Iceland lên kế hoạch thảm sát hơn 2000 cá voi gây tranh cãi dữ dội
Lý do duy nhất dẫn đến việc chính quyền Iceland đưa ra thông cáo trên là vì số lượng cá voi đã tăng trở lại trong một vài năm qua. Người Iceland sẽ vẫn tiếp tục săn bắt, giết cá voi để lấy thịt, mỡ, dầu và xương cho đến hết năm 2023.
Theo kế hoạch này sẽ có 209 cá voi xám và 217 cá voi minke bị giết hại mỗi năm bằng súng bắn lao móc. Các nhà hoạt động vì môi trường đã khẳng định đây là hành vi thể hiện sự yếu kém của chính quyền trong việc vận hành đất nước.
Vanessa Williams-Grey, thành viên tổ chức bảo tồn cá voi và cá heo (Whale and Dolphin Conservation) cho biết:
Chính quyền Iceland đã quyết định tiếp tục tàn sát cá voi - một loài hiền hòa và thông minh bậc nhất trên Trái Đất, đây là hành vi đi ngược lại giá trị đạo đức và biểu hiện của suy thoái kinh tế.
Bất chấp dư luận quốc tế, Bộ trưởng bộ ngư nghiệp và thủy sản Iceland, ông Kristjan Thor Juliusson cho rằng số lượng của hai loài cá voi này đã đạt mức bền vững trong tự nhiên.
Khi đưa ra thông báo, chính phủ Iceland nhấn mạnh vào lợi ích kinh tế mà các sản phẩm từ cá voi mang lại khi doanh thu năm 2017 đạt đến 180 triệu USD. Ngoài ra, việc duy trì hoạt động săn bắt cá voi thường được bao biện là một hoạt động "giữ gìn truyền thống".
Tuy nhiên, luận điệu trên chỉ càng cho thấy sự trơ trẽn, vô căn cứ của chính quyền Iceland trong khi doanh thu từ các tour du lịch ngắm cá voi đã mang về đến 342 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với việc đánh bắt giết hại. Có lẽ vì tổ chức các tour du lịch này khó khăn và phức tạp hơn việc cứ ra biển bắn chết vài con rồi đem về xẻ thịt.
Ủy ban săn bắt cá voi quốc tế (IWC) đã nghiêm cấm hành vi săn bắt cá voi vô tội vạ từ năm 1987, tuy nhiên Iceland và Na Uy đã phớt lờ. Gần đây, Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ rút khỏi IWC bất chấp chỉ trích. Trên thực tế, Nhật Bản cũng đã phớt lờ lệnh cấm suốt ngần ấy năm. Hành vi giết hại cá voi trái phép của Nhật Bản trong vùng biển của Úc được ghi lại rõ ràng video bên dưới.
Con tàu được sơn chữ "RESEARCH" to tướng để chứng tỏ rằng họ là đội ngũ đánh bắt vì mục đích nghiên cứu khoa học. Mặc dù vậy, họ lại bắn con vật bằng lao móc và kéo chúng lên tàu trong lúc nó vẫn còn sống và đang giãy giụa.
Hơn nữa, người Nhật đã xâm phạm vùng biển nước Úc nơi các loài sinh vật biển như cá voi được bảo tồn. Vào thời điểm năm 2008 khi video này được quay, chính quyền Úc đã không dám công khai vụ việc vì sợ sẽ ảnh hưởng quan hệ ngoại giao của hai nước.
Với tình hình này, những tổ chức bảo vệ động vật lo ngại cá voi xám sẽ lại lâm vào tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng khi bên cạnh việc săn bắn còn có rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đang đe dọa chúng như rác thải đại dương, chất thải công nghiệp...cũng đang lăm le làm suy yếu nòi giống các loài sinh vật biển.
- 0
- 0Bình luận