Katharine Graham - Từ \'mẹ bỉm sữa\' núp bóng chồng đến bà trùm thay đổi bộ mặt báo chí Mỹ
Người phụ nữ ấy chính là Katharine Graham, người mà nửa đời sau của bà là minh chứng cho việc báo chí là tiếng nói của sự thật và công bằng.
40 năm đầu cuộc đời, bà luôn được dạy dỗ rằng phải quán xuyến gia đình, đó mới là cuộc đời của một phụ nữ thật sự.
Bà chăm sóc nhà cửa, giúp chồng dạy con, lo liệu mọi chuyện… Đời bà như một chuyến lữ hành mà mục đích đã được định sẵn từ trước, bà chỉ cần sống theo quỹ đạo này là sẽ dễ dàng đi tới cái kết viên mãn. Tiếc rằng ngay khi vừa bước qua tuổi 40, bà đã gặp phải bước ngoặt của đời mình.
Chồng bà ngoại tình rồi tự sát vì bệnh trầm cảm, sản nghiệp của dòng họ rơi vào tình trạng nguy hiểm… Đối diện với tuyệt cảnh, người phụ nữ hơn 40 tuổi và vừa mất chồng này đã run rẩy đứng lên bằng chính đôi chân của mình để gánh vác gánh nặng cuộc đời, bất chấp ánh nhìn đầy khinh miệt của xã hội.
Rồi thêm 40 năm nữa trôi qua, người phụ nữ đó bước vào tuổi 81 với những thành công vượt ngoài mong đời, bà viết truyền kì về cuộc đời mình vào những trang sách, cổ vũ khích lệ vô vàn những cô gái khác cố gắng vì tương lai của chính mình.
Cả bộ phim nhìn như chỉ là bịa đặt, nhưng ít ai biết rằng, đó hoàn toàn là sự thật. Nguyên mẫu của nữ chính trong phim chính là Katharine Graham - Đệ nhất phu nhân của nền công nghiệp báo chí nước Mỹ, người đàn bà có tầm ảnh hưởng bậc nhất thế giới.
Nửa đầu cuộc đời người phụ nữ làm thay đổi nền báo chí nước Mỹ
Katharine Graham ra đời trong xã hội thượng lưu ở New York, bà đứng hàng thứ 4 trong số 5 anh chị em của mình.
Cha bà là Eugene Meyer - một sinh viên tốt nghiệp loại ưu từ đại học Yale, ông có đầu óc cực kì khôn khéo, cái mũi nhạy bén đánh hơi được sự thay đổi của kinh tế và đôi mắt chính trị đầy sắc sảo.
Thời trẻ ông làm giàu dựa vào việc đầu tư cổ phiếu, trung niên thì từng đảm nhiệm vị trí cục trưởng cục Dự trữ Liên bang trong chính phủ Mỹ, khi về già ông trở thành chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng thế giới.
Mẹ bà là Agnes Ernst từng làm phóng viên đặc biệt về mảng văn học và nghệ thuật cho tờ báo The Sun, là một người phụ nữ tài giỏi hiếm thấy thời đó.
Lần đầu tiên Katharine xuất hiện trong nhật ký của mẹ bà là qua một mẩu đối thoại giữa các thành viên trong gia đình:
Eugene nói “Tương lai Kate (nickname của Katharine) sẽ là một cô gái giỏi giang.”
Ngay sau đó cậu con trai lớn hơn Kate vài tuổi của tôi đã phản bác: “Không đâu, tương lai em con sẽ trở thành một tiểu thư.”
Kate nhỏ bé đứng cạnh nghe được, lập tức đáp trả: “Em không muốn làm tiểu thư, em muốn làm một cô gái giỏi giang.”
Có lẽ bắt đầu từ khi ấy “cô gái giỏi giang” đã thành hạt giống gieo vào đầu cô gái nhỏ một suy nghĩ mông lung.
Năm 1922, Eugene từ bỏ công việc trong chính phủ. Ông gom góp được 825 ngàn USD mua lại tờ báo Washington Post sắp sụp đổ, trở thành người đứng đầu ngành báo chí ở Mỹ.
Nếu so với những người phụ nữ và nhân viên văn phòng khác thì có thể nói Katharine may mắn hơn nhiều. Năm 21 tuổi khi vừa tốt nghiệp đại học Chicago, bà dựa vào quan hệ với cha để vào tờ báo San Francisco làm phóng viên mảng tin tức.
Katharine vừa bước vào công sở cũng luống cuống và mông lung như bao người mới khác. Thậm chí từng có lúc bà chán nản tâm sự với cha mình: “Con muốn từ chức về nhà, nếu không có cha, con không thể nào ở đây lâu như vậy.”
Cha bà không ngừng cỗ vũ khích lệ giúp Katharine có thể tự tin, rồi dần dà bà có thể độc lập hoàn thành một tới hai chuyên mục trong ngày, chạy tới hiện trường phỏng vấn, thu thập tin tức, công việc của bà cứ thế dần đi vào quỹ đạo.
Tiếp đó bà quay về làm việc trong tờ Washington Post của cha mình phụ trách mục thư gửi từ độc giả. Tin tức này được các tờ báo khác đăng tải kèm theo yêu cầu nghiêm khắc của cha bà – ông Eugene: “Nếu con bé làm không tốt, chúng tôi cũng sẽ sa thải nó.”
Lấy chồng và trở thành kẻ phụ thuộc
Cũng trong năm này, Katharine gặp được tình yêu của đời mình, Philip Graham. Philip tốt nghiệp đại học Harvard, tính tình khôi hài, tuy còn trẻ những đã bộc lộ tài năng và sự nhanh nhẹn cũng như đầu óc thông thái của mình. Hai kẻ yêu nhau kết hôn chỉ sau một năm quen biết.
Cũng trong lúc này ông Eugene bắt đầu tìm kiếm người nối nghiệp cho tờ báo của mình. Tuy nhiên dù có vẻ rất tiến bộ, nhưng ông Eugene vẫn mang trong mình những thành kiến của thời đại, ông vẫn cho rằng con gái không thể kế thừa sản nghiệp của mình; những đứa con trai của ông thì không có hứng thú với báo chí, chính vì thế bắt đầu từ năm 1945, ông dần uỷ quyền cho Philip.
Với chuyện này, Katharine không thấy có gì bất mãn cả, bà kể lại trong tự truyện của mình:
“Philip là trung tâm của cả gia đình, tất cả chúng tôi đều vây xung quanh anh ấy.”
Sau khi tiếp nhận Philip không phụ sự chờ mong của cha vợ, không ngừng phát triển tờ báo và đưa tầm ảnh hưởng của nó vươn ra xa hơn. Lúc này Katharine cũng đã từ bỏ công việc phóng viên của mình.
Như tất cả những quý bà của xã hội thượng lưu, bà chỉ xử lý, chăm nom nhà cửa, chiêu đãi khách khứa, nuôi dưỡng bốn đứa con của mình, làm tốt bổn phận của một người vợ hiền.
Nhưng, cuộc đời bình yên hạnh phúc này chỉ là bề ngoài, trong lòng Katharine dần dần xuất hiện biến hoá, bà kể: “So với Philip, tôi ngày càng thấy mình thua kém rất nhiều, như cái đuôi đằng sau con diều vậy.”
Bà một lòng yêu thương, sùng bái chồng mình, đổi lại, chồng bà ngày càng khinh thường, trào phúng làm bà xấu mặt trước mặt mọi người.
Khi Katharine đến tuổi trung niên, vóc người nảy nở, thể trọng tăng lên, chồng bà còn bỡn cợt trêu chọc bà bằng biệt danh bà béo, thậm chí tìm một cái đầu heo, treo trên hành lang tự cho là đầy hài hước.
Cho dù là vậy, Katharine vẫn nhường nhịn hết sức. Cũng chính vì thế khi biết chồng có người phụ nữ khác bà gần như suy sụp.
Trong tự truyện của mình bà thẳng thắn kể lại:
“Cho dù chuyện này không hề hiếm thấy, nhưng tôi chưa từng nghĩ nó sẽ xảy ra với mình. Tôi bị chính bản thân mình che mờ mắt.”
Chồng bà dẫn theo người tình bỏ trốn, đòi ly hôn, cũng muốn Katharine chuyển nhượng toàn bộ cổ phần toà báo trong tay cho mình. Những chuyện này gần như đè bẹp tinh thần Katharine. Bạn bè khuyên bà nên đoạt lại toà báo, bà chỉ biết hoảng sợ nói: “Tôi à? Không được, tôi làm không được.”
Ngạc nhiên thay, vào lúc này chồng bà đột nhiên từ bỏ tình nhân và quay về nhà.
Hoá ra lúc trước Philip vì áp lực công việc và say rượu mắc phải bệnh trầm cảm, cảm xúc không ổn định. Ông biết mình không sống được bao lâu nữa nên trở về nhà, Katharine thì bất kể hiềm khích ngày xưa, giang tay đón ông về.
Tháng 8 năm 1963, sau khi bị căn bệnh trầm cảm tra tấn tới kiệt quệ, Philip cầm súng tự sát trong chính biệt thự của mình.
Năm ấy Katharine 46 tuổi, trước nỗi đau mất chồng, Katharine không chỉ vào chăm sóc đàn con thơ, mà còn phải suy nghĩ cho tương lai: Philip đột nhiên qua đời, bà phải làm sao bảo vệ được tờ báo của gia đình?
Một tháng sau, bà quyết định trở thành người quản lý toà báo Washington Post.
Một mình gánh vác gia nghiệp, lấy lại sự tự tin
Không những trở thành quả phụ và chỉ dựa vào một năm kinh nghiệm làm việc trước khi lấy chồng, bà gần như phải học lại mọi thứ. Mỗi một ngày bà đều phải chịu đựng một áp lực cực lớn. Bà viết:
“Không biết bao kẻ như lũ kền kền bay quanh trên đỉnh đầu, chờ một quả phụ tứ cố vô thân như tôi quỳ xuống cầu xin.”
Bà bắt đầu học tập quản lý, thương nghiệp, tài vụ, đàm phán và máy tính, dưới ánh mắt nghi ngờ của mọi người, bà vẫn kiên trì đi tới trước.
Vì thuyết phục cổ đông đồng ý cho công ty niêm yết, bà chuẩn bị giấy tờ làm hồ sơ, thức trắng đêm học thuộc lòng bản thảo.
Nhưng trong hội nghị ngày hôm sau, khi đối mặt với cả đám cổ đông, bà không nói được lời nào.
Tỷ phú Warren Buffett từng miêu tả về bà khi ấy trong cuốn tự truyện của mình thế này: “Một người phụ nữ thiếu cảm giác an toàn, không có chủ ý, không thể đưa ra quyết định gì, lúc nào cũng chờ hỏi ý người khác.”
Nhưng trong quá trình liên tục phạm lỗi đó, Katharine cũng dần dần tự đứng vững được. Một bên bà thay đổi nhân sự và chế độ quản lý trong toà báo, một bên trao cho các biên tập quyền tự chủ quyết định, giúp Washington Post lấy việc đưa tin chính xác, công bằng, nội dung tỉ mỉ chân thực, khách quan nổi tiếng gần xa, rồi dựa vào đó, dần dần mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.
Công việc bù đắp vào khoản trống trong tâm hồn, và sự thành công trong sự nghiệp giúp bà nhanh chóng lấy lại sự tự tin, để rồi bà trở thành người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn trong thời cận đại ở Mỹ.
Trong vụ án “văn kiện Lầu Năm Góc”, pháp viện Mỹ từng gửi văn kiện cho các tờ báo yêu cầu họ không được đưa bất kì tin tức nào về chuyện này.
Chỉ có Katharine, bà mạo hiểm nguy cơ tuyệt giao với hầu hết bạn bè, rồi bị ngân hàng rút vốn đầu tư, tờ báo bị đóng cửa, thậm chí chính bà còn suýt bị bắt giam chỉ vì để công bố chân tướng ra trước công chúng.
Đối mặt với những kẻ gây sự, những cổ đông tìm tới bà để chất vấn, bà thẳng thừng nói: “Công ty này đã không còn là công ty của chồng hay cha tôi nữa, nó là công ty của tôi. Bất kì ai có dị nghị với quyết định của tôi không nên tiếp tục ở trong ban giám đốc nữa.”
Sự kiên trì của bà không hề uổng phí. Ngay khi tin tức được đăng tải, các tờ báo khác cũng lần lượt lên tiếng ủng hộ quyết định của bà và tờ Washington Post. Cuối cùng, trước áp lực từ dư luận, pháp viện buộc phải huỷ bỏ tất cả điều lệnh cấm với tờ báo này.
Katharine mang theo nụ cười kiêu ngạo bước ra khỏi pháp viện. Lần hầu toà này, bà thắng một ván vô cùng rực rỡ.
Sau vụ kiện này bà đã xây dựng thành công tiếng tăm cho tờ báo mình và khiến nó lan xa đáng kể.
Sau này vụ Watergate cũng được Katharine kiên trì, gánh lấy áp lực từ phía chính phủ, tiếp tục cho phóng viên theo dõi và đưa tin, gián tiếp kéo Tổng thống Richard Nixon xuống đài.
Chính vì vậy từng có một thời gian bà được khen ngợi là người phụ nữ không sợ cường quyền “có lá gan của một tên trộm”.
Nhiều năm sau, khi công thành danh toại, bà nhìn lại cả cuộc đời mình, viết chúng thành quyển tự truyện Personal History. Trong quyển sách này, bà kiêu ngạo kể lại rằng:
“Khi đó tôi chỉ biết bước từng bước về trước, nhắm chặt mắt, cắn răng bước đi. Nhưng đáng ngạc nhiên là, tới cuối cùng, tôi đã thành công.”
Tất cả những chuyện này nhìn như đều là ngoài ý muốn, nhưng thực chất đều đã được định trước.
Tài hoa, lòng dũng cảm và sự quyết đoán bất khuất của Katharine sẽ không biến mất vì sự giam cầm của xã hội và áp lực từ cuộc sống.
Bà đã tự chứng minh rằng, một người phụ nữ không cần có lòng can đảm, gan dạ và sáng suốt ngay từ đầu, nhưng chỉ cần tin tưởng và kiên định bước đi trên con đường mình đã chọn thì việc thành công chỉ là vấn đề thời gian. Người phụ nắm giữ số mệnh thế nào, hoàn toàn phụ thuộc bởi chính bản thân họ.
- 0
- 0Bình luận