Đế chế Huawei đang sụp đổ như thế nào sau lệnh cấm vận thương mại của Mỹ?
Huawei là một tập đoàn đa quốc gia, họ không chỉ kinh doanh smartphone mà còn kiếm tiền từ nhiều sản phẩm, dịch vụ mạng và viễn thông khác. Với tiềm lực khổng lồ và sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc, họ vẫn có thể chống chọi trong tương lai gần, thậm chí tái định hình lại thị trường smartphone nội địa và tiếp tục kiếm lời từ lĩnh vực này.
Thế nhưng, trong khi hầu hết người dùng chỉ nghĩ đến việc smartphone Huawei sẽ chết ra sao thì đừng quên rằng đòn đánh của Hoa Kỳ đâu chỉ nhằm vào mảng điện thoại di động. Hãy cùng điểm qua toàn cảnh về sự sụp đổ của Huawei và ''đoán xem'' liệu gã khổng lồ Trung Quốc sẽ phản kháng như thế nào khi mọi nguồn sinh lợi đều đang dần cạn kiệt.
Mất luôn thị phần Laptop và dịch vụ máy chủ đám mây
Một trong những đối tác lớn nhất của Huawei (nhưng ít được nhắc đến) là Microsoft đã ''lẳng lặng'' chia tay với tập đoàn Trung Quốc. Như đã nói, Huawei không chỉ sản xuất smartphone, họ còn tạo ra nhiều mẫu laptop tốt nhất trên thế giới có thể cạnh tranh với Apple, ví dụ như Matebook X Pro chẳng hạn.
Sản phẩm này lẽ ra sẽ có mặt trên cửa hàng trực tuyến của Microsoft nhưng hiện tại, danh mục nhà sản xuất Huawei trên trang này đã hoàn toàn biến mất (hình dưới), chúng ta cũng không thể tìm kiếm được bất kỳ thứ gì liên quan đến Huawei trên trang Microsoft.
Không chỉ vậy, Microsoft cũng đã ngưng hợp tác trong mảng dịch vụ máy chủ đám mây Azure (vốn có mặt ở 66 nước bao gồm cả Việt Nam). Hơn nữa, họ sẽ ngừng cấp phép hệ điều hành Windows cho máy tính của Huawei, đồng nghĩa với giết chết những dòng sản phẩm mà công ty Trung Quốc vốn tự hào.
Trên hết, đây chưa phải là động thái chính thức của Microsoft đối với lệnh cấm vận thương mại của tổng thống Trump, nhưng chỉ thế thôi đã là đủ để Huawei phải lo lắng.
Buộc phải sang nhượng mảng kinh doanh cáp biển
Huawei là nhà sản xuất, kinh doanh thiết bị mạng lớn nhất thế giới, mảng kinh doanh cáp biển do công ty con Huawei Marine Systems mang về lợi nhuận hàng chục triệu USD mỗi năm (16 triệu USD trong năm 2018).
Thế nhưng theo báo cáo mới nhất của Reuter thì cuối tháng 5 này, 51% cổ phần của Huawei Marine sẽ bị bán cho Hengtong Group - một tập đoàn khác của Trung Quốc chuyên sản xuất cáp quang viễn thông.
Bán 51% cổ phần đồng nghĩa với bán đứt và hoàn toàn nhường lại quyền quyết định số phận cho Hengtong định đoạt. Đây là một động thái không khác gì ''bỏ của chạy lấy người'', nhất là sau khi các cơ quan an ninh Hoa Kỳ cho rằng dây cáp biển do Huawei sản xuất có thể bị lợi dụng để Trung Quốc thực hiện hành vi gián điệp.
Mất khả năng phát triển thị trường tiềm năng
Trước khi ông Trump ký lệnh cấm vận thương mại, thiết bị di động của Huawei có chỗ đứng khá vững ở thị trường Đông Nam Á và đang tiến đến chinh phục thị trường Châu Âu với các lợi thế như cấu hình mạnh, giá rẻ so với đối thủ cùng phân khúc...
Mục tiêu lớn của Huawei là cạnh tranh với Samsung, trở thành nhà sản xuất di động thông minh hàng đầu thế giới, chính vì vậy mà Châu Âu là một thị trường màu mỡ khi người dùng ở đây chịu chơi hơn, ưa chuộng sản phẩm cao cấp hơn Đông Nam Á.
Tuy nhiên, cái mà khách hàng Châu Âu cần là niềm tin và sự đảm bảo về lâu dài, họ sẵn sàng chi hàng nghìn USD cho một thiết bị di động nhưng cũng sẽ không chi một xu nào nếu nghi ngờ sản phẩm có thể bị thiếu tính năng, bảo mật kém hoặc có thể bị mất giá trong tương lai. Hay đơn giản hơn, người Châu Âu không thích dùng một thương hiệu có tai tiếng.
Doanh thu từ smartphone cao cấp của Huawei ở Pháp đã giảm 20% chỉ trong một tuần sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Tình hình này buộc Huawei phải chuyển hướng phát triển thị trường về các nước đang phát triển ở Châu Á hoặc Châu Phi, nơi mà giá cả quan trọng hơn là hiệu năng và tính sang chảnh. Đồng nghĩa với việc từ bỏ giấc mơ đánh bại Samsung.
Có thể phải ngồi vào bàn đám phán với thế yếu
Mới đây ngày 5 tháng 6, chủ tịch Liang Hua của Huawei đã trả lời phỏng vấn của truyền thông, cho biết Huawei có thể sẽ ký thỏa thuận ''không gián điệp''. Có vẻ như ông Liang Hua đã thể hiện sự nhượng bộ khi nói:
Chúng tôi sẵn sàng ký thỏa hiệp không gián điệp với các nước. Trước đây chúng tôi không mua hàng từ Mỹ, họ cũng không mua hàng của chúng tôi. Thế nên không rõ là có cơ hội nào để biến thỏa thuận đó thành hiện thực hay không.
Từ trước đến nay, Huawei luôn xem nhẹ những cáo buộc hoặc đe dọa từ phía Mỹ đồng thời phủ nhận mọi quan hệ đối với chính phủ Trung Quốc. Thế nhưng trong hoàn cảnh này, Huawei cần phải chứng minh một cách cụ thể hơn sự minh bạch của mình và thỏa hiệp ''không gián điệp'' với Hoa Kỳ là cách tốt nhất để thể hiện điều đó.
Người dùng quay lưng với thương hiệu bất kể bản chất của vấn đề
Có lẽ đến hiện tại đây mới chính là vấn đề lớn nhất của Huawei. Có câu ''vô phúc đáo tụng đình'', bất kể bạn đúng hay sai, khi đã mang nhau ra tòa để kiện cáo thì sẽ để lại tai tiếng, gây bất lợi cho việc kinh doanh.
Theo thông tin từ tờ báo Singapore Channel News Asia thì thống kê của trang web so sánh sản phẩm công nghệ Price Spy cho biết rằng số lượt click của người dùng internet vào các sản phẩm Huawei trên toàn cầu đã giảm đi 26%, ở Anh thì lượng click đã giảm đi hơn 50%. Đồng nghĩa với dấu chấm hết cho tất cả những chiến dịch marketing hiện tại và trong tương lai gần của Huawei.
Lý giải cho việc này, có thể dễ dàng hiểu được khi thấu hiểu hành vi mua hàng của đa phần người dùng đầu cuối. Thứ nhất, họ không hoàn toàn hiểu/quan tâm bản chất của việc cô lập Huawei là do Hoa Kỳ muốn tấn công Trung Quốc chứ không phải những sản phẩm hiện tại của Huawei chất lượng kém hay có phần mềm gián điệp nào thực sự bị phanh phui.
Hầu hết những cáo buộc về phần mềm gián điệp của Mỹ giành cho Huawei đều dừng ở mức ''nghi ngờ'' là chính, đây chỉ là một cái cớ. Nếu bạn là một chuyên gia phân tích hoặc một người có kiến thức về sản phẩm công nghệ ở mức độ vật lý thì có thể quan điểm sẽ khác, tuy nhiên đối với người dùng thông thường thì đơn giản chỉ là: "Tôi thấy một thương hiệu có tai tiếng, tôi né nó ra."
Chủ tịch Huawei - ông Liang Hua khi phát biểu tại một diễn đàn của Quỹ giao dịch Trung Quốc-Hoa Kỳ cũng đã nói thẳng ra vấn đề:
Sử dụng các biện pháp chính trị để phá vỡ một ngành công nghiệp là không phù hợp.
Rõ ràng đây là cuộc chơi của những chính trị gia, nhưng những doanh nhân lại là người thiệt hại nhiều nhất. Trong khi khách hàng tránh xa Huawei, họ đã bấm vào sản phẩm của Samsung nhiều hơn 13% và Xiaomi với 19%.
Bà Vanessa Katsapa - quản lý của Price Spy ở khu vực Anh và Bắc Ireland cho biết:
Không chỉ có các công ty công nghệ lớn quay lưng với Huawei mà người dùng cũng thế. Vẫn còn phải xem liệu điều này có ảnh hưởng lâu dài đến Huawei hay không, nhưng chỉ số ban đầu cho thấy họ sẽ vất vả để phục hồi ở thị trường quốc tế.
- 0
- 0Bình luận