Thiên Thần và Ác Quỷ (Kỳ 1): \'Thiên thần sa ngã\' Lucifer có thực sự xấu xa như chúng ta vẫn nghĩ?
''Thiên thần - ác quỷ'' vẫn luôn là một chủ đề hấp dẫn, mang màu sắc tâm linh, tín ngưỡng làm say mê bao thế hệ dù là người theo đạo hay người vô thần. Trong bài viết này, dựa trên những chi tiết được tham khảo từ Kinh Thánh (bản NWT, NRSV và KJV*) nói chung và Sách Khải Huyền nói riêng cùng một số tài liệu khác, Lost Bird muốn mang đến một góc nhìn mới lạ, thú vị về nhân vật Lucifer - thiên thần sa ngã.
Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của người viết, có thể sẽ không đồng nhất nhưng không mang ý phủ nhận, phản đối đức tin của bạn đọc.
Trước hết, vì sao sự ''phản Chúa'' của Lucifer lại dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến phát sinh mọi tội lỗi cho nhân loại? Lucifer là ai và có quyền lực gì khủng khiếp cũng như sức ảnh hưởng đến vậy?
Lucifer là ai?
Trước hết, Lucifer là một trong số những ''thiên thần'' (Angels) hay chính xác hơn là những ''tạo vật của thiên đường'' (Celestial Beings). Họ là những tạo vật đầu tiên được Thiên Chúa tạo ra để phụng sự cho loài người. Vậy thì cấp bậc của Lucifer trong số những thiên thần như thế nào?
Trước nhất cần biết rằng, Lucifer là thiên thần đầu tiên được Chúa tạo ra từ ngọn lửa, đồng nhất với Sao Kim (the morning star - còn gọi là sao Mai, ngôi sao sáng nhất và có thể nhìn thấy rõ cả khi Mặt Trời chưa lặn). Tương tự, Lucifer có nghĩa là ''người mang ánh sáng'' (the light bringer).
Vốn là người gần nhất với Chúa, Lucifer được xem là sở hữu năng lực thao túng, biến đổi vật chất theo ý muốn cũng như năng lực hồi phục, chữa lành. Điều duy nhất Lucifer không thể làm được là tạo ra sự vật bằng ý nghĩ như Chúa mà thôi.
Theo hệ thống phân cấp của thiên thần (Hierarchy of angels) được viết trong sách De Coelesti Hierarchia của nhà nghiên cứu thần học Pseudo-Dionysius thì thiên thần được phân làm 3 bậc như sau, từ gần nhất đến xa nhất đối với ngai vàng của Chúa:
1st Sphere: Seraphim, Cherubim, Throne
2nd Sphere: Dominions, Virtues, Powers
3rd Sphere: Principalities, Archangels, Angels
Trong đó, Lucifer thuộc về cấp bậc Seraphim - tức thiên thần tối cao, gần nhất và là cố vấn của Chúa (trong khi đó những thiên thần mà các bạn hay nghe tên như Michael, Gabriel, Raphael vốn là những tổng lãnh thiên thần - Archangels vốn chỉ thuộc bậc thứ 3, thực ra xét về cấp bậc họ rất nhỏ nhoi so với một nhân vật như Lucifer).
Seraphim là những thiên thần có 6 cánh, họ đứng cạnh Chúa, bên ngai vàng của Người, trong số đó cao nhất vẫn là Lucifer. Theo hầu hết các thuyết, không có thuyết nào chỉ ra Lucifer ở dưới cấp Archangels (tức luôn bằng hoặc hơn chứ không thua Michael). Cụ thể về các cấp bậc này, có thể Lost Bird sẽ chia sẻ chi tiết hơn trong một bài khác.
Vậy với quyền năng gần như tối thượng như vậy, vì sao Lucifer lại phản Chúa?
Sự khai sinh ra loài người và ''Chiến tranh thiên đường''
Mọi chuyện vẫn tốt đẹp cho đến khi Chúa tạo ra con người, trở thành tạo vật được Người yêu quý nhất. Theo sách Sáng Thế (The Genesis), Chúa tạo ra trời đất và muôn loài trong 6 ngày, đến ngày thứ 7, Chúa lấy bùn đất tạo thành con người, ban cho con người hình hài giống Chúa.
Lúc này, Adam và Eva, 2 con người đầu tiên được Chúa cho ở trong vườn Eden - sống đầy đủ sung túc, không đau khổ, không tội lỗi và không có suy nghĩ đen tối. Họ được Chúa ban cho quyền được gọi tên mọi loài vật, và là sinh vật ở đỉnh chóp của thế giới. Lưu ý, ở thời điểm này, Adam và Eva không có khái niệm quan hệ tình dục, họ trong trắng và vô tư hồn nhiên, không cảm thấy ngượng ngùng dù cả hai đều khỏa thân.
Bởi vì là những sinh vật hoàn hảo, Chúa ngày càng tâm đắc và sủng ái loài người. Đến đỉnh điểm, Chúa ra lệnh cho tất cả sinh vật khác bao gồm các thiên thần phải cúi mình trước nhân loại.
Theo kinh Koran, nổi giận vì đố kỵ và cảm thấy bị xúc phạm, Lucifer tự hỏi vì sao Chúa có thể đặt những kẻ được làm từ bụi đất như con người trên cơ những thiên thần bất tử, quyền năng?
Bất đồng quan điểm với Chúa, Lucifer khởi nghĩa cùng 133.306.668 thiên thần khác (1/3 tổng số thiên thần) nhằm lật đổ Chúa, dẫn đến cuộc nội chiến trên thiên đường.
Trước tình thế đó, Chúa liền ban sức mạnh cho tổng lãnh thiên thần Michael gươm và áo giáp, cùng cây giáo Longinus để chiến đấu với Lucifer và những thiên thần phản nghịch. Lucifer cùng những Seraphim khác như Abaddon, Asmodeus, Leviathan, Astaroth dù mạnh hơn nhưng do chênh lệch số lượng và không thể chống lại sức mạnh của Michael được Chúa ban cho, nên thất bại và bị đày xuống địa ngục.
Bản thân Lucifer biến thành một con rồng dữ tợn nhưng vẫn thua trong trận chiến tay đôi với Michael. Theo sách Isaiah, Chúa Jesus nói rằng ông thấy Lucifer dưới hình dạng một con rồng bị đánh rơi xuống đất như một tia chớp.
Như vậy, sau chiến tranh thiên đường chúng ta có thể xác định Ác Quỷ trong Thiên Chúa Giáo vốn cũng là những thiên thần. Ví dụ như Valak trong phim Ác Quỷ Ma Sơ cũng vốn là một thiên thần bị thua trận và bị đày xuống địa ngục. Sự kiện trên cũng lý giải vì sao các ác quỷ luôn cố gắng trả thù Thiên Chúa bằng cách cám dỗ con người, khiến họ làm điều xấu để chứng minh Chúa đã sai.
Riêng về phần Lucifer, sau khi bị đày và trở thành chúa quỷ, ông đã trở lại dưới hình dạng con rắn để dụ dỗ Adam và Eva làm trái lời Chúa và ăn Trái Cấm (Trái trí tuệ của cái tốt và cái xấu), dẫn đến việc đôi vợ chồng này bị đuổi khỏi vườn địa đàng.
Tuy nhiên, nhờ việc ăn trái cấm mà Adam và Eva đã nhận thức được bản thân mình, biết thế nào thực sự là vui buồn, sướng khổ, họ đã biết thế nào là dục vọng và quan hệ xác thịt. Ngược lại, họ bị Chúa nguyền cho phải chịu đau đớn của việc sinh nở, phải làm lụng cật lực mới có cái ăn và cả nhân loại về sau cũng thế.
Vậy những việc do Lucifer làm xuất phát từ đâu và nó có sai hay không?
Lucifer đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của bản thân và đồng loại, để chống lại sự thiên vị
Chúng ta có thể thấy rõ ở đây hành vi nổi loạn của Lucifer được bắt nguồn từ lòng tự cao tự đại chống lại người đã tạo ra mình, tuy nhiên, nó cũng là hành vi vì lòng tự trọng và quyền lợi của chính giống loài mình - thiên thần.
Trong khi các thiên thần từ khi được tạo ra đã dày công phụng sự, giúp đỡ Chúa trong việc kiến tạo ra thế giới và muôn loài, loài người chỉ mới được sinh ra không lâu nhưng lại hưởng mọi thành quả. Trên hết, loài người được Chúa yêu thương nhất bởi vì Chúa đã tạo hình ra họ dựa trên hình dạng của chính ông.
Có thể thấy, việc Lucifer - người đứng thứ 2 sau Chúa và có tiếng nói nhất trong các thiên thần trở nên giận dữ là một điều hiển nhiên, vì khi loài người được sinh ra, ông vô cớ trở thành một đứa con bị thất sủng.
Mặc dù đã phải đảm đương những công việc nặng nhọc nhưng tất cả công trình của Chúa lại được giao cho con người thừa kế chứ không phải thiên thần như Lucifer.
Lucifer muốn mang lại tri thức cho con người trong khi Adam và Eva sống một cách vô thức như vật cưng của Chúa
Một số ý kiến cho rằng, việc Chúa tạo ra con người mang hình dạng giống như ông, cho họ sống trong vườn địa đàng chỉ biết ăn uống, vui cười chơi đùa ngày này qua tháng nọ là một biểu hiện của ''Narcissist" - tức sự yêu bản thân mình thái quá, tính ái kỷ. Thực ra, Chúa chỉ yêu chính bản thân mình và muốn ngắm nhìn hình ảnh của chính mình thông qua Adam và Eva.
Trong khi Chúa Trời muốn con người phục tùng vô điều kiện và chỉ được biết những gì mà ông muốn họ biết thì ngược lại, Lucifer lại muốn con người có kiến thức và khả năng tự nhận thức, tự quyết định số phận của chính mình.
Adam và Eva sống như những cỗ máy, họ chỉ biết những gì Chúa nói với họ, ngoài ra họ không nhận thức được hoàn toàn thế giới xung quanh.
Việc Lucifer dụ dỗ họ ăn trái cấm quả thật mang lại sự tự do thực sự cho nhân loại về thể xác và tinh thần. Nếu Lucifer không làm thế thì Adam và Eva sẽ không biết đến tình dục, cũng sẽ không có con và họ sẽ mãi mãi là hai con người đầu tiên, duy nhất cũng như cuối cùng trong khu vườn của Chúa.
Ban đầu Adam đã không ăn Trái Cấm, nhưng Eva quá tò mò trước lời nói của con rắn nên đã hái Trái Cấm để ăn và đưa cho Adam, lúc này anh chàng lại không từ chối.
Sự kiện này chứng tỏ sự tò mò và ham muốn tìm hiểu là bản tính tự nhiên của con người. Người đàn bà như Eva thường dễ bị cám dỗ bởi những thứ mới lạ và vật chất, còn đàn ông như Adam lại dễ bị cám dỗ bởi đàn bà. Những chi tiết này đều có ý nghĩa liên hệ thực tế một cách có ý đồ.
Chúa Trời sát hại con người nhiều hơn Lucifer
Trong kinh thánh, Lucifer luôn bị gọi là kẻ xấu, là ác quỷ, đồng nhất với Satan. Lucifer phải chịu mọi tiếng xấu và trở thành nguồn cơn cho mọi tội lỗi của nhân loại. Tuy nhiên, kinh thánh cũng không hề dẫn chứng rõ ràng việc Lucifer gây ra đại nạn giết hại hàng loạt người vô tội, hay sai khiến người ta giết hại lẫn nhau.
Ngược lại, Chúa Trời đã làm tất cả những điều đó. Theo thống kê trong Thánh Kinh, Chúa Trời cùng các thiên thần và tín đồ của ông đã giết tổng cộng 2.821.364 người, tất cả được thống kê chi tiết trong tác phẩm nổi tiếng Drunk With Blood: God's killings in the Bible của tác giả Steve Wells (học giả, nhà diễn thuyết, nhà tâm lý học và nghiên cứu tôn giáo nổi tiếng người Mỹ).
Nếu tính thêm cả trận đại hồng thủy mà Chúa gây ra trong sự kiện ''Chiếc thuyền của Noah'' thì số sinh linh bị Chúa Trời tiêu diệt lên đến 24.994.828 người.
Đa phần những người bị Chúa tiêu diệt là vì họ không có đức tin vào Người. Đơn cử, vì bảo vệ con chiên Israel trung thành với mình, thay vì chỉ trừng phạt cá nhân vị Pharaoh bất kính, Chúa đã tạo ra 10 đại họa giáng xuống đầu dân Ai Cập vô tội bao gồm:
1. Sông Nile biến thành màu đỏ như máu, bốc mùi xú uế, cá tôm chết hàng loạt.
2. Ếch nhái từ dưới sông tràn lên bờ.
3. Muỗi bay đầy trời đốt người.
4. Ruồi nhặng hoành hành.
5. Các loài trâu bò, gia súc chết hàng loạt.
6. Người Ai Cập bị lở loét thịt da.
7. Bão tố, mưa đá giáng xuống đầu người Ai Cập.
8. Dịch châu chấu phá hoại mùa màng.
9. Mặt trời bị che khuất, bầu trời tối đen suốt nhiều ngày liền.
10. Con đầu lòng của người Ai Cập chết hết.
Chúa Trời không công bằng, không khách quan khi đối xử với các tạo vật của mình
Lại nhắc đến Adam và Eva, sau khi bị Chúa đuổi khỏi Vườn Địa Đàng, họ làm lụng, chăn nuôi trồng trọt và sinh con đẻ cái. Hai người con đầu tiên của họ là Cain và Abel. Cain làm nghề canh tác, trồng trọt, còn Abel thì chăn nuôi gia súc.
Theo sách Sáng Thế của Kinh Thánh tiếng Hebrew, khi Cain và Abel dâng những thứ mà mình làm ra cho Chúa thì người tỏ ra thích thú và chấp nhận món quà của Abel. Điều này dẫn đến sự đố kỵ, bất bình nơi Cain. Khi xung đột lên đến đỉnh điểm, Cain - một người nông dân chất phác đã trở nên lạnh lùng giết Abel em mình không gớm tay. Theo Thiên Chúa giáo thì đây là vụ mưu sát đầu tiên được ghi nhận.
Qua sự kiện này, từ cách mà Chúa đối xử với Abel và Cain không phải cũng rất giống với cách mà ông đã đối xử thiên lệch, không công bằng giữa thiên thần và con người, dẫn đến sự kiện Lucifer bất bình tạo phản gây ra chiến tranh thiên đường hay sao?
Những giả thuyết khác
Một số niềm tin cho rằng hình tượng Lucifer phản Chúa chỉ đơn thuần là đại diện cho hai mặt đối lập lẫn nhau, cùng nhau vận động, tồn tại và tạo ra sự cân bằng cho sự sống (tương tự như ngày - đêm, nóng - lạnh, sáng - tối, tốt - xấu, âm - dương).
Nếu Chúa là đấng tối cao tượng trưng cho cái tốt thì Lucifer là đối trọng tượng trưng cho cái xấu, phản ánh những mặt đối lập trong mỗi con người hoặc của hai hệ tư tưởng trái ngược. Con người vốn không ai hoàn hảo, có tốt và có xấu cũng như mọi thứ trên thế gian vậy.
Trong Series truyền hình Lucifer của đài Fox dựa trên bộ truyện tranh cùng tên của hãng DC Vertigo, nhân vật chúa quỷ được tái hiện bởi tài tử Tom Ellis một cách hài hước, dí dỏm. Theo hướng mà bộ phim này khai thác, Lucifer chẳng những vẫn còn yêu thương Chúa - cha mình, mà còn chấp nhận trở thành đại diện cho cái xấu để giúp thế giới cân bằng. Anh ta buộc phải nhận trách nhiệm lớn lao ''trở thành kẻ xấu'' vì không ai có đủ năng lực để làm điều đó.
Sau nhiều năm phải cai quản địa ngục tối tăm, buồn tẻ, Lucifer quyết định ''nghỉ việc'', lên trần gian làm chủ một hộp đêm có tên là ''Lux'' để giải khuây. Biết được tin này Chúa Trời hoảng hốt liền sai thiên thần Amenadiel xuống ''năn nỉ'' Lucifer trở về canh giữ địa ngục trước khi mọi thứ mất cân bằng và trở nên lộn xộn, khi lũ quỷ dữ bắt đầu thoát ra do không có ai kềm chế.
Bộ phim truyền tải một thông điệp khiến chúng ta suy ngẫm:
''Cái tốt và cái xấu luôn song hành và quan trọng như nhau. Nếu không có một kẻ xấu để người đời đổ lỗi, phỉ báng và sợ hãi thì ai sẽ tìm đến Chúa để tôn sùng và xin được sám hối, được cứu rỗi?''
(*) Chú thích:
NWT: New World Translation Bible - bản Kinh Thánh xuất bản năm 1961 ở Anh
NRSV : New Revised Standard Version - bản Kinh Thánh xuất bản năm 1989 ở Mỹ
KJV: King James Version - bản Kinh Thánh được phát hành chính thức bởi hoàng gia Anh năm 1611
- 0
- 0Bình luận