Rudolph Valentino: Từ diễn viên ngoại quốc bị khinh thường trở thành \'Người tình Latin vĩ đại\' của Hollywood
Trở thành một biểu tượng là như thế nào? Nếu nói đến các diễn viên, thì nổi tiếng đến độ trở thành một biểu tượng là khi hình ảnh của họ được nhận ra ngay lập tức. Khắp thế giới, cho dù thuộc nền văn hóa hay chủng tộc nào, người ta cũng dễ dàng nhận ra Marilyn Monroe hoặc Charlie Chaplin. Chính cái tên của họ đã là biểu tượng – “Chaplin” gợi nhớ về những tiếng cười tinh thần xưa cũ, còn “Marilyn Monroe” là sự quyến rũ, gợi dục điểm chút nhạy cảm và dễ tổn thương.
Rudolph Valentino có vẻ mờ nhạt nhất bên cạnh những huyền thoại màn bạc, những biểu tượng được tôn thờ. Cách cái tên “Valentino” mà anh chọn lấy được người ta nhắc đến một cách mơ hồ, và cách cái tên “Valentino” đó gợi nhớ về những bộ phim tình cảm Hollywood ở kỷ nguyên phim câm, với ánh sáng nhẹ, Âu phục được may đo hoàn hảo, trang sức sáng huyền ảo và những cái hôn nồng nàn bất tận.
Và người ta nhớ đến câu chuyện về những fan khóc thương đến bất tỉnh ở tang lễ của anh – Rudolph Valentino đã chết trẻ, mọi người nhớ như thế.
Đến ngày nay, bao nhiêu người biết được Rudolph Valentino trông như thế nào? Bao nhiêu người đã xem phim của anh, hay chí ít là một vài đoạn trích từ đó? Ai là con người bằng xương bằng thịt đằng sau cái tên lãng mạn, giấc mơ lãng mạn kia?
Khi cậu bé Rodolfo mới 11 tuổi, cha cậu qua đời bởi căn bệnh sốt rét – cũng là căn bệnh mà ông đã dành thời gian để tìm cách chữa trị. Do đó, Rodolfo nhỏ tuổi cùng anh trai và em gái trở nên vô cùng gần gũi với mẹ.
Cho dù sáng dạ và có thể nói một vài ngôn ngữ, rõ ràng định mệnh của cậu bé Rodolfo không dành cho trường lớp hay khoa học. Cậu ưa thích thể thao, làm việc bằng tay, và sau trải nghiệm đáng buồn ở trường nội trú, Rodolfo học ngành cảnh quan chuyên nghiệp tại một học viện nông nghiệp. Nhưng cuối cùng thì có lẽ cậu đã cho rằng nước Ý là quá nhỏ cho mình.
Ở những năm 1910, một chàng trai trẻ ưa thích phiêu lưu còn có thể tìm đến đâu, ngoài nước Mỹ với những cơ hội rộng mở và nền kinh tế thịnh vượng? Vậy là chàng trai Rodolfo Guglielmi 18 tuổi háo hức trả tiền cho buồng hạng nhất trên con tàu SS Cleverland, hướng về New York phồn hoa.
Đến New York, trong quãng thời gian ngắn, Rodolfo thuê một căn hộ tiện nghi và cố gắng hòa nhập vào giới thượng lưu. Có vẻ như anh đã đốt sạch tiền và bắt đầu làm những công việc lạ lùng để trang trải. Nhận thấy cơn nghiện nhảy nhót và khiêu vũ lúc bấy giờ, Rodolfo dùng cái duyên cùng tài năng sẵn có để trở thành một thầy dạy nhảy và bạn nhảy cho thuê.
Trong một chuỗi những sự kiện kịch tính như phim, Rodolfo được chứng kiến vụ ly hôn đầy giật gân của nữ thừa kế Blanca de Saulles, sau khi bà này bắn chồng cũ để giành quyền nuôi con. Nhận ra sẽ khôn ngoan hơn nếu rời bỏ New York, Rodolfo đến vùng Bờ Tây nước Mỹ, hy vọng được bước lên màn bạc.
Vận lên người những bộ cánh sáng màu và khoa trương để trông nổi bật hơn, anh lang thang quanh các xưởng phim với mong muốn tìm được việc. Nhà sản xuất Samuel Goldwyn nhớ về chàng trai trẻ tuổi người Ý đến hỏi thăm về việc tuyển diễn viên: “Những câu hỏi đó… chúng thật khiến người ta cảm động hơn nữa bởi cử chỉ rất chất phác của người hỏi… Anh ấy vô cùng hăm hở khi đặt câu hỏi, và vô cùng thất vọng khi được nghe câu trả lời.”
Cuối cùng thì Rodolfo cũng có được một vai quần chúng trong phim Alimony (1918) với thù lao 5 USD một ngày, sau đó là vài vai diễn nhỏ khác. Khi ngoại hình “ngoại quốc” khiến bản thân bị đóng đinh vào những vai phản diện Latin (theo xu hướng thời bấy giờ), anh quyết định tận dụng luôn vẻ ngoài của mình. Rodolfo tiếp tục nhận được vai diễn trong A Rogue’s Romance (1919), The Wonderful Chance (1920), và có được cơ hội làm việc cùng đạo diễn D.W. Griffith. Nhưng vị đạo diễn lừng danh này chê bai khuôn mặt “quá ngoại quốc” của Rodolfo, cũng như nói thêm rằng “Các cô gái sẽ không bao giờ thích anh ta”.
Nghệ danh của anh khá hóc búa đối với khán giả và phía làm phim. “Guglielmi” bị bỏ đi để thay bằng “di Valentini”, nhưng cái tên này cũng bị biến thể với đủ kiểu đánh vần, từ “di Valentina”, “De Valentina”, “Volantino”, “Valentine” và “De Valentine”. Mỗi kiểu biến thể trên lại được ghép với “Rodolfo”, “Rudolpho”, “Rodolph” hoặc “Rudolf”. Sau cùng anh ổn định với cái tên Rudolph Valentino – dễ nhớ, dễ gọi – và yêu cầu bạn bè gọi mình là Rudy.
Khi bắt đầu chạm những nét đầu của một sự nghiệp vững chắc, hai sự kiện xảy đến với cuộc đời Rudolph. Người mẹ yêu quý của anh qua đời, và anh tìm thấy niềm an ủi từ nữ diễn viên Jean Acker. Sau 2 tháng tìm hiểu, Rudy và Jean cưới nhau. Rồi Jean Acker tự khóa mình trong phòng khách sạn ngay đêm tân hôn, để chồng – về sau trở thành “người tình Latin vĩ đại” bẽ bàng bên ngoài. Jean Acker vốn là người đồng tính, cặp đôi ly hôn năm 1923 và trở thành bạn tốt của nhau.
Năm 1921, nam diễn viên được nhiều người nhận xét là “thái độ nhã nhặn” và “dễ ngại ngùng” nhận được vai diễn đáng nhớ của sự nghiệp: chàng Julio nồng nhiệt, phóng khoáng trong The Four Horsemen of the Apocalypse (1921). Anh được đích thân nữ biên kịch June Mathis lựa chọn cho vai diễn này, và theo lời Rudolph kể lại, “Nhiều người nói rằng bà ấy đã điên rồi, khi giao cho tôi vai diễn đó. Tôi lúc đấy là một gánh nặng, và chẳng thể trở thành thứ gì khác.”
Nhưng trực giác của Mathis đã đúng. Sức hút của Rudolph tỏa sáng hơn bao giờ hết, cái nhìn đăm chiêu, điệu bộ uyển chuyển trong điệu tango đó đã lôi cuốn khan giả nữ tựa như một cơn bão. Chàng trai trẻ đẹp này là một điều mới mẻ, một sức hút không thể chối từ. Constance Talmadge nhớ lại: “Đi đến đâu tôi đều nghe thấy các cô gái kháo nhau, rằng phải chi họ đủ may mắn để nhảy một điệu tango với người hùng ấy.”
Cảnh tango huyền thoại của Rudolph Valentino trong The Four Horsemen of the Apocalypse (1921)
Sau cùng thì Rodolfo Guglielmi đến từ miền nam đầy nắng của nước Ý đã “làm nên chuyện”. Trong các tác phẩm sau đó, có thể kể đến Camille (1921) - bộ phim đưa Rudolph đến với nhà thiết kế quyến rũ và lạnh lùng Natacha Rambova.
Ban đầu, Rambova cho rằng Rudolph quá phiền phức. Cô nhớ lại: “Anh ấy cứ kể mấy chuyện cười suốt và rồi tự quên đi mình đang kể cái gì. Tôi đã nghĩ anh thật ngốc.” Nhưng rất nhanh sau đó, Rambova nhận ra Rudolph chỉ đang cố thân thiện. Cô cởi mở hơn với anh và rồi cả hai yêu nhau.
Cũng trong năm 1921, Rudolph có bước tiến vượt bậc khi ký hợp đồng với hãng phim Famous Players-Lasky. Bộ phim đầu tiên của anh với hãng này đã đánh dấu cột mốc lớn trong sự nghiệp của nam diễn viên. The Sheik (1921) là bộ phim lãng mạn lấy bối cảnh sa mạc, dựa trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của E.M. Hull. Vai diễn Tù trưởng Ahmed Ben Hassa đã trở thành hình ảnh gắn liền với cái tên Rudolph Valentino đến tận ngày nay. Bộ phim là một bom tấn của thời đó, khi chỉ trong một tuần ở riêng New York, có hơn 112,000 người đến rạp để xem nó.
Nhiều nhà phê bình đánh giá cao diễn xuất của Rudolph, số còn lại cho rằng anh “cứ liên tục cho khán giả thấy tròng trắng của mắt mình”. Mặc kệ những cái trợn mắt của Rudolph (rất có thể là ý đồ của đạo diễn), phụ nữ run rẩy bởi người tình gợi cảm và mới mẽ này. Một tít báo của Picture-Play chỉ ra “Anh ấy không hề giống với người mà mẹ muốn bạn cưới làm chồng.” Bộ phim cũng ảnh hưởng đến giới trẻ Mỹ thời bấy giờ khi các chàng trai để kiểu tóc giống nhân vật tù trưởng của Rudolph Valentino trong phim.
Sau The Sheik là vai diễn mà bản thân Rudolph yêu thích nhất: tay đấu bò nóng máu Gallardo trong phim Blood and Sand (1922). Vợ anh, Natacha, kể rằng Rudolph đã đi theo hướng “method acting” để nhập vai.
“Anh ấy liếc tôi như cách Gallardo liếc Donna Sol, hoặc nhìn tôi với ánh mắt khẩn nài như cách Gallardo nhìn người vợ bé nhỏ của mình… Anh đã không để bản thân thoát khỏi vai diễn, cho dù chỉ là một khoảnh khắc.”
Ngoài đời, Rudolph là một người lịch sự và hơi nhút nhát, thích cưỡi ngựa, sửa chữa ô tô trong gara, tập luyện thể thao, sưu tầm vũ khí cổ cũng như quay phim, chụp ảnh. Chị em nhà Gish – những nữ diễn viên nổi tiếng của thời đại – kể rằng anh từng đến nhà và nấu ăn cùng mẹ của họ. Nữ diễn viên Patsy Ruth Miller miêu tả Rudolph là người “vui vẻ, giống như một người anh trai vậy”.
“Tất cả những gì anh ấy nghĩ đến chỉ là đồ ăn Ý thôi. Anh ấy hướng cái nhìn mơ màng từ đôi mắt to kia vào một phụ nữ và cô ấy tưởng như ngất đến nơi vì sung sướng rồi, nhưng riêng anh thì có quan tâm đâu. (Rudolph) toàn nghĩ về món mỳ Ý và thịt viên mà anh ấy sẽ được ăn trong bữa tối.” - Nam diễn viên Stuart Holmes đùa về "sự thật" đằng sau "Người tình vĩ đại" Rudolph Valentino
Khi đã trở thành một siêu sao màn bạc – và một phần có lẽ đến từ những gợi ý của Natacha - Rudolph bắt đầu yêu cầu thù lao cao hơn và thêm quyền kiểm soát về nghệ thuật trong những phim mà mình tham gia. Hãng phim do dự trước các yêu cầu đó, đặc biệt là khi Rudolph đã lên trang nhất hầu hết các tờ báo vì cưới Natacha Rampova khi mà việc ly hôn Jean Acker vẫn chưa giải quyết xong. Những mâu thuẫn khiến nam tài tử tuyên bố rút khỏi nhiều dự án phim, và để giữ cho nguồn tài chính được dồi dào, vợ chồng nhà Valentino tham gia vào tour khiêu vũ Mineralava nổi tiếng.
Những điệu tango của Rudolph và Natacha luôn thu hút đám đông khổng lồ, và người hâm mộ nữ vây lấy Rudolph mọi nơi mà anh đi qua, đôi lúc còn giật đứt vài chiếc cúc áo từ trang phục của anh. Lần nọ, ở một rạp phim chật kín người ở Chicago, người phụ nữ nọ bị ngất và được đưa vào phòng thay đồ của Rudolph để nằm nghỉ. Khi trông thấy nam diễn viên đứng gần đó, cô này vừa mới tỉnh lại đã tiếp tục ngất thêm lần nữa.
Rudolph trở lại với phim ảnh với Monsieur Beaucaire (1924), một bộ phim lấy bối cảnh nước Pháp ở thế kỷ 18. Trong nhiều năm, cánh mày râu không lấy gì làm ưa cách mà các bà các cô say mê Rudolph Valentino, cũng như không ưa mái tóc bóng loáng được chải kỹ lưỡng và áo quần bảnh bao của nam tài tử. Cho đến bộ phim hành động kịch tính The Eagle (1925) với nhiều cảnh hành động và tình cảm lãng mạn, anh mới lấy lòng được cả hai phái.
Nhưng rồi những rạn nứt bắt đầu xuất hiện, khi mà danh vọng trở nên quá lớn và cuộc hôn nhân với Natacha sụp đổ. Anh ngày càng nổi tiếng và giàu có, nhưng cuộc sống sau màn ảnh lại quá cô đơn. Trong một cuộc phỏng vấn, Rudolph từ chối chuyện kết hôn thêm lần nữa, và trong cuộc phỏng vấn khác, anh cho biết bản thân mong muốn một người vợ đảm đang và sinh con đẻ cái (nam tài tử rất thích trẻ con).
“Mọi thứ xảy đến quá nhanh. Một người đàn ông phải điều khiển được đời mình, còn tôi bị chính cuộc đời mình điều khiển.”
Năm 1926, Rudolph Valentino quyết định nhận vai diễn trong The Son of the Sheik – phần tiếp theo của phim The Sheik (1921). Ở tác phẩm này, diễn xuất của anh rất thuyết phục khi thể hiện cả hai vai. Cái nhìn đe dọa mà gợi dục vốn chỉ thoáng qua ở phần phim đầu, giờ đây được phô bày trọn vẹn. Mặc dù ra mắt chỉ sau phần phim đầu 5 năm, ngoại hình của Rudolph đã trưởng thành hơn, đẹp đến nhức nhói, và cảnh tình cảm khiến cả những khán giả khó chiều nhất cũng được thỏa mãn.
Không lâu sau tour quảng bá cho The Son of the Sheik, giữa tháng tám năm 1926, Rudolph Valentino ngã bệnh. Người đàn ông trẻ mạnh mẽ, đã từng bao lần đấu kiếm và ôm ấp người yêu của mình trên màn ảnh, giờ đây phải chống chọi để giành lấy sự sống.
Những cơn đau bụng dai dẳng của Rudolph gây ra bởi một vết loét dạ dày có kích cỡ bằng đồng xu, theo như những gì bác sĩ phát hiện. Cuộc phẫu thuật sau đó không thể ngăn chứng viêm màng bụng ập đến, khiến cho mọi hơi thở của anh trở nên khó khăn và đau đớn. Rudolph Valentino qua đời lúc 12 giờ 10 phút đêm 23/8/1926. Những lời cuối cùng của anh vào sáng hôm đấy là “Đừng buông rèm cửa xuống! Tôi ổn mà. Tôi muốn được ánh nắng chào đón.”
Cái chết của Rudolph gây sốc cho toàn thế giới - nó dẫn đến những cơn kích động và cả những hỗn loạn khi hàng nghìn người tụ tập để được nhìn thấy xác nam diễn viên nằm trong quan tài ở Nhà tang lễ Nhà thờ Frank E. Campbell. Khi xác Rudolph được đưa về Hollywood bằng tàu hỏa, lại có thêm hàng nghìn người hâm mộ than khóc anh dọc bên đường. Ở các vùng nông thôn, nhiều cô gái tự tử vì cái chết của nam diễn viên.
Giờ đây, Rudolph Valentino yên nghỉ trong một góc yên tĩnh của Nghĩa trang Hollywood Forever. Trang viên của anh giờ đã không còn, và vật dụng, đồ đạc thì rải rác khắp các viện bảo tàng, bộ sưu tập. Những bộ phim của anh hiếm khi được người ta tìm xem, và cái tên “Rudolph Valentino” có lẽ được nhớ đến nhiều hơn khuôn mặt mà ngày xưa bao người thương mến. Nhưng ai đã nhìn thấy dáng vẻ kia trên những thước phim đều sẽ cảm nhận được tài năng và cái duyên của nam tài tử năm đó.
“Các cô gái trẻ - 14 tuổi, 19 tuổi – họ yêu Rudolph Valentino, bởi anh ấy đã đưa vị thần lãng mạn đi vào giấc mơ của họ từ trên lưng ngựa. Anh ấy không phải mẫu người được cô gái khát khao, mà là biểu tượng của những gì cô gái mong mỏi có được.” - một lá thư gửi đến tờ Photoplay, tháng 1 năm 1927
- 0
- 0Bình luận