Mặt tối và những nỗi đau thầm kín phía sau cuộc đời vĩ đại của văn hào Mark Twain
"Mỗi con người đều là một mặt trăng và có mặt tối mà ta không bao giờ thể hiện với bất kỳ ai."
Câu nói trên là của Samuel Clemens, người được biết đến với cái tên Mark Twain. Nhưng trớ trêu thay, Mark Twain, vĩ nhân với một sự nghiệp văn chương trải đồ sộ dài hàng thập kỉ, đã có hàng loạt những tác phẩm hư cấu thể hiện rõ ràng rằng ông bị mê hoặc (hoặc như một số người nói, ám ảnh) với mặt tối của cuộc con người.
Các xác chết, đám tang, nghĩa địa, những bộ xương và loài ma quỷ - tất cả đều quanh quẩn trong những tác phẩm của ông.
Nỗi ám ảnh của Twain không quá khó hiểu đối với những người đã biết về cuộc sống của ông - một kẻ khốn khổ bị vùi dập bởi quá nhiều bi kịch và chết chóc.
Vào một ngày chẳng hề được báo trước, John Marshall Clemens, người cha oai phong lẫm liệt của Mark Twain, một thẩm phán quận ở Hannibal, Missouri, đã trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh vì viêm phổi. Mark Twain, khi đó 11 tuổi, dường như đã theo dõi khám nghiệm tử thi của cha mình qua lỗ khóa.
Nhiều năm về sau, lúc còn là một chàng trai trẻ, Mark Twain trở thành một người lái tàu hơi nước tập sự trên sông Mississippi.
Năm 1858, ông khuyến khích em trai Henry, 19 tuổi, nhận một công việc trên tàu của mình ở Pennsylvania. Trên đường đến New Orleans, Mark Twain gặp phải một vụ ẩu đả với các tàu lân cận, khiến ông buộc phải tìm một nơi khác trú ẩn. Henry bị bỏ lại phía sau.
Ngày 13/6 cùng năm, Pennsylvania xảy ra một vụ nổ nồi hơi khiến nhiều người bị thương và thiệt mạng, trong số đó có Henry. Mark Twain luôn túc trực bên giường Henry khi anh đang hấp hốp trong tình trạng viêm phổi và bỏng nặng, không bao giờ thoát khỏi nỗi hối tiếc vì khuyên em mình nhận công việc trên chiếc tàu đó.
Sau này, Mark Twain viết trong tác phẩm của mình:
"Henry tội nghiệp - người em yêu dấu, niềm tự hào của tôi, vinh quang của tôi, tất cả của tôi, đã kết thúc cuộc đời mình trong đau đớn và khiến cho ánh sáng đời tôi vụt tắt mãi mãi. Trời ơi! Nỗi đau này thật khó để chịu đựng làm sao!"
Với Mark Twain, việc viết lách giống như một sự giải tỏa. Những tác phẩm của ông chứa đầy nỗi ám ảnh khôn nguôi về những xác chết, về những ngôi mộ. Người ta thấy phảng phất trong Cuộc Phiêu Lưu Của Huckleberry Finn và Cuộc Phiêu Lưu Của Tom Sawyer có miêu tả cặn kẽ về những cái xác, những kẻ trộm mộ.
Truyện ngắn Cannibalism In The Cars kể về một kẻ ăn thịt người ghê rợn. A Curious Dream là câu chuyện của một cư dân sống cạnh một nghĩa địa bỏ hoang, than vãn về cuộc đời. Tiền đề của The Unlimited khá đặc trưng với hai người đàn ông trên một chuyến tàu lầm tưởng rằng trong cabin có chiếc hộp chứa xác của bạn họ.
Hơi thở thần chết lan tỏa trên những trang văn của ông, và dù chẳng nhìn thấy, ta vẫn cảm nhận được lưỡi hái thần chết đang ngay trên đầu, kề trên cổ của mỗi số phận nhân vật.
Những những bi kịch đời Twain nào có kết thúc. Con gái của ông, Susy, 24 tuổi, chết năm 1896 do viêm màng não. Những áp lực tài chính do đầu tư thất bại từ trước đó đã khiến Twain đã phải vắng mặt nhiều ngày, đi diễn thuyết ở khắp mọi nơi và chẳng kịp gặp mặt cô con gái cưng lần cuối. Susy chết trước khi Mark Twain trở lại. Người cha tội nghiệp chìm trong cảm giác tội lỗi. Ông tin rằng những vấn đề tiền bạc của gia đình một phần nào đó đã dẫn đến sự ra đi của cô.
Trong suốt cuộc đời mình, nhà văn đại tài đã phải chịu đựng quá nhiều chia ly và mất mát, dẫn đến việc vào giai đoạn cuối đời ông gần như luôn trong tình trạng trầm cảm. Khi Livy, vợ Twain mất năm 1904, ông đã viết rằng: "Tại sao tôi phải nán lại đây?"
Vào ngày 24/12/1909, một đòn chí mạng khác giáng xuống khiến Mark Twain hoàn toàn sụp đổ, ấy là cái chết của một cô con gái khác, Jean. Cô bị co giật và tự chết chìm trong bồn tắm.
Twain nói với người viết tiểu sử của mình: "Tôi luôn ghen tị với người chết." Và rồi vào ngày 21/4/1910, điều ước thầm kín của người đàn ông ấy cũng thành sự thật. Con người cô đơn, mệt mỏi ấy đã được ra đi, đúng với những khao khát của mình. Ông ra đi để đoàn tụ với những người mà ông vẫn hằng mong nhớ, để lại sự tiếc nuối cho bao người vẫn ngưỡng mộ văn chương của đại văn hào.
Trong nhiều năm qua, vào ngày giỗ của Mark Twain, những nơi gắn liền với cuộc đời ông lúc sinh thời đã tưởng nhớ ông theo cách mà nhà văn chấp thuận.
Ở Redding, Connecticut, nơi Twain sống từ năm 1908 cho đến khi qua đời, một lễ tưởng niệm đã được tổ chức với các bài điếu văn và nhạc jazz. Những người chịu tang tại ngôi mộ Twain, ở Elmira, New York, đã tổ chức các nghi thức tang lễ bên mộ, với trang phục thời xưa và xe ngựa kéo màu đen.
Sinh thời, người ta nghĩ đến Mark Twain với những tác phẩm hài hước, giàu chất hiện thực, có giá trị phê phán với lối văn mới mẻ. Tuy nhiên, dù phần sáng của ông có nổi bật đến cỡ nào, người ta vẫn thấy phần tăm tối luôn luôn đồng hành. Có lẽ chính vì vậy, con người ấy mới vĩ đại và quý giá đến thế.
- 0
- 0Bình luận