9 điều cần lưu ý khi kết nối Wi-Fi free để tránh bị rò rỉ thông tin
Hiện nay nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí cung cấp Wi-Fi miễn phí cho khách hàng sử dụng thoải mái, đó là điều hiển nhiên trong thời đại công nghệ 4.0. Thế nhưng, khi một việc trở nên quá bình thường và phổ biến thì con người cũng bắt đầu lơ là mất cảnh giác với nó, tạo điều kiện cho những kẻ gian trục lợi.
Wi-Fi là cánh cổng kết nối thiết bị cá nhân của bạn với internet - một thế giới ảo vốn đã vượt quá tầm kiểm soát của con người và ẩn chứa muôn ngàn hiểm nguy chực chờ. Hãy nhớ kỹ những điều sau đây để hạn chế nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu.
1. Không bao giờ nhập thông tin thẻ tín dụng/ATM khi đang sử dụng Wi-Fi miễn phí
Bạn cần thanh toán online? Hãy dùng mạng di động! Vài nghìn đồng tiền dữ liệu để sử dụng 3G/4G cho một phiên giao dịch an toàn, chẳng hề đắt đỏ chút nào.
Các bạn có thể sử dụng thông tin thẻ tín dụng đã lưu sẵn từ trước trên điện thoại để thực hiện giao dịch an toàn qua Wi-Fi miễn phí (vì thông tin đã được mã hóa), tuy nhiên tuyệt đối không nhập mới mã thẻ, ngày tháng mở thẻ, số CVV/CVC của thẻ trong một phiên giao dịch bằng Wi-Fi công cộng.
2. Ngắt Wi-Fi free khi không sử dụng
Với một động tác đơn giản là tắt Wi-Fi khi không dùng đến, bạn sẽ được 3 lợi ích sau: không bị hao pin điện thoại, không phải nhận những quảng cáo phiền phức từ các phương pháp ''Wi-Fi marketing'' của doanh nghiệp thông qua điểm kết nối công cộng, không bị tự kết nối đến những điểm Wi-Fi hotspot giả mạo của tin tặc.
Hãy tạo thói quen trên để vừa được an toàn, vừa tiết kiệm nhé.
3. Sử dụng VPN nếu có thể
VPN (Virtual Private Network) hay còn gọi là một mạng riêng ảo, là giao thức kết nối với internet thông qua một cơ sở hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ thứ ba. Đơn giản, VPN giúp kết nối của bạn an toàn hơn, ổn định hơn với tường lửa và chức năng ẩn IP thực của bạn.
Thông thường dịch vụ VPN đều tốn phí, tuy nhiên với cái giá dao động khoảng 60 nghìn đồng một tháng thì rất đáng giá so với lợi ích mà nó mang lại.
4. Tắt chế độ tự kết nối với một điểm phát Wi-Fi công cộng
Tất cả các hệ điều hành trên nền tảng di động đều có chức năng nhớ và tự kết nối với một điểm phát Wi-Fi nào đó sau khi được nhập mật khẩu thủ công ở lần kết nối đầu tiên.
Chức năng này mang đến sự tiện lợi cho người dùng, tuy nhiên dễ bị tin tặc lợi dụng để tạo ra một điểm phát Wi-Fi tương tự nhằm đánh lừa các nạn nhân thiếu kiến thức công nghệ. Tốt nhất bạn hãy kết nối thủ công mỗi khi cần hoặc quét mã QR tại điểm phát là an toàn nhất.
5. Hãy chú ý đến tên của điểm phát Wi-Fi
Một quán cà phê hay nhà hàng có thể dùng nhiều điểm phát khác nhau, nhưng hãy tìm ra quy luật chung trong cách đặt tên của chúng hoặc tốt nhất là đối chiếu với nhân viên nơi đó để chắc chắn là bạn có một kết nối an toàn.
Các tin tặc thường tạo ra một điểm phát Wi-Fi giả có tên tương tự để dụ dỗ bạn gia nhập mạng, từ đó hắn có thể truy xuất các nội dung bên trong thiết bị mà bạn đang sử dụng. Hầu hết các điểm phát an toàn của doanh nghiệp đều phải có mật khẩu được cung cấp miễn phí cho khách hàng, hãy cẩn thận với các cột Wi-Fi không có mật khẩu.
6. Hãy sử dụng phần mềm chống virus
Nhiều người dùng thường loại bỏ phần mềm này vì sợ tốn dung lượng ram, làm... nặng máy. Điều này đúng và nếu bạn có một kết nối riêng ở nhà hoặc nơi làm việc thì cũng không cần phải có phần mềm antivirus từ bên thứ ba nào.
Tuy nhiên, nếu bạn là người có thói quen làm việc ở quán cà phê hoặc các nơi công cộng nói chung thì đừng ngần ngại sử dụng thêm một biện pháp bảo vệ. Hầu hết phần mềm antivirus hiện nay đều miễn phí với các chức năng căn bản. Ngoài việc dựng nên một bức tường bảo vệ dữ liệu của bạn, phần mềm antivirus còn có chức năng chặn các malware, adware độc hại gây phiền nhiễu.
7. Mã hóa dữ liệu và mật khẩu trước khi lưu trữ
Chắc hẳn nhiều người có thói quen lưu lại mật khẩu email, mật khẩu các tài khoản dịch vụ nào đó trong ứng dụng note trên di động hoặc một file văn bản trên laptop. Hãy nhớ rằng dữ liệu thô như thế này rất dễ bị đánh cắp.
Tốt nhất, hãy mã hóa chúng trước khi cất giữ. Bạn có thể thử một phần mềm mã hóa đơn giản như Password Manager giúp viết các thông tin của bạn thành một loại mật mã khó nhận diện. Như vậy, dù có lấy được những thông tin của bạn, những tin tặc thông thường cũng không làm gì được. Tuy nhiên, những kẻ chuyên nghiệp vẫn sẽ có cách sao mã ngược để đọc được các thông tin đó.
8. Hãy đọc kỹ tên và xem kỹ giao diện website trước khi đăng nhập
Nhiều kẻ xấu rất cao tay khi tạo ra một trang web có giao diện hầu như giống hoàn toàn với những trang web quen thuộc mà bạn đang sử dụng như Google hay Facebook. Chúng làm vậy với mục đích lừa bạn nhập lại tên tài khoản và mật khẩu vào trang web giả, hậu quả tất nhiên là bạn sẽ mất nick không lâu sau đó.
Lưu ý, thoạt nhìn có vẻ rất giống nhưng "Google.com" và "ɢoogle.com" là hoàn toàn khác nhau vì tên miền mỗi website là duy nhất trên internet.
Tuyệt đối không nhấp vào những đường dẫn lạ mở lên một trang có giao diện tương tự như Facebook bắt bạn đăng nhập lại, thao tác này sẽ gửi tài khoản và mật khẩu của bạn thẳng đến màn hình của một hacker nào đó.
9. Kiểm tra độ tin cậy của một trang web trước khi tiếp tục sử dụng qua chứng chỉ SSL
SSL là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Secure Sockets Layer. Một tiêu chuẩn của công nghệ bảo mật, truyền thông mã hoá giữa máy chủ Web server và trình duyệt. Tiêu chuẩn này hoạt động và đảm bảo rằng các dữ liệu truyền tải giữa máy chủ và trình duyệt của người dùng đều riêng tư và toàn vẹn. Các bạn có thể nhận diện chứng chỉ SSL của một trang web an toàn, bảo mật qua biểu tượng ổ khóa xanh ở thanh địa chỉ, ví dụ sau đây:
Hãy tinh mắt nhận ra sự khác biệt khi những trang được bảo mật tốt có link bắt đầu bằng tiền tố https:// trong khi các trang không được bảo mật sẽ không có.
- 0
- 0Bình luận