Thiên Thần và Ác Quỷ (Kỳ 3): Hoàng tử địa ngục Beelzebub - \'Chúa tể của loài ruồi\' thống lĩnh binh đoàn ác quỷ cùng Lucifer
Bài viết thuộc series "Thất hoàng tử địa ngục" gồm: Lucifer, Satan, Mammon, Asmodeus, Leviathan, Beelzebub & Belphegor của Lost Bird dành cho bạn đọc yêu thích thần thoại và tôn giáo.
Trước tiên hãy trở lại với Chiến tranh thiên đường, khi Lucifer bất mãn với việc con người được Chúa yêu thương và kích động các thiên thần khác nổi dậy tạo phản. Beelzebub cùng Leviathan là một trong hai Seraphim đầu tiên sa ngã và đứng về phe của Lucifer.
Theo ghi chép của nhà thần học Johann Weyer và phái viên Công giáo La Mã kiêm thầy trừ quỷ Sebastien Michaelis, sau khi bị tổng lãnh thiên thần Michael và các thiên sứ trung thành đánh bại, Beelzebub cũng bị trục xuất khỏi thiên đường cùng lúc với Lucifer và 133.306.668 thiên thần sa ngã khác.
Ở hỏa ngục, Beelzebub tiếp tục giữ vai trò như một thống lĩnh dưới trướng Lucifer và lãnh đạo đội quân ác quỷ của riêng mình (gọi là Order of the Flies - đạo quân ruồi), trở thành một trong những nhân vật đáng sợ nhất từng được ghi nhận trong chuyên ngành Quỷ học (Demonology).
Chúa tể của loài ruồi
Cái tên Beelzebub là phiên âm tiếng Hy Lạp từ nguyên văn chữ Hebrew "Baʿal Zəvûv" (nghĩa là "Chúa tể của loài ruồi"), ngoài ra tên này còn ghi chép đầu tiên trong những kinh văn của người Philistine ở thành phố Ekron, ở đây hắn được tôn sùng như một vị thần. Người Philistine có lịch sử xung đột với người Do Thái, thế nên dễ hiểu vì sao Beelzebub lại được xem là ác quỷ đối các tộc người thờ Thiên Chúa.
Bên cạnh Lucifer, Beelzebub là một trong những con quỷ được nhắc đến cả trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, như là "God of Filth" (Vị chúa bẩn thỉu). Trong quá trình khai quật tàn tích thành phố Ekron của người Philistine phát hiện những cổ vật và phù điêu chạm khắc hình ruồi được xác định chính là Beelzebub.
Có thể con quỷ này chính là lý giải của những nền văn minh cổ đại về nạn dịch tả do ruồi gây ra. Trong thời hiện đại, ruồi không còn là mối đe dọa ở một số đất nước vì chúng ta có nhiều phương thức để tiêu diệt chúng. Tuy nhiên vào thời cổ đại khi ruồi xuất hiện với số lượng lớn có thể gây ra đại nạn vô cùng kinh khủng cho cả một cộng đồng dân cư.
Ngoài việc gây dịch bệnh tràn lan, Beelzebub còn có khả năng chiếm hữu những tên bạo chúa của loài người, thông qua việc đội lốt một kẻ quyền lực hắn có thể gây ra sự hỗn loạn, gieo rắc thống khổ cho nhân loại. Tính cách và sở thích của Beelzebub được ghi chép chi tiết nhất trong sách Testament of Solomon.
Theo đó, Beelzebub là một trong những con quỷ được vua Solomon triệu hồi để giúp ông xây một ngôi đền khổng lồ ở thánh địa Jerusalem. Khi hiện ra, Beelzebub đã nói với Solomon rằng:
Ta từng là thiên thần của thượng giới, sáng như Sao Hôm (evening star hay Herperus - một tên gọi của Sao Kim). Ta gây ra sự hủy diệt thông qua kẻ bạo chúa, khiến loài người tôn thờ ma quỷ, khiến thầy tu sa vào dục vọng, làm dấy lên lòng ghen tị của người đời khiến họ giết chóc và tạo nên chiến tranh.
Như vậy, Beelzebub tự nhận mình là Sao Hôm, tức tự cho mình ngang hàng với Sao Mai (morning star - tức Lucifer). Thực ra, Sao Mai hay Sao Hôm đều chỉ chung một hành tinh là Sao Kim (Venus), chỉ khác ở chỗ tên gọi. Khi Sao Kim được nhìn thấy lúc hoàng hôn, nó được gọi là Sao Hôm. Ngược lại, khi được nhìn thấy lúc bình minh, nó là Sao Mai.
Trong một số kinh văn ngụy tác, ví dụ như Gospel of Nicodemus (Phúc âm Nicodemus) được viết vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên có ghi chép lại về lời tự thuật của Beelzebub như sau:
Ta, hoàng tử của địa ngục, kẻ thừa kế sức mạnh và phá hủy tất cả mọi thứ từ thời kỳ của Adam và con cháu của hắn tạo ra, kể cả khi đó là việc duy nhất ta phải làm.
Đại diện cho tội ác: "phàm ăn tục uống"
Theo nhà thần học, giám mục người Đức Peter Binsfeld thì hoàng tử địa ngục Beelzebub là đại diện cho tội phàm ăn (gluttony) trong số 7 đại tội (seven deadly sins), bởi vì ruồi thường đậu lên tất cả mọi thức ăn mà nó tìm được, khiến thức ăn đó dơ bẩn và gây ra bệnh truyền nhiễm cho bất kỳ ai ăn phải nó.
Từ "gluttony" vốn bắt nguồn từ nguyên văn tiếng Latin "gluttire", mô tả một hành vi ăn uống đến mức phung phí quá đáng. Vào thời trung cổ, dịch bệnh và nạn đói thường xuyên xảy ra, chiến tranh giữa các thế lực phong kiến cũng hủy hoại các cồng đồng dân cư, khiến thức ăn trở nên khan hiếm vì người ta không thể tập trung lao động sản xuất.
Chính vì vậy, phàm ăn và lãng phí thức ăn được xem là một đại tội, thực ra thì ngay cả trong thời hiện đại thì khái niệm này vẫn đúng. Theo thánh Thomas Aquinas, đại tội "phàm ăn" có thể được xác định với các biểu hiện như sau:
1. Laute - đòi ăn những thứ đắt đỏ, hiếm gặp.
2. Studiose - ăn uống quá kén chọn.
3. Nimis - ăn nhiều quá mức cần thiết.
4. Praepropere - ăn quá sớm, không đúng giờ giấc.
5. Ardenter - ăn một cách vồ vập.
Beelzebub trong văn hóa đại chúng
Hình tượng Beelzebub được khai thác trực tiếp hoặc tạo cảm hứng cho nhiều phim ảnh, sách truyện. Nổi tiếng nhất là tiểu thuyết từng đoạt giải Nobel của tác giả người Anh William Golding với tựa đề: Lord of the Flies, tác phẩm luôn nằm trong top những tiểu thuyết hiện đại hay nhất.
Lord of the Flies kể về một nhóm thanh niên người Anh mắc kẹt trên một hoang đảo, họ bắt đầu trở nên mất kiểm soát và những điều tồi tệ xảy ra. Chủ đề xuyên suốt của tác phẩm là "sự hỗn loạn" mà con người gây ra trong một tình huống nhất định. Hỗn loạn cũng là thứ mà ác quỷ Beelzebub mang đến cho loài người.
Ở Việt Nam, cụ thể là vùng Quảng Trị và Gia Lai có một loài dơi đặc hữu được đặt tên theo chúa quỷ Beelzebub, gọi là dơi mũi ống mặt quỷ Beelzebub, danh pháp 2 phần Murina Beelzebub, thuộc họ dơi muỗi, chuyên ăn côn trùng (Vespertilionidae).
Thế nhưng, trong thời gian gần đây, cái tên Beelzebub được biết tới nhiều nhất thông qua manga và anime cùng tên của tác giả Tamura Ryuuhei. Beelzebub của Tamura Ryuuhei là một series action comedy pha chút đời sống học đường thú vị và gần gũi.
Cốt truyện như sau: một ngày nọ quỷ vương Beelzebub bảo rằng "Từ ngày mai ta sẽ tiêu diệt loài người". Nhưng rồi vì một vài lí do nào đó, ông ta quyết định chuyển sứ mệnh lại cho con trai mới sinh chưa được bao lâu của mình – Beelzebub bé con.
Và thế là cậu bé sơ sinh Beelzebub được đưa đến thế giới loài người để nuôi dạy trưởng thành, rồi sau này chính cậu sẽ phụng mệnh tiêu diệt loài người. Để nuôi dưỡng Beelzebub lớn mạnh lên cần một người mạnh mẽ làm cha/mẹ cho cậu bé. Và nhân vật chính của truyện – Oga Tatsumi đã được chọn bởi sức mạnh và tính cách của cậu.
- 0
- 0Bình luận