Báo đen siêu hiếm vô tình được chụp ảnh kể từ lần đầu tiên xuất hiện cách đây hơn một thế kỉ
Con báo đen đặc biệt này được xác định là thuộc loài báo hoa mai (Leopard, danh pháp 2 phần là Panthera pardus) phân bố ở Châu Phi và Châu Á. Ảnh được nhiếp ảnh gia chủ đề thiên nhiên hoang dã Will Burrard-Lucas vô tình chụp được trong một đêm trăng tròn ở khu bảo tồn Laikipia, Kenya.
Hiện tượng ''hắc hóa'' ở động vật (melanism) là sự tương phản với chứng bạch tạng (albinism), tuy nhiên có phần ít gặp hơn. Trong tự nhiên, hiện tượng này thường thấy ở báo đốm châu Mỹ (Jaguar) hơn trong khi đối với loài báo hoa mai thì rất hiếm có.
Suốt một 110 năm qua không hề có trường hợp báo hoa mai màu đen nào được ghi nhận, tất cả các trường hợp đều xảy ra trong môi trường nuôi nhốt cho đến khi may mắn đến với Will Burrard-Lucas vào năm ngoái. Lần đầu tiên một con báo hoa mai đen được chụp ảnh ở Châu Phi là vào năm 1909 ở Ethiopia.
Will Burrard-Lucas chia sẻ:
Tôi biết từ trước đến nay chưa có ai chụp được ảnh rõ nét của một con báo hoa mai đen, thế nên tôi đã ngụy trang một cái camera tự động và trở lại kiểm tra nó sau vài ngày.
Camera của Lucas đã chụp được nhiều loài vật như thỏ rừng và cầy mangut nhưng tim anh như nhảy xổ ra khỏi lồng ngực khi phát hiện ra ảnh một con báo đen tuyệt đẹp xuất hiện trong những shoot hình cầu may.
Anh nói:
Một con vật đẹp đến kinh ngạc, sinh vật đặc biệt nhất mà tôi từng gặp. Phải mất vài ngày sau tôi mới tin rằng mình đã thực hiện được mơ ước bấy lâu.
Tiến sĩ sinh vật học Nicholas Pilfold ở Đại học San Diego là một trong những người đã bỏ nhiều năm để nghiên cứu về loài báo ở Kenya nhận định rằng xác suất gặp một con báo hoa mai đen trong tự nhiên là cực kỳ thấp.
Vì loài báo sống rất kín đáo và xa lánh con người nên hiện tại chúng ta cũng chưa thể thống kê được tương đối chính xác số lượng báo hoa mai trong tự nhiên là bao nhiêu. Đồng nghĩa với việc cũng rất khó để tính toán xác suất một con báo hoa mai đen xuất hiện thông qua sinh sản tự nhiên.
Ở Châu Mỹ, tỉ lệ để xuất hiện một con báo đốm Mỹ màu đen là 11%, con số khá cao bởi vì quần thể báo tại đây đã tiến hóa thích nghi với môi trường rừng rậm Châu Mỹ có nhiều bóng râm và những mảng tối, thích hợp cho chúng ẩn nấp săn mồi.
Ngược lại, môi trường tự nhiên ở Kenya có một nửa là rừng, một nửa là bán hoang mạc với nhiều cây bụi, hoàn toàn không thuận lợi cho báo đen vì màu lông của chúng sẽ trở nên nổi bật giữa nền vàng của môi trường bán hoang mạc.
Chính vì vậy mà báo hoa mai đen sẽ gặp nhiều trở ngại và cần phải thay đổi chiến thuật săn mồi. Đối với các nhà sinh vật học, chi tiết này có giá trị nghiên cứu rất cao.
Nicholas Pilfold giải thích:
Hiện tượng hắc hóa là một biểu hiện tính trạng lặn ở báo hoa mai, để xuất hiện một cá thể như vậy buộc báo bố mẹ đều phải mang gen lông đen.
Nghiên cứu di truyền học cho thấy gen hắc hóa xuất phát từ một đột biến khiến con thú mất đi màu lông vốn có. Mặc dù lông toàn màu đen, họa tiết đốm trên lông báo hoa mai vẫn còn ẩn hiện ở đó.
Lucas cho biết con báo mà anh chụp được là một con cái mới lớn, đi cùng nó là 1 cặp báo trưởng thành khác có màu lông bình thường, chính là bố mẹ của nó. Để có được những bức ảnh độc nhất vô nhị này, Lucas đã phải sắp đặt công phu nhiều thiết bị máy ảnh DSLR chuyên nghiệp và cảm biến chuyển động hiện đại cùng nhiều đèn flash.
Hiện tại Will Burrard-Lucas hy vọng các tổ chức bảo vệ động vật và chính phủ Kenya sẽ có biện pháp bảo vệ con báo quý hiếm này, anh lo ngại những kẻ săn trộm lấy chiến lợi phẩm (trophy hunter) sẽ rình rập để sát hại sinh vật tuyệt đẹp này.
- 0
- 0Bình luận