Phụ huynh Singapore tiêm hormone vào người con mình để giúp chúng cải thiện chiều cao
Một trong những mối quan tâm lớn của các bậc cha mẹ ở Singapore hiện nay chính là làm thế nào để tăng chiều cao của con mình, từ tiêm hormone đến việc ăn một quả trứng mỗi ngày. Chương trình Talking Point đã thực hiện một phóng sự về việc này.
Khi bạn có anh/chị/em sinh đôi đồng nghĩa với việc bạn sẽ luôn bị đem ra so sánh với họ, và điều này còn tệ hơn nếu đó là về sự khác biệt chiều cao. Hafiz Mohd Taufik, thấp hơn 7cm so với anh trai sinh đôi của mình, Hakim.
Với chiều cao 139cm, cậu bé 12 tuổi này cũng thấp hơn hầu hết bạn bè cùng trang lứa. Chỉ 10% những đứa trẻ ở độ tuổi này có cùng chiều cao với Hafiz. Ngay cả cậu em trai nhỏ hơn hai tuổi cũng đã cao bằng Hafiz.
“Cháu muốn mình cao hơn. Vào trung học cháu sẽ chẳng có nổi bạn gái mất.”
Cậu bé đã bị trêu chọc, bắt nạt và loại khỏi các môn thể thao vì chiều cao của mình. Bố mẹ của Hafiz vì vậy đã quyết định cho cậu bé điều trị hormone tăng trưởng, một phương pháp đắt đỏ và cũng rất đau đớn.
Thực tế, chiều cao là vấn đề rất được các bậc phụ huynh quan tâm. Trong những cuộc khảo sát được thực hiện bởi Abbott và Hiệp hội Dinh dưỡng Singapore vào tháng 6 vừa qua, 42% trong số những người tham gia thể hiện sự lo lắng khi con mình thấp hơn những đứa trẻ khác cùng tuổi.
Khoảng 1000 cặp bố mẹ có con từ 2 đến 6 tuổi đã được hỏi về những hiểu biết của họ đối với tiêu chuẩn tăng trưởng chiều cao và cân nặng của con mình.
Và khi chiều cao trở thành một mối quan tâm lớn, một số cặp bố mẹ đã đưa ra kì vọng khá cao, bao gồm việc tiêm hormone tăng trưởng để cải thiện chiều cao của con họ, như chương trình Talking Point đã từng đề cập đến.
Phải tiêm vào ban đêm
Trong trường hợp của cậu bé Hafiz, sự cách biệt về chiều cao xuất hiện từ năm cặp sinh đôi 5 tuổi. Hafiz sau đó đã được chụp X-quang vào năm cậu bé lên 10.
Kết quả cho thấy xương của Hafiz phát triển chậm hơn 2 năm so với độ tuổi thật của em. Điều này có nghĩa cơ thể của Hafiz sẽ nhỏ hơn so với lứa tuổi.
Việc này thật ra rất phổ biến, và hầu hết lũ trẻ sẽ bắt kịp với bạn bè khi chúng trải qua giai đoạn dậy thì. Nhưng có vẻ như Hafiz không thể đợi được đến lúc đó.
Phương pháp này được thực hiện vào mỗi đêm, khi Hafiz sẽ được tiêm hormone vào cơ thể kích thích gan tạo ra IGF-1, một protein liên quan đến tăng trưởng.
Bố của cặp sinh đôi, anh Mohd Taufik Saydeh kể: “Nó rất bận tâm về việc này. Chính nó là người đã khăng khăng ‘Con muốn mà, con muốn. Hãy thực hiện việc này đi.’”
Việc tiêm hormone này đã kéo dài được ba tháng, Hafiz đã cao lên được 1cm. Quá trình chậm chạp nhưng gia đình Hafiz đã phải chi trả gần 17 triệu mỗi tháng.
Khi được hỏi liệu có đáng để bỏ ra chừng đó tiền cho phương pháp này, chị Norhayati Mohd Ali, mẹ của cặp sinh đôi đã khẳng định là có, vì chị có thể “nhìn thấy được kết quả”. Nhưng con trai chị có vẻ không cảm thấy đây là một kết quả khả quan, cho dù ban đầu cậu bé là người háo hức nhất.
Hafiz thở dài khi được hỏi: “Cháu chẳng còn hy vọng gì vào việc này vì cháu thấy nó không hiệu quả. Bố mẹ cháu đang phung phí tiền bạc thôi.”
Ý kiến của các chuyên gia
Bác sĩ Andrew Sng, một Chuyên gia tư vấn về sự phát triển của trẻ em thuộc khoa Nội tiết Nhi, Bệnh viện Đại học Quốc gia cho biết, các ca về vấn đề chiều cao đã tăng lên 20% kể từ năm ngoái.
Việc này có thể là vì họ đã so sánh con của mình với những đứa trẻ khác và phát hiện rằng con họ thấp hơn những đứa trẻ còn lại. Họ tìm đến bác sĩ để biết được nguồn gốc của vấn đề, bác sĩ Sng cho biết thêm.
“Vậy có bao nhiêu trong số những trường hợp này gặp vấn đề về y khoa?”
“Từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy các trường hợp này là rất ít.”, bác sĩ Sng trả lời khi được phỏng vấn tại chương trình Talking Point.
Chiều cao là một biến số, và biến số này thay đổi liên tục. Những đứa trẻ thuộc từ phần trăm thứ 3 đến 97 được xem là có chiều cao bình thường.
Điều này có nghĩa những đứa trẻ thuộc tỉ lệ thấp hơn sẽ bị xem là thấp. Nhưng đây chỉ là một định nghĩa dựa trên các bảng thống kê và vì vậy, những đứa trẻ thấp không phải là mắc bệnh.
Trong một báo cáo của tờ TODAY vào năm ngoái, bác sĩ Loke Kah Yin, chuyên viên tư vấn cấp cao, trưởng khoa Nội tiết Nhi tại Bệnh viện Đại học Quốc gia cho biết: "Các yếu tố như di truyền, dinh dưỡng kém và sự thiếu hụt các hormone có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ."
Cũng trong bài báo cáo, có một số trong 3500 trẻ không tự mình sản xuất đủ hormone đáp ứng cho sự phát triển bình thường, hay còn được gọi là tình trạng thiếu hụt hormone tăng trưởng.
Nhưng nhìn chung, nếu một đứa bé có thể cao lên từ 4 đến 6cm một năm, thì không có gì đáng lo ngại.
Trị liệu hormone không phải dành cho tất cả mọi người
Nếu không xét đến khía cạnh y khoa, thì luôn có một sự kì thị nhất định đối với những người thấp. Chị Edwina Tan, một người sở hữu chiều cao khiêm tốn cho rằng: “Mọi người chắc chắn sẽ đánh giá thấp bạn.” Grayden, đứa con trai 9 tuổi của chị cũng vậy, cậu bé lùn nhất lớp khi chỉ cao có 121cm. Khi sinh ra, cậu bé thuộc vào phần trăm thứ ba trong biểu đồ.
Dựa trên số liệu thống kê quốc gia, chiều cao trung bình của những đứa trẻ ở độ tuổi 12 là 130cm. Để to lớn và khỏe mạnh hơn, Grayden đã tham gia lớp võ thuật Trung Quốc từ năm 3 tuổi.
Mẹ cậu bé cho rằng: “Tôi tập trung vào việc giáo dục con mình xây dựng lòng tự trọng của riêng nó… và không cho phép thằng bé mặc cảm, tự ti về chiều cao của mình. Chỉ có như thế thằng bé mới không cảm thấy mình kém cỏi hơn bạn bè đồng lứa vì chiều cao.”
Tuy có nhiều bậc cha mẹ lựa chọn phương pháp điều trị bằng hormone nhưng phương pháp này không phải đều hiệu quả với tất cả mọi người. Thậm chí nó còn đi kèm với một vài tác dụng phụ.
Theo bác sĩ Yvonne Lim, một chuyên gia về Nội tiết thuộc khoa Nhi Bệnh viện Đại học Quốc gia, người đã chứng kiến sự tăng gấp đôi trẻ em được tiêm hormone trong bốn năm trở lại đây cho biết, liệu pháp này chỉ hiệu quả khi trẻ thiếu hormone tăng trưởng.
“Nếu như vậy, sẽ có cải thiện đáng kể trong chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, có những đứa trẻ mà chúng tôi gọi là ‘hạn chế chiều cao tự phát’, bao gồm những trẻ chưa biết được nguyên nhân của sự thiếu hụt chiều cao… Vậy trong nhóm này, việc trị liệu bằng hormone chỉ là một lựa chọn.”
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi điều trị bằng phương pháp này, nhóm trẻ trên chỉ có thể cao thêm từ 3,5cm đến 7,5cm. Trong khi đó, việc này cũng đi kèm với rất nhiều tác dụng phụ, như phù nề do tích nước hay đau đầu. Liệu pháp này cũng làm tăng nguy cơ vẹo cột sống và tiểu đường ở trẻ.
Giải pháp "Súp đậu phộng"?
Khi sự thiếu hụt chiều cao trở thành một vấn đề lớn, một số cặp cha mẹ còn áp dụng các biện pháp khác cho con mình. Ví dụ như cho trẻ ăn mỗi ngày một quả trứng, uống ít sữa từ thực vật nhưng ăn nhiều hoa quả khô và đậu phộng hơn.
Vậy những cách này có thật sự hiệu quả?
Bác sĩ Low Yen Ling, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Dinh dưỡng Abbott ở Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, đã có những cơ sở khoa học chứng minh trứng có thể giúp trẻ em tăng chiều cao.
“Bởi vì trứng là một thức ăn mang nhiều chất dinh dưỡng, cung cấp lượng lớn protein, vitamin và khoáng chất. Có thể nói từ góc độ dinh dưỡng, trứng là liều thuốc tốt.”
Bác sĩ Low cũng cho biết thêm: “Sữa bò tốt hơn sữa thực vật vì lượng protein trong sữa bò dồi dào hơn. Tuy nhiên việc ăn đậu phộng hay súp đậu phộng có thể giúp trẻ cao hơn chỉ là một giả thuyết. Đây là phương pháp truyền thống và chưa được khoa học chứng minh.”
- 0
- 0Bình luận