Quang cảnh nơi sâu nhất thế giới ở đáy Thái Bình Dương
Rãnh Mariana được biết là nơi sâu nhất thế giới, nó nằm trên phần đáy của khu vực tây bắc Thái Bình Dương, về phía đông quần đảo Mariana. Nhiều người đã đến chinh phục độ sâu tử thần này. Đạo diễn James Cameron đã lặn đến 10,91 km vào năm 2012 trong khi kỷ lục trước đó là 10,89 km được thực hiện vào năm 1960.
Và mới đây nhất, nhà thám hiểm Victor Vescovo đã đánh bại mọi kỷ lục bằng cách lặn sâu hơn kỷ lục trước đó chỉ 20 mét. Đi theo ông còn có nhóm làm phim Deep Planet của Discovery Channel, nhưng họ chỉ hỗ trợ trên bờ và Vescovo phải một mình lặn đến đáy đại dương.
Trả lời phỏng vấn với phóng viên, ông Vescovo cho biết mình đã ấp ủ ý tưởng lặn đại dương từ năm 2012 sau khi ông chinh phục những ngọn núi cao nhất ở mỗi châu lục. Dự định của ông là lặn đến điểm sâu nhất ở từng đại dương trên thế giới và rãnh Mariana là chuyến lặn biển sâu thứ hai của ông.
“Đáy đại dương là một vùng đất bằng phẳng, có màu be và phủ một lớp phù sa rất dày. Ở nơi tận cùng của biển cả vẫn có động vật nhỏ sinh sống, chúng di chuyển rất nhẹ nhàng mặc cho lực ép của nước ở đây là vô cùng lớn.
Khi được lặn đến đây, tôi có cảm giác rất tự hào vì khả năng phi thường của con người. Với lực ép đến 16.000 psi có thể nghiền nát những con tàu thủy vượt hàng ngàn hải lý trên mặt biển, nhưng tôi vẫn cảm thấy rất thoải mái dù có chút lạnh vì ánh sáng Mặt Trời không chạm đến được đây,” nhà thám hiểm Vescovo cho biết.
Trong quá trình lặn xuống, Vescovo đã gặp nhiều sinh vật kỳ lạ. Ở độ sâu 7 km, ông thấy một con sâu hình chiếc muỗng, chúng ta chưa bắt gặp một sinh vật nào ở độ sâu như vậy trước đây. Trong camera được gắn cùng với ông, ống kính cũng chụp được một loài cá lạ ở độ sâu 8 km.
Với lực ép cực kỳ lớn từ tầng nước dưới cùng, nhóm của ông đã phải thiết kế một phương tiện lặn chịu được lực nén lớn. Đây là một thách thức và cũng là một bước tiến lớn về kỹ thuật. Vescovo đã đi lang thang ở mặt đáy trong suốt hai ngày, xung quanh ông là bóng tối lạnh lẽo.
“Rủi ro lớn nhất của những chuyến lặn biển chính là sự rò rỉ hoặc những sự cố bất ngờ. Ở nơi sâu nhất, bạn đã cách mặt biển đến 3,5 giờ lặn. Nếu xảy ra những sai sót kỹ thuật, bạn phải chấp nhận rằng đại dương sẽ ép bạn trong nháy mắt để rồi cơ thể chúng ta tan ra như bọt biển,” ông cho biết thêm.
Theo ước tính của Cục Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ, có khoảng 80% khu vực của các đại dương chúng ta vẫn chưa khám phá, chưa quan sát và chưa khai thác. Trong thực tế, chúng ta hiểu biết về bề mặt Sao Hỏa còn nhiều hơn cả lòng đại dương trên hành tinh của chính mình.
Các rãnh sâu ở các đại dương là những nơi vô cùng bí ẩn với nhân loại, chúng như một nền văn minh hiện đại khi chúng ta vẫn còn ở thời kỳ Trung Cổ đen tối. Nếu thăm dò được chúng, ta sẽ có thêm nhiều hiểu biết quan trọng về sự hình thành Trái Đất, hoạt động của các mảng kiến tạo hay thậm chí là cuộc sống trên hành tinh bắt đầu như thế nào.
- 0
- 0Bình luận