Đi tìm những chuẩn mực về vẻ đẹp nam giới ở thời Trung Cổ
Nếu là nam giới và sống ở thời Trung Cổ, một cuộc “tân trang nhan sắc” cho bạn sẽ bao gồm các bước: làm trắng da mặt, tỉa lông mày cho thật mảnh, làm tròn đôi vai, trùm kín tóc sao cho vầng trán dô lộ rõ và ưỡn bụng lên một chút. Ngoài ra nếu có thêm tí may mắn, bạn sẽ bẩm sinh sở hữu một khuôn mặt dài và cái mũi nhọn.
Sau từng đó công sức bỏ ra cho ngoại hình, có khi các bà các cô sẽ nhìn bạn và trầm trồ: “Cái này đẹp thế”.
Trong khi có nhiều tài liệu ghi chép lại về nhan sắc cũng như hướng dẫn làm đẹp cho phụ nữ thời Trung Cổ, thì vẫn khó mà nói chính xác về các chuẩn mực để một nam giới thời kỳ này được công nhận là đẹp trai.
Chúng ta đều biết độ tuổi được coi là lý tưởng của đàn ông là ở vào khoảng 30-40 tuổi, khi anh ta có đủ sức khỏe, quyền lực, sự trưởng thành cũng như thông tuệ. Vẻ đẹp của một thanh niên trẻ cũng sẽ được đánh giá cao khi anh ta sở hữu những đặc điểm ngoại hình hao hao phái nữ: vóc người mảnh dẻ, mái tóc dài sáng màu và làn da nhợt nhạt.
Và đàn ông còn được đánh giá qua sức khỏe, vòm ngực cùng đôi chân của mình.
Đôi chân quyến rũ
Không tài liệu nào ghi lại rằng đàn ông thời Trung Cổ thích có được đôi chân mảnh khảnh. Thật ra một đôi chân cân đối và mang bít tất mới là chuẩn mực của cái đẹp – nóng bỏng từ thế kỷ 16 tới đầu thế kỷ 19. Thế là trang phục của các quý ông có địa vị lúc nào cũng phải bao gồm đôi tất thít chặt phần bắp chân để khoe ra những đường cong.
Vua Henry VIII, người lúc nào cũng khoe chân trong các bức họa, được miêu tả “có bắp chân tuyệt đẹp”.
Từ những năm 1770 đến 1820, các quý ông còn độn thêm “đồ giả” để bắp chân trong đầy đặn hơn một chút.
Thời trang “gợi cảm”
Một phụ kiện thời trang tiêu biểu của thời Trung Cổ là chiếc nắp quần – là loại túi vải có dạng nắp, may vào đáy quần, dùng để che đi và làm phồng bộ phận nhạy cảm của nam giới. Trong vở kịch thời Elizabeth có tên Wily Beguiled, nhân vật Will Cricket khoe khoang rằng phụ nữ thích anh ta vì “một khuôn mặt ngọt ngào, bộ râu đẹp, cơ thể trang nhã và chiếc nắp quần no căng.”
Nắp quần của Vua Henry VIII còn được độn, làm phồng và đính thêm cả trang sức. Các nhà sử học chỉ ra rằng loại phụ kiện này trở nên phổ biến cùng lúc với sự bùng phát của bệnh giang mai ở thế kỷ 16. Và từng có một thời gian mà cả áo giáp cũng được thiết kế để khoe nắp quần.
Tương truyền rằng áo giáp của Vua Edward III (1312-1377) có phần nắp quần to đến sửng sốt, vì ông từng nghe rằng sức mạnh và kỹ năng quân sự của một người đàn ông tương ứng với “vốn trời cho” của anh ta. Ông tin vào luận điểm đó đến mức ra lệnh cho các hiệp sĩ và quý tộc phải thêm phần nắp quần vào áo giáp của họ.
Phản ứng của phụ nữ
Không có nhiều ghi chép còn tồn tại để chúng ta biết về phản ứng mà phụ nữ dành cho gu thời trang của nam giới thời kỳ đó. May thay, vẫn có một lá thư với lời lẽ khá thiếu thiện chí do hai người phụ nữ gửi cho Hội đồng thành phố Ascoli Piceno nước Ý, nội dung thế này:
“Nghe này, thưa ngài. Ngài mặc y phục ngắn cũn cỡn để khoe ra đôi bít tất thượng hạng, áo jacket cũng ngắn và khoe trọn cặp mông cùng toàn bộ phần phía sau của ngài.
Và không chỉ có phần phía sau, mà còn toàn bộ cái nắp quần vừa mỏng, vừa to, vừa dài lại còn chĩa thẳng lên trời. Điều này có thể coi là thiếu lương thiện đến tồi tệ, và chúng tôi không thể nhìn chúng thêm phút nào nữa.”
Kết luận về vẻ đẹp nam giới thời Trung Cổ
Tóc vàng, vóc người mảnh khảnh, bàn chân đẹp, đôi chân thẳng và một nhân cách tốt là cách mà người thời Trung Cổ nhìn nhận một nam giới đẹp mã. Trong khi ở phụ nữ, vẻ đẹp chỉ kéo dài đến hết tuổi thanh xuân, thì một nam thiếu niên khi trở thành người đàn ông mạnh mẽ, ưa nhìn, có lối cư xử quý tộc thì chút thừa cân cũng không thành vấn đề.
Flamenca, một truyện lãng mạn thời kỳ này miêu tả người anh hùng có “mái tóc xoăn vàng, vầng trán cao rộng và sáng loáng, lông mày hình vòm, cái mũi thẳng như mũi tên và đôi bàn chân duyên dáng…”
Xem ra nếu bỏ qua phần trán cao rộng quá mức và việc đánh giá người ta qua đôi bàn chân, thì các nam chính trong tiểu thuyết ngày nay cũng không đến nỗi khác xa so với các anh hùng thế kỷ 13.
- 0
- 0Bình luận