Góc tối ít người biết của đại văn hào Mark Twain: 70 tuổi vẫn bị ám ảnh và thích \'sưu tầm\' các bé gái
Vào năm 1905, Mark Twain bắt đầu hành trình thu thập một loạt các cô gái ở tuổi vị thành niên và gọi họ là "những nàng cá thiên thần". Lúc bấy giờ, ông đã gần 70 tuổi.
Nhà văn người Hoa Kỳ dùng lý do mình mong mỏi có một đứa cháu để biện hộ cho hành vi này. Các con gái của ông đều đã trưởng thành trong khi đứa con mà ông yêu thương nhất là Susy thì đã qua đời. Vì vậy mà ông cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, tại sao sự quan tâm của nhà văn chỉ tập trung vào những thiếu nữ?! Tác giả của một trong những tác phẩm phổ biến nhất dành cho thanh thiếu niên có vẻ đã có ấn tượng không mấy tốt đẹp về năng lượng táo bạo và có phần xấc xược của các cậu con trai.
Mark Twain rõ ràng có nhiều lý do hơn là một người đàn ông 73 tuổi khao khát cháu hay hồi tưởng về tuổi thơ của con gái khi viết:
"Đối với tôi mà nói, tôi thu thập thú cưng: các thiếu nữ - những cô gái từ 10 đến 16 tuổi; những cô bé xinh đẹp và ngọt ngào, ngây thơ và thành thật - những sinh vật bé nhỏ thân yêu sống một cuộc đời vui vẻ trọn vẹn, không tổn thương, không đau khổ và chưa rơi nhiều nước mắt.”
Họ ngây thơ nhưng có vẻ không hề thành thật như đại văn hào người Hoa Kỳ suy nghĩ. Đó là cách mà mọi thứ bắt đầu với thiếu nữ 15 tuổi Gertrude Natkin. Cô gái trẻ bắt gặp nhà văn đang rời khỏi một buổi biểu diễn ban ngày của quý bà Johanna Gadski.
Ngay cả khi không diện màu trắng từ đầu đến chân như ngày hôm đó, Mark Twain đã không hề khó để nhận ra. Nhà văn rõ ràng cũng chú ý đến Gertrude Natkin. Nhận thấy cô bé muốn trò chuyện với mình, ông tiến đến giới thiệu bản thân và bắt tay cô.
Ngày hôm sau, Gertrude Natkin gửi một bức thư cảm ơn đến nhà văn Hoa Kỳ: “Cháu rất vui vì bây giờ mình có thể trò chuyện với ông […] vì cháu nghĩ mình hiểu nhau”. Cô gái trẻ kết thúc lời nhắn bằng cách mô tả bản thân là một “đứa trẻ ngoan ngoãn”.
Mark Twain đáp lại ngay lập tức và tự gọi mình là “kẻ quy phục mới nhất và già nhất” của Gertrude. Những bức thư của họ tràn đầy những câu tán tỉnh tinh nghịch. Nhà văn gọi cô gái trẻ là "cô phù thủy nhỏ bé" của ông còn cô nàng gọi Mark Twain là "ông yêu quý".
Mark Twain gửi cho Gertrude Natkin cuốn sách yêu thích của mình, tác phẩm của "một kẻ lang thang nhỏ bé đầy mê hoặc" mang tên Marjorie.
Cô bé xấu số qua đời vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 9 của mình tại Scotland (1811). Ông từng thừa nhận trong một bài viết rằng mình đã yêu mến Marjorie trong gần 36 năm cuộc đời.
Đối với Mark Twain, người viết nên những nhận xét tinh vi và sâu sắc về những cuốn sách, lịch sử và tôn giáo trong nhật ký của mình là "một sự hòa quyện của ánh nắng vào cuồng phong.
Cô bé ấy bốc đồng, đột ngột nhưng nhiệt tình, ngọt ngào, dịu dàng và tràn đầy yêu thương. Cô trung thành mà cũng đầy nổi loạn thế nào. Sự xấu xa của cô đầy ngây thơ còn sự tốt đẹp thì đến từ bản chất."
“Cháu có thể trở thành Marjorie nhỏ bé của ông không?” -Gertrude hỏi một cách ngượng nghịu. Kể từ đó, Mark Twain luôn gọi cô bé như thế trong những bức thư tràn đầy những nụ hôn mà họ gọi chúng là "vết nhơ". Đến năm 1906, Mark Twain đi đến quyết định chấm dứt mối liên hệ này khi cô bé Gertrude Natkin bước sang tuổi 16.
"Ta rất sợ khi gửi đi những vết nhơ, nhưng ta vẫn mạo hiểm. Ta thấy nó thật chẳng phù hợp. Bây giờ hãy quay về khi cháu 14 tuổi! Vì khi đó chẳng hề tồn tại khái niệm không phù hợp."
- Theo đó, mối quan hệ giữa họ cũng chấm dứt và nhà văn người Hoa Kỳ bắt đầu tìm kiếm những cô gái trẻ hơn.
Phấn chấn trước những tình cảm của Gertrude, Mark Twain nhận ra rằng việc tìm ra những người hâm mộ trẻ tuổi khác thật quá dễ dàng.
Những nhân tố mới này chủ yếu là các hành khách đi cùng ông trong những chuyến nghỉ mát ở Bermuda. Đến năm 1908, nhà văn đã "thu thập" được mười nữ sinh.
Ông gọi họ là "những nàng cá thiên thần" và kết nạp vào Câu lạc bộ Thủy Cung của mình. Có khoảng 12 cô bé trong câu lạc bộ của ông.
Cũng tại Bermuda, ông tặng cho các cô gái những chiếc ghim cài ve áo tráng men vô cùng lung linh. Chúng được thiết kế một cách đặc biệt để có thể đeo trước ngực trái, phía trên tim.
Một tiểu sử gia cho rằng hơn một nửa các lá thư gửi đến những nàng tiên cá của Mark Twain đã được hồi âm. Trong mùa xuân và mùa hè năm 1908, ông đều nhận được hoặc gửi đi một lá thư mỗi ngày. Rất nhiều trong số đó ẩn chứa những lời mời ghé thăm ông tại ngôi nhà nguy nga mang tên Innocence at Home của mình ở Redding, Connecticut.
"Tôi đã xây dựng ngôi nhà này phần lớn, mà thực ra gần như chủ yếu là để Câu lạc bộ Thủy Cung có một nơi ở thoải mái."
- Nhà văn người Hoa Kỳ khẳng định trong một bảng nội quy "dỏm" mà ông gửi cho các nàng cá. "Hang" của các thiên thần này chính là Phòng Bi-da của nhà văn.
Trong phần mở đầu cuốn tiểu sử của chính mình, Mark Twain đã kể về quá trình tìm thấy những "châu báu" này:
"Vào một buổi sáng tại Bermuda, tôi bắt gặp đối tượng đầu tiên đang ngồi một mình tại chiếc bàn dành cho hai người ở một khu vực rộng lớn và xa xăm trong phòng ăn sáng. Tôi cúi xuống vỗ nhẹ vào má cô bé và nói một cách thân tình: Này cô bé tinh nghịch, tại sao con lại phải ăn sáng một mình ở cái nơi hoang vu này?".
Họ có một cuộc hẹn ngay sau đó và "trở thành những đồng đội thân thiết, gần như không thể tách rời trong vòng 8 ngày". Một người bạn của nhà văn kể với Mark Twain rằng cô gái trẻ đã hỏi về tình trạng hôn nhân của ông. Sau khi biết rằng vợ của ông đã qua đời, cô nàng nói rằng "Nếu con là vợ ông ấy, con sẽ không bao giờ rời khỏi ông ấy dù chỉ một khoảnh khắc. Con sẽ luôn ở bên cạnh, quan sát và chăm sóc ông ấy mọi lúc."
Mark Twain cho rằng lời bộc bạch ấy đến từ "bản năng làm mẹ" của cô bé và ông sẵn sàng làm "một nô bộc hèn mọn và hết lòng" vì cô.
Trong một chuyến tàu đến Anh để nhận bằng danh dự từ đại học Oxford vào năm 1907, đại văn hào gặp gỡ cô bé Frances 16 tuổi. Cô bé kín kẽ này đã trở thành một nàng cá thần tiên trong một khoảng thời gian ngắn. Sau đó, Mark Twain kết bạn với cô bé chín tuổi Dorothy Quick trong hành trình trở về xứ sở cờ hoa.
Một phóng viên cho rằng cô bé “canh chừng ông ấy chặt chẽ trong suốt chuyến đi, ngồi trên đùi và đầu tựa vào vai ông". Nhà văn gọi Dorothy là "mon amie" ("bạn của ta" trong tiếng Pháp), đứng trên boong tàu và "quàng tay qua vai của đứa trẻ, đoạn dành cho cô bé một cái ôm ấm áp".
Câu lạc bộ của Mark Twain nổi tiếng đến mức một số phụ nữ trưởng thành cũng muốn chen chân vào. Một phụ nữ đã "ăn mặc như một cô bé 12 tuổi và buộc một sợ ruy băng hồng trên tóc để đến ăn tối. Cô ấy trông như một cô bé khoảng 14 tuổi.”
Quá ấn tượng với điều đó, Mark Twain đã dành tặng cô gái một chiếc ghim cài áo. Trong một bức thư gửi đến các nàng cá, nhà văn viết: "Có rất nhiều ứng cử viên là quý cô, nhưng ta đoán chúng ta sẽ không cho phép họ vào nữa, trừ khi người đó là Billie Burke".
Minh tinh "vừa tốt tính lại xinh đẹp" này chính là diễn viên nữ yêu thích của đại văn hào. Ông gặp cô tại một buổi công diễn của tác phẩm My Wife ở sân khấu Broadway. Vở kịch có chủ đề từ tháng 5 đến tháng 12 này hoàn toàn phù hợp với những mộng tưởng của ông. Sau đó, nữ diễn viên trẻ vẫn thường ghé ngôi nhà tại Manhattan để thăm ông mỗi khi cô làm việc ở vùng đông bắc Hoa Kỳ.
Trong những năm tháng Mark Twain tìm đến các nàng cá thiên thần, ông đã bỏ rơi chính cô con gái ruột đang bị bệnh động kinh của mình.
Jean phải sống trong các cơ sở y tế để được theo dõi bệnh tình. Vào mùa hè năm 1908, thư ký kiêm trợ lý của ông là Isabel Lyon đã thu xếp để Jean đến sống ở Gloucester, Massachusetts. Sau một khoảng thời gian ngắn ngủi không mấy vui vẻ ở đây, cô rời đất nước với bạn bè của mình. Đến năm 1909, Jean trở về nhà của cha và bị chết đuối ngay trong bồn tắm vì một cơn co giật đột ngột.
Trước khi Jean qua đời, đam mê trắng trợn của Mark Twain với những nàng cá bị cô con gái Clara phản đối kịch liệt. Trở về từ chuyến lưu diễn châu Âu vào mùa hè năm 1908, Clara kinh hoàng trước mối quan tâm mới của cha mình.
Cô "thanh tẩy" ngôi nhà ở Redding và đặt dấu chấm hết cho những chuyến viếng thăm của hội cá tiên. Khi ngôi nhà mất đi sự ngây thơ của nó, nhà văn lừng danh bắt đầu phàn nàn một cách cáu kỉnh về sự suy giảm sức khỏe và tinh thần của mình.
Vào năm 1910, nỗi ám ảnh lạ lùng này lại một lần nữa trỗi dậy. Chỉ vài tuần trước khi qua đời, ông vẫn còn trao đổi thư từ và có một số ghi chép về Helen Allen. Cô nàng là một phụ nữ trẻ có nhiều tâm trạng nhưng hoàn toàn mê mẩn ông.
“Cô ấy tươi sáng, thông minh, sống động, tràn đầy năng lượng, quyết tâm, nhiệt tình và mãnh liệt”. - Ông viết.
Tuy nhiên, Helen Allen lại đem đến nhiều thất vọng. Nàng thích văn học, thơ ca lãng mạn và đáp lại sự dí dỏm hay những câu nói đùa của nhà văn với sự thờ ơ. Điều đáng thất vọng nhất đối với cây bút người Hoa Kỳ là Helen đã có bạn trai. Ông ghen tị và cảnh báo cô gái trẻ nên bảo vệ sự ngây thơ của mình. Ông muốn người đàn ông trẻ kia tránh xa cô gái.
Nỗi ám ảnh của Mark Twain với các cô gái vị thành niên phần nào bắt nguồn từ sự tôn vinh của chính ông dành cho những năm tháng thiếu niên đầy táo bạo và phiêu lưu của mình.
Suy cho cùng, biệt danh mà vợ dành cho ông là "Tuổi trẻ". Hơn nữa, những nhân vật hư cấu đáng nhớ nhất của tác giả người Hoa Kỳ không ai khác ngoài những thanh thiếu niên như Huckleberry Finn và Tom Sawyer.
Tuy nhiên, nhà văn lại không tập trung vào các chàng trai trẻ mà dành sự quan tâm của mình cho những cô gái thơ ngây từ 10 đến 16 tuổi. Đây là các đối tượng chưa trưởng thành mà ông dành tặng những lời tán tỉnh đầy châm biếm.
Nhiều bức ảnh của nhà văn và các nàng cá cho thấy họ đứng hoặc ngồi rất gần với ông, cơ thể họ chạm vào nhau, hai cánh tay ông thường ôm lấy vai hoặc vòng eo của các cô gái. Họ là con gái hay người tình?!
Những ghi chép của tác giả người Hoa Kỳ về Helen Allen phần nào đã tiết lộ khao khát của ông về việc được trở thành một người nào đó khác hơn là người bảo vệ, cố vấn hay ông nội của cô gái. Mark Twain hối tiếc việc già đi và cố gắng có được sức sống của một người đàn ông trẻ tuổi.
"Vào lúc 2 giờ sáng, tôi cảm thấy già nua và tội lỗi, nhưng khi tôi cạo râu vào lúc 8 giờ, tôi thấy mình lại trẻ trung và sẵn sàng săn lùng rắc rối [...] như thể tôi chưa đầy 25 tuổi.”
Vào lúc đó, mẫu thiếu niên tiêu biểu của thời đại là cậu bé Peter Pan không muốn trưởng thành, người đã được thể hiện một cách xuất sắc tại Broadway hay các sân khấu tại Luân Đôn vào những năm 1904 và 1905. Cũng giống như Huckleberry Finn của Mark Twain, Peter thà bay đến một vùng đất đầy mạo hiểm hơn là sống trong văn minh nhân loại với gia đình mình.
Mark Twain đã ca ngợi vở kịch với sự nhiệt tình đã thành thói quen của mình:
"Vở kịch đã phá bỏ mọi quy tắc trong kịch nghệ nhưng lại là một tác phẩm không có hề khiếm khuyết. Đó là một vở kịch đầy cổ tích. Không có điều gì trong đó có thể xảy ra ở đời thực, mà đáng lẽ chúng nên như vậy.
Nó tuyệt đẹp một cách nhất quán, ngọt ngào, gọn gàng, hấp dẫn, thỏa mãn, quyến rũ và hoàn toàn vô thực từ đầu đến cuối. Nó phá vỡ tất cả các quy tắc của những mâu thuẫn ngoài đời thực nhưng giữ được nguyên vẹn tất cả các quy tắc của thế giới thần tiên.
Kết quả là nó làm cho tinh thần người xem hoàn toàn hài lòng."
“Sự khao khát từ trái tim tôi là một bức chân dung đậm chất cổ tích về chính bản thân mình: Tôi muốn trở nên đẹp đẽ; tôi muốn loại bỏ sự thật và lấp đầy khoảng trống đó bằng những câu thần chú.” - Một Mark Twain đã 70 tuổi tìm thấy hình ảnh của cậu bé mà mình muốn trở thành trong nhân vật Peter Pan cho biết.
- 0
- 0Bình luận