Phiên bản \'Lion King\' mới của Disney nên được xem là \'live-action\' hay CGI?
Trailer mới nhất của Lion King phiên bản 2019 vừa ra mắt làm sống lại tuổi thơ của nhiều thế hệ người hâm mộ trên toàn thế giới, tuy nhiên cũng làm dấy lên những tranh cãi trong cộng đồng mê phim về một vấn đề chuyên môn. Rốt cuộc Lion King là phim người đóng (live action) hay là phim dùng kỹ xảo dựng hình trên máy tính (computer-generated imagery, hay CGI)?
Phim Vua Sư Tử lần này được Disney xác nhận là phim ''live action'', tuy nhiên cũng chính họ đã cho biết rằng phim hoàn toàn được dựng hình bằng máy tính và không có một người nào hay con vật thật nào xuất hiện trong phim, thật quá mâu thuẫn.
Theo những gì chúng ta đã biết suốt bao nhiêu năm qua, thì một phim live action buộc phải có một diễn viên thực sự bằng xương bằng thịt được quay phim trực tiếp và xuất hiện trên khung hình (gọi là một cảnh ''frame to frame''), dù diễn viên đó là con người hay động vật.
Bên cạnh đó, phim hoạt hình dù là được dựng bằng hình vẽ thô sơ như Tom & Jerry hoặc đồ họa vi tính như Frozen hay Up thì chúng ta cũng có thể ngay lập tức phân loại được nó bởi phong cách đồ họa quen thuộc (đầu to, thân nhỏ hoặc mắt to, mũi miệng nhỏ, kích thước các bộ phận cơ thể không cân đối).
Tuy nhiên, khi công nghệ đồ họa ngày càng phát triển và những nhân vật ''ảo'' được vẽ trên máy tính bắt đầu linh hoạt và chân thực đến nỗi có thể diễn chung với người thật trong một khung hình thì ranh giới để phân biệt chúng bắt đầu mờ nhạt, những nhân vật ảo bắt đầu trông như thật.
Ví dụ như trong phim Stuart Little năm 2002, một chú chuột CGI đóng chung với con người thật trong một bối cảnh thật và nó được đề cử giải Oscar cho hạng mục... phim hoạt hình. Tất nhiên lúc đó Stuart Little được gán cho mác phim hoạt hình để vinh danh những thành tựu trong việc dựng hình máy tính, nhưng bản thân nó vẫn có thể xem là live action vì có rất nhiều người thật xuất hiện trong phim.
Một ví dụ khác là 3 phần phim về thế giới Narnia, khi người thật sánh vai cùng những con thú huyền bí, trong đó chú sư tử Aslan được dựng bằng máy tính chân thực đến... từng sợi lông. Sư tử Simba trong phần phim mới này được dựng với phong cách khá tương đồng với Aslan trong Narnia.
Như vậy, chúng ta nên xác định ở đây yếu tố quan trọng chính là sự hiện diện của công nghệ đồ họa vì sẽ rất thiếu sót nếu phán xét một phim mới với những công nghệ mới bằng một khái niệm của nhiều thập niên trước.
Trong trường hợp này, khi những định nghĩa cũ đã không còn chính xác, chúng ta cần xem xét Lion King được sản xuất với một trường phái dựng phim mới được gọi là ''Photorealism'' hay "Photorealistic computed-animation'' tức ''phim được dựng hình bằng máy tính một cách chân thực''.
Trên Wikipedia, Lion King 2019 được xác định thuộc trường phái này, và trang này đã bị khóa cấm những người dùng ''amateur'' sửa đổi (biểu tượng ổ khóa semi-protection trên góc phải), tức là cộng đồng editor trên Wikipedia và các chuyên gia về lĩnh vực phim ảnh đã tạm thời đồng ý với kết luận này.
Một bộ phim được sản xuất kiểu "Photorealistic computed-animation'' phải phối hợp rất nhiều công nghệ khác nhau, ngoài việc ứng dụng đồ họa máy tính, các nhà làm phim còn dùng biện pháp ghi hình chuyển động (motion capture) để ghi lại những chuyển động chân thực của một diễn viên thật và chuyển tải nó thành hình ảnh đồ họa máy tính (ví dụ con rồng Smaug trong phim Người Hobbit: Đại chiến năm cánh quân).
Rất có thể Disney đã sử dụng một vài biện pháp ghi hình chuyển động để mô phỏng động tác của các con vật xuất hiện trong phim thậm chí cắt ghép để xen lẫn vài con thú thật trong một số cảnh phim nào đó để mang lại sự sinh động cho bộ phim của mình. Nếu đúng vậy, rất có thể họ có lý do để tuyên bố Lion King 2019 là phim live action.
Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu nhắm tới của Disney trong năm sau khi mang Lion King đi tranh giải ở Viện Hàn Lâm Điện Ảnh Hoa Kỳ.
Chưa biết được Nhà Chuột sẽ quyết tâm giành Oscar ở hạng mục live action hay phim hoạt hình nhưng chắc chắn họ sẽ có bước đi phù hợp và cẩn trọng để giúp Lion King tạo được sự khác biệt, dù sao đi nữa đây vẫn là một tượng đài lớn lao trong lịch sử ngành điện ảnh.
- 0
- 0Bình luận