Những thứ tồi tệ ở nước Mỹ thời thuộc địa (Kỳ cuối): Những cư dân bất đắc dĩ và số phận của nô lệ đầu tiên
Lấp đầy thuộc địa với những dân cư bất đắc dĩ
Không phải ai cũng đến Tân Thế giới để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, và không phải ai cũng đến đây theo mong muốn của chính họ. Anh đã dùng Úc như một thuộc địa khổ sai khổng lồ, và giờ đây họ làm điều tương tự với thuộc địa Mỹ. 52,000 người đã bị đày đến đây bằng đường biển, mà cụ thể là Đại Tây Dương.
Trong số đó có từ tội phạm nghiêm trọng đến cả những phụ nữ ra khỏi nhà và đến nơi công cộng sau 10 giờ tối (nghiêm túc đấy). Dân số tăng chóng mặt đến mức năm 1670, Virginia cố gắng thông qua một đạo luật cấm nhập cảnh với bất cứ phạm nhân Anh quốc nào, nhưng nhà vua rõ ràng không hề quan tâm và dẹp luôn đạo luật đó. Điều tương tự cũng diễn ra với Pennsylvania.
Giờ thì nói đến những thứ tệ hơn nữa nhé. Nước Anh cũng xem vùng thuộc địa như một nơi hoàn hảo để tống khứ trẻ mồ côi và trẻ bụi đời vốn đang làm bẩn đường phố. Phương thức vận chuyển chúng đến thuộc địa vẫn là đường biển. Nhóm đầu tiên là 100 đứa trẻ được đưa đến sống tại Jamestown năm 1916. Thêm 100 đứa được đưa đến Virginia năm 1622, khi nơi này vừa trải qua một cuộc thảm sát lớn và cần thêm dân cư để lấp đầy khu vực. Sự việc đi từ xấu đến tệ hại thật dễ dàng.
Mầm mống chiến tranh ở thuộc địa
Nhìn chung thì loài người chúng ta có một lịch sử dài trong lĩnh vực thù hằn, ghét bỏ nhau. Một cách đều đặn, mảnh mờ nhạt nọ của lịch sử được khơi lại để nhắc nhở rằng con người đã để sự thù ghét nhấn chìm sâu đến thế nào. Đó là vào năm 1763, khi người Mỹ bản địa bao vây khu định cư của dân Anh xung quanh Pháo đài Pitt, và người Anh phải rút vào trong pháo đài.
Theo các sử gia từ trang Colonial Williamsburg thì mọi chuyện trở nên đen tối rất nhanh – về phương diện đạo đức chứ không phải quang học. Hai đại diện phía người bản địa Mỹ tiếp cận khu pháo đài để kêu gọi chấm dứt cuộc chiến. Phía Anh từ chối, nhưng chỉ huy Jeffery Amherst cũng tặng cho hai người đại diện kia một món quà chia tay với mong muốn giảm bớt số lượng người Mỹ bản địa.
Trong cuốn nhật trình của mình, một thương gia địa phương đã kể lại: “Chúng tôi tặng họ hai tấm chăn và một chiếc khăn tay lấy từ bệnh viện đậu mùa. Mong là món quà sẽ mang lại kết quả mà chúng tôi trông đợi.”
Đây không phải lần duy nhất người Anh tặng cho dân bản địa những cái chăn đã nhiễm bệnh đậu mùa và gây nên tổn thất nghiêm trọng. Phía sử học tạm thời liên kết một trận bùng phát dịch đậu mùa ở Thung lũng Ohio với “món quà” từ chỉ huy Amherst – không thể kể hết số lượng người đã chết do nó.
Còn Amherst thì sao? Tên ông ta được dung để đặt cho một thị trấn ở Massachusetts, mặc dù dân bản địa muốn thị trấn được gọi là Norwottuck theo tên những dân cư đầu tiên của khu vực này.
Cuộc thương thuyết hòa bình đầy độc hại
Ai cũng biết Pocahontas – cô cưới John Rolfe năm 1614 và cuộc hôn nhân này mang đến hòa bình, tuy chỉ là hòa bình ngắn hạn. Thường thì mọi câu chuyện sẽ dừng luôn ở đây, nhưng vẫn còn nhiều thứ xảy ra sau khi cha của Pocahontas qua đời vào năm 1618. Opechancanough – tộc trưởng mới của bộ lạc – ra lệnh tấn công Jamestown vào năm 1622, gây ra cái chết của một phần tư dân số ở đó, và hòa bình bị phá vỡ.
Quân tiếp viện được điều động, những cuộc tấn công vẫn tiếp diễn, và sau cùng thì Opechancanough quyết định đã đến lúc phải thương thuyết hòa bình. Ông ta gặp hai đại diện phía Jamestown – bác sĩ John Potts và chỉ huy William Tucker – những người đã mời rượu phía dân bản địa Mỹ.
Thái độ như thế thì thật tốt nhỉ? Không hẳn đâu. Rượu chứa thuốc độc và giết chết 200 người, còn phía Jamestown nhân cơ hội đã tấn công và giết thêm 50 người nữa. Không còn đường lui, xung đột cứ thế kéo dài suốt cả thập kỷ và ai cũng là kẻ thua cuộc.
Con số gây sốc của những vụ “tai nạn đáng buồn”
Chẳng thể nghĩ gì nhiều về các bậc cha ông nước Mỹ cùng với tổ tiên ruột thịt của họ, ngoài việc cho rằng họ là những người chung tay góp sức để giải quyết ổn thỏa mọi khó khăn. Nhưng khi lật lại những bản tin tức thời thuộc địa, nhà sử học Peter Manseau nhận thấy hình như các bậc tổ tiên nước Mỹ kia không có trách nhiệm đến thế. Ông tìm thấy hàng loạt tin tức về các vụ việc mà người thời thuộc địa gọi là “những tai nạn đáng buồn”, còn ngày nay chúng ta gọi là “những cái chết do súng”.
Không chỉ là một vài, mà là hàng nghìn – con số quá lớn để có thể cho vào một quyển sách nói về lịch sử những cái chết gây ra bởi súng ở thời thuộc địa nước Mỹ. Cả thời kỳ đầy rẫy những cái chết gây ra do súng trường không nổ đạn hoặc súng lục bị cướp cò. Ngoài ra còn nhiều vụ do nạn nhân ở không đúng lúc đúng chỗ và bị trúng những viên đạn đáng ra không nhầm vào ai.
Trong hàng nghìn vụ việc đó, có thể kể đến: Một người phụ nữ đang ủi khăn tay thì vô tình bị đứa cháu trai 11 tuổi bắn trúng. Cô ủi xong mớ khăn rồi mới gọi giúp đỡ. Ở một vụ khác, người cha nọ vô tình giết đứa con của mình, rồi ông qua đời vài tuần sau đó trong sầu thảm. Hoặc một vụ mà người anh trai vô tình nổ súng giết chết em gái và sau đó cố gắng tự sát,…cứ thế mà tiếp diễn. Đã bảo rồi, đừng có đùa với súng.
Nô lệ đầu tiên
Cái gì liên quan đến chế độ nô lệ đều thật tồi tệ từ đầu cho đến cuối, và tìm hiểu về một phần của nó cũng chỉ làm người ta nhận ra nó đã tàn nhẫn thế nào. Lịch sử đã ghi chép lại khoảng thời gian đằng đẵng của chế độ nô lệ, và chúng ta cũng biết được tên người nô lệ đầu tiên ở nước Mỹ: John Casor.
Ban đầu, hầu hết công việc ở thuộc địa do những người hầu theo giao kèo thực hiện. Tức là họ đến xin làm việc trong một thời gian nhất định nào đó, và khi hết thời hạn giao kèo thì họ cũng được tự do. Tại sao họ làm vậy? Vì họ sẽ được khuyến khích vé miễn phí đến Tân Thế giới, sở hữu đất đai hoặc những phần thưởng khác nếu hoàn thành bản giao kèo. Cho đến khi vụ việc của John Casor xảy ra.
John Casor là một trong 20 người da đen sống tại Virginia thời điểm đó, và là người hầu cho Anthony Johnson – ông này cũng từng là người hầu. Khi xảy ra bất hòa trong việc liệu John Casor đã hoàn thành giao kèo hay chưa, họ đưa nhau ra tòa (bản giao kèo chỉ ghi rằng Casor phải làm việc “bảy hoặc tám năm”, nên có vẻ hơi sai sai khi anh đã phải làm việc cho Johnson tận 14 năm).
Nhưng phía tòa án đã được sắp đặt trước: Vì Casor là người châu Phi, anh ta không được bảo vệ bởi luật pháp Anh và sẽ là tài sản do Johnson sở hữu. Và sau đó John Casor phải làm việc suốt đời cho Anthony Johnson.
- 0
- 0Bình luận