33 món kẹo đặc sản của từng quốc gia và hành trình chinh phục thế giới \'ngọt sâu răng\' (Phần 2)
Súper Hiper Ácido (Ecuador)
Hương vị mà Súper Hiper Ácido (S.H.A.) đem lại đúng như tên gọi của nó: cực kỳ, cực kỳ chua. Có lẽ với nhiều người không cuồng ăn đồ chua, nó chính là thứ chua nhất mà bạn từng đưa vào miệng. Công ty Confiteca của Ecuardo, cha đẻ của loại kẹo này đã tự phát triển một thang tính độ chua của riêng công ty và luôn theo sát trong từng khâu sản xuất để chắc chắn rằng, mọi viên kẹo ra lò đều phải chua ở độ 90/100. Dòng kẹo này cũng chiếm khoảng 42% sản lượng xuất khẩu của Confiteca và được tín đồ hảo chua ở Ả Rập Saudi, Bolivia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Panama và Israel yêu thích.
Motiv Zuckerl (Áo)
Nếu hình dung của bạn về những loại kẹo cứng là các viên kẹo tròn, nhỏ mà người ta phải ngậm cho đến khi tan hết ra thì sản phẩm của công ty Áo này đem đến lại là một trải nghiệm hoàn toàn khác: Đó là những viên đường kết tinh, được trải phẳng và mỏng như một lát kính, với hình ảnh của các loại trái cây khác nhau, hay logo của công ty.
Công ty được thành lập khi cặp vợ chồng người Áo Maria Scholz và Chris Mayer có chuyến tham quan tình cờ ở một nhà máy kẹo tại Thụy Điển. Từ đó họ dường như bị mê hoặc bởi nghệ thuật làm kẹo nơi đây. Khi trở về quê nhà, họ đã tìm đến những nghệ sĩ, người vẫn còn nắm giữ nghệ thuật làm kẹo thủ công của Áo từ trước kia. Vào năm 2013, cặp đôi này đã mở một cơ sở sản xuất ở Vienna, cho ra lò hàng loạt viên kẹo xinh đẹp thế này chỉ với kéo, spatula và đôi bàn tay thủ công.
Jelly Babies (Anh)
Theo truyền thuyết, một nhà sản xuất kẹo thế kỷ 19 đã quyết định tạo hình kẹo theo dáng của những em bé sơ sinh và sau đó gọi chúng là “lũ trẻ vô thừa nhận”, dễ khiến ta liên tưởng đến việc các bà mẹ để con của mình lại ở bậc thềm nhà thờ nhờ người khác nuôi dưỡng. Năm 1918, công ty Bassett’s ở Sheffield bán thứ kẹo dẻo này dưới tên gọi là Peace Babies, và năm 1953 đổi tên thành Jelly Babies. Thứ kẹo dẻo dai dai, với lớp bọc đường ở bên ngoài này đã nhanh chóng có trong tay đội ngũ fan hâm mộ nổi tiếng như thành viên ban nhạc The Beatles George Harrison hay nam diễn viên Tom Baker trong Dr Who.
Edinburgh Rock (Scotland)
Nhìn từ bên ngoài, kẹo Edinburgh Rock trông không khác gì một thanh phấn cả, ngoại trừ việc nó có nhiều màu sắc và ăn bở ở bên trong. Sản phẩm ra đời từ thế 19 và nay được sản xuất và phân phối duy nhất bởi công ty Ross’s Edinburg, đặt tại Scotland. Hương vị chính của kẹo bao gồm bạc hà, mâm xôi, cam, chanh và vani.
Super Twister (Pakistan)
CandyLand, một trong những nhà sản xuất kẹo lớn nhất của Pakistan (chiếm thị phần gần 50%) chính là nhà sản xuất và phân phối duy nhất của dòng kẹo trên. Super Twister là các thanh marshmallow, với nhiều dải kẹo màu sắc được xoắn vào nhau. Các gam màu pastel ngọt ngào như thể lấy từ đuôi của kỳ lân chính là cách mà công ty nhắm đến đối tượng khách hàng chính là trẻ em.
Ghana (Hàn Quốc)
Nhìn cái tên, hẳn ai cũng sẽ nghĩ các thanh chocolate ở hãng này đều được sản xuất ở Ghana, nhưng thực chất, quốc gia châu Phi trên bao bì chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp hạt cacao lớn nhất trên thế giới. Thanh chocolate này luôn gắn liền với những chiến dịch quảng cáo ấn tượng, như slogan “Kể cả người cô đơn cũng cảm thấy ngọt ngào khi ở cùng Ghana''. Nam thần, diễn viên Park Bo Gum chính là gương mặt thương hiệu mới nhất của Ghana.
Lacta (Hy Lạp)
Chocolate Lacta lần đầu ra mắt vào những năm 1960 dưới tên gọi Galacta, được đặt tên theo gala, có nghĩa là sữa trong tiếng Hy Lạp. Vào những năm 90, thương hiệu đã tập trung xây dựng slogan mới "Phần ngọt ngào nhất của cuộc đời bạn”, để nhắm đến toàn bộ thị trường, chứ không chỉ riêng trẻ em. Hiện nay Lacta là một trong những thương hiệu chocolate sữa bán chạy nhất cả nước và là món quà không thể thiếu của các cặp đôi trong ngày lễ tình nhân.
Pineapple Chunks (New Zealand)
Hành trình của Pineapple Chunk bắt đầu vào năm 1953 khi Charles Richard Diver, một thợ làm bánh kẹo ở Oamaru, New Zealand vật lộn tìm cách giải quyết với đống marshmallow hương dứa thừa từ một sản phẩm khác. Anh quyết định phủ lên những viên kẹo lớp chocolate ngọt, rồi đặt tên cho sản phẩm là Pineapple Chunks. Trong những năm qua, nó đã trở thành thứ đồ ngọt phổ biến ở khắp nơi trên New Zealand. Tuy nhiên, người dân quốc gia này sẽ rất bực bội khi người ta nhầm nó với một sản phẩm đến từ Australia, như khi một chương trình TV nói rằng Pineapple Chunk là một phần của hộp quà Australia gửi đến ban nhạc One Direction.
Pelon Pelo Rico (Mexico)
Ở các nước châu Mỹ-Latinh, rất nhiều hãng kẹo cố gắng đưa chút vị chua ngọt của me vào sản phẩm theo các cách độc lạ nhất. Ví dụ như Pelon Pelo Rico lại cho me vào một hộp nhựa xanh, và khi ăn, người dùng phải bóp hộp nhựa để phần kẹo “mọc lên”, như cách mà tóc mọc trên đỉnh đầu của bạn vậy. Pelon Pelo Rico xuất hiện lần đầu vào năm 1985 và bán ra hàng trăm triệu “hộp” kẹo như vậy mỗi năm ở Mexico. Có rất nhiều hương vị cho bạn lựa chọn, nhưng đa phần người ta đều thích “cay nóng”.
Allsorts (Nam Phi)
Dù không hoàn toàn xuất thân ở Nam Phi (được phát minh bởi một công ty Anh có tên là Bassett’s), nhưng các viên kẹo cam thảo của hãng Beacon lại là vua ở đây. Allsorts được quảng cáo là “một món đồ ăn mà bạn có thể chơi cùng”, khi người ta có thể xếp chồng các viên kẹo lên nhau, nhai nhai và kéo dãn chúng ra. Ngày trước, Allsorts chỉ có mỗi vị cam thảo, nhưng hiện nay, các nhà sản xuất đã thêm vào nhiều vị khác, khiến không chỉ trẻ em mà nhiều khách hàng ở các độ tuổi khác cũng yêu thích những viên kẹo xinh đẹp này.
Sublime (Peru)
Năm nay, các thanh kẹo chocolate sữa có lạc bên trong này sẽ bước sang tuổi 90. Trong nhiều thập kỷ, Sublime chính là “Độc Cô Cầu Bại” ở thị trường sô cô la Peru, và doanh số luôn ở mức 148 triệu thanh kẹo mỗi năm. Năm 2018, nhà sản xuất nổi tiếng Nestlé cũng đem đến chút thay đổi cho chúng với mẫu đóng gói mới và thông điệp ngộ nghĩnh: ''Hãy cười lên'' trên các lớp giấy kẹo. Một chiến dịch quảng cáo lớn cũng được phát đi khắp nơi, từ TV, báo đài hay cả các biển màn hình LED cực đại, đâu đâu bạn cũng sẽ chỉ thấy hình ảnh của những thanh kẹo này thôi.
Ptasie Mleczko (Ba Lan)
Trong tiếng Ba Lan, tên của sản phẩm được hiểu là "sữa của chim", cho dù không có chút sữa chim nào trong này cả. Đó là các thanh kẹo có nhân sữa vanilla đánh bông lên, với lớp phủ bên ngoài là chocolate. Kẹo được lấy cảm hứng từ chuyến đi Pháp của thợ làm kẹo người Ba Lan Jan Wedel, nơi ông phát hiện ra kẹo dẻo. Sau đó, Wedel bắt đầu sản xuất và thử nghiệm sản phẩm này ngay tại tại nhà máy gia đình vào năm 1936. Sau nhiều biến cố lịch sử, hãng kẹo này hiện thuộc sở hữu của một tập đoàn Hàn Quốc, với những hương vị và phiên bản cho mỗi kỳ nghỉ khác nhau. Ví dụ như là vào mùa thu, vị kẹo được bày bán là cafe latte và bơ đậu phộng.
Amazon Pops (Zambia)
Cha đẻ của Amazon Pops, Trade Kings thực chất lại không hề có liên quan gì đến ngành bánh kẹo. Đó là một công ty Zambia chuyên sản xuất các sản phẩm tẩy rửa và nhập khẩu kẹo từ nước ngoài. Nhưng khi đối tác nước ngoài phá sản, công ty đã tự sản xuất loại kẹo riêng cho mình. Bây giờ, Amazon Pops đã trở thành một sản phẩm thương hiệu của hãng, và công ty cũng sản xuất hàng tấn kẹo mỗi năm. Sản phẩm rất được ưa chuộng ở những nước Tanzania và Nam Phi, nơi đang đặt nhà máy sản xuất lớn nhất của công ty. Các hương vị phổ biến bao gồm cherry đen, dâu và chanh đào.
Caprice (Algeria)
Nhà máy kẹo Société des Produits de Sucre Caprice, có trụ sở tại Algiers, đã sản xuất những viên kẹo mềm, nhỏ này từ năm 1965. Ngày nay chúng được phân phối ở một số nước trong khu vực Maghreb (Bắc Phi) và ở các vùng thuộc châu Âu. Mặc dù công ty cũng sản xuất các sản phẩm khác như kẹo mềm trái cây, kẹo bơ cứng, cà phê và bạc hà - và kẹo cao su nhiều mùi, loại kẹo caramel biểu tượng trong lớp giấy bọc vàng vẫn là món yêu thích của người dân Algeria.
Les Anis de Flavigny (Pháp)
Khác với vẻ ngoài đơn giản của mình, những viên kẹo hương hoa hồi này lại có lịch sử rất lâu đời. Nó bắt đầu khi nhà độc tài Ceasar giành chiến thắng trước những người Gaul và giới thiệu hoa hồi đến người La Mã. Nhiều thế kỷ sau, các tu sĩ ở Flavigny bắt đầu làm kẹo với phần hạt hoa hồi bên trong, khiến nó được đông đảo dân chúng và quý tộc yêu thích, bao gồm cả vua Louis IX.
Ngày nay, quá trình sản xuất về cơ bản là không thay đổi, khi các nhà sản xuất vẫn sẽ đặt khoảng 1,2 mgr hạt hồi vào giữa khuôn, đổ bên ngoài là syrup đường đến khi cho ra lò các viên kẹo nặng 1gr, đều chằn chặn. Chúng được sản xuất bởi gia đình Troubat từ năm 1923, và bạn có thể đến thăm nhà máy kể trên, nằm trong khuôn viên một tu viện ở Pháp.
Shokolad Para (Israel)
Shokolad Para với ý nghĩa “chocolate bò”, được ra mắt lần đầu vào năm 1933 với tên gọi Shamnunit nhưng đã đổi tên sau đó do hình ảnh con bò trên vỏ giấy bọc kẹo. Ban đầu hãng chỉ làm chocolate sữa, nhưng nay các sản phẩm còn bao gồm cả kẹo cứng, bỏng gạo hay kẹo nổ. Trong một lần tham dự chương trình The Tonight Show, "Wonder Woman" Gal Gadot đã mang đến cho người dẫn chương trình Jimmy Fallon phiên bản kẹo nổ của món này. Khỏi phải nói, toàn bộ trường quay đã nổ tung.
- 0
- 0Bình luận