logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky6 năm trước
Lostbird

Trạch nam, trạch nữ, otaku, neet, hikikomori: Chắc chắn bạn từng qua nghe nhưng chưa chắc đã hiểu đúng

Mặc dù về mặt từ nguyên thì "trạch nam, trạch nữ" xuất phát từ Nhật Bản, được du nhập sang Trung Quốc và phát triển dưới một góc độ rất khác. Khi vào tới Việt Nam, khái niệm "trạch" lại dễ bị hiểu sai, xung đột hoặc vô tình đánh đồng với những khái niệm khác vốn đã có sẵn ở Việt Nam như otaku, neet hay hikikomori.

Tìm đọc một số báo mạng của Việt Nam, có thể thấy hiện tượng và khái niệm "trạch" bị lý giải sai lệch và cảm tính, dễ gây hiểu lầm cho bạn đọc. Thông qua bài viết này, Lost Bird xin lạm bàn một chút về sự biến tướng ngôn từ xảy ra ở Việt Nam.

Từ nguyên tiếng Nhật

Thực ra, trong từ điển tiếng Nhật không có khái niệm trạch nam (宅男) hay trạch nữ (宅女) mà chỉ có ẩn ngữ (hay tiếng lóng) về otaku (viết bằng chữ kana như おたく,オタク,ヲタク hoặc viết thẳng ra phiên âm romanji), neet thì được phiên âm katakana là ニート(nii-to).

trach nu la gi

Mặc dù bắt nguồn từ chữ Hán là trạch (宅, phiên âm taku), tức "nhà ở", "ở trong nhà", hoặc nói chung là hành vi vào đâu đó để "ở" theo Từ điển Thiều Chửu, người Nhật thêm tiền tố kính ngữ (sonkeigo) viết thành Ngự Trạch (ký tự 御宅 hoặc お宅).

Tuy nhiên, đây là cách viết thể hiện sự tôn trọng, không phải ý châm biếm hay miệt thị theo kiểu dùng chữ kana đã nói ở trên, cách viết khác sẽ dẫn đến nghĩa khác trong tiếng Nhật.

Phát triển khái niệm ở Trung Quốc

Theo Baidu định nghĩa thì đại chúng xứ tỷ dân hiểu chữ trạch nam trạch nữ theo hai hướng, 1 là chỉ người ở trong nhà một thời gian dài không ra ngoài, 2 là một otaku. Cách nghĩ thứ 2 là sai, vì otaku vốn không liên quan gì lắm tới việc có ở trong nhà dài ngày hay không.

Đối với các trạch kiểu Trung Quốc, có nhiều lý do để họ không ra ngoài, có thể vì cảm thấy không tự tin lắm, hoặc ngoài xã hội có nhiều thứ "toxic" họ không muốn tận mục sở thị, ra ngoài nắng đen da nám mặt, tai nạn giao thông, khói bụi ô nhiễm. Hà cớ gì phải ra ngoài?

Hay đơn giản hơn, họ không đi ra ngoài vì họ không thích thế, chỉ muốn dành thời gian ở trong căn phòng ấm cúng của mình để đọc truyện, xem phim, game gủng, nói chung là ăn ngủ chơi trong nhà cho đỡ phải lo nghĩ, phục vụ đam mê là chính.

209e1a898129cae25dd0a769476bc376

Một trạch nữ Trung Quốc "ôm" máy tính và ăn đồ ăn nhanh là chính.

Còn những vấn đề khác như ăn uống, shopping thì sao? Trạch là một khái niệm của thế hệ trẻ, được phát triển trong một xã hội hiện đại với các nền tảng dịch vụ online, dịch vụ mua sắm giao hàng tận nhà vô cùng phát triển, không nhất thiết phải ra ngoài để có thể mua được cái mình cần.

Ngoài ra, nếu trong trường hợp bất khả kháng, một trạch Trung Quốc vẫn đi ra ngoài, ví dụ để đi học, đi làm. Nhưng chỉ đi học, đi làm xong sẽ về nhà ngay, không la cà tụ tập làm gì. Nếu được công ty cho phép "work from home" (làm việc tại nhà) thì các trạch sẽ rất cảm kích. Nếu bảo trạch là lười biếng hoặc vô dụng thì hơi sai, họ vẫn có thể kiếm được nhiều tiền bằng nhiều cách đấy.

d762003

Trạch nữ với góc giải trí của riêng mình, góc nhỏ này chính là thiên đường của họ.

Như vậy, trạch nam trạch nữ của Trung Quốc không phải là một cái gì đó quá đáng để phải chỉ trích, họ làm trạch vì họ thích như vậy và có khả năng để làm như vậy. Mặc dù có thể có một số dấu hiệu mà người khác cho là không bình thường, nhưng nếu chỉ có thế thì vẫn không thể gọi là một hội chứng hoặc một căn bệnh, đó là một lối sống (không lành mạnh, nhưng không sai quấy) mà một người đã chọn.

Nói cho công bằng, người viết không khuyến khích bạn sống như trạch. Làm trạch không phải là không có hệ lụy, về lâu dài cũng phát sinh tiêu cực nhưng đó là chuyện hạ hồi phân giải.

Phân biệt với otaku, hikikomori và neet

Để phân biệt được một trạch với các đối tượng khác thì buộc phải hiểu hết từng khái niệm.

Phân biệt trạch và otaku:

Otaku là những người có sở thích, đam mê cực độ với một loại hình văn hóa phẩm nào đó, như manga, anime, game, sách, văn hóa Nhật Bản nói chung hoặc có thể là bất cứ thứ gì đó khác.

18 15260294120951452251486 1

Một otaku vẫn có thể sống rất thứ tự, lành mạnh. Chỉ đơn giản là họ đam mê cái gì đó quá mức.

Biểu hiện ban đầu của họ là im lặng, sống tách biệt, ít giao tiếp nên dễ bị nhầm với các hội chứng tâm lý khác. Thực ra, otaku im lặng và dành nhiều thời gian ở nhà cả ngày vì họ ít khi tìm được người có cùng sở thích, cùng đam mê trong đời thật.

Nếu vô tình gặp được một người cùng hội cùng thuyền, otaku có thể nói luôn miệng không thôi về sở thích chung, rất tiếc bạn tri kỷ thì dễ gặp trên internet hơn là ở ngoài đời thật. Đối với otaku, sở thích chính là một phần trong cuộc sống của họ, việc thỏa mãn sở thích được họ đặt trên những mục tiêu khác. Vì vậy mà hay bị người đời nhìn nhận sai lầm, khinh miệt hoặc dè bỉu, hiếp đáp.

2236 2369120 115252

Hình ảnh tiêu biểu của một Otaku Trung Quốc, họ cũng có thể chọn lối sống như trạch nữ, hoặc không.

Otaku bị những người không phải otaku cho là xấu, xem như bọn bệnh, nhưng thực ra những otaku hầu hết đều có thể tham gia các hoạt động xã hội bình thường. Sở thích không quá ảnh hưởng đến các đời sống, công việc hằng ngày của họ. Cái họ cần là một môi trường phù hợp, với những người bạn phù hợp.

Các otaku vẫn làm các hoạt động thường ngày của họ như đi học, đi làm, họ có thể theo đuổi nghề nghiệp phù hợp với sở thích của mình như cosplayer, vẽ manga, biên tập, biên dịch manga, lập trình game, vẽ concept, biên tập video, làm sub phim, dựng phim hoạt hình...otaku vẫn có thể có thu nhập cao lẫn uy tín trong lĩnh vực chuyên môn của họ.

anime

Otaku hay bị xem thường, nhưng trên thực tế họ có thể rất tài năng và kiếm được nhiều tiền trong lĩnh vực mà họ đam mê.

Ngoài những đặc trưng đã nói ở trên thì otaku và trạch Trung Quốc có thể giống nhau ở một vài điểm như...độc thân muôn kiếp, ở dơ, bừa bộn, lười tắm giặt vì đằng nào cũng chả tiếp xúc với ai là mấy, khi nào cần mới phải vào phòng tắm. Tuy nhiên cũng không đến mức thối như có cái xác chết ở trong phòng đâu.

Kết luận: Một trạch hoàn toàn có thể là một otaku, và một otaku cũng có thể chọn lối sống như trạch hoặc không. Bạn có thể cùng lúc là otaku và là trạch.

Phân biệt trạch và hikikomori:

Nhắc đến Hikikomori (引きこもり), đó hoàn toàn là một câu chuyện khác. Hikikomori là một hiện tượng tiêu cực trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội Nhật Bản, nó liên quan đến nhiều hội chứng tâm lý khác nhau.

img 774ee7b0e55b4152d88d4e937c7e7f411370313

Hikikomori thì khác, nó nghiêm trọng hơn nhiều.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, để xem xét một trường hợp Hikikomori, đối tượng phải tự giam mình trong phòng từ 6 tháng (họ làm gì thì không xét đến, nhưng thời gian 6 tháng này là điều kiện tiên quyết).

Tất nhiên trong thời gian đó họ không đi học, đi làm, không trực tiếp gặp mặt bạn bè, thậm chí là gia đình. Mọi sinh hoạt, ăn uống, do gia đình chu cấp, hỗ trợ. Họ cũng không quan tâm đến sức khỏe, ngoại hình, sống nhếch nhác bẩn thỉu.

Theo nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần học Tamaki Saitō, Hikikomori là:

Tình trạng đã trở thành vấn đề vào cuối những năm hai mươi (độ tuổi), liên quan đến việc ai đó tự giam mình trong nhà của chính mình và không tham gia vào hoạt động xã hội trong sáu tháng hoặc lâu hơn, nhưng dường như không có vấn đề tâm lý nào khác có thể là nguyên nhân chính của hành vi này.

iamhere a 190215075339

Đây là căn phòng của một đối tượng hikikomori.

Như vậy, Hikikomori là hiện tượng không hẳn là bắt nguồn từ hội chứng tâm lý/bệnh tâm thần tuy nhiên nó có khả năng cao là nguồn cơn cho những thứ ấy. Theo nghiên cứu về phúc lợi xã hội của Suwa Mami và Koichi Hara có tựa đề "'Hikikomori' among Young Adults in Japan: The Importance of Differential Diagnosis between Primary Hikikomori and Hikikomori with High-functioning Pervasive Developmental Disorders" (lưu trữ trong thư viện đại học Queensland, bạn đọc tham khảo tại ĐÂY) phần 3, trang 94 - 101 có nói:

5 trong số 27 trường hợp hikikomori bị rối loạn phát triển lan tỏa chức năng cao (HPDD) và 12 trường hợp mắc các rối loạn hoặc bệnh tâm thần khác (6 trường hợp rối loạn nhân cách, 3 trường hợp rối loạn ám ảnh cưỡng chế, 2 trường hợp trầm cảm, 1 trường hợp chậm phát triển tâm thần nhẹ).

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một họa tiết để minh họa sự khác biệt giữa hikikomori nguyên phát (không có rối loạn tâm thần rõ ràng) và hikikomori với HPDD hoặc rối loạn khác; hơn nữa, 10 trong số 27 người có hikikomori nguyên phát.

Tiến sĩ Alan Teo và các đồng nghiệp đã tiến hành đánh giá chẩn đoán chi tiết của 22 cá nhân mắc hikikomori và nhận thấy rằng trong khi phần lớn các trường hợp đáp ứng các tiêu chí cho nhiều tình trạng tâm thần, thì khoảng 1 trong 5 trường hợp là hikikomori nguyên phát.

00f34cb7

Hikikomori là một hiện tượng xã hội tiêu cực, có thể xem là một hội chứng, họ mắc phải chứ không chọn nó.

Như vậy, cứ 5 đối tượng hikikomori thì hết 4 người có các triệu chứng tâm thần, điều này biến hikikomori thành một hiện tượng xã hội tiêu cực có thể là nguyên nhân của vô số bệnh khác. Thậm chí đẫn đến hành vi gây án, giết hại làm nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của chính bản thân và người khác.

Kết luận: Đối tượng được xác định là hikikomori có thể là một otaku, hoặc là một trạch. Nhưng một trạch hoặc otaku thông thường thì không thể gọi là hikikomori, sự khác biệt ở đây là cực kỳ lớn.

Phân biệt trạch và neet:

NEET hay đơn giản là neet là viết tắt của "Not in Education, Employment, or Training" (không trong thời gian học tập văn hóa, không có việc làm cũng không được đào tạo nghề). Neet không phải một hội chứng như hikikomori, nó là từ để chỉ một trạng thái của đối tượng đó trong một khoảng thời gian nhất định hoặc vô hạn định.

download

Một neet có thể đã từng được giáo dục, ví dụ như đã từng học đại học, nhưng bây giờ thì qua giai đoạn học đó rồi nhưng không tìm việc làm mà vẫn vô công rỗi nghề, ăn bám, đòi hỏi sự chu cấp từ gia đình, xã hội.

Các neet dựa vào gia đình, người thân lo cho mình là chủ yếu, nhưng không có nghĩa là họ không có năng lực (chẳng qua là quá lười biếng để làm, hoặc gia đình có điều kiện, quá dư dả để phải làm lụng). Neet thậm chí không biết phụ giúp bố mẹ làm việc nhà (nếu có quán xuyến việc nội trợ thay người thân như nấu ăn, giặt giũ, quét dọn nhà cửa thì không thể gọi là neet).

neet la gi

Một neet vẫn khỏe và đẹp (nhờ chu cấp), vẫn giao tiếp xã hội, ăn ngủ chơi, neet có thể sống như trạch hoặc không.

Khái niệm neet xuất phát từ Anh Quốc dùng để chỉ độ tuổi 16 - 24, sau đó được sử dụng phổ biến tại Nhật với phạm vi rộng hơn từ 15 - 34. Ở xứ mặt trời mọc, một người làm công việc bán thời gian, thu nhập thấp, trình độ thấp, số phận long đong lận đận, không có định hướng tương lai cũng bị xem là neet.

Vì sự nhác làm, nhác học của mình, một neet thường không có kỹ năng sống hay kiến thức học thuật, chuyên môn nghề nghiệp, hoặc đã từng có nhưng thui chột mất rồi. Họ có thể chọn lối sống như một trạch hoặc không.

Khác với otaku hay trạch, một neet vẫn có thể rất năng động, thích làm đẹp, mua sắm tiêu pha, sẽ có người yêu nếu như có ai đó chịu nổi họ.

Kết luận: Neet là một đứa trẻ không chịu lớn, họ có thể là otaku hoặc trạch hoặc cả hai và ngược lại, nhưng không phải đối tượng hikikomori.

Ở Việt Nam thì sao?

Trong quá trình nghiên cứu sơ khởi về văn hóa, lịch sử và sự giao thoa của các luồng văn hóa, tư tưởng, trào lưu ngoại lai, mình (người viết) nhận thấy giới trẻ Việt Nam hình thành một nền văn hóa hỗn tạp.

Giới trẻ ở thành phố lớn bị cuốn vào một vòng xoáy văn hóa, như những luồng nước gặp nhau tạo nên xoáy nước, các luồng văn hóa du nhập va chạm nhau cũng sẽ tạo nên những hiệu ứng nhất định.

Điều đầu tiên xảy ra sẽ là xung đột do dị văn hóa (khác biệt văn hóa), sau đó sẽ là thích ứng, dung nạp hoặc đồng hóa, chấp nhận lẫn nhau để tạo nên một sản phẩm cuối cùng là đặc trưng của thế hệ trong bối cảnh hội nhập.

12a xmix

Ảnh báo mạng minh họa về một trạch nữ ở Việt Nam, chưa chắc là trạch hay không nhưng nhìn như thế này thì không thể đánh đồng với otaku.

Tương tự, trạch ở Việt Nam cũng vậy. Khái niệm trạch ở Việt Nam tất nhiên đi cùng với trào lưu tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Tương tự như manga hay anime, truyện ngôn tình cũng là một sản phẩm của pop culture (hay mass culture - văn hóa đại chúng), tất nhiên nó cũng lớn mạnh cùng với sự phát triển của internet và mạng xã hội.

Trào lưu tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc kế thừa và phát huy cơn bão văn học linglei (đầu những năm 2000 đến đỉnh điểm năm 2005 và sau đó lắng xuống), lúc này những tác phẩm như Xin lỗi, em chỉ là con đĩ bắt đầu hot, thời gian sau đó một truyện ngắn khác mà người viết còn nhớ khá rõ là Lỡ tay chạm ngực con gái của Oni mà đã được đọc trên Wattpad, cũng vào thời điểm này.

maxresdefault

Khi các trạch thế hệ cuối 9x, 2k trở nên phổ biến thì trào lưu manga đã qua trend.

Trong khi khái niệm trạch đi cùng với tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc vào Việt Nam từ những năm 2000 trở về sau, thì 10 năm trước, trào lưu manga Nhật Bản cùng những khái niệm đi cùng nó đã đến với Việt Nam từ sớm và phần nào bị "qua trend", vẫn phổ biến nhưng giới trẻ không còn "hype" như trước.

Dễ thấy, khái niệm trạch cũng như ngôn tình Trung Quốc phổ biến hơn với thế hệ nửa cuối 9x trở về sau tới thế hệ 2k, trong khi đó với lứa 8x và đầu 9x họ ảnh hưởng bởi văn hóa Nhật Bản nhiều hơn (lấy cột mốc Doraemon xuất bản ở Việt Nam năm 1992 và Conan năm 1994). Thậm chí thời nay nhiều 8x đi làm đến đầu bù tóc rối, hỏi họ "trạch" là gì chắc có người cũng chưa cập nhật qua.

Nhìn lại quá trình đó thì chúng ta sẽ thấy những nhầm lẫn là dễ thông cảm nếu nhiều báo mạng có cập nhật tin tức về các biểu hiện của "trạch" và lấy hikikomori hoặc otaku ra để so sánh mặc dù mối liên hệ của chúng chỉ ở mặt ngôn từ, về bản chất không giống nhau. Xét theo độ tuổi, một bộ phận lớn biên tập viên các báo quan tâm đến các chuyên mục cho giới trẻ có thể rơi vào độ tuổi nửa cuối 8x và nửa đầu 9x.

review ngon tinh

Trên thực tế, giới trẻ Việt Nam hiện tại tiếp xúc trực tiếp với khái niệm trạch của Trung Quốc và họ không tự đánh đồng mình với otaku, vì sự ảnh hưởng của manga, anime và văn hóa Nhật nói chung đối với họ đã bị suy giảm đáng kể. Chỉ cần đơn thuần là một nữ sinh viên sáng đi học 3 tiết, xong về ru rú ở nhà cả ngày là có thể gọi là trạch.

Họ có thể ở trong nhà vài ngày, vài tuần liền cho đến khi hết nhu yếu phẩm và phải chui ra ngoài để đi mua, tuy nhiên nó khá nhẹ nhàng khi các bạn trẻ Việt Nam gọi nhau là trạch và không bao giờ đến mức độ như một đối tượng hikikomori.

Như vậy, trên quan điểm cá nhân của bài viết này, rất không nên nhìn nhận khái niệm trạch của ngôn tình Trung Quốc thông qua những gì đã biết về otaku và hikikomori vì nó dễ đi chệch hướng và đụng chạm, thậm chí trở nên khá nặng nề ở một vài trường hợp.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky6 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)