Những câu chuyện thú vị đằng sau logo của 5 hãng phim huyền thoại mà không phải ai cũng biết
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã quá quen thuộc với hình ảnh tòa lâu đài của Walt Disney, chú sư tử của MGM, hay người phụ nữ cầm đuốc của Columbia Pictures,... Những logo này được biết đến như cách để nhận diện thương hiệu, cũng như một màn chào hỏi mang đậm dấu ấn riêng của mỗi hãng phim dành cho khán giả.
Dưới đây chính là câu chuyện về các logo thương hiệu của 5 hãng phim quen thuộc đã gắn liền với tuổi thơ chúng ta.
Walt Disney
Hình ảnh tòa lâu đài của Chú Walt có lẽ đã in sâu trong kí ức tuổi thơ của rất nhiều người khi xuất hiện trong phần giới thiệu của các phim bom tấn Disney. Được thiết kế dựa trên lâu đài của Sleeping Beauty, logo này lần đầu mắt vào năm 1985 trong phim Black Cauldron.
Những năm sau đó, hình ảnh tòa lâu đài tĩnh của Disney đã được hãng phim nâng cấp thành một tòa lâu đài thật hoành tráng, kèm theo đó là hiệu ứng pháo bông rực rỡ hơn, cùng với nhạc nền là When You Wish Upon A Star. Phiên bản mới này được giới thiệu lần đầu vào năm 2006 trong phim Pirates of the Caribbean: Dead Man’s Chest.
Một bài báo của Nerdist vào năm 2015 cũng đã chỉ ra điểm độc đáo trong logo của Disney:
"Logo này hoàn toàn được tạo nên bởi kỹ xảo vi tính, cùng với camera đang quét qua hình ảnh của một vương quốc phồn thịnh từ phía sau cho đến phần đỉnh của tòa lâu đài. Cuối cùng, camera sẽ lùi về và để lộ ra toàn bộ hình ảnh của lâu đài và logo Disney. Với thời lượng là 25 giây, phần giới thiệu này thật sự kì diệu ngay lần đầu ra mắt."
Sự thật thú vị nhất về logo của Disney có vẻ là thời gian hình thành. Được biết, phim truyện đầu tiên của hãng là Snow White And The Seven Dwarfs được công chiếu vào năm 1937, nhưng logo thương hiệu phải chờ đến gần nửa thế kỷ sau mới được ra mắt công chúng.
Columbia Pictures
Danh hiệu dành cho logo lâu đời và ấn tượng nhất chắc chắn thuộc về Columbia. Logo được ra mắt vào năm 1924, với hình ảnh người phụ nữ khoác một chiếc áo choàng trắng, cầm trên tay một ngọn đuốc sáng, đơn độc đứng trước phông nền đám mây. Hãng phim được thành lập bởi Harry Cohn, Jack Cohn và Joe Brandt.
Logo của Columbia gần như được giữ nguyên dù đã trải qua vài lần thay áo mới. Sau đó, Columbia TriStar ra đời và người phụ nữ cầm đuốc buộc phải chia sẻ vị trí của mình với một chú ngựa có cánh.
Hãng phim đã được mua lại và thuộc quyền sở hữu của Coca Cola, thế nên như được biết, hình dáng của người phụ nữ cầm đuốc trở nên giống chai thủy tinh đựng nước giải khát lúc bấy giờ.
Trang Reel Classics cũng đã có bài viết về logo như sau:
"Những sự kiện (về người phụ nữ cầm đuốc) đang dần phai nhạt đi từng chút một theo thời gian và biến mất. Dù đã có nhiều người tự nhận bản thân là cô gái cầm đuốc, thế nhưng Columbia Pictures cho biết họ không hề có bất cứ ghi chép hay tài liệu nào để xác nhận rằng một trong số đó từng tham gia chụp ảnh cho logo."
Trong những năm 90, Michael J. Deas đã tạo ra phiên bản mới cho logo. Ông để cho Jenny Joseph, vợ của mình, trở thành người phụ nữ cầm đuốc. Hậu kỳ cho bức ảnh được dàn dựng vô cùng đơn giản với chiếc bục bằng các tông và Jenny phải cầm một chiếc đèn thô sơ để tác nghiệp. Được biết, bà vốn dĩ là một người phụ nữ nội trợ và đây là lần đầu tiên cũng như lần cuối bà trở thành người mẫu.
Dreamworks
Dù có tuổi đời khá trẻ, song Dreamworks SKG vẫn để lại ấn tượng lâu dài cho khán giả với chiếc logo thường xuyên được thay áo mới. Hãng phim được thành lập vào năm 1994 bởi Steven Spielberg, David Geffen và Jeffrey Katzenberg. SKG được biết đến như tên viết tắt của cả ba nhà sáng lập.
Logo của hãng phim hiện lên với hình ảnh một cậu bé ngư dân đang ngồi trên mặt trăng và thả móc câu của mình xuống hồ nước. Sau đó, một chữ D dần hiện ra bao lấy vầng trăng khuyết và camera sẽ di chuyển dần sang phía phải, xuyên qua những đám mây, rồi để lộ ra toàn bộ dòng chữ Dreamworks SKG.
Được biết, Spielberg đã luôn muốn tạo ra hình ảnh ngư dân câu cá từ trên mặt trăng và ông cho rằng cách hiệu quả nhất chính là sử dụng công nghệ CGI. Một người bạn của Spielberg là Dennis Muren, huyền thoại trong ngành tạo hiệu ứng hình ảnh đã gợi ý ông về việc hợp tác với họa sĩ Robert Hunt để có thể thực hiện ý tưởng cho logo. Những bản vẽ của Hunt bao gồm cả hình ảnh cậu bé ngồi câu cá mang đầy hoài niệm và người đó chính là con trai của ông.
Spielberg đã vô cùng hứng thú với ý tưởng này và phiên bản chuyển động của logo được cho ra đời tại ILM (công ty hiệu ứng hình ảnh Industrial Light and Magic của Mỹ).
Logo ngư dân câu cá gần như được giữ nguyên, song có chút thay đổi khi Dreamwork chuyển sang sử dụng hình ảnh một cậu bé bay lên mặt trăng với chùm bóng bay vào năm 2006.
https://www.youtube.com/watch?v=pNwkHGMRH2o
Warner Bros.
Khi nói đến những logo mạnh mẽ và thu hút sự chú ý nhất, chúng ta không thể không kể đến Warner Bros. Với dòng chữ WB bên trong chiếc khiên hình tam giác dát vàng, logo của hãng đã tự hào chứng tỏ được quyền lực thương hiệu của mình. Được biết, cái tên Warner Bros. được lấy từ họ của cả bốn anh em Harry, Albert, Sam và Jack Warner. Ý tưởng về việc đề tên lên chiếc khiên của anh em nhà Warner được công bố lần đầu vào năm 1923, năm năm sau khi hãng phim gia đình này được thành lập.
Điều thú vị về logo của Warner Bros chính là khả năng "thích ứng" của nó với từng bộ phim của hãng. Một bài viết của Fast Company vào năm 2014 cũng đã chỉ ra điểm đặc biệt này:
"Các nhà làm phim luôn được khuyến khích để có thể biến đổi logo của Warner Bros. sao cho phù hợp nhất với các tông màu khác nhau của từng phim."
Logo cách điệu đầu tiên của Warner Bros. xuất hiện lần đầu vào năm 1938 trong phim The Adventures of Robin Hood. Ở phần mở đầu, chiếc khiên của hãng đã được trang hoàng để trông giống như một chiếc mũ sắt của lính hoàng gia. Vào giai đoạn cuối những năm 90, với sự phát triển của công nghệ CGI, phương thức cách điệu logo của nhà Warner cũng theo đó mà bùng nổ mạnh mẽ hơn.
Năm 1972, logo của Warner bắt đầu được thiết kế theo phong cách trừu tượng hơn bởi nhà thiết kế đồ họa Saul Bass khi hãng "song kiếm hợp bích" cùng Alfred Hitchcock. Saul còn được biết đến như một người thường xuyên làm việc trong suốt quá trình thực hiện Master of Suspense.
MGM
Danh hiệu logo quen thuộc và dễ nhận biết nhất chắc hẳn phải thuộc về Metro-Goldwyn-Mayer (MGM) với biểu tượng chú sư tử được thuần hóa. Phần mở đầu nổi bật cùng hình ảnh đầy oai phong của chú "mèo bự" bên trong một chiếc vòng tròn ra mắt vào năm 1924.
Tuy nhiên, ý tưởng về chú sư tử của MGM đã tồn tại từ năm 1916 và được sử dụng bởi Goldwyn Picture Corporation. Nhà báo người Mỹ Howard Dietz được truyền cảm hứng bởi hình ảnh của chúa sơn lâm, khi đội điền kinh của ông tại trường Đại học Columbia được gọi là Những Chú Sư Tử.
Bảy năm sau đó, Goldwyn Picture Corporation đã về chung một nhà với Metro Pictures Corporation và Louis B. Mayer Pictures. Từ đó, logo sư tử huyền thoại cũng bắt đầu cất lên tiếng gầm đặc trưng nhờ vào sự ra đời của hiệu ứng âm thanh.
Đã có rất nhiều chú sư tử đã được mang đến để ghi hình cho logo. Chú sư tử đầu tiên được vinh dự trở thành gương mặt thương hiệu cho MGM là Slats. Bài viết năm 2012 của Mental Floss cho biết, Slats được huấn luyện bởi Volney Phifer, một nhà huấn luyện động vật hàng đầu của Hollywood. Phifer và Slats cũng đã đi khắp đất nước nhằm quảng bá cho MGM.
Tình cảm giữa người huấn luyện và chú sư tử đã rất khắng khít, cho đến khi Slats qua đời vào năm 1936. Phifer đã đưa thi thể của chú sư tử về trang trại của mình để thực hiện nghi thức hỏa táng, cũng như làm cả bia đá và trồng một cây thông cho Slats để có thể mãi giữ linh hồn của nó ở đây.
Chú sư tử tham gia ghi hình gần đây nhất là Leo và logo được ra mắt vào năm 1957. Hai phiên bản logo "bắt chước" sư tử trứ danh khác của MGM phải kể đến ma cà rồng của The Fearless Vampire Killers (1967) và mèo Tom trong Tom and Jerry.
- 0
- 0Bình luận