Lời thú tội ngọt ngào của một \'tín đồ\' trà sữa
Chẳng thể nhớ nổi tôi trở nên phát cuồng vì thứ trà đổ sữa kèm trân châu này từ lúc nào, còn người đời thì có vẻ mê nó kể từ khi trào lưu mở quán trà sữa nổi lên ở Singapore cách đây vài năm. Đương nhiên thời đó chỉ có trà sữa thêm trân châu đen làm từ bột năng chứ không phải là trà hoa quả, trà có kem sữa hay là sữa tươi trân châu đường đen hot trend dạo gần đây. Đơn giản nhưng đủ chất – đó chính là tình yêu bất diệt của tôi.
Tình đầu khó phai
Lần đầu khó quên của tôi là ly trà sữa trân châu vị đào mua từ một cửa hàng nhỏ tại làng Hà Lan. Bubble Tea – trà bọt sữa là thứ gì đó rất đỗi kì lạ, kích thích sự tò mò của đứa trẻ mới lên 9 dù có vẻ cái tên đó chỉ đơn giản là vì lúc người ta pha chế đã vô tình tạo ra bọt sữa.
Mối tình kì lạ này theo tôi trong suốt quá trình trưởng thành của mình. Lúc học cấp hai, tôi thường uống trà sữa trân châu 1 SGD (khoảng 17,000 VNĐ) bán ở bến MRT. Thỉnh thoảng, tôi được người bạn thân hào phóng mua cho loại đặc biệt có thêm thạch cầu vồng – món tủ của tôi. Thời đó, việc yêu cầu giảm đá bớt đường mà chúng ta vẫn hay làm khi order trà sữa là một gì đó khá xa xỉ bởi làm vậy chỉ giúp bạn nhận được sự cau có từ người bán hàng chứ đồ uống vẫn vậy, chẳng có gì thay đổi. Thôi thì đành có sao uống vậy.
Lạc đề rồi. Tiếp tục với câu chuyện tình của tôi nào. Khi tôi rời Singapore và tới học ở Melbourne, trà sữa vẫn đeo bám tôi như một thứ định mệnh. 20 phút đi bộ để thoả mãn cơn thèm thì đơn giản đấy nhưng 5 SGD (85.000 VNĐ) cho một ly lại ngăn cản đam mê của tôi. Kể từ đó, trà sữa không còn là một thức uống giải khát mà được nâng cấp lên thành một thức uống sang trọng hơn, được tôi trọng dụng trong những dịp đặc biệt như để tự chúc bản thân thi tốt hoặc ăn mừng sau khi thi xong. À đôi lúc rủng rỉnh hầu bao, tôi cũng tự mời mình một ly lấy lệ.
Tình yêu khó bỏ
Koi và Gong Cha xuất hiện như một cú cải tổ của làng trà sữa. Người ta sẵn sàng bỏ thời gian xếp hàng để mua một ly trà sữa và lần đầu tiên, một cách chính thức, không bị lườm nguýt, chúng ta có thể yêu cầu lượng đường, mức đá cho ly trà sữa đó của mình. Đó là một cuộc cách mạng thật sự đấy. Trà sữa bấy giờ không còn là một thức uống có vị ngọt nữa. Khách hàng thì trở nên kĩ tính hơn với chất lượng của trà và hương vị của topping.
Một lần nữa, chính xác là vào năm ngoái, tôi (lại) rơi vào lưới tình với những ly trà sữa. Lần này thì tình cảm được mở rộng hơn. Đầu tiên là trà hoa quả với thành phần đương nhiên là rất nhiều loại quả như dưa hấu, cam, táo và một số thành phần khác – thứ khiến tôi tự tin rằng chúng có lợi cho sức khoẻ nên có thể uống mỗi ngày.
Tôi nhận ra rằng cứ hễ bước chân ra khỏi nhà là tôi lại tìm tới quán Teafolia hay Muyoo để mua một ly giải khát hay thực chất là để thoả mãn cơn thèm của mình. Tiếp đến là cơn sốt trà sữa kem cheese. Làm thế nào mà một con nghiện trà sữa như tôi lại bỏ qua chúng được chứ?
Sống trong thời đại của trà sữa, tôi chẳng thể chọn nổi cho mình một thức uống ưa thích. Hôm nay uống gì phụ thuộc vào việc hôm nay tôi thèm gì. Nhiều khi tôi tự hỏi mình cớ sao lại nghiện mấy thứ đồ uống có đường tới như vậy nhưng chắc là chẳng bao giờ tôi có thể tìm ra câu trả lời.
Trà sữa là lẽ sống, là đam mê, là tình yêu của tôi. Những ly trà sữa rẻ tiền nhưng ngọt ngào đã theo tôi suốt cả thời niên thiếu. Ở độ tuổi 20 đối với tôi mà nói, chẳng có gì tuyệt hơn là được cầm trên tay một chiếc cốc dày và thưởng thức hương vị tuyệt hảo của thứ nước thần kì đó.
Nó là sự lựa chọn của tôi lúc vui vẫn lúc buồn, lúc bài kiểm tra chẳng được như ý muốn, lúc nhớ gia đình khi một mình sống ở nước ngoài, lúc lo lắng trong buổi hẹn hò đầu tiên. Chỉ một khoản tiền nhỏ để xốc lại tinh thần cho bản thân, tôi nghĩ là tôi sẽ luôn sẵn sàng chi tiền cho một ly.
Nghe thì có vẻ khá kì lạ nhưng tôi thực sự cảm thấy biết ơn những ly trà sữa mà tôi đã uống, cảm thấy biết ơn vì mình có thể mua trà sữa mỗi khi bản thân thèm. Trà sữa còn hơn cả một thức uống. Đó là một người bạn luôn bên tôi trong những khoảnh khắc tươi đẹp nhất hay đau khổ nhất.
- 0
- 0Bình luận