Godzilla – Hành trình 65 năm huyền thoại của Vua quái vật (Phần 2)
Dưới đây là những giai đoạn, cột mốc đáng nhớ tiếp theo về quá trình phát triển của huyền thoại trong làng quái vật.
Thời kỳ Showa (1954 - 1975)
Năm 1955, nối tiếp thành công của bộ phim mở đầu, phần phim tiếp theo có tựa đề Godzilla Raids Again đã ra mắt với cuộc đọ sức khốc liệt giữa Godzilla và kẻ thù đầu tiên, quái vật Anguirus.
Bảy năm sau, vào năm 1962 hãng phim Toho mới tiếp tục kể tiếp câu chuyện về Godzilla. Tái xuất lần này chính là cuộc đại chiến giữa King Kong và Godzilla, trận đánh của hai “ông lớn” đã mở đường cho hàng loạt các phần phim tiếp theo về Godzilla thời Showa phát triển.
Với sự ra đời của phim màu, phong cách làm phim trở nên mới mẻ hơn không còn đóng khung trong sự tiếc thương về chiến tranh mà thay thế bằng cốt truyện nhẹ nhàng, mang tính giải trí với các trận chiến giữa các loài quái vật.
Trong phần phim thứ tư, Godzilla phải chiến đấu chống lại kẻ thù nổi tiếng là Mothra trong Ghidorah, the Three Headed Monster (1964). Hình tượng của Godzilla được xây dựng như một anh hùng đánh bại những kẻ xấu mới đến phá hoại sự sống.
Godzilla dần được biến đổi, khắc họa thành một siêu anh hùng mới, có tình phụ tử thiêng liêng trong ba tác phẩm tiếp theo: Invasion of the Astro -Monster, Ebirah, Horror of the Deep, và Son of Godzilla.
Mặc dù Godzilla xây dựng theo quan điểm anh hùng gần gũi, thân thiện với trẻ em nhưng đạo diễn vẫn lồng ghép trong mỗi tác phẩm thông điệp mang tính chính trị xã hội, đó là vấn đề về ô nhiễm môi trường trong Godzilla vs. Hedorah , là chống vũ khí hủy diệt của đế quốc Mỹ trong Godzilla vs. Mechagodzilla.
Vào giữa thập niên 70, Godzilla biến thành nhân vật chính diện với tạo hình thân thiện hơn với đôi mắt to tròn, khuôn mặt không còn góc cạnh, dữ tợn như trước. Godzilla còn bay nhảy, vật lộn, nói chuyện để tạo cảm giác giống như một người bạn động vật gần gũi, hòa đồng với mọi người, đặc biệt là trẻ em.
Sau hơn 20 năm xuất hiện trên màn ảnh với các cuộc phiêu lưu kỳ ảo, tác phẩm Terror of Mechagodzilla phát hành năm 1975 đã khép lại hành trình ra đời và trưởng thành của Godzilla trong thời kỳ Showa.
Thời kỳ Heisei (1984 - 1995)
Hãng Toho đã tái khởi động thương hiệu mùa đầu tiên khi đưa Godzilla trở lại với kích cỡ tăng lên và đáng sợ hơn khi phá hoại mọi thứ trong The Return of Godzilla (1984).
Để đổi mới và khai thác tiếp câu chuyện về Godzilla, nhà sản xuất đã tổ chức cuộc thi viết kịch bản cho Godzilla vs. Biollante (1989); sự kiện thu hút sự quan tâm chú ý của người hâm mộ nhưng bộ phim không thành công như mong đợi.
Kỷ niệm 60 năm thành lập hãng phim Toho đã phát hành Godzilla vs King Ghidorah (1991), tái hiện cuộc chiến của ông vua quái vật với kể thù truyền kiếp hùng mạnh nhất. King Ghidorah là con rồng ba đầu gieo rắc nỗi kinh hoàng và khiếp sợ cho con người và quái vật.
Ngoài ra Godzilla còn đụng độ với các kẻ thù khác như Mothra, loài bướm khổng lồ trong Godzilla vs. Mothra (1992) và siêu rô bốt đến từ ngoài trái đất Mechagodzilla trong Godzilla vs. Mechagodzilla II (1993).
Sau đó, Toho quyết định cho loạt phim hái ra tiền này tạm dừng và gián đoạn tạm thời sau khi công chiếu sau phần phim Godzilla vs. Destoroyah vào năm 1995.
Thời kỳ Millennium (1999 - 2004)
Năm 1998, đạo diễn Roland Emmerich đã ra mắt Godzilla phiên bản Hollywood với tạo hình như một con khủng long bạo chúa, điều này khiến fan của thương hiệu Godzilla phản đốn và chỉ trích gay gắt.
Hãng Toho đã giải quyết vấn đề này khi bắt đầu series Millennium với khởi đầu là Godzilla 2000 (1999), miêu tả Godzilla như một sinh vật tà ác với cơ thể thon gọn hơn, có lớp vảy sần sùi, đôi mắt trắng dã tạo cảm giác sợ hãi cho người xem.
Hình ảnh được sử dụng trong các phần tiếp theo: Godzilla x Megaguirus (2000), Godzilla Against Mechagodzilla (2002) và Godzilla: Tokyo S.O.S. (2003). Godzilla: Final Wars (2004) là tập phim khép lại thời kỳ Millennium.
Godzilla (2014)
Sau 10 năm huyền thoại Godzilla đã “come back” với một bom tấn được người Mỹ tái sản xuất với Godzilla (2014). Bộ phim của đạo diễn Gareth Edwards là phần khởi động lại loạt phim nhượng quyền thương mại Godzilla khi trung thành với series phim nguyên tác của Toho.
Phim là sự hợp tác sản xuất giữa Legendary Pictures và Warner Bros Pictures được phát hành dưới dạng 2D và 3D miêu tả cuộc chiến sinh tồn của con người cùng trận chiến của Godzilla với các kẻ thù quái vật khác. Ở phần này, Godzilla mập mạp hơn với phần ngực vạm vỡ cùng hình thể chắc nịch và có chiều cao khoảng 108m.
Shin Godzilla (2016)
Sự thành công của Godzilla (2014) đã tạo nên thách thức để hãng Toho cho ra đời một siêu phẩm mới về Godzilla với tác phẩm Shin Godzilla (2016). Bộ phim là một cú nổ lớn tại phòng vé nhận được đánh giá tích cực từ khán giả và giới phê bình điện ảnh.
Godzilla tái xuất với chiều cao kỷ lục tới 118m, hình thể được thiết kế gọ gàng, không phát phì như trước và oai dũng với tia lửa chạy dọc trên da, đôi mắt sâu cùng hàm răng chắc khỏe. Nội dung của phim xoáy sâu và công cuộc chống lại thiên tai của con người, lấy Godzilla ẩn ý cho sự nổi dậy của thiên nhiên gây nên trận lũ lụt, động đất và nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc của người Nhật trước hiểm họa, tai ương.
Vào giữa năm 2017 và 2018, Toho cùng với Polygon Pictures phát hành ba phim hoạt hình về Godzilla, đó là: Godzilla: Planet of the Monsters, Godzilla: City on the Edge of Battle, Godzilla: The Planet Eater. Loạt phim anime đã tái hiện câu chuyện sự thống trị địa cầu của Godzilla trong suốt 20.000 năm và cuộc chiến định mệnh giữa nó và loài người.
Hình mẫu cho loài quái vật khác
Godzilla đã khởi xướng cho vũ trụ Kaiju (quái vật) trong nền điện ảnh xứ phù tang, tạo nguồn cảm hứng cho ra đời những hình tượng quái vật sau này. Nổi tiếng nhất phải kể đến Gamera, con rùa khổng lồ của hãng phim Daiei sản xuất năm 1965. Gamera được cho là đàn em, đối thủ cạnh tranh của Godzilla của Toho.
Ngoài ra còn có một số nhân vật khác là: Repticulus, Gorgo, Yong, và Pulgasari. Đặc biệt Pulgasari là sự kiện điện ảnh đánh dấu sự hợp tác giữa Nhật Bản và Triều Tiên vào năm 1985.
Đằng sau bộ phim Pulgasari có một câu chuyện thú vị khi đạo diễn Shin Sang Ok cùng người vợ cũ Choi Eun Hee đã bị nhà lãnh đạo Triều tiên là ông Kim Jong Il bắt cóc, tác thành hai người kết hôn lại và đề nghị họ sản xuất ra những bộ phim hay.
Ông Shin cùng vợ đã thực hiện 17 bộ phim trong thời gian ở tại Triều Tiên và nổi tiếng nhất chính là Pulgasari.
Xuất hiện trên các phương tiện truyền thông khác
Godzilla cũng xuất hiện trên các chương trình truyền hình như: Godzilla Island (1997-1998), hoạt hình ngắn Godzilland (1994-1996) của Gakken sản xuất.
Hoạt hình về Godzilla đã xuất hiện vào cuối những năm 70 do hãng Hanna-Barbera Productions phát hành, hãng Sony Pictures cũng sản xuất phần phim hoạt hình với Godzilla: The Series vào năm 1998.
Godzilla xuất hiện trên các trò chơi điện tử nổi tiếng như Godzilla: Destroy All Monsters Melee và trên truyện tranh của Marvel từ năm 1977 đến 1979 với cốt truyện về trận chiến giữa Godzilla và biệt đội Avengers.
Godzilla – biểu tượng văn hóa Nhật Bản
Godzilla mang dáng hình xù xì của quái vật nhưng mang giá trị tinh thần về chủ nghĩa anh hùng hư cấu vĩ đại nhất trong lịch sử điện ảnh. Nó là nhân vật giành được giải thưởng Thành tựu trọn đời MTV vào năm 1996, được trao một ngôi sao trên đại lộ danh vọng ở Hollywood vào năm 2004.
Godzilla còn đại diện quảng cáo của các thương hiệu danh giá như Nike hay giải bóng rổ NBA, năm 2015 nó trở thành đại sứ du lịch, được dựng tượng đặt lên tòa nhà Toho là biểu tượng của quận Shinjuku.
Sau 65 năm, Godzilla được sách Guinness ghi nhận đây là thương hiệu điện ảnh dài hơi nhất thế giới. Trải qua biết bao thăng trầm cùng vô số vụ kiện tụng để bảo vệ bản quyền và giữ gìn hình tượng truyền thống vốn có Godzilla luôn là niềm tự hào của điện ảnh Nhật Bản, là hình mẫu gắn liền với ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ trẻ em.
Dù thế giới có đổi thay thì con quái vật khổng lồ đó vẫn mãi tồn tại trong lòng người hâm mộ bất kể nó là anh hùng hay là kẻ hủy diệt.
- 0
- 0Bình luận