Tài xế container: Khi xe tải là nhà, đường dài vạn dặm cũng chẳng xa
Bắt đầu từ Mumbai – thủ đô tài chính của Ấn Độ, nhà báo Rajat Ubhaykar người Ấn Độ và nhiếp ảnh gia Ozzie Hoppe người Mỹ đã có chuyến đi thực tế kéo dài 3 tháng, họ quá giang trên những chiếc xe tải và tìm hiểu cuộc sống của cánh tài xế xe hạng nặng.
Họ đã đến Srinagar, thủ phủ của bang Jammu và Kashmir, nơi đang có tranh chấp căng thẳng với các quốc gia láng giềng; và xa hơn về phía đông bắc đến thành phố Imphal, tỉnh lỵ của Manipur. Từ những con đường còn rải cát đá ở Rajasthan, vùng đồng bằng màu mỡ với những cánh đồng lúa mì bạt ngàn ở Punjab, cho đến bang Nagaland có những ngọn đồi xanh tươi mát và các vách đá sừng sững ở Kashmir.
Bộ đôi tác giả đã quan sát được sự đa dạng về địa hình của thiên nhiên Ấn Độ, cũng như sự linh hoạt của giới tài xế khi lái những chiếc xe tải cỡ lớn đến mọi vùng đất của quốc gia này.
Giao thông vận tải là ngành thu hút nhân lực lớn thứ hai ở quốc gia tỷ dân này, sau nông nghiệp. Ngành vận tải ở Ấn Độ không có tổ chức và mọi hoạt động diễn ra cực kỳ phân mảnh. Doanh nghiệp lớn hầu như không có sức ảnh hưởng để tạo nên quy định rõ ràng về giá cả, thay vào đó những cơ sở nhỏ lẻ sở hữu không quá 5 xe tải chiếm đến 70% ngành công nghiệp này.
Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nền kinh tế vận hành suôn sẻ, nhưng các bác tài xe tải vẫn bị xã hội xem là những người không tốt bụng, chỉ làm việc vì một lợi ích nhất định, là những tay bợm rượu, thường xuyên lui vào nhà thổ góp phần khiến HIV lây lan rộng hơn.
Cuộc hành trình xuyên Ấn của tác giả bài viết này sẽ cho chúng ta thấy một hình ảnh khác về những người cầm lái: họ phải ngủ trong cabin xe tải chật chội, phải ăn cùng nhau những bữa ăn kém chất lượng, là một thực tế phức tạp hơn nhiều so với những suy nghĩ phổ biến của mọi người.
Những cung đường không bao giờ thẳng
Sự quấy nhiễu và kỳ kèo của cảnh sát, lách qua những chiếc xe hơi nhiễu sự trên đường cao tốc mà vẫn đảm bảo được tốc độ cao, đấu tranh tư tưởng với chính bản thân trước mỗi cơn nghiện chất kích thích, chỉ là rất ít trong số những vấn đề mà các tài xế gặp phải.
Những chiếc xe tải không chỉ là phương tiện để vận chuyển hàng hóa, mà nó còn là một vật chiếm vị trí tình cảm to lớn trong lòng của các bác tài bình dân. Đối với họ, xe tải là một ngôi nhà di động, là tổ ấm của khi họ rời xa quê hương trong thời gian dài.
Đó cũng là lý do tại sao những chiếc xe tải được trang trí rất đẹp mắt bằng những vật phẩm xa hoa đắt tiền hơn cả khoản chi phí dành cho sinh hoạt thường nhật. Sự phong phú trong lối trang trí cho thấy tình cảm của họ dành cho loại phương tiện này. Không ai nói với ai, điều này dường như trở thành một luật bất thành văn truyền qua nhiều thế hệ tài xế.
Là một nghề đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, các dịch vụ đi kèm mọc lên như nấm sau mưa trên những cung đường đông xe tải qua lại. Các dhaba (quán ăn bình dân cạnh cao tốc), tiệm sửa xe không chuyên, nhà thổ, quán bar ven đường, các trạm thu phí/thuế không chính thức, luôn ở đó đồng hành cùng các bác tài.
Nhưng cái nghề này không chỉ dừng lại ở những hàng hè quán cóc, câu chuyện mà mỗi người trong số họ đã từng trải qua mới phản ánh đúng về cách mà nền kinh tế Ấn Độ vận hành. Những toán cướp công khai hoạt động ở các bang vùng sâu như Rajasthan và Nagaland khét tiếng dữ tợn, nhưng cũng trở nên hiền lành quá đỗi khi xe tải của một doanh nghiệp đã có ăn chia từ trước với chúng đi qua. Quan chức địa phương nhũng nhiễu, sự yếu kém về hạ tầng và tình trạng chở quá tải gây ra cái chết của 10 người mỗi giờ từ các vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Trong một chiếc xe chở quá tải như vậy ở Jaipur, nhóm tác giả đã gặp Avtar Singh và Amarjot Singh (tên nhân vật đã được thay đổi).
Thức tỉnh hay là chết?
Avtar và Amarjot là anh em của nhau, họ thay phiên đổi ca để chiếc xe được vận hành liên tục. Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả ở đông nam Punjab, họ ít khi chia sẻ về gia cảnh của mình, chỉ cười xòa và cho rằng theo nghề này chỉ vì muốn khám phá thế giới ở bên ngoài ngôi làng hẻo lánh của họ.
Cha của hai anh em là binh bét trong quân đội, trong khi người mẹ làm việc tại một công ty thực phẩm của nhà nước, cả hai người đã qua đời trong một vụ tai nạn xe khiến tình hình kinh tế gia đình trở nên đảo lộn. Cuối cùng, họ phải bán nhà để trả nợ rồi nghỉ học giữa chừng để theo nghiệp cầm lái.
“Đôi khi tôi tự hỏi mình sẽ ra sao nếu tiếp tục đi học. Chứng kiến nhiều người cầm tấm bằng cử nhân trong tay vẫn thất nghiệp, tôi cảm thấy an ủi phần nào vì công việc mình đã lựa chọn. Nền giáo dục đã đi xuống đến nỗi tấm bằng đại học rốt cuộc chỉ là tờ giấy lộn,” Avtar cho biết.
Hai anh em giờ đây đã sở hữu một chiếc Hyundai Accent, họ mua được chiếc xe hơi sang trọng này từ số tiền dành dụm trong suốt 15 năm miệt mài cưỡi xe tải vượt ngàn dặm xa. Nhưng ít khi nào họ dành thời gian để cưỡi trong chiếc xế hộp bóng loáng, mà thay vào đó phải phơi mặt ra nắng gió của xứ sở nhiệt đới đầy bụi bặm trong cabin nóng bức chật chội.
Để lại con xe hơi màu bạc sáng bóng ở nhà, hai anh em đang phải dừng chiếc xe tải bên lề đường tại thành phố Jaipur. Chiếc xe cồng kềnh mang trên mình 50 tấn đá Kota cùng nhiều loại vật liệu xây dựng khác, trong khi giới hạn cho phép chỉ là 21 tấn. Anh em nhà Singh đang đợi quan chức địa phương đến để giải quyết.
Nhưng không phải lo, Avtar đã quá quen với những việc này. Tất cả những gì khiến anh bồn chồn lúc này là vị giám sát viên kia mất quá nhiều thời gian để đến thay vì phải xuất hiện ở đây ngay lúc này, để cùng anh trao đổi qua một cuộc trò chuyện ngắn và giải quyết êm xuôi mọi việc như thường khi vẫn làm.
Trong lúc chờ đợi, Avtar kỹ lưỡng lau chùi chiếc xe tải đến mức chúng sạch bóng hơn cả chiếc xe hơi nằm đắp chăn ở nhà. Avtar thích giữ chiếc xe hạng nặng sạch sẽ dù phải lướt qua những con đường bụi bặm đến 24 giờ mỗi ngày.
Trong lúc cầm chiếc cọ nhỏ quét bụi ở thân xe, anh phì phò rít vào rồi thả ra đám khói từ điếu thuốc Four Square, đó chỉ là một trong 40 điếu thuốc mỗi ngày của anh. Ngoài thuốc lá, khuôn miệng của anh không ngừng nhóp nhép bhukki (thuốc phiện từ trấu) và nhiều thứ chất kích thích khác.
Khi người say, biết rõ mình say
Cũng như nhiều tài xế khác từ vùng Punjab, Avtar đã trở thành con nghiện thuốc phiện từ những chuyến xe đường dài. Anh mua bhukki từ một tiệm tạp hóa được mở ra bởi chính phủ ở Rajasthan, thứ thuốc này được bày bán hợp pháp với giá 2.000 rupee (khoảng 695.000 đồng) cho một kilogram. Dù chưa có bất cứ số liệu thống kê chính thức nào, nhưng trong giới tài xế, họ cho biết 3/4 trong số họ đã bị nghiện thứ thuốc này.
Đôi mắt lồi ra, đôi má hõm vào, là vẻ ngoài thường thấy của cánh tài xế nghiện ngập. Nếu cứ lái xe liên tục mà không được nghỉ ngơi, sự mất tập trung có thể gây ra tai nạn. Để tránh điều này, các anh tài hoặc ngủ nghỉ đủ giấc nhưng không kiếm được nhiều tiền, hoặc cứ sử dụng bhukki vì chúng hợp pháp ở Rajasthan.
Người anh trai Amarjot trông vẻ ngoài khỏe mạnh và nở nụ cười lạc quan, nhưng đó là vì chúng ta chưa nhìn thấy anh khi cơn say rượu ập đến với hàng đống vỏ chai whisky và vỏ bao thuốc lá bên dưới sàn xe. Chia sẻ câu chuyện về những người bạn tài xế đã bỏ mạng vì nghiện ngập – trớ trêu thay, thay vì là tai nạn giao thông – anh em nhà Singh không có chút gì là hoảng sợ.
Đó chỉ là một lát cắt trong câu chuyện của hai con người bình thường ở Punjab, nơi đã chứng kiến nhiều thế hệ thanh niên bị hủy hoại đến xương tủy vì lạm dụng ma túy.
Chủ cơ sở vận tải thừa biết tình trạng nghiện ngập của Avtar, ông cũng biết luôn chuyện tình lén lút của chàng trai này với một người phụ nữ lớn tuổi đã có chồng, nhưng ông không mấy quan tâm.
Cái mà ông quan tâm chính là khả năng vận chuyển ka maal (hàng hóa không giấy tờ và không bị áp thuế), sự thông hiểu về những con đường mòn tránh né được cơ quan chức năng, cách thương lượng với đám quan chức “tốt bụng” và biết rõ về các thương lái sẽ tiêu thụ số hàng này ở những bang biên giới xa xôi.
Trong một chuyến đi hàng, xe tải của hai anh em bị dừng lại ở Chandigarh, thủ phủ của bang Punjab vì những rắc rối liên quan đến số hàng né thuế. Avtar và Amarjot quyết định đợi đến khuya để đi đêm với các quan chức trực ca buổi tối, nhưng điều này đã không bao giờ được diễn ra, đồng nghĩa với việc số hàng hóa chưa bao giờ được đến đích.
Avtar dậy rất sớm và đọc kinh để cầu nguyện với thần linh. Anh là một người sùng đạo. Dẫu cuộc sống khiến anh trở thành một kẻ nghiệp ngập và sống như một con người tồn tại ngoài vòng pháp luật, niềm tin vào tôn giáo vẫn cháy bỏng trong tâm trí anh.
Chuyến hàng đã không đến nơi như dự kiến, người anh Amarjot quyết định chấm dứt cuộc sống lang bạt mà lập gia đình rồi an phận tại quê nhà.
Trong khi đó, cậu em trai Avtar vẫn tiếp tục tìm kiếm một cơ sở kinh doanh vận tải trong vùng và bắt đầu lại cuộc đời như một người học việc. Anh lao vào vòng xoáy của ngành công nghiệp vận tải dù mức lương được trả thấp như bọt bèo.
Không chỉ 100 USD mỗi tháng nhận được từ chủ cơ sở, anh còn nhận được những chuyến đi nguy hiểm không biết ngày mai và sự thờ ơ của ông chủ về số phận của những con người trót mang vào mình nghiệp cầm lái.
- 0
- 0Bình luận