Bất bình đẳng giới ở Nhật Bản - Câu chuyện buồn chưa thấy hồi kết
Phong trào MeToo, một trong những từ khóa phổ biến nhất của hai năm qua đã đem đến sự thay đổi kinh ngạc trên khắp thế giới. Những vụ án lạm dụng tình dục bị lôi ra ánh sáng, hàng loạt cuộc tuần hành của phụ nữ để đấu tranh cho sự bình đẳng của mình.
Ngay tại một quốc gia coi trọng phụ quyền như Hàn Quốc, một số nhân vật quyền lực trong làng giải trí cũng ngã ngựa vì MeToo. Vậy ở quốc gia láng giềng Nhật Bản, một nơi cũng “khét tiếng” với sự phân biệt giới nặng nề với phụ nữ, MeToo đã đem lại những thay đổi nào?
Thành viên thần tượng xin lỗi khán giả vì để mình thành nạn nhân một cuộc tấn công
Vào ngày 28 tháng 12 năm ngoái, nữ ca sĩ Maho Yamaguchi, thành viên của nhóm thần tượng NGT48, đã bị hai người đàn ông tấn công ngay bên ngoài căn hộ của mình. Ngay lập tức, cô đã trình báo vụ bắt cóc lên cảnh sát và hai thủ phạm 25 tuổi cũng bị bắt giữ.
Tuy nhiên, chúng đã sớm được thả và không phải chịu bất kì hình phạt nào trước pháp luật. Cảnh sát cũng yêu cầu Yamaguchi giữ kín mọi việc vì “chúng chỉ muốn nói với Yamaguchi và không có ý định nào khác.”
Vào ngày 8 tháng 1, nữ ca sĩ đã chia sẻ về vụ tấn công thông qua livestream trên Twitter. Theo lời của Yamaguchi, cô bị tấn công vào mặt và bị ấn đầu xuống đất. “Tôi đã rất tuyệt vọng để đẩy hắn ra. Nếu tôi bỏ cuộc lúc đó, có thể tôi đã chết.”
Lí do khiến nữ thần tượng giấu nhẹm vụ việc sau hơn 2 tuần đó là vì quản lí đã hứa với cô sẽ giải quyết mọi việc. Thế nhưng, dù đã chờ đợi rất lâu mà không có chút hồi đáp nào.
Một ngày sau khi livestream, Yamaguchi đã cúi đầu và lên tiếng xin lỗi khán giả trong buổi biểu diễn của nhóm NGT48 tại tỉnh Niigata (phía tây Tokyo). Trước hành động kì lạ này, khán giả không khỏi ngạc nhiên và bức xúc bởi công lí đã không được thực thi. Hashtag #JusticeForMahohon sau đó được những người hâm mộ chia sẻ rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội, thể hiện sự đồng lòng trong việc chung tay bảo vệ lẽ phải cho cô.
Nữ thần tượng tiết lộ về các vấn đề tâm thần của giới giải trí
Một cựu thành viên của AKB48, Miki Nishino đã tiết lộ trên chương trình trò chuyện Ogiya Hagi no Busu, rằng không ít người nổi tiếng phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nishino chia sẻ, khi tham gia group chat với các thành viên khác trong nhóm, nhiều đồng nghiệp của cô chia sẻ về áp lực nặng nề để giữ mình hoàn hảo trong mắt fan, cố gắng giữ bản thân tỉnh táo để theo kịp lịch trình dày đặc của mình.
Thành viên nữ của Hoàng gia không bao giờ có cửa làm vua
Nạn bất bình đẳng giới không chỉ hoành hành trong giới giải trí mà còn xuất hiện ở trong nội bộ hoàng tộc Nhật Bản. Theo báo chí Nhật, chính phủ nước này đã đưa ra quyết định, toàn bộ các thành viên nữ sẽ không tham dự lễ đăng quang của hoàng tử Naruhito vào ngày 1/5 năm nay. Quyết định này được đưa ra dựa trên Luật Hoàng tộc, cấm phụ nữ lên ngôi và tham dự các lễ đăng quang.
Tuy nhiên, chính phủ sẽ cho phép các thành viên nữ trong nội các tham dự với tư cách quan sát viên. Hiện tại trong chính phủ Nhật Bản, thành viên nội các nữ duy nhất là Bộ trưởng Tái thiết Satsuki Katayama nên nếu so sánh với buổi lễ của Nhật hoàng Akihito vào năm 1989, số lượng nữ giới tham gia đã tăng lên từ 0 lên 1.
Quảng cáo mang thông điệp bình đẳng giới bị phản đối
Trong một bài báo đăng ngày 12 tháng 1 của tờ Japan Today, chuỗi cửa hàng bách hóa Seibu và Sogo đã khởi động một chiến dịch quảng cáo mới, được cho là ủng hộ nam - nữ bình quyền. Tuy nhiên, thay vì nhận được sự ủng hộ từ phía dư luận thì nó lại gây tranh cãi về cách thể hiện thiếu tinh tế của mình.
https://www.youtube.com/watch?v=BXE2Q_gzWKM
Trong quảng cáo này, nữ diễn viên Sakura Ando được mô tả là hiên ngang đi lên phía trước, vượt qua những thử thách (các đĩa bánh kem) ném vao người. Ở đoạn cuối, dù phải hứng trọn một đĩa bánh kem vào mặt, cô vẫn quay ra và nói trước ống kính “Năm nay, mọi thứ cuối cùng cũng phải thay đổi.”
Đa phần sau khi xem xong quảng cáo trên, khán giả đều tỏ ra khen ngợi thông điệp mà nhãn hàng muốn truyền tải nhưng cũng không quên phê bình rằng, cách thể hiện quá kì quặc và khó khiến người khác cảm thấy hiểu và dễ tiếp thu.
Tạp chí Nhật xếp hạng các nữ sinh đại học dựa trên sự “dễ dãi” trên giường
Nếu những thông tin trên là chưa đủ để chứng minh, xã hội Nhật Bản cứng nhắc vẫn chưa đủ mở lòng với sự bình đẳng trong quan hệ nam - nữ thì hãy đọc thông tin dưới đây.
Vào cuối năm ngoái, một sinh viên đại học có tên Kazuna Yamamoto đã phát động một bản kiến nghị online yêu cầu tờ báo lá cải Spa! phải xin lỗi công khai sau khi cho đăng tải một bảng xếp hạng các trường đại học dựa trên sự dễ dãi của nữ sinh với những lời mời quan hệ tình dục.
Bên cạnh đó, bản kiến nghị cũng yêu cầu Spa! phải cho gỡ bài báo trên. Ngay sau khi được phát động, bản kiến nghị đã nhận được 52.613 chữ ký.
Bài báo trên chỉ càng tô đen thêm bức tranh triển vọng cho một xã hội bình đẳng với phụ nữ với hàng loạt bê bối sửa điểm thí sinh nữ của các trường đại học lớn nhằm giữ cho số lượng nữ sinh ở mức vừa phải. Theo một bài báo được đăng bởi Asahi Shimbun vào ngày 18 tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản đứng thứ 110 trong số 149 quốc gia về bình đẳng giới theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Tất cả những điều này cũng thể hiện, phải rất lâu nữa, phụ nữ Nhật Bản mới được xã hội công nhận tài năng và đóng góp của mình một cách bình đẳng, giống như phần còn lại của thế giới.
- 0
- 0Bình luận