logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky6 năm trước
Lostbird

Người Nhật phẫn nộ vì vấn nạn \'kanko kogai\': \'Khách du lịch làm ô nhiễm thành phố của chúng tôi!\'

Tháng 3 năm 2019 vừa qua, nhiều địa điểm du lịch lẫn các nhà hàng, quán bar đã cấm hoặc hạn chế du khách nước ngoài vào tham quan hoặc sử dụng dịch vụ. Nguyên nhân không chỉ vì số lượng du khách trở nên quá tải mà chủ yếu là do thái độ và hành vi thiếu tôn trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống, văn hóa tín ngưỡng của người dân Nhật Bản.

Trong năm 2018, có đến hơn 31,2 triệu lượt khách từ khắp nơi trên thế giới đến Nhật mang về lợi ích kinh tế khổng lồ. Thế nhưng họ cũng gây ra nhiều rắc rối khiến người Nhật rất khó chịu, đặc biệt là du khách Trung Quốc.

kyoto

Khách du lịch oanh tạc Kyoto trong mùa cao điểm.

Kéo theo đó, một thuật ngữ mới là "観光公害 - kanko kogai" (ô nhiễm du lịch) được hình thành để chỉ những hình thức gây hại khác nhau mà du khách có thể gây ra cho xã hội Nhật Bản. Ô nhiễm du lịch có thể bao gồm các hành vi như: gây ra tiếng ồn, khí thải, ùn tắc giao thông, xả rác không đúng nơi quy định, xâm phạm quyền riêng tư, phá hủy cảnh quan, phá hủy môi trường, hủy hoại di sản văn hóa...

kyoto caution

Biển báo phòng chống ô nhiễm du lịch ở Kyoto. Du khách không được ngồi ở cầu thang, không hút thuốc, không vừa đi tham quan di tích vừa ăn uống, không xả rác, không selfie và trên hết là không được sàm sỡ các Geisha.

Một trong những địa điểm đầu tiên có biện pháp để ngăn chặn ô nhiễm du lịch là tỉnh Kumamoto, họ cấm khách du lịch theo đoàn trong một thời gian để điều tiết lưu lượng khách khi số lượng khách tăng quá mức kiểm soát có khả năng gây hư hại cho các đền thờ linh thiêng ở khu vực này.

1024px reclining buddha statues of nanzoin

Chùa Nanzo-in có tượng đồng lớn nhất thế giới đã cấm tham quan vì khách du lịch quá thô lỗ.

Ví dụ khác có thể kể đến chùa Nanzo-in (Nam Tàng Viện) ở Fukuoka, nổi tiếng với tượng phật nằm lớn nhất thế giới. Trụ trì Nanzo-in, nhà sư Hayashi Kakujo cho biết khách du lịch nước ngoài đến đây làm nhiều trò bất kính như nhảy nhót, mở nhạc ồn ào, làm ô uê các thác nước linh thiên thậm chí có người đã leo lên mái chùa.

khach du lich trung quoc

Một khách du lịch Trung Quốc nhảy hẳn vào hồ linh thiêng trong đền Kiyomizu, lấy chai nhựa hứng nước thánh.

Ở Biei, Hokkaido, có một cánh đồng ngô trở thành địa điểm nổi tiếng nhờ khung cảnh xanh tươi, nơi đây sừng sững một cây dương cao 30 mét được mệnh danh là "cây triết học" vì hình dáng nó khiến người ta liên tưởng tới một nhà hiền triết đang suy ngẫm giữa cảnh mênh mông trời mây. Khách du lịch tới đây ngày càng đông, họ muốn tiếp cận "cây triết học" nhằm có bức ảnh selfie đẹp nhất nhưng lại vô tâm dẫm nát ruộng ngô xung quanh đó.

cay triet hoc nhat ban

"Cây triết học" giữa ruộng ngô, hiện đã bị chặt bỏ vì khách du lịch thiếu ý thức.

Vào năm 2014, người nông dân chủ của khu đất buộc phải đưa ra quyết định khó khăn, chặt bỏ cây dương xinh đẹp do chính tay ông trồng từ bé, thà như vậy còn hơn là nhìn mùa màng bị phá hoại ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của gia đình. Đây là một ví dụ tiêu biểu cho sự ô nhiễm du lịch.

minpaku nhat ban

Minpaku, một hình thức guesthouse ở Nhật Bản.

Đối với người Nhật, tình trạng ô nhiễm du lịch kinh khủng nhất từng xảy ra chính là ở Kyoto - "Cố Đô" của đất nước Mặt Trời mọc. Kyoto vốn là một nơi yên bình cổ kính, thế nhưng, kể từ lúc Nhật Bản phát triển du lịch, thành phố này trở nên đông đúc hơn bao giờ hết, đến mức có lúc cả khách sạn cũng không còn đủ chỗ.

Lúc này, một hình thức lưu trú khác được phát triển là minpaku, còn gọi là "nhà thuê riêng nguyên căn", nơi khách du lịch có thể lưu trú tự túc. Hình thức này khác với homestay ở chỗ là du khách không phải ở chung và gặp mặt chủ nhà, họ có thể làm gì tùy thích mà không sợ đụng chạm.

Chính vì thế, một bộ phận du khách đã "xõa" và "quẩy" hết mình, họ bật nhạc lớn, hút thuốc, uống rượu vứt lung tung khiến hàng xóm người Nhật Bản cảm thấy rất phiền hà. Người Nhật chuộng yên tĩnh, họ không thể chịu được tiếng nhạc xập xình suốt đêm phát ra từ khu nhà thuê.

yakuza

Chỉ Yakuza mới xăm mình thế này.

Ngoài ra, ở Nhật chỉ có băng nhóm xã hội đen Yakuza mới xăm trổ trong khi đối với khách du lịch phương Tây thì điều này lại hết sức bình thường, bất kỳ ai cũng có thể xăm ít nhiều tùy thích. Khi người Nhật thấy những du khách xăm trổ ở thuê gần nhà mình họ rất sợ hãi vì cho rằng đó là băng nhóm côn đồ.

Một người phụ nữ Nhật Bản ở Kyoto (giấu tên) nói:

Du khách làm ô nhiễm thành phố của chúng tôi!

Người khác thì kể lại:

Nhìn xung quanh hàng xóm toàn người lạ thôi!

Quả thực có thể thông cảm được với người bản xứ Kyoto, nhất là người già, họ hoảng sợ khi sáng thức giấc và thấy xung quanh mình toàn là những kẻ xa lạ, đủ mọi sắc tộc, đã vậy còn cười nói ồn ào và xăm mình trông đáng sợ.

Có thể nói, dù là kiên nhẫn như người Nhật thì cũng rất khó để giữ nghệ thuật hiếu khách "omotenashi" trong những tình huống như thế này được.

nara eliza deer

Những chú nai linh thiêng ở Nara cũng từng bị du khách cho ăn đến bội thực.

Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản cho rằng cần có những biện pháp bền vững hơn để giải quyết vấn nạn "kanko kogai" bởi vì với đà tăng trưởng du lịch này, con số khách du lịch đến Nhật Bản vào năm 2020 có thể lên đến hơn 40 triệu lượt nhân dịp Olympic Tokyo.

Cần tôn trọng sự dị biệt văn hóa khi đặt chân đến Nhật Bản

Vấn đề nan giải nhất đối với du lịch Nhật Bản là sự dị biệt văn hóa, từ ngàn xưa, Nhật Bản đã khá cô lập so với phần còn lại của thế giới, họ không bị ảnh hưởng nhiều bởi nền văn hóa khác, nước Nhật cũng có rất ít người nhập cư.

Cũng chính vì thế, nước Nhật có thể phát triển nền văn hóa độc đáo, phong phú với nhiều di sản văn hóa thế giới. Những nét đẹp đó nên được giữ nguyên giá trị và không nên bị pha tạp, cưỡng ép hòa lẫn với bất kỳ giá trị ngoại lai nào khác.

tg2mct9

Nếu chỉ đi để selfie, đó chưa phải là du lịch.

Có câu "nhập gia tùy tục", khi đến Nhật, du khách nên hiểu, thông cảm và chấp nhận những lề thói của chủ nhà, chúng ta không thể nào bắt người Nhật chấp nhận cách sống của những kẻ ngoại lai ngay trên đất nước của họ vì điều đó thật phi lý.

Theo travel blogger Alyse (từng được bình chọn trong top 50 travel blogger hay nhất thế giới năm 2017) viết trên trang Invisible Tourist như sau:

Du khách thực sự bị quyến rũ bởi văn hóa Nhật Bản, mặc dù vậy, họ không thực sự tìm hiểu về nó nhưng cứ thế hàng triệu người vẫn đến đảo quốc này mỗi năm.

Alyse mô tả cách du lịch này là "travel backwards" tức "du lịch ngược" hay "du lịch một cách lạc hậu". Người ta đến một nơi nổi tiếng ở Nhật Bản để chụp hình, check in, đăng lên mạng xã hội để chứng tỏ họ đã đến đây, thực ra sau chuyến đi họ không thực sự thu thập được kiến thức gì sâu xa về nơi mình đã ghé qua mà chỉ để lại sự khó chịu cho người bản xứ.

maiko

Một Maiko sau quá trình rèn luyện sẽ trở thành Geisha.

Nhắc đến việc ô nhiễm du lịch, Alyse đưa ra ví dụ về việc khách du lịch từng níu kéo các Maiko ở Kyoto bắt selfie cùng trong khi họ đang phải làm việc, khiến những cô gái trẻ này bật khóc.

Maiko (舞妓 - Vũ Kỹ) là những nghệ nhân tập sự có độ tuổi từ 15 đến dưới 20, họ đang trong quá trình học hỏi và làm việc để có thể trở thành các Geisha thực thụ trong tương lai, tất nhiên ở độ tuổi này các Maiko cũng rất e thẹn và ngại phải tiếp xúc với người lạ, nhất là khi du khách có cử chỉ nắm tay, níu vạt áo sẽ khiến họ cảm thấy bị xúc phạm.

"Akimahen"

Hợp tác cùng TripAdvisor, Sở du lịch ở thành phố Kyoto đã xuất bản một tài liệu hướng dẫn nho nhỏ dành cho khách du lịch có tên là Akimahen (あきまへん - theo phương ngữ Kansai là "những điều không được chấp thuận"). Sau khi tham khảo tài liệu này, du khách sẽ lưu ý và tránh những hành vi không hay sau:

1. Không hút thuốc - có thể bị phạt 1000 Yên (hơn 200 nghìn đồng).

2. Xe taxi của Nhật có cửa tự động đóng mở, hãy giữ khoảng cách để không bị va chạm.

3. Khi muốn "boa" cho nhân viên phục vụ, hãy gọi là "Okini" theo phương ngữ Kyoto, đừng gọi là tip.

4. Bỏ giày ra trước khi bước lên đệm tatami.

5. Xả rác - bị phạt 30.000 Yên (hơn 6 triệu đồng). Kyoto đang hướng đến mục tiêu là thành phố sạch đẹp nhất thế giới, hãy tôn trọng.

6. Không dùng đồ ăn thức uống bên ngoài vào nhà hàng ở Nhật. Điều đó là bất lịch sự, không tôn trọng đầu bếp và nhân viên nhà hàng.

7. Xếp hàng trật tự (ở đâu cũng vậy).

8. Không chạy xe đạp khi say xỉn - có thể bị phạt 1 triệu Yên (hơn 200 triệu đồng) hoặc 5 năm tù giam.

9. Trên tàu xe, nhường chỗ cho người già, phụ nữ có mang, và trẻ em (và người đi cùng trẻ em).

10. Không chụp hình gần đường ray tàu điện.

11. Không chụp hình ở di tích, đền chùa miếu mạo khi không được cho phép.

12. Gỡ bỏ nón và kính mát khi đi viếng các nơi linh thiêng.

13. Không ồn ào, hãy tỏ ra thành kính khi viếng các nơi linh thiêng.

14. Kiềm chế bản thân, không sờ vào đồ vật quý giá hoặc các công trình xưa cũ để tránh tổn hại đến chúng.

15. Không vứt xe đạp lung tung trên đường - có thể bị phạt 2300 yên (gần 500 nghìn đồng).

16. Giữ sạch toilet sau khi sử dụng.

17. Đi đứng cẩn trọng, giữ không gian cho người khác vì đường phố Kyoto rất hẹp.

18. Đừng đặt món ăn ở nhà hàng rồi hủy bỏ vào phút chót.

19. Không níu áo các Maiko, không cưỡng ép họ chụp hình cùng, nếu muốn hãy hỏi ý một cách lịch sự. Maiko mặc áo Kimono như là một phận sự, họ đang làm việc và thường là luôn vội vã nên vui lòng đừng làm phiền đến họ.

Hình chi tiết của Akimahen:

tripgraphic01

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky6 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)