Khoa học vui: Loại sữa hạt nào giúp bảo vệ môi trường?
Càng hiện đại, con người càng càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và tác động của các loại thực phẩm mà mình tiêu thụ lên môi trường xung quanh.
Các sản phẩm thay thế sữa bò như: sữa yến mạch, sữa đậu nành, sữa hạnh nhân,… bắt đầu trở nên phổ biến, đặc biệt là với những người yêu thích cuộc sống lành mạnh!
Nhiều ý kiến cho rằng ngành công nghiệp sữa bò đang “hủy hoại” môi trường với hàng trăm tấn phụ phẩm và chất thải được thải ra ngoài mỗi năm.
Hơn nữa, ngành công nghiệp “vắt sữa” này cũng đòi hỏi một lượng tài nguyên (nước, thức ăn,…) khổng lồ gây lãng phí và phá hủy môi trường.
Theo một nghiên cứu đến từ Đại học Oxford, ngành công nghiệp sản xuất sữa bò thải ra lượng khí nhà kính CO2 gấp ba lần so với những loại sữa có nguồn gốc từ thực vật khác.
Ví dụ, để sản xuất ra một ly sữa, mỗi năm người ta phải tốn gần 650 mét vuông đất cho việc chăn thả bò sữa - tương đương với hai sân tennis cỡ trung và gấp 10 lần kích cỡ một mảnh đất trồng yến mạch!
Vậy nhưng, có thực là việc sản xuất “sữa thực vật (hay sữa hạt)” tiêu tốn ít tài nguyên hơn không?
Tiếp tục dựa vào số liệu trên của đại học Oxford, chúng ta có thể thấy rằng việc sản xuất sữa hạnh nhân đòi hỏi nhiều nước hơn so với sản xuất sữa đậu nành và yến mạnh. Theo tỷ lệ này, thì để sản xuất ra một ly sữa hạnh nhân, người nông dân cần phải sử dụng trung bình gần 74 lít nước - nhiều hơn cả lượng nước mà một người trưởng thành sử dụng để… tắm rửa hằng ngày.
Bên cạnh đó, việc sản xuất sữa gạo cũng tiêu tốn nước ngọt chẳng kém gì “người anh em” hạnh nhân của mình, với khoảng 54 lít để sản xuất ra một cốc sữa 200ml.
Đứng cuối bảng xếp hạng là sữa đậu nành, với trung bình khoảng 20 lít nước để sản xuất ra một ly sữa - một con số không lấy gì là đáng ngạc nhiên, nhất là khi đây là loại cây không đòi hỏi nhiều nước trong quá trình nuôi trồng!
Tuy vậy, những con số trên không đồng nghĩa với việc sản xuất sữa có nguồn gốc từ động vật ít gây hại hơn! Các nghiên cứu khoa học cho biết một sự thật đáng buồn: Thịt và các sản phẩm đến từ động vật khác dù tiêu tốn hàng tỷ tấn thức ăn, nhưng lại chỉ chiếm đến 18% lượng calo mà chúng ta tiêu thụ hằng ngày.
“Nhiều người đang đánh giá thấp những tác động của ngành công nghiệp sản xuất sữa bò lên môi trường.”
Tiến sĩ Adrian Camilleri của Đại Học công nghệ Sydney phát biểu:
”Rõ ràng, việc sản xuất sữa có nguồn gốc từ thực vật (như sữa đậu nành) ít gây hại hơn nhiều. Nhưng thật tiếc là lại có rất ít người quan tâm đến điều này!”
Tuy vậy, trào lưu sử dụng “sữa thực vật” lại đang dần trở thành xu hướng tại Anh. Theo thống kê, chỉ trong tháng 1 năm nay, nhu cầu tiêu thụ sữa chay tại đất nước này bắt đầu tăng một cách đột biến, đặc biệt là với sữa đậu nành và sữa hạnh nhân.
"Đã có hơn 50 000 người đăng ký tham gia chiến dịch Veganuary - không sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật trong vòng một tháng ở Anh Quốc!"
Đại diện của chiến dịch Veganuary hồ hởi cho biết.
Dù vậy, việc có nên sử dụng sữa chay hay không thuần chay lại là lựa chọn riêng của nhiều người. Không thể phủ nhận rằng sữa chay vẫn là một loại thực phẩm thay thế bổ dưỡng dành cho con người. Vừa có nhiều dưỡng chất, lại vừa có ít tác động lên môi trường - chắc chắn đây sẽ trở thành trào lưu giải khát "sạch" trong tương lai!
- 0
- 0Bình luận