Chuyện chưa kể về gia cảnh khó khăn của cậu bé bán rong nói được 16 thứ tiếng
Ngồi trong một công viên nhỏ rợp bóng cây ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh của Campuchia, hiện tượng ngôn ngữ trên mạng những ngày gần đây, Thuch Salik lập tức được người qua đường nhận ra và xin chụp ảnh. Trong bộ đồ mới, với chiếc quần jean và áo sơ mi trắng có họa tiết ngôi sao, trông cậu bé chững chạc hơn trong video khiến mình nổi tiếng.
Bao gồm tiếng mẹ đẻ là tiếng Khmer, cậu bé Salik nói 16 thứ tiếng. Khả năng ngôn ngữ phi thường đã giúp cậu bé được hàng triệu người trên Internet biết đến, sau khi một du khách người Malaysia đăng tải đoạn video về cậu. Trong video, cậu bé nói bằng nhiều ngôn ngữ nhằm cố thuyết phục người phụ nữ trẻ mua quà lưu niệm tại khu phức hợp đền cổ Angkor, gần thành phố Siem Reap.
Hiện tại, cậu nhóc này đã ít bị truyền thông săn đón hơn trước nhiều. Thay vào đó, cậu nhận được lời mời góp mặt trên một chương trình truyền hình quốc gia để phô diễn khả năng ngoại ngữ xuất sắc của mình.
https://www.youtube.com/watch?v=31n9EBLZ-zo
Mặc dù nhận thức được độ nổi tiếng của bản thân, Salik vẫn còn ngỡ ngàng khi cuộc đời cậu sang một trang mới trong thời gian quá ngắn ngủi. Mới chỉ một tuần trước, cậu vẫn còn đang đi loanh quanh khu vực đền thiêng Ta Prohm, đeo trên vai là chiếc giỏ nhựa với những thứ đồ lưu niệm rẻ tiền trong đó.
“Cháu đã quyết định đi theo nữ du khách đó khi thấy cổ bước vào đền. Đầu tiên cô ấy nói với cháu bằng tiếng Thái là mình không muốn mua quà lưu niệm từ trẻ em. Cháu trả lời cổ bằng tiếng Thái, nhưng rồi cô ấy tiếp tục cuộc hội thoại bằng tiếng Trung.
Sau đó, ba phương ngữ khác nhau của Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, Đức và Anh cũng được cô ấy dùng đến. Nhưng cháu không bỏ cuộc mà tiếp tục đi theo cô ấy, nói với cô ấy bằng các thứ tiếng mà cháu biết" - cậu bé nói chuyện với phóng viên bằng tiếng Khmer.
“Cháu không hề biết là mình bị quay phim cho đến khi một người lái xe tuk-tuk nói là hiện giờ cháu đang rất nổi tiếng và video đang lan truyền khắp nơi trên Facebook. Đó cũng là lần đầu tiên cháu xem video về chính mình.”
Sau khi video về Salik trở nên phổ biến trên mạng, cậu đã ngay lập tức được những thần tài Trung Quốc tìm đến. Lúc này, Salik và mẹ mình đều đã được mời xuất hiện trên một chương trình truyền hình Trung Quốc. Nếu khả thi, không chỉ hai người họ, mà cả cha và em trai cậu sẽ có lần đầu tiên rời khỏi Đông Nam Á.
Quan trọng hơn, một doanh nhân Campuchia đã đề nghị chu cấp cho Salik và em trai để hai cậu bé được đi học ở Phnom Penh, thậm chí giúp họ chuyển đến thành phố. Với gia đình này, đó là cơ hội hiếm có để thoát nghèo.
Salik kể rằng, khả năng ngoại ngữ của cậu chủ yếu đến từ tự học. Bên cạnh việc học tiếng Anh trong lớp, cậu bé cũng tự học nhiều ngoại ngữ khác, bao gồm tiếng Quan Thoại, tiếng Nga, tiếng Việt, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Thái và tiếng Tây Ban Nha - bằng cách trò chuyện với khách du lịch.
Em trai của Salik, cậu bé Thuch Tithya, 11 tuổi, cũng tiếp bước anh trai mình và bắt đầu học ngôn ngữ từ những bước cơ bản. Mẹ của hai cậu bé, chị Mann Vanna 35 tuổi, nói rằng không có gì làm chị thấy ngạc nhiên hơn là sự nổi tiếng qua một đêm của con trai mình.
"Tôi rất tự hào về thằng bé. Trước khi xem video, tôi thậm chí còn không biết là con trai mình biết 15 ngôn ngữ. Khi nó lên bảy hay tám tuổi, tôi đã gửi nó đến một lớp học thêm tiếng Anh, nhưng cũng chỉ được hơn một hoặc hai năm. Lúc đó tôi không thể trả tiền học phí được nữa,” chị chia sẻ.
Thành công của riêng cá nhân Salik được coi như phước lành với gia đình này, khi họ đã phải làm việc cật lực để con cái có thể theo đuổi giấc mơ của mình. Cả Mann và người chồng 41 tuổi Sun Vuthy, một người bán rong các bức tranh đền Angkor, chuyển đến Siem Reap 10 năm trước với hy vọng kiếm sống nhờ du lịch. Trước kia, thu nhập một ngày của Sun chỉ khoảng 10 USD và tình hình đã tốt hơn trong thời gian gần đây.
“Chúng tôi đã mua một lô đất và dựng nhà trên đó, nhưng càng ngày càng khó để kiếm tiền mà đủ ăn. Có những tuần mà tôi không kiếm được nổi 1 USD, nhưng vẫn phải trả cho chính quyền 5 USD một tháng để được phép bán quà lưu niệm gần khu vực đền thờ,” chị nói.
Mann cho biết hiện gia đình đang phải trả khoản nợ lên tới 50.000 USD và việc đưa con trai mình đến một trường tư để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ là hoàn toàn bất khả thi.
“Có những lúc chúng tôi phải vay bên ngoài, với lãi lên tới 15% đến 20%.” Việc chi trả tiền thăm khám cho người bà ốm yêu trong nhà càng làm cho gia cảnh thêm phần kiệt quệ.
“Ngay bây giờ tôi vẫn còn nợ người cho vay lãi những 30.000 USD và nợ ngân hàng hơn 20.000 USD. Bây giờ ngân hàng muốn tôi trả 700 USD một tháng. Nếu không trả đúng hạn, lãi mẹ lại để lãi con và đó chính là viễn cảnh mà tôi không hề muốn nó xảy ra chút nào.”
Với người mẹ khốn khổ này, chị chưa bao giờ muốn con cái mình phải đi bán quà lưu niệm thay vì ngồi học trên lớp.
“Nhưng chúng tôi đã không được lựa chọn. Các con tôi đều rất thông minh và chúng đều rất ngoan nữa. Thằng bé Salik muốn giúp đỡ gia đình, vì thế mà nó luôn đi ngoài vào buổi chiều để bán quà lưu niệm sau khi tan học lớp buổi sáng. Đó là điều mà nó luôn làm từ khi nó mới chỉ có 10 tuổi.
Đứa lớn 16 tuổi Seyha lại là một họa sĩ tài năng và muốn trở thành một kiến trúc sư. Nhưng chúng tôi nghèo đến mức không biết làm thế nào để giúp thằng bé hoàn thành giấc mơ của mình. ”
Câu chuyện của gia đình Salik là không hề hiếm gặp ở Campuchia, khi một nghiên cứu năm 2014 của Unicef đã chỉ ra rằng gần bốn triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 17, có khoảng 19% trong số đó là lực lượng kinh tế chính trong gia đình.
Theo lời chủ tịch của Hiệp hội giáo viên độc lập Campuchia, Rong Chhun những đứa trẻ như Salik và Tithya nên được tạo điều kiện để đi học, chứ không phải là giúp bố mẹ chúng trả nợ gia đình bằng việc nai lưng ra làm.
Tình hình ở Siem Reap và Angkor, Di sản thế giới UNESCO thu hút tới hai triệu khách du lịch nước ngoài mỗi năm là đặc biệt nghiêm trọng và nhiều trẻ em đã bị cuốn theo cơn sốt du lịch mà sao lãng việc học tập. Chính quyền cũng tỏ ra bất lực trong việc trợ cấp cho những gia đình hoàn cảnh như Salik, khi vay nặng lãi vẫn đang là vấn nạn nhức nhối ở quốc gia này.
Trong số nhiều trẻ em đang ngày ngày đi bán rong ở Siem Riep, Salik là một trong những người may mắn hiếm hoi và cậu bé hoàn toàn có thể có một tương lai tươi sáng hơn khi được sống trong môi trường học tập toàn thời gian.
“Ước mơ của cháu là trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Đó là lý do tại sao cháu muốn tập trung vào việc cải thiện tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Thái," cậu bé chia sẻ. Nhà ngôn ngữ học tài năng cũng hy vọng những đứa trẻ khác, các đồng nghiệp “bán rong” của mình cũng sẽ có cơ hội tương tự, để thay đổi cuộc đời của không chỉ họ, mà còn gia đình của chính họ.
- 0
- 0Bình luận