Phát hiện nhiều bức tranh tàn sát động vật đáng sợ được khắc trên mộ của quý tộc Ai Cập cách đây 4.300 năm
Mới đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện một quý tộc Ai Cập cổ đại được đặt tên là Khuwy, sống cách đây 4.300 năm được chôn cất trong một ngôi mộ đá vôi hình chữ L. Đáng nói hơn trên tường của lăng mộ có rất nhiều hình vẽ tàn bạo liên quan đến giết thịt động vật.
Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ khẳng định ngôi mộ trước đây đã từng bị trộm đột nhập. Hài cốt của quý tộc Khuwy cũng được tìm thấy nằm rải rác bên trong khối mộ cổ.
Vị trí ngôi mộ được tìm thấy trong khu Saqqara, một khu nghĩa trang của người Ai Cập cổ đại, thuộc tỉnh Giza ngày nay. Saqqara có rất nhiều kim tự tháp, trong số đó nổi tiếng nhất là kim tự tháp bậc thang của pharaon Djoser.
Tiến sĩ Mohamed Megahed thuộc Bộ Cổ vật Ai Cập đã trả lời phỏng vấn với tờ Ahram Online:
Không gian trong phòng chôn cất gần như bị lấp đầy hoàn toàn bởi một chiếc quách bằng đá vôi. Quan tài đã bị phá huỷ bởi những kẻ cướp đột nhập.
Hài cốt của vị quý tộc tuy đã bị đào bới nhưng chắc chắn người này đã từng được ướp xác. Nhựa và dầu dùng để bảo quản xác chết cũng được tìm thấy trong quan tài.
Cảnh giết hại, mổ thịt động vật rất hiếm gặp trong các ngôi mộ Ai Cập cổ đại. Vì vậy, đến nay vẫn chưa thể đưa ra kết luận chính xác về ý nghĩa của chúng.
Các nhà khảo cổ còn tìm thấy một ít bằng chứng liên quan đến vị nữ hoàng ít người biết đến có tên Setibhor. Bà là vợ của pharaon Djedkare Isesi, vị vua áp chót của Vương triều thứ 5. Tên nữ hoàng được khắc trên một cột đá granit đỏ, trên đó viết:
Đây là người nhìn thấy 2 vị thần Horus và Seth, cũng là người vĩ đại cầm vương trượng, vợ của vua, nữ hoàng Setibhor yêu quý của Ngài.
Các nhà khảo cổ trước đây đã tìm thấy lăng mộ của pharaon Djedkare Isesi ở khu vực lân cận. Nhưng bằng chứng này chưa đủ thuyết phục để chứng minh ngôi mộ này liên quan đến mộ của pharaon Djedkare Isesi, cũng như khẳng định quý tộc bên trong là vợ của Ngài.
Nghiên cứu sâu hơn về địa điểm này sẽ tiếp tục được tiến hành, mong rằng sẽ thu được nhiều bằng chứng về thời kỳ giữa các triều đại thứ năm và thứ sáu.
- 0
- 0Bình luận