Krampus - Phiên bản đen tối của Santa Claus và cách trừng phạt trẻ hư nghe thôi cũng rùng mình
Ngoại hình nửa dê nửa quỷ khiến ta liên tưởng đến Satan, lưỡi thè dài, móng vuốt sắt nhọn, hắn vắt theo sợi xích và một bó cây để tét mông mấy đứa hư đốn. Đó chính là Krampus – Santa Claus của những đứa trẻ hư.
Mấy đứa nên coi chừng...
Krampus bắt nguồn từ tiếng Đức “krampen”, tức “móng vuốt”, được cho là con trai của Hel trong thần thoại Bắc Âu. Sự hòa trộn văn hóa đã đưa Krampus trở thành phiên bản đen tối song hành cùng Nicholas vào khoảng thế kỷ 17.
Theo Công giáo, thánh Nicholas (mà về sau ta quen với tên gọi Santa Claus) là vị thánh bảo trợ trẻ em, và tại nhiều quốc gia châu Âu ngày tôn vinh ông theo truyền thống là 6/12 (ngày ông qua đời). Vào ngày thánh Nicholas, người ta không chỉ mong chờ Nicholas – hiện thân của lòng bao dung hào phóng mà còn phải kinh sợ Krampus – một phiên bản ngược lại hoàn toàn với Santa Claus. Theo dân gian kể lại, loài ác quỷ ấy xuất hiện vào đêm 5 tháng 12 (gọi là Đêm Krampus) để trừng phạt trẻ em, những đứa trẻ hư không xứng đáng nhận quà từ Nicholas. Còn sáng ngày 6 bọn trẻ sẽ bước ra, kiểm tra trong những đôi bốt mình đặt trước cửa (tương tự hình thức treo vớ lò sưởi của Bắc Mỹ) có gì, nếu ngoan thì đó là quà, còn trẻ hư sẽ thấy một cái roi. Có khi những đứa trẻ hư này không thể thức dậy vào sáng ngày 6 vì đã bị Krampus bắt cóc về hang, bị đánh đập, lột da và ăn thịt, hoặc bắt xuống địa ngục sống 1 năm.
Từ thế kỷ 17, Krampus trở thành cộng sự đi cùng thánh Nicholas tới từng nhà, trẻ ngoan được thánh cho quà, còn trẻ hư sẽ bị Krampus đánh hoặc bắt vào giỏ đem xuống địa ngục. Ở một số phiên bản còn có thiên thần tốt bụng bên cạnh Nicholas, ngăn cản những hành vi nguy hiểm của Krampus, Krampus khi ấy phải lùi ra sau, gầm gừ bên chiếc giỏ trống.
Krampus đã tràn đầy ra phố
Hình tượng Krampus bị cấm đoán suốt một thời gian dài trong lịch sử, vì là hình tượng của quỷ dữ nên đương nhiên nó là điều cấm kị đối với các nhà thờ Công giáo, mọi hình thức hóa trang, lễ hội đều bị triệt phá. Các anh Phát Xít thời thế chiến thì khinh bỉ hình tượng văn hóa dân gian dù bắt nguồn từ Đức ấy vì cho rằng đó là sáng tạo của bọn Dân Chủ Xã Hội.
Nhưng dù sao trước đây Krampus vẫn quen thuộc với văn hóa châu Âu hơn châu Mỹ và châu Á, tuy nhiên nhờ vào phương tiện truyền thông đại chúng mà ngày nay, Krampus đã vươn xa hơn. Khi trời trở lạnh và nhà nhà bắt đầu lên danh sách sắm sửa Giáng Sinh, các thanh niên Mỹ xem phim Krampus, tham gia Đêm Krampus ở các thành phố lớn như New York, Los Angeles, Washington D.C hay New Orleans.
Ở châu Âu đương nhiên cũng không thể thiếu những hội hè xôm tụ thế này, nhất là Áo và Đức. Đêm Krampus cũng sẽ có người hóa trang thành thánh Nicholas dẫn theo đoàn Krampus, nhưng ác quỷ thường chiếm ưu thế số lượng hơn và được quan tâm hơn, xu thế này gọi là “anti-Christmas”.
Krampus Night trong văn hóa đại chúng đang mất đi bản sắc của nó, khi đơn thuần chỉ là buổi diễu hành, diễn trò của những con người nấp sau bộ đồ hóa trang lông lá.
Bóng dáng thánh Nicholas biến mất giữa đám quỷ dữ khiến nó như một đêm tôn vinh loài quỷ, không còn thấy sự cân bằng giữa sáng và tối, tốt và xấu, phần thưởng và sự trừng phạt như trong câu chuyện dân gian truyền lại. Người ta mong rằng những lễ hội này sẽ mang một ý nghĩa giáo dục, văn hóa nào đó chứ không chỉ đơn thuần là một Halloween tháng 12.
Sao lại dọa trẻ em bằng con quỷ của văn hóa Pagan?
Có thể nói Krampus cũng như ông kẹ, một hình thức dọa dẫm của người lớn dành cho trẻ em “Này coi chừng đấy! Lo mà ngoan ngoãn nếu không Krampus bắt bây giờ!”.
Bằng cách nào đó, nỗi kinh sợ Krampus vẫn đóng vai trò quan trọng. Khoảng thời gian cuối năm này, ta có dịp ngẫm lại xem bản thân trong năm qua đã đủ tốt chưa, có tạo nghiệp quá đà để Krampus để ý không. Khi còn nhỏ, ta sợ Krampus gõ cửa, khi đã lớn, ta biết chẳng có con quỷ nào ngoài ấy cả, mà con quỷ đó ở ngay trong ta. Nó nhắc ta nhớ rằng, hãy sống tử tế, đừng để con quỷ lớn dần lên và nuốt trọn tâm hồn này.
- 0
- 0Bình luận