10 hiệu ứng tâm lý mua sắm ai cũng biết nhưng vẫn giẫm vào vết xe đổ
1. Hiệu ứng Diderot
Diderot là nhà triết học người Pháp. Một ngày nọ, Diderot nghèo kiết xác nhận được quà tặng là chiếc áo choàng đỏ tuyệt đẹp cùng một khoản tiền kếch xù từ Catherine Đại Đế.
Quá say đắm chiếc áo và nhận thấy chẳng có thứ gì tương xứng với nó, Diderot quyết định vung tiền mua một đống đồ và thậm chí còn... sửa béng luôn cả căn nhà. Kết quả là, Diderot vừa mới phất lên được một tí thì lập tức rơi vào vòng xoáy nợ nần chồng chất.
Hiệu ứng Diderot trở thành một hiện tượng tâm lý xã hội phổ biến. Khi bạn mua một cái áo, bạn bắt đầu so sánh với những món đồ ở nhà và quyết định quẹt thẻ mua thêm quần, váy, áo khoác, giày dép để phối đồ với cái áo đó.
Một lúc (lâu) sau, bạn chẳng hiểu tại sao mình lại mua thêm cả mấy túi đồ phụ kiện, mỹ phẩm, nước hoa, còn điện thoại cứ “ting ting” thông báo số dư tài khoản đang chạy về 0.
Nên giải quyết thế nào?
Tin buồn là một khi đã rơi vào hiệu ứng Diderot, bạn sẽ rất khó thoát ra cơn mua sắm vô thức. Tốt nhất là trước khi mua một món đồ nào đó, hãy bình tĩnh, kiềm chế lại và nghĩ xem tại sao bạn cần mua nó, liệu món đồ này mang về có ích không hay chỉ để làm cảnh.
2. Hiệu ứng đua đòi
Nhiều người thích trở thành tâm điểm và còn gì gây chú ý hơn bằng một món đồ mà chưa ai có. Đây chính là hiệu ứng đua đòi.
Nên giải quyết thế nào?
Hãy làm một danh sách những thứ bạn thấy mình giỏi và tự hào. Nghe có vẻ không liên quan nhưng cách này sẽ giúp bạn hiểu rằng vật chất không phải là thứ duy nhất gây thu hút.
Mọi người có thể “à ồ” khi thấy bạn mua iPhone đời mới nhất hoặc chiếc đầm hàng hiệu phiên bản giới hạn, nhưng họ sẽ có nhiều thiện cảm với bạn hơn khi bạn ăn nói thú vị hoặc mang lại nguồn năng lượng lạc quan, tích cực.
3. Hiệu ứng đoàn tàu
Hiệu ứng đoàn tàu xảy ra khi bạn mua một thứ chỉ vì nó đang hot và ai cũng sở hữu cả rồi. Kể cả món đồ đó không hợp “xì tai” của bạn thì cũng chẳng sao, chạy theo trend mới là quan trọng nhất.
Nên giải quyết thế nào?
Hãy tự hỏi bản thân rốt cuộc là bạn muốn chi tiền cho một thứ mình cực kỳ thích hay là tốn tiền để hùa theo đám đông vậy?
4. Shopping vì một tương lai tươi sáng
Chắc hẳn đã có lúc bạn nghĩ như này: “Kiểu gì mình cũng sẽ giảm béo nên là quất cái váy nhỏ hơn 2 cỡ đi”, “Phải mua giày thể thao thì mới có động lực tập chạy bộ chứ”. Kết quả là bạn mua xong để đó và chẳng nhớ vì sao mình rước mấy thứ “của nợ” này về.
Nên giải quyết thế nào?
Sự thực là bạn chỉ có thể gầy hơn, xinh hơn, thông minh hơn khi bạn nỗ lực đạt được điều đó. Bỏ tiền mua những thứ để có động lực là một ý kiến không tồi nhưng nó cũng chỉ nắm xó nếu bạn chẳng bắt tay thực hiện.
5. Mua sắm tùy hứng
Hôm nay là một ngày tồi tệ, đi Aeon thôi. Lương tháng này nhỉnh hơn chút chút, đi Vincom nào. Quả thực chúng ta luôn có lý do cho những cơn mua sắm tùy hứng.
Nên giải quyết thế nào?
Nếu mua sắm vì buồn chán, bạn có thể tìm cách xả stress tốt hơn như đi tập yoga, tập gym, xem phim. Nếu mua sắm vì “mình thích thì mình mua thôi!”, hãy nghĩ đến cảnh cuối tháng bấm bụng ăn mì gói, đi xe buýt đi làm mà tém tém lại cơn shopping nhé.
6. Tự đào hố ở cửa hàng
Bạn vào cửa hàng chỉ để mua một ổ bánh mì và kết quả là mua cả giỏ đồ ăn. Lý do là vì gói kẹo này có vị mới, lọ mứt này có màu đẹp, túi bánh này có mấy cái nơ xinh, vì cửa tiệm đẹp nên mua thêm một hộp sữa, vì không gian ấm cúng nên lấy thêm chai mật ong, vì nhạc du dương nên chọn thêm vài gói bánh. Tóm lại là bạn đã quên béng mất mình đến đây CHỈ để mua một ổ bánh mì.
Nên giải quyết thế nào?
Tốt nhất là chỉ nên mang đủ tiền để mua bánh mì hoặc mua đồ ăn khi cần giải quyết cơn đói cồn cào, tránh việc tự dưng mua thêm một giỏ đồ ăn ăn mãi không hết.
7. Bẫy giảm giá
Còn gì sướng hơn khi thấy đồ giảm giá, mà lại còn giảm giá mạnh và chỉ trong 1 ngày duy nhất, chẳng có lý do nào để không “quất” đồ về cả.
Nên giải quyết thế nào?
Hãy tỉnh táo xem lại chất lượng đồ giảm giá có ổn không và liệu bạn sẽ dùng chúng vào lúc nào hay là lại đem cất trong tủ cả tháng.
8. Rẻ là mua
Để tiết kiệm tiền nên bạn chọn mua đồ giá rẻ. Sau đó bạn tốn thêm gấp 2, gấp 3 chỉ để sửa với chữa.
Nên giải quyết thế nào?
Cách giải quyết tốt nhất là hãy mua đồ xịn ngay từ đầu. Đắt xắt ra miếng là có thật đấy.
9. Nghe theo lời tư vấn của nhân viên bán hàng
Nhân viên bán hàng là những người hiểu rõ nhu cầu của bạn nhất và có thể “bẻ lái” nhu cầu của bạn sang hướng khác, mà các hướng này đều chỉ đi đến một mục tiêu duy nhất là rút tiền trong ví bạn càng nhiều càng tốt.
Nên giải quyết thế nào?
Trước khi mua hàng, hãy tìm hiểu thông tin sản phẩm để tránh bị nhân viên bán hàng qua mặt và hãy tỉnh táo nhớ lại xem rốt cuộc nhu cầu của mình là gì.
10. Những nỗi sợ hãi
Đó có thể là nỗi sợ nếu không mua thì lần sau sẽ hết, bây giờ đang có tiền thì phải tranh thủ mua luôn, hoặc hồi nhỏ không được bố mẹ cho mua món đồ này nên bây giờ mình phải bù đắp cho bản thân.
Nên giải quyết thế nào?
Hãy tưởng tượng bạn đang đi du lịch ở một đất nước nào đó. Bạn không thể muốn mua gì thì mua nên chỉ có thể chọn những thứ bạn thực sự thích hoặc thấy cần thiết. Bạn cũng có thể suy nghĩ tích cực hơn là nếu không mua món hàng này thì bạn có thể để dành tiền đi du lịch hoặc tham gia các sự kiện hữu ích.
- 0
- 0Bình luận