền. Lúc tôi thấy tổn thương nhất là khi những người gầy cứ cố gắng nói giảm nói tránh khiên cưỡng nhưng đầy lộ liễu khi họ đụng chạm đến tôi. Một phụ tá y sĩ nói rằng Chúng tôi không thường có những bệnh nhân "khủng" như này đâu khi cô ta không thể tìm thấy máy kiểm tra huyết áp vừa với cỡ tay tôi. Và chẳng liên quan gì cả, một người lạ ở điểm dừng xe buýt đột nhiên lại nói với tôi rằng Cô gì ơi đừng lo, trên đời có nhiều đàn ông thích phụ nữ tròn trịa như cô lắm. Trong một phòng chờ, một người phụ nữ thì thầm với tôi, Mấy cô gái thừa cân thì không nên đeo thắt lưng nhỉ, trông kinh quá đi mất. Đó mới là những lời cảnh tỉnh về vị trí của tôi trên thế giới này: luôn béo một cách quá đà, luôn bị biệt đãi, luôn ở ngoài rìa. Và đương nhiên là, những "lời cảnh tỉnh" luôn đến từ những người đẩy tôi ra vị trí ấy.

Nguồn ảnh: Jennifer Burk.

Cho nên, đó chính là điều mà những người gầy lo sợ: họ không sợ một cơ thể thay đổi, mà họ yếu thế trước một người gầy khác, người gầy mà họ từng trở thành — người gầy đem những định kiến đặt lên những người béo khác, hoặc người gầy thờ ơ trước những định kiến để chúng đi quá xa. Nỗi sợ trở nên béo, như Michelle Alison từng đề cập, bản chất là nỗi sợ cái chết. Nhưng nỗi sợ trở nên béo cũng là nỗi sợ bị xếp vào một tầng lớp mà ở đó bạn đương nhiên bị gạt ra ngoài lề, bị coi thường, bị bỏ qua, tầng lớp khiến bạn cảm thấy thật may mắn khi mình không thuộc về.

Cuối cùng thì nỗi sợ trở nên béo đâu hẳn là nỗi sợ về thể xác. Nó là nỗi sợ của những người gầy đã rất lâu nay cứ mặc nhiên gán cho những người béo. Ở đó, nỗi sợ trở nên béo trở thành sợ trở thành phàm ăn tục uống, tham lam, lười nhác, không tham vọng, không ai mong muốn, và tệ nhất là, không được yêu thương. Béo đã được vũ khí hóa bởi những người có vóc dáng cân đối — những người mà đúng ra phải là kẻ ít chịu thương tổn nhất trong những tình huống này. Và sau cùng, người gầy sợ nhất việc bị đối xử theo cái cách mà họ thấy người béo bị người đời đối xử — hoặc theo chính cái cách họ đối xử với người béo thường ngày.

Nói như vậy, sự gầy cũng không chỉ là vấn đề về sức khỏe, sắc đẹp hay hạnh phúc: nó chính là kết cấu văn hóa của quyền lực và sự thống trị. Và ý niệm về việc bị gọi là béo gây tổn thương vô cùng sâu sắc bởi lẽ nó ám chỉ về một tương lai phản địa đàng (dystopian) mà ở đó người gầy sẽ đánh mất thế thượng đẳng của mình.

Người ta cho rằng "chiêu trò" lớn nhất của những người kì thị người thừa cân là sự khẳng định việc — mặc cho những yếu tố về sức khỏe, di truyền, môi trường, năng lực... — rằng gầy, và giảm cân thành gầy, là cả một thành tựu được ghi nhận bởi xã hội. Định kiến ấy áp đặt với cả những người gầy. Ngay với cả những người gầy nhưng tật nguyền hay có bệnh kinh niên. Ngay với cả những người gầy ăn gì ăn bao nhiêu cũng được nhưng không tăng một cân nào. Người ta thậm chí còn nói với những người đang đấu tranh với bệnh nặng như ung thư rằng, thôi ít nhất về mặt tích cực, thì cậu gầy đi được nhiều đó.

Tôi chưa bao giờ được biết đến cảm giác giống như sinh ra ở vạch đích đó, hay cả niềm tự hào đi kèm với nó. Hẳn mất đi điều ấy sẽ đau khổ lắm.

Tôi đã chia sẻ giả thiết đó cho những người bạn có vóc dáng cân đối của mình,

...những người mà khuôn mặt liền sa sầm khi nghe thấy điều đó. Một vài người khẳng định rằng họ chưa bao giờ đối xử tệ với người béo, mặc dù họ đã từng kì thị khi bụng tôi réo lên vì đói, hoặc cố gắng chia sẻ cho tôi vài tips giảm bớt chỗ cân thừa (mà họ chưa bao giờ phải đeo theo như tôi). Những người khác thừa nhận rằng, đúng, một số người gầy có hành xử không hay với người béo hơn, nhưng họ nhớ là họ không nằm trong số đó.

Nhưng việc không nhớ rằng mình từng bạc đãi người béo không đồng nghĩa với việc họ đối xử tốt với những người béo — đó chỉ giống như đang ngầm thừa nhận rằng những hành động gián tiếp đối xử tệ với người béo được bình thường hóa đến nỗi làm con người ta nghĩ rằng mình không làm gì sai.

Sau tất cả, thì việc nhắm mắt làm ngơ hoặc bình thường hóa với hành động gián tiếp bắt nạt người thừa cân bằng lời nói không được tính là ngoại lệ hoặc người ta coi nó là chuyện của thiểu số — nhưng nó giờ đã trở thành một thực trạng.

Kể cả lúc những người bạn thân nhất của tôi bàn luận về việc béo, họ cũng không thể nào bình thường hóa từ béo đó. Ngay cả khi chính tôi cũng dùng từ đó để nói về mình. Ngay cả khi chính tôi bảo họ cứ thoải mái nói ra, nhưng dù vậy cũng rất nhiều người trong số họ cảm thấy bất tiện.

Sau cùng, đó chính là một dạng của sự cô lập. Việc nhất quyết tránh từ béo phản tác dụng, vì nó không khác gì gián tiếp chê bai cơ thể tôi, giống như vô tình ám chỉ rằng nhắc đến thân thể này của tôi là một sự xúc phạm. Và việc ngăn tôi dùng từ béo cho chính mình cũng là một dạng cố gắng tách biệt phần người và phần con của một cá thể thống nhất như tôi. Nó chính là bản chất thống trị thể hiện trong hành động. Mày rõ ràng không được quan tâm quá đến thể xác thừa cân thảm hại của mày, và mày chắc chắn cũng không được phép gọi tên nó. Việc cố tránh từ béo duy trì quyền lực đồng thời cả nỗi đau mà nó gây ra, cho dù nó được dùng trong mục đích, hoàn cảnh nào, hoặc được phát ngôn bởi ai.

Việc béo không phải là một thứ vũ khí, một con dao, và tôi cũng không phải lưỡi dao của nó. Tôi không phải là lưỡi dao sắc ngọt của một tin nhắn chia tay mà ở đó người yêu cũ nói rằng họ không còn thấy bạn quyến rũ nữa. Tôi cũng không phải là cái nghiến răng đầy sắt đá từ lời nói của người mẹ khi bà nói Con cố lên mà giảm bớt vài kí đi chứ.

kristina tripkovic

Nguồn ảnh: Kristina Tripkovic.

Cơ thể tôi không phải là một mối nguy cho thế gian, cũng không phải là bóng ma đáng sợ vào đêm giáng sinh trong cơn ác mộng. Cơ thể tôi là của tôi, là một thứ gì đó còn hơn cả một lớp vỏ, hay một "bài học cảnh tỉnh" mà các bậc phụ huynh hay bất kì ai lôi ra để dọa dẫm, dạy dỗ người khác.

Hãy cứ để tôi gọi tên cơ thể mình. Hãy cứ dùng từ béo. Bạn cứ nói đi. Nói đi nói lại, nói đến mòn tai, nói đến khi nào nó không còn là một từ mang tính xúc phạm, và không khiến sâu bên trong bạn cảm thấy ung nhọt hay tổn thương. Và cứ nói đi, để bạn không còn làm tổn thương tôi nữa.

Cũng giống như bạn thôi, tôi chỉ đang cố gắng sống với một hình hài trên thế giới này. Xin hãy cứ để tôi tự nhiên là như vậy.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky6 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)