Những kiệt tác điêu khắc tỉ mỉ nhất thế giới: Chi tiết đến từng nếp gấp khăn và mạch máu trên người
Điêu khắc là một môn nghệ thuật tuyệt vời, thậm chí là kì diệu nhất trong số tất cả các loại hình nghệ thuật. Từ khối nguyên liệu thô sơ, vô hồn ban đầu, người điêu khắc có thể tạo ra những nhân vật, con người sống động với sự tinh tế ở từng chi tiết.
Nhiều kiệt tác điêu khắc nổi danh trong lịch sử đến từ một nguyên liệu duy nhất, đá cẩm thạch. Để biết thêm về sự kì diệu của đôi bàn tay và trí óc con người, hãy cùng chiêm ngưỡng những bức tượng cẩm thạch độc đáo, tinh xảo được trưng bày tại nhà nguyện Cappella Sansevero, thuộc tỉnh Napoli, Italia.
Tỉnh mộng (Disillusion)
Bức tượng cẩm thạch tinh xảo bạn đang thấy dưới đây là một tác phẩm từ nha điêu khắc người Italia Francesco Queirolo thời kỳ Rococo. Tác phẩm có kết cấu nhiều phần, mô tả một người đàn ông được giải thoái khỏi tội lỗi của mình, thông qua hình ảnh cái lưới trùm lên người.
Một nhân vật khác trong này là thiên thần nhỏ với ngọn lửa trên trán, đại diện cho sự thức tỉnh của con người đang giúp cho người đàn ông này thoát khỏi cái lưới. Nếu để ý bạn sẽ thấy phần ngón chân của thiên thần trỏ xuống quả cầu. Cử chỉ của thiên thần chính là sựmô tả ẩn dụ cho những niềm đam mê trần tục.
Trên quả cầu, người ta thấy một cuốn Kinh Thánh được mở rộng, một trong ba biểu tượng chính của Hội Tam Điểm. Bức phù điêu, một bộ phận quan trọng khác của tác phẩm này kể lại một câu truyện ngụ ngôn về chúa Jesus chữa lành cho người mù bằng phép lạ của mình.
Theo cuốn sách Istorria dello Studio di Napoli, tác phẩm được coi là “nỗ lực cuối cùng và duy nhất của sự sáng tạo bất tận với đá cẩm thạch.” Lời khen chủ yếu dành cho sự tinh tế và tỉ mỉ mà chiếc lưới đá thể hiện, khiến tất cả những khách chiêm ngưỡng phải kinh ngạc. Sách này cũng kể thêm, Queirolo phải sử dụng đá bọt để đánh bóng tác phẩm của mình và ông phải đặc biệt cẩn thận khi thực hiện công tác này trên chiếc lưới.
Bức tượng không chỉ tạo tiếng vang lớn vào thời điểm nó ra mắt mà cho đến nay, người ta vẫn phải trầm trồ trước sự khéo léo của người nghệ sĩ và ý nghĩa nó truyền tải.
Đó là sự giằng co giữa bóng tối và ánh sáng, giữa tri thức và mông muội. Hội Tam Điểm, một hội kín lớn của thế giới sau này cũng lấy hình ảnh trong tác phẩm nói trên để làm biểu tượng cho mình.
Education (Giáo dục)
Một tác phẩm khác từ đôi bàn tay của Quierolo là bức tượng “Giáo Dục”, được thực hiện trong khoảng thời gian trong năm 1753. Sự giáo dục, được đại diện bởi hình ảnh người phụ nữ đang dạy dỗ cho đứa trẻ.
Bà đặt mình lên chiếc bệ có dòng chữ “Educatio et disciplina mores faciunt”, có nghĩa là những hành vi tốt phải đến từ sự giáo dục và kỷ luật.
Người học trò nuốt từng lời dạy của giáo viên và cầm trên tay trái cuốn sách Cicero từ De dociis. Cuốn sách này là một văn kiện quan trọng, không thể thay thế trong vấn đề giáo dục con người.
Bức tượng Giáo dục cũng thể hiện hình ảnh một mặt của kim tự tháp với chân dung một nữ quý tộc trên đỉnh (được cho là một nhân vật trong phả hệ gia đình khách hàng tác phẩm này).
Giống như việc học cách tự kiềm chế ham muốn hay hành vi của mình, Giáo dục cũng thể hiện mong muốn hoàn thiện bản thân của mỗi cá nhân để đạt đến sự hoàn hảo.
Sự khiêm nhường (Modesty)
Bức phù điêu này được hoàn thành vào năm 1752 bởi Antonio Corradini, một nhà điêu khắc danh tiếng châu Âu, đã từng làm việc cho Hoàng đế Charles V ở Vienna.
Người xem không khỏi kinh ngạc trước tấm khăn voan mỏng manh, tinh tế làm hoàn toàn từ đá cẩm thạch và cái cách nó dính nhẹ vào da thịt vị nữ thần như thể có hơi nước bốc lên.
Bức phù điêu trên bệ đá cũng có nhắc đến câu truyện ngụ ngôn nổi tiếng trong Kinh Thánh Noli me tangere, kể lại khoảnh khắc Chúa Jesus gặp gỡ Magdalene trong trang phục người làm vườn.
Chúa che mạng (The Veiled Christ)
Tác phẩm này được coi là viên ngọc quý trong lịch sử điêu khắc nhân loại, là tác phẩm của một nghệ sĩ người Napoli, Giuseppe Sanmartino. Từ một khối đá cẩm thạch vô hồn, ông đã tạo ra bức tượng hình Chúa Jesus sau khi được dỡ xuống từ thập giá và phủ lên cơ thể là một tấm mạng mỏng.
Trong tuyệt tác để đời này, Sanmartino mô tả hoàn toàn chính xác từng thớ thịt, tĩnh mạch nổi lên trên trán, hay cả vết thương mà đinh câu rút để lại trên tay Chúa, giống hệt như trong câu chuyện về Chúa mà Kinh Thánh ghi chép lại. Bức mạng che phủ bằng đá trên cơ thể Chúa cũng được chạm khắc không khác gì một bức mạng thật, với sự thay đổi trong từng nếp nhăn, nếp gập sao cho phù hợp với từng bộ phận trên cơ thể.
Tác phẩm này được nhiều nhà phê bình nghệ thuật, trong đó có Adonis, một nhà thơ, kiêm phê bình hội họa vào thế kỉ 16 nhận định là "xuất sắc hơn cả những tác phẩm của Michaelangelo".
Thời gian càng trôi qua, vị trí vững chắc của tác phẩm trong danh sách những bức tượng có tính biểu tượng nhất trong lịch sử nhân loại càng được bồi đắp thêm.
Vào mùa xuân năm 2008, Chính quyền thành phố Campania đã chọn bức ảnh chụp lại tượng Chúa che mạng là biểu tượng mới cho thành phố để phát động chiến dịch quảng bá du lịch tại đây.
Sức hút mà tác phẩm đem lại cũng khiến cho Nhà nguyện Sansevero trở thành một trong những địa điểm thu hút khách tham quan nhất tỉnh Napoli và biến nơi đây thành điểm đến không thể bỏ qua khi ghé thăm đất nước hình chữ ủng xinh đẹp này.
- 0
- 0Bình luận