SKAM: Dân số Na Uy là 5 triệu thì có đến 2 triệu người phát cuồng series phim tuổi teen đình đám này
Đôi nét về series phim SKAM
SKAM đồng nghĩa với "xấu hổ" trong tiếng Na Uy, được phát sóng trực tuyến trên kênh NRK kể từ năm 2015. Phim xoay quanh cuộc sống hàng ngày của một nhóm thanh thiếu niên tại trường trung học Hartvig Nissen, thủ đô Oslo.
Nhóm bạn gái chơi thân với nhau tại trường Hartvig:
Tương tự, có một nhóm bạn trai như thế này:
4 phần phim SKAM kể về 4 câu chuyện khác nhau, tuy nhiên giữa các nhân vật chính của mỗi phần lại có mối liên kết chặt chẽ. Ở độ tuổi nổi loạn, họ phải đối mặt với những mâu thuẫn trong tình bạn cũng như tình yêu, nặng nề hơn là những vấn đề về giới tính, tình dục và tôn giáo.
Không hề được quảng bá rầm rộ trước khi ra mắt, SKAM vẫn phá kỷ lục người xem. Ở mùa thứ hai, bộ phim chiếm một nửa lượng truy cập vào kênh NRK. Tới mùa thứ ba, nó phá vỡ kỷ lục của tất cả các phim truyền hình đang chiếu tại Na Uy. Theo thống kê, có tới 2 triệu trong tổng số 5 triệu dân Na Uy từng xem qua SKAM.
Bộ phim cũng nổi tiếng ở những nước láng giềng như Đan Mạch hay Thụy Điển. Nó thu hút lượng người hâm mộ quốc tế khổng lồ thông qua hoạt động trên mạng xã hội.
Sự phổ biến toàn cầu là điều mà ê kíp làm phim chưa từng nghĩ tới. Năm 2017, SKAM chính thức dừng lại mà chẳng có bất kì lời hứa hẹn nào về mùa tiếp theo. Người ta cho rằng tổ sản xuất không chịu được áp lực và kì vọng từ công chúng.
Cũng trong năm đó, Tumblr công bố danh sách các chương trình được nhắc đến nhiều nhất trên nền tảng này. SKAM đứng đầu bảng xếp hạng, vượt xa loạt phim cực kì thành công của Mỹ là Game Of Thrones , Stranger Things và The Walking Dead.
Giải mã sức hút không thể chối từ của SKAM
Trưởng ban thanh thiếu niên của kênh truyền hình NRK từng chia sẻ ý tưởng hình thành series này: “Phần lớn các phim truyền hình xoay quanh thanh thiếu niên hiện nay đều đánh giá đối tượng này chưa đủ chiều sâu”.
“Ở giai đoạn từ 15 - 19 tuổi, các bạn trẻ sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề quan trọng. Những sự kiện ấy đủ sức để định hình một con người trong suốt phần đời còn lại. Thời điểm này, có những khó khăn về tâm lý, cảm xúc và cả những trải nghiệm kỳ diệu mà không lứa tuổi nào khác có được”.
Phần đầu tiên của series xoay quanh chuyện tình phức tạp giữa Eva và Jonas. Họ yêu nhau nhưng giữa cả hai chưa có sự tin tưởng dù trước đó, Eva bất chấp cướp lấy Jonas từ người bạn thân thiết.
Sau khi chuyển tới trường Hartvig, Eva quen với "hội chị em" bao gồm Sana, Noora, Chris, Vilde và một cậu bạn khác có tên Isak.
Phần 2 của SKAM được đánh giá cao hơn khi tập trung khai thác nhân vật Noora. Trái ngược với Eva, Noora là một cô gái thông minh và sống theo nguyên tắc riêng. Cô từ chối mọi lời tán tỉnh từ các chàng trai, cũng không hút thuốc hay uống rượu như những người bạn cùng trang lứa.
Tuy nhiên sâu thẳm trong tâm hồn nhân vật này đang che giấu một nỗi bất an. Noora tự tách mình khỏi bố mẹ từ sớm, cô cho rằng "mình vui vẻ khi không có họ và ngược lại, họ hạnh phúc khi không thấy mình".
Noora từng quan hệ với một gã trai khi chỉ mới 13 tuổi và bị "đá" ngay sau đó. Đây là "bóng ma tâm lý" khiến cô có định kiến với đàn ông, cho tới khi thay đổi vì gặp William.
Để chạm vào thế giới của khán giả tuổi teen, ê kíp SKAM đã dành ra nửa năm trời để nghiên cứu xem giới trẻ Na Uy đang sống thế nào, ước mơ ra sao hay sợ hãi điều gì... Đây cũng là bộ phim hiếm hoi khai thác sâu đề tài đồng tính.
Phần 3 nổi tiếng nhất trong series kể về câu chuyện của Isak. Khi bước vào lứa tuổi dậy thì, Isak bắt đầu nhận thấy những xúc cảm mới mẻ nảy sinh trong mình, cậu trở nên quan tâm và dành tình cảm yêu mến đặc biệt cho một nam sinh lớp trên - Even.
https://youtu.be/Hzd_Z1LPHsE
Sau vài lần hẹn hò bí mật với Even, Isak phát hiện ra người mình yêu mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Ám ảnh với những tổn thương trong quá khứ từ người mẹ ruột bị tâm thần, Isak dằn vặt và dần né tránh Even. Song đến cuối cùng, lý trí vẫn không thể thắng nổi con tim bởi Isak quyết định công khai mình gay, sống hạnh phúc khi ở bên Even.
Những diễn biến trong câu chuyện của Isak đã thực sự giúp SKAM vượt trên tầm một loạt phim mang tính thử nghiệm. Đồng thời chạm tới thông điệp lớn lao hơn về giáo dục giới tính, sự cảm thông, chia sẻ và chấp nhận những khác biệt.
Nhân vật chính trong phần cuối cùng của series này là Sana, một cô bạn người Hồi giáo. Sana rất tốt với bạn bè của mình, cô cũng là người duy nhất trong nhóm bạn có lối sống thiên về gia đình.
Sự khác biệt về tôn giáo luôn khiến Sana phải đau đầu khi đi học tại trường Hartvig. Cô phải đấu tranh để cân bằng giữa truyền thống gia đình và lối sống hiện đại. Sana có mối quan hệ lãng mạn với Yousef - người ban đầu cô né tránh và nghĩ anh ta cũng theo đạo Hồi.
Không chỉ thu hút khán giả nhờ kịch bản hấp dẫn, SKAM còn sở hữu dàn diễn viên trẻ trung đầy thực lực. Họ tham gia phim khi ở độ tuổi 17-18, dễ đồng cảm và thể hiện nội tâm nhân vật hơn.
"SKAM cho thấy cả mặt đáng yêu và đáng sợ trong thế giới của thanh thiếu niên. Chúng tôi muốn truyền tải bộ phim theo cách mà chưa một ai từng làm trước đó." - đại diện tổ sản xuất cho hay.
Khoảng 1 tuần trước khi tập phim hoàn chỉnh lên sóng, trên trang web chính thức của SKAM sẽ xuất hiện những đoạn video được quay dưới dạng live-stream, những bức hình chụp tin nhắn giữa các nhân vật. Từ đó tạo cho khác giả cảm giác tò mò về những điều sắp diễn ra.
Các nhân vật trong phim cũng sử dụng tài khoản mạng xã hội. Họ thường chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và hình ảnh của mình lên đó. Thông qua cách thức tương tác trực tuyến này, người xem có cảm giác như Isak, Eva, Sana... đều là "thật".
SKAM đã chủ động khai thác sức mạnh của mạng xã hội một cách thông minh và hiệu quả, khiến khán giả như được đồng hành cùng nhân vật. Sự chân thực trong từng thước phim là một trải nghiệm mới lạ, cuốn hút.
Hàng loạt phiên bản remake ra đời
Một khán giả từng mô tả về độ phủ sóng của SKAM thế này: "Ở châu Á có Vườn Sao Băng thì ở châu Âu có SKAM". Hiện loạt phim dành cho thanh thiếu niên đã được Na Uy bán bản quyền cho 7 quốc gia khác.
SKAM Pháp (Thời gian lên sóng từ 5/2/2015 đến nay)
Phiên bản Pháp cũng có 4 phần, nổi tiếng nhất phải kể đến phần đầu của nhân vật Emma (tương tự Eva). Thêm vào đó là phần 3, nhân vật chính là Lucas (Isak).
Cặp đôi Lucas - Elliot (Isak - Even phiên bản Pháp) nhận được nhiều lời khen ngợi vì ngoại hình đẹp và diễn xuất ăn ý.
SKAM bản Đức (24/3/2014, tạm dừng ở mùa 3)
SKAM bản Ý (lên sóng 29/3/2018, hiện đang chiếu mùa 3)
SKAM bản Mỹ (từ 27/42018 đến nay, hiện phát sóng tới mùa 2)
Phiên bản Mỹ vừa tiết lộ có tới 2 nhân vật đồng tính.
SKAM bản Tây Ban Nha (bắt đầu từ 16/09/2018 đến nay, hiên đang phát sóng mùa 2)
SKAM Hà Lan (bắt đầu từ ngày 16/09/2018 đến nay)
Hiện đang phát sóng tới mùa 2.
SKAM phiên bản Bỉ (lên sóng 08/10/2018 đến nay)
Phần 1 xoay quanh nhân vật chính Yana, chưa ra mắt phần tiếp theo.
Dù được nhiều quốc gia remake, song phải thừa nhận chưa có một phiên bản nào đạt tới thành công vang dội như SKAM Na Uy.
Loạt phim đã kết thúc được gần 2 năm nhưng khán giả vẫn thường nhắc tới SKAM như một "tác phẩm kinh điển" về tuổi học trò. Phim cũng được ngợi ca vì những đóng góp đáng kể vào việc quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Na Uy ra quốc tế.
- 0
- 0Bình luận