Thiên Thần và Ác Quỷ (Kỳ 10): Hành trình chuộc tội của Thiên thần Ramiel và câu chuyện về sự hối cải đầy ý nghĩa trong Kinh thánh
Trong loạt bài về các nhân vật trong Kinh Thánh trước kia của Lost Bird, hẳn các bạn đã quen thuộc với hình ảnh những Tổng lãnh thiên thần đầy quyền năng như Gabriel, Michael. Theo các nhà nghiên cứu Thiên sứ học (Angelology), các Tổng lãnh thiên thần này đều đóng vai trò như một phụ tá đắc lực của Chúa, thay mặt Người thực hiện nhiều nhiệm vụ để dẫn dắt, cải tạo xã hội con người.
Nhiều thiên thần như Gabriel (báo tin cho Maria về sự ra đời của Jesus) đều rất trung thành, luôn luôn ở bên Chúa và yêu thương con người. Ở chiều ngược lại, lại có những kẻ muốn ra khỏi khuôn khổ đó. Như trường hợp của Lucifer, vốn là một trong những tạo vật được Chúa yêu chiều nhất đã phản bội lại người khi phải oằn mình phục vụ một kẻ mà hắn cho là thấp kém, yếu đuối hơn (con người). Lucifer đã dấy binh, kêu gọi các thiên thần khác để chống lại Chúa và để rồi nhận kết cục cay đắng (bị Michael đuổi cổ khỏi Thiên đàng vĩnh viễn) và trở thành Chúa Quỷ.
Những kẻ còn lại cũng không có kết cục tốt đẹp hơn khi bị tước mọi năng lực và đày xuống trần gian. Nhiều trong số đó đã sống hòa nhập với con người, một số khác chấp nhận tên gọi "kẻ phản đồ" và dành toàn bộ cuộc đời còn lại để ám hại nhân loại, chống đối lại Chúa. Nhưng một thiên thần đã không làm thế. Thần đã dùng toàn bộ thời gian lưu đày này để chuộc lại lỗi lầm trước kia, đồng thời tìm kiếm bản chất thực sự của mình.
Đó là Ramiel, một trong số bảy Tổng lãnh thiên thần trước kia của Chúa. Tên gọi Ramiel có nghĩa là Sấm sét của Chúa trong tiếng Hebrew. Nhưng trong tín ngưỡng các tôn giáo độc thần hiện tại như Thiên chúa, Do thái hay Hồi giáo, Ramiel còn được gọi là Remiel, mang nghĩa Lòng khoan dung của Chúa. Để giải thích cho sự thay đổi lớn trong ý nghĩa tên gọi này, chúng ta phải nhìn vào cuộc đời của Ramiel.
Câu chuyện về Ramiel được chủ yếu đề cập đến trong Sách Enoch và Sách Daniel. Giống như nhiều thiên thần khác, Ramiel nghe theo lời xúi giục của Lucifer và nổi dậy chống Chúa. Khi cuộc chiến kết thúc, thiên thần này bị cách chức, đuổi khỏi thiên đàng. Khi không còn đôi cánh và năng lực trước kia, Ramiel đã không còn là thiên thần theo đúng nghĩa. Ở trần gian, Ramiel cũng chẳng phải là người thường, bởi không có con người nào như kẻ tội đồ kia.
Chính trong nghịch cảnh khắc nghiệt này, một kẻ lạnh lùng, cao ngạo trước kia như Ramiel mới học được cách thấu hiểu con người, hiểu được các cung bậc cảm xúc phức tạp, từ tốt đẹp như cảm thông, yêu thương hay xấu xa như tính toán, phẫn nộ trong họ. Ramiel nhận ra rằng, để được yêu và yêu ai đó hết mình, chính người ta phải có dũng cảm để từ bỏ rào cản bản thân và mọi điều xấu xa trong mình.
Đến lúc này, thiên thần sa ngã mới như được thức tỉnh, xấu hổ về mọi suy nghĩ trước kia của mình về con người và tìm cách quay trở lại thiên đàng. Tại đây, Chúa đã mở rộng vòng tay, tha thứ cho các tội lỗi trước kia của Ramiel và dành cho thần chức danh mới: Remiel - Lòng khoan dung của Chúa.
Ba nhiệm vụ sau này của Ramiel được mô tả là dẫn dắt linh hồn của các con chiên ngoan đạo đến tận cuối hành trình lên thiên đường, khôi phục sự cân bằng trong từng cá nhân và gìn giữ lịch sử của Trái Đất. Thông qua chức năng thứ ba, Ramiel được nhiều học giả, sử gia hay triết gia theo thuyết duy tâm thờ phụng và kính trọng.
Riêng về nhiệm vụ thứ hai của Ramiel, Sách Baruch, một văn kiện tôn giáo cổ bằng tiếng Do Thái đã đề cập đến Baruch, tu sĩ và là bạn thân của nhà tiên tri Jeremiah. Trong sách này, Baruch đã mô tả lại một giấc mơ kì lạ, mà trong đó Chúa xuất hiện trước mắt ông và trao cho ông hai bát nước, một trong và một đục.
Hoảng sợ, ông đã gọi đến Ramiel và nhờ Thiên thần này diễn giải hộ. Theo giải thích của Ramiel, bát nước đen là tượng trưng cho tội lỗi của con người và bát nước trong là sự can thiệp từ bi của Chúa, để họ không đi vào con đường sai lầm. Nhờ có sự giúp đỡ của Ramiel, Baruch mới có thể lấy lại bình tĩnh trong tâm hồn và hướng đến Chúa trời nhiều hơn.
Bởi vậy, các tín đồ Thiên chúa giáo luôn nhắc nhau rằng, nếu cảm thấy bất an trước các quyết định, nghi ngờ bất cứ điều gì, cũng hãy gọi đến Ramiel trước khi đi ngủ. Khi đầu óc đã rơi vào trạng thái vô thức, Ramiel sẽ xuất hiện và bạn phải nói lên những thắc mắc của mình để ngài có thể giải đáp. Nếu chưa hoàn toàn hiểu hết trong lần đầu tiên, hãy nhớ chúng thật kỹ để hỏi lại vào lần tiếp theo. Bằng kiến thức vô hạn, ngài là người phù hợp nhất để đưa ta ra khỏi sự vô định và hoang mang.
Câu chuyện về sự chuyển biến trong vai trò và chức năng của Ramiel được coi như một hành trình tìm kiếm sự tha thứ và chuộc lỗi của mỗi con người. Như Ramiel, chúng ta cũng từng làm tổn thương người khác và bị ruồng bỏ. Nhưng thay đổi và chuộc tội chưa bao giờ là quá muộn, miễn là họ quyết tâm làm điều đó. Chắc chắn, dọc trên con đường đấy, ta sẽ tự tìm thấy nhiều thứ hơn mục tiêu đề ra từ ban đầu.
- 0
- 0Bình luận