Đám cưới của người Chăm theo đạo Hồi tại An Giang có gì lạ?
Cộng đồng dân tộc Chăm ở An Giang hiện nay có khoảng 14.000 người, sống tập trung ở 9 xóm thuộc các huyện Châu Phú, An Phú và thị xã Tân Châu. Trải qua hành trình lịch sử và những năm tháng biến cố, cộng đồng dân tộc này đã dần dần sống gắn bó và hòa nhập với các dân tộc khác. Tuy nhiên cũng như các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, họ vẫn giữ gìn truyền thống và văn hóa đặc sắc riêng của mình. Một trong số đó là nghi thức cưới hỏi đặc biệt.
Nhiếp ảnh gia Roset Mohamed cũng là một người con dân tộc Chăm ở An Giang, anh thường ghi lại nghi thức lễ cưới của người Chăm theo đạo Hồi. Khi chia sẻ album ảnh cưới mà mình chụp được cũng như những thông tin hay ho về văn hóa, truyền thống của quê hương, Roset nhận được không ít tương tác và chia sẻ từ phía cộng đồng mạng.
Người Chăm vốn duy trì chế độ mẫu hệ theo chiều dài của lịch sử, nên nhà gái thường chủ động trong việc cưới gả, trai đi theo vợ, gái đi hỏi chồng.
Trong ngày cưới, người Chăm cũng trang hoàng nhà cửa rất đẹp với những màu sắc sặc sỡ. Cô dâu mặc váy dài hơn gối, không xẻ hông và sẽ trùm khăn trắng. Trâm cài tóc, vòng vàng, trang sức đều được chuẩn bị đầy đủ. Về phía chủ rể, ngoài bộ trang phục truyền thống, các chàng trai sẽ được diện áo vest đen.
Đám cưới của người Chăm theo đạo Hồi được tổ chức 2 ngày 1 đêm với 3 buổi tiệc chính:
Buổi 1: Takhok Khage - lễ "lên ghế"
Nhà trai và nhà gái sẽ tự tổ chức buổi lễ này để cầu nguyện với Thượng đế Allah cho cô dâu và chú rể bình an, hạnh phúc. Sau nghi thức cầu bình an này, nhà trai và nhà gái sẽ có phần chiêu đãi ăn uống cho khách mời, họ hàng, bạn bè đến tham dự. Món ăn không thể thiếu trong buổi lễ chính cà-ri, đa số là nấu cùng thịt bò nhưng đôi khi cũng có món cà-ri rau củ, cà-ri cá, cà-ri gà...
Buổi 2: Lễ Malâm Anưk Thàgà - đêm con gái
Theo truyền thống, đêm này được gọi là đêm con gái vì bạn bè của cô dâu sẽ đến nhà gái để chia vui và cầu chúc cho đôi trẻ mọi điều tốt lành. Đêm hôm đó, cô dâu sẽ ăn mặc thật đẹp để chiêu đãi tiệc trà bánh, trò chuyện cùng bạn bè, hàng xóm.
Bên cạnh đó cũng có các tiết mục văn nghệ góp vui. Trong đám cưới của người Chăm theo đạo Hồi sẽ không có bia rượu vì giáo luật Hồi giáo cấm những chất gây hại cho sức khỏe. Bởi vậy, buổi tiệc sẽ có bánh ngọt, trà hay nước suối thanh đạm.
Buổi 3: Lễ Penan Tin - lễ đưa rể
Ngày thứ 2 là ngày diễn ra buổi lễ quan trọng nhất có tên là lễ đưa rể. Như đã nói ở trên, người Chăm vẫn theo chế độ mẫu hệ vì vậy thay vì rước dâu như dân tộc Kinh thì họ có lễ đưa rể rất đặc biệt.
Các vị chức sắc, giáo cả, giáo sư, bạn bè và gia đình chú rể sẽ cầm một chiếc khăn tay dẫn chú rể về nhà vợ. Phía sau là đoàn người cầm lọng, ô vừa đi vừa thổi kèn, đánh trống, ca hát vang trời đến tận cổng nhà cô dâu.
Khi đã đến cổng nhà, họ trải khăn trắng để chú rể và nhà trai đi vào nhà gái. Cô dâu, chú rể sẽ ngồi cạnh nhau trước sự chứng kiến của 2 bên gia đình và tiến hành các nghi thức cưới xin. Sau khi đọc đoạn kinh Koran, bố cô dâu sẽ đứng dậy, tiến đến bắt tay với con rể trước sự làm chứng của mọi người.
Sau nghi lễ "bắt tay giao con", người có uy tín nhất lễ cưới sẽ dắt chú rể vào phòng cô dâu. Chú rể cũng sẽ phải lấy cây trâm cài trên tóc cô dâu xuống ngụ ý chứng tỏ "hoa này đã có chủ".
Những phong tục độc đáo trên hoàn toàn khác biệt với lễ cưới của người Kinh. Chính vì vậy màu sắc đám cưới cũng hoàn toàn khác. Nhờ có nhiếp ảnh gia Roset Mohamed mà chúng ta có cơ hội được nhìn thấy nét đẹp dung dị pha lẫn rực rỡ sắc màu của những người Chăm theo đạo Hồi sinh sống ở Nam Bộ.
- 0
- 0Bình luận