Khám phá những lầm tưởng về giấc ngủ mà bạn vẫn đang mắc phải
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ, hơn một phần ba người Mỹ ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lầm tưởng họ đã có một giấc ngủ đủ chỉ với 5 hay 6 tiếng một đêm.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi các chuyên gia về giấc ngủ đã phân tích 20 lầm tưởng lớn nhất liên quan đến giấc ngủ. Các nghiên cứu đã xác nhận rằng việc thiếu ngủ, cụ thể là ngủ ít hơn 7 tiếng một đêm, có liên quan mật thiết đến nguy cơ mắc bệnh béo phì, huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim, đột quỵ, bệnh tâm thần và thậm chí tử vong.
Dưới đây là một vài sai lầm phổ biến đã được chứng minh qua nghiên cứu:
1. Có thể ngủ “mọi lúc, mọi nơi” là dấu hiệu của một người có giấc ngủ khỏe mạnh
Đây là điều đáng báo động, bởi trên thực tế, đây là một trong những dấu hiệu của triệu chứng “Ngưng thở trong khi ngủ” (OSA). Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ trong cả ngày và ngáy vào ban đêm hoặc thức dậy thở hổn hển trong khi đang ngủ, thì bạn có nguy cơ mắc OSA. Đây là hiện tượng nguy hiểm gây hậu quả lâu dài cho sức khỏe, bao gồm cả suy tim và huyết áp cao.
2. Ngủ trong phòng có nhiệt độ ấm áp tốt hơn nhiệt độ thấp
Gỡ bỏ ngay quan niệm sai lầm này đi bởi các nghiên cứu cho rằng một phòng ngủ nóng và ngột ngạt có liên quan đến giấc ngủ kém. Cơ thể người có cơ chế thay đổi nhiệt độ tự nhiên. Nhiệt độ cơ thể thường giảm xuống thấp nhất vào khoảng sáng sớm và tăng cao vào buổi chiều tối.
Tại thời điểm nhiệt độ cơ thể giảm dần, chúng ta thường dễ đi vào giấc ngủ hơn. Chính vì thế, một căn phòng mát lạnh sẽ cho phép cơ thể cảm thấy thoải mái và ngủ tốt hơn. Nhiệt độ tối ưu được khuyến nghị cho giấc ngủ nên dao động lý tưởng từ 65-70 độ F, tương đường 18-21 độ C.
3. Nhấn “hoãn báo thức” tốt hơn là thức dậy ngay khi chuông báo thức đầu tiên vang lên
Hầu hết chúng ta đều có thói quen ấn vào nút “hoãn báo thức” hay “báo thức lại” (snooze) nhằm kéo dài giấc ngủ đang dang dở thêm vài phút. Tuy nhiên, điều này thật sự gây hại cho sức khỏe của bạn.
Bấm nút hoãn tức là bạn chưa ngủ đủ giấc để tỉnh táo thức dậy và sự gián đoạn được gây ra cho bất kì giấc ngủ nào đều là không tốt. Khi ngủ, não bộ sẽ trải qua những chu kì khác nhau. Việc bật nút hoãn rồi ngủ tiếp đồng nghĩa chúng ta tự bắt đầu một chu kì khác với chất lượng và thời gian của chu kì mới không được đảm bảo. Điều này về lâu dài sẽ phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể, giảm độ linh hoạt của tinh thần cũng như các tâm trạng chủ quan khác.
4. Dùng thức uống có cồn giúp cải thiện giấc ngủ
Không thể phủ nhận thức uống có cồn giúp bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu, tuy nhiên nó lại gây hại cho giấc ngủ của bạn. Có hai loại giấc ngủ cơ bản: giấc ngủ không cử động mắt (NREM) và giấc ngủ cử động mắt (REM).
Bạn sẽ luân phiên thực hiện hai loại này trong suốt quá trình ngủ của mình. Đặc biệt trong giấc ngủ REM, não bạn ở trong trạng thái nghỉ ngơi, từ đó tạo ra những hoạt động tích cực nhằm tạo ra giấc mơ. REM càng nhiều thì trí tuệ càng được cải thiện minh mẫn.
Rượu bia được chứng minh là thủ phạm trì hoãn sự khởi động của giấc ngủ REM, do đó nó có tác động tiêu cực đến giấc ngủ cũng như sức khỏe chúng ta. Ngoài ra, chất cồn cũng được cho là làm nặng thêm các hiện tượng “Ngưng thở khi ngủ” (OSA).
5. Xem tivi là cách hữu hiệu để giải trí trước khi đi ngủ
Một cuộc khảo sát trên những người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho thấy 50% số người được hỏi cho biết xem tivi trong khoảng 30 phút trước khi đi ngủ. Đây là bằng chứng khẳng định rằng những người xem truyền hình trước khi ngủ liên quan mật thiết đến việc họ có giấc ngủ ngắn.
Ánh sáng xanh có trong tự nhiên hàng ngày rất tốt cho sức khỏe và tăng cường khả năng tập trung. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của đại học Harvard, ánh sáng xanh nhân tạo từ màn hình thiết bị điện tử , đặc biệt khi được sử dụng trước khi đi ngủ, sẽ khiến cơ thể sản sinh nhiều melatonin, dẫn tới sự rối loạn về giấc ngủ. Do đó, tránh màn hình tivi hoặc điện thoại trước khi đi ngủ 2h đồng hồ hoặc sử dụng kính chắn được ánh sáng xanh.
- 0
- 0Bình luận