logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky6 năm trước
Lostbird

Soi kỹ \'Us\' của Jordan Peele: Giải mã những chi tiết siêu thâm thúy mà nhiều người dễ bỏ qua

1. Kinh Thánh: "Jeremiah 11:11"

Một khi đã xem Us thì hẳn bạn sẽ có hàng chục câu hỏi trong đầu khi bước ra khỏi rạp. Nếu bạn là một tín đồ Công Giáo, hẳn bạn sẽ nhận ra chi tiết bao trùm làm nền tảng cho cả bộ phim được đạo diễn Jordan Peele ưu tiên nhắc đến không dưới 3 lần: "Jeremiah đoạn 11, câu 11". Nếu bạn chưa tìm hiểu Kinh Thánh? Không sao, nội dung ở ngay đây.

Nguyên văn: "Therefore thus saith the LORD, Behold, I will bring evil upon them, which they shall not be able to escape; and though they shall cry unto me, I will not hearken unto them." (KJV)

Vậy nên, Đức Giê-hô-va phán như vầy: Nầy, ta sẽ khiến tai nạn đổ trên chúng nó, không thể tránh được; chúng nó sẽ kêu đến ta, nhưng ta chẳng thèm nghe. (Bản dịch 1934)

jeremiah

Vậy Jordan Peele đang nói điều gì với ai? Ông nói với các nhân vật trong phim, hay nói với khán giả? Không hẳn, Jordan Peele đang nói điều này với nước Mỹ, rằng: "Sự hỗn loạn đã và đang đến rồi, không ai có thể tránh khỏi nó, cả nước Mỹ này, không một ai."

Sách của Jeremiah (Giê-rê-mi) là một sách tiên tri, dài thứ nhì trong Kinh Thánh, nội dung sách loan báo về những thảm họa sẽ xảy ra khiến dân chúng lầm than, rơi vào cảnh loạn lạc.

Những đại nạn được sách nhắc đến là không thể tránh khỏi vì đó là ý Chúa. Bản thân nhà tiên tri Jeremiah ban đầu đã từ chối không truyền lời Chúa để khuyên nhủ vua Judah và người dân ở thành Jerusalem cùng sám hối tội lỗi nhưng sau đó ông đã hối cải và đồng ý thực hiện sứ mệnh.

1111

Tuy nhiên, mọi việc đã quá muộn, những tội lỗi của vua và dân ở thành này là không thể chối bỏ được. Bất chấp việc Jeremiah đã cố gắng cứu lấy thánh địa Jerusalem với 300 năm đạt thành tựu rực rỡ nhưng cuối cùng ông đã thất bại và vùng đất thánh bị quân Babylon tàn phá như số phận đã định.

Quay ngược lại lịch sử nước Mỹ trở về năm 1729, sau khi nước Anh chiếm lấy 13 thuộc địa cũ của Hà Lan ở Bắc Mỹ mà sau này 13 thuộc địa đó đã hình thành nên nước Mỹ ngày nay, tính đến 2019 đã là 290 năm và cột mốc 300 năm cũng gần kề. Với phim "Us", Jordan Peele đã dự báo một tương lai đầy biến động cho nước Mỹ. Rằng nếu họ không sớm hối cải thì cũng sẽ bị diệt vong như Jerusalem đã từng.

2. "Hands Across America 1986" và bức tường của Donald Trump

Trong phim bạn sẽ thấy cảnh rất rất nhiều người (mặc đồ đỏ cam) nắm tay với nhau (như trong cảnh phim dưới đây, các hình vẽ trên tấm bảng đang tái hiện lại cảnh đó). Đây là chi tiết nhắc nhớ lại phong trào Hands Across America được tổ chức ở Mỹ vào ngày 25 tháng 5 năm 1986. Một nhân vật trong phim cũng sẽ mặc chiếc áo có in dòng chữ này, hãy chú ý nó nhé!

Trong sự kiện đó có khoảng 6,5 triệu người Mỹ nắm tay nhau thành một chuỗi trong mười lăm phút tạo thành một hàng dài xuyên suốt Hoa Kỳ. Nhiều người muốn tham gia đã quyên góp mười USD để đặt trước chỗ của họ trong hàng, số tiền thu được dành quyên góp cho các tổ chức từ thiện địa phương để chống đói nghèo và giúp đỡ người vô gia cư.

1 1

Bức tường được tạo thành từ những con người.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc nắm tay như thế này là tạo nên một bức tường (màu áo đỏ cam của họ cũng giống màu gạch) và Jordan Peele đang cố ý nhắc tới bức tường mà tổng thống Donald Trump đã hứa sẽ xây để ngăn cách Mỹ và Mexico nhằm hạn chế nạn di dân bất hợp pháp và buôn lậu ma túy.

Tuy nhiên sự kiện này không hẳn là hoàn toàn thành công tốt đẹp khi xảy ra phản đối dữ dội ở hai cộng đồng dân cư tại hai vùng lãnh thổ khá đặc biệt của Mỹ là New England ở Đông Bắc và Minneapolis/Milwaukee ở Trung Tây khi người dân ở 2 vùng này lại không được tham gia sự kiện Hands Across America 1986.

2

Nắm tay cùng nhau, một chi tiết rất quan trọng.

New England là khu vực đông dân nhất nước Mỹ vào thời điểm 1986, nơi này cũng có lịch sử lâu đời và là một trong những vùng định cư xưa nhất của người Anh tại Bắc Mỹ, cũng có thể gọi là 1 trong những cái nôi của nước Mỹ. Còn Minneapolis/Milwaukee lại là những lãnh thổ lâu đời giàu truyền thống của người Mỹ bản xứ (người da đỏ).

Như vậy, Jordan Peele vừa có ý nhắc đến việc tạo thành một bức tường vì tổ quốc với những "viên gạch" phải là những con người đoàn kết cùng một chí hướng với nhau, chứ không phải một bức tường vô tri có thể giải quyết được vấn đề. Ông cũng nhắc khéo rằng không nên để xảy sự mất đoàn kết và phải nhớ đến cội nguồn của quốc gia cùng những con người quan trọng đã đặt nền móng cho nó (người Anh di cư & người Mỹ bản xứ).

Chi tiết này sẽ còn tiếp tục được nhắc đến sau đó.

3. Shaman Vision Quest & Merlin's Forest

Không phải spoil đâu! Chi tiết khá nhỏ này rất dễ bị bỏ qua bởi người xem. Jordan Peele đã cố ý cài cắm để bổ sung cho phần Hands Across America 1986 kể trên.

Ban đầu, khi nhân vật chính Adelaide Wilson (còn nhỏ) đi vào nhà kính trong khu vui chơi bên bãi biển Santa Cruz một mình thì ngôi nhà có biển đề "Shaman Vision Quest" (viễn tượng của thầy phù thủy) với hình vẽ minh họa một thầy pháp hoặc tù trưởng người da đỏ.

3

Khi Adelaide trở lại bãi biển lần thứ hai (lúc đã trưởng thành) thì đã có sự thay đổi, biển hiệu trở thành "Merlin's Forest" (khu rừng của pháp sư Merlin) với hình minh họa là Merlin, một pháp sư trong truyền thuyết Anh Quốc.

Người Anh và người da đỏ lại xuất hiện, Jordan Peele tiếp tục nhắc lại chi tiết "mất đoàn kết" đã nói ở trên. Tòa nhà kính trong khu vui chơi này là địa điểm xảy ra và cũng là kết thúc những nút thắt của phim, chứa đựng những bí mật phải khám phá, những hiểm nguy mà nhân vật phải đối mặt. Jordan Peele đã nhấn mạnh rằng mất đoàn kết chính là tai họa, nhưng nước Mỹ sẽ phải đối mặt và giải quyết khó khăn này vì không có cách gì để tránh né cả.

4. Thỏ

Vâng, hãy sẵn sàng để xem một bộ phim có nhiều thỏ nhất trong lịch sử, thỏ trắng thỏ nâu thỏ vàng thỏ đen... kính thưa các loại thỏ. Chúng ta sẽ thấy các hình ảnh thỏ gắn với đường hầm dài đến vô tận (ảnh dưới), những căn phòng như nhà tù, những cái chuồng thỏ xếp chồng lên nhau, những con thỏ bị ăn thịt...

Chúng tượng trưng cho người nhập cư, đến Mỹ một cách lén lún dưới đường hầm. Thỏ hiền lành không biết chống cự, bị nhốt trong chuồng, bị ăn ngấu nghiến... như thân phận người nhập cư yếu ớt không tiếng nói. Lông của thỏ cũng có nhiều màu, như màu da người, chúng tượng trưng cho đủ mọi sắc tộc đang sống trên nước Mỹ (vốn được gọi là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ).

4

Và một chi tiết khá đặc biệt có liên quan đến Việt Nam! Con gái Zora trong gia đình Wilson mặc một cái áo có chữ "THỎ" bằng tiếng Việt. Thỏ là một loài vật được dùng trong nhiều thí nghiệm tàn bạo và đất nước Việt Nam cũng từng chung số phận như vậy.

Việt Nam là một phép thử của Mỹ, là một nơi để các cường quốc thiết lập chiến tranh ủy quyền, trở thành sân chơi cho những ông lớn ném bom rải đạn vào để tranh quyền đoạt lợi trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Việt Nam gần như đã bị chia cắt và nuốt chửng bởi thực dân, đế quốc.

Thỏ và Việt Nam, liên quan đấy!

Kết cục ra sao? Việt Nam thắng! Chiến tranh Việt Nam là một trong những công cuộc đắt tiền nhất trong lịch sử nước Mỹ, tiêu tốn 1.800 tỷ USD trong khi chương trình vũ trụ đưa người lên Mặt Trăng của Mỹ cũng chỉ tốn 25 tỷ USD mà thôi. Có thể nói, gây chiến ở Việt Nam là một thất bại cực kỳ lớn của nước Mỹ và Jordan Peele muốn nhắc lại theo-nghĩa-đen.

Trong phim, cô bé Zora mặc áo có chữ "THỎ" cũng rất ngoan cường như dân tộc Việt Nam vậy, thậm chí là nhân vật cực kỳ lợi hại đấy, bạn đọc hãy xem phim và đừng quên khám phá chi tiết này nhé.

5. Quyền

Us là một bộ phim kinh dị nhưng lấy vấn đề xã hội làm cốt lõi. "Quyền" là một chủ đề hot trong thời buổi hiện nay. Chúng ta có đủ các "quyền" trong Us, hiển nhiên là vậy rồi!

Cách thể hiện các quyền (nữ quyền, bình quyền cho người da màu...) được cài cắm rất duyên, không ảnh hưởng quá nhiều đến cốt truyện, không gây khó chịu.

Thứ nhất, chúng ta đều biết phim này sẽ có những nhân vật chính và những kẻ phản diện giả mạo là nhân bản của nhân vật chính (cho dễ hiểu, cứ gọi là "người da trắng/da màu thật" và "người da trắng/da màu giả").

6

Người da trắng trong phim đã ít mà lại còn chết nhiều nữa.

Chú ý khi xem nhé, sẽ không có bất kỳ cảnh quay trực tiếp rõ nét nào cho thấy một người da trắng giết chết một người da màu dù là người thật hay người giả. Có một vài xác người da màu bên vệ đường, nhưng bạn sẽ không thấy được họ chết ra sao. Ngược lại, cảnh người "da trắng thật" bị giết bởi người "da trắng/da màu giả" và "người da màu giả" bị giết bởi "người da màu thật" sẽ khá nhiều.

Thứ hai, ở hầu hết phân cảnh, lời thoại lẫn tính cách của nữ chính sẽ áp đảo nam chính, hành động của nhân vật nữ cũng sẽ mang tính quyết định hơn là nhân vật nam. Khi xem phim những chi tiết này khá dễ nhận ra nên không cần nhắc đến chi tiết ở đây.

6. Áo màu đỏ cam, kéo và còng tay

Màu đỏ, hoặc đỏ cam "nhắc nhẹ" đến áo của tù nhân (người phạm tội bị giam cầm, nữ nhan vật phản diện trong phim còn được gọi là "người bị xích") và của công nhân (tầng lớp lao động nghèo khó).

Ngoài ra, màu đỏ còn là màu của Đảng Cộng Hòa (Republican Party) - đảng phái chính trị của tổng thống Donald Trump. Đối nghịch với màu đỏ là màu xanh da trời của Đảng Dân Chủ (Democratic Party).

500px 116th united states congress senators svg

Màu đỏ của Đảng Cộng Hòa đang chiếm ưu thế ở nước Mỹ khi tổng thống Trump lên nắm quyền.

Trong trailer, khi gia đình những kẻ phản diện đột nhập vào nhà của những nhân vật chính, họ đã đối mặt với nhau ở phòng khách. Trên tường có treo một bức tranh người phụ nữ mặc áo đỏ ngồi trên ghế ở vị trí chính diện bức tranh, còn những người áo xanh thì mờ nhạt đứng phía xa.

7 final

Chi tiết này ngụ ý Đảng Cộng Hòa (hiếu chiến, bảo thủ) của ông Trump đang chiếm ưu thế và là nguyên nhân gây ra những xung đột ở Mỹ. Việc những kẻ phản diện áo đỏ sử dụng vũ khí là một cái kéo cũng là có ý đồ. Kéo là vật dùng để chia cắt, tạo nên sự phân ly. Theo Jordan Peele, những kẻ áo đỏ thuộc Đảng Cộng Hòa đã và đang cầm kéo để chia cắt nước Mỹ từ bên trong.

keo

Riêng chi tiết cái còng tay chỉ được lý giải hoàn toàn vào cuối phim. Ngay khi đột nhập thành công vào nhà của gia đình Wilson, kẻ phản diện áo đỏ đã bắt nữ chính Adelaide Wilson phải còng tay vào bàn. Kết nối sự việc này với cái kết, bạn đọc sẽ thấy sự liên kết, mặc dù không thuyết phục cho lắm.

7. Tựa đề "Us"

Us ở đây được dịch là "Chúng Ta", tuy nhiên nó cũng có nghĩa là "nước Mỹ" (United States). Đạo diễn Jordan Peele cố ý làm bộ phim này để phản ánh xã hội Mỹ, dự đoán một tương lai loạn lạc của đất nước và cảnh tỉnh giới lãnh đạo lẫn người dân Mỹ (như nhà tiên tri Jeremiah đã truyền đạt với vua tôi thành Jerusalem nhưng không ai nghe).

maxresdefault

Có thể nói, Us là một phim khá đáng sợ và đầy bạo lực, bạn vẫn có thể thưởng thức nó như một phim kinh dị máu me, kịch tính thuần túy tuy nhiên giá trị lớn lao nhất của phim chính là thông điệp về chính trị và xã hội mà Jordan Peele gửi gắm vào đó, từ tựa đề đến từng cảnh phim, từng chi tiết nhỏ.

Nếu các bạn hỏi UsGet Out phim nào hay hơn, câu trả lời sẽ là: "Us phong phú hơn". Nếu có ai thắc mắc rằng nên ra rạp xem Us hay không, câu trả lời sẽ là: "Nên! Nhưng hãy ghi nhớ rằng phim đặc biệt được làm như một thông điệp dành cho người Mỹ."

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky6 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)