Yakuza – 10 sự thật kỳ lạ về tổ chức tội phạm khét tiếng nhất xứ Phù Tang
Yakuza là một tập đoàn tội phạm có tổ chức với truyền thống khoảng 400 năm ở Nhật Bản. So với các băng đảng mafia khác thì Yakuza được chính phủ Nhật chấp nhận. Yakuza được công khai hoạt động của mình, làm việc ở các văn phòng có logo và biển báo đặc trưng. Yakuza luôn thực thi công lý theo cách riêng của hội.
Dưới đây là 10 sự thật về Yakuza, về cuộc sống và nguyên tắc tồn tại hàng năm qua trong thế giới ngầm của xứ sở hoa anh đào.
1. Sokaiya
Sokaiya là tên gọi của một hình thức tống tiền quy mô lớn trong giới Yakuza. Đầu tiên, người ta chỉ mua vừa đủ số cổ phần của một công ty đủ để có thể tham dự vào cuộc họp cổ đông. Sau đó Sokaiya thu thập thông tin tiêu cực về công ty hay ban lãnh đạo công ty và uy hiếp, đe dọa tiết lộ để hưởng tiền lợi nhuận. Hình thức này rất thành công vì người Nhật thường sợ thanh danh bị bôi nhọ.
Sokaiya thường thành lập câu lạc bộ ma, tổ chức các chương trình như: thi hoa hậu, giải golf... để thu hút và phát “vé mời” cho nạn nhân là doanh nhân tên tuổi. Ai không tham dự hoặc dự mà không góp quỹ thì sẽ bị đàn áp.
Năm 1982, khi Sokaiya quá lộng hành chính phủ Nhật đã phải ban hành luật để các công ty không trả cho bọn tống tiền nhưng cũng không giải quyết được gì, ngược lại còn khiến hoạt động ngầm của Yakuza tinh vi, phức tạp và khó kiểm soát hơn.
Hiện nay, nhằm chống Sokaiya hoạt động cùng lúc nhiều nơi thì khoảng gần 90% các công ty trên thị trường chứng khoán Tokyo tổ chức các cuộc họp cổ đông hàng năm vào cùng một ngày.
2.Cuộc trừng trị Yakuza
Yamaguchi-gumi là tổ chức Yakuza lớn nhất Nhật Bản. Băng đảng này là mục tiêu trừng phạt trong chiến dịch truy bắt tội phạm của chính phủ Mỹ. Công dân Mỹ không được phép giao dịch với Kenichi Shinoda (kẻ đứng thứ 7 trong danh sách trùm tội phạm hàng đầu thế giới). Chỉ huy thứ hai Kiyoshi Takayama cũng thuộc danh sách đen của chính phủ Mỹ. Tài sản của họ bị đóng băng, phong tỏa tại Mỹ.
Chính phủ Nhật Bản cũng tuyên bố mức phạt cho các doanh nghiệp liên kết làm ăn với bất kì tổ chức nào của Yakuza. Sự việc này đã khiến công việc mưu sinh của Yakuza khó khăn hơn và giảm số lượng thành viên gia nhập vào hội.
Sau một thời gian dài nỗ lực, biện pháp trừng phạt này cũng mang lại một phần hiệu quả. Tuy nhiên, Kenichi Shinoda đã lên tiếng về vấn đề này:
Nếu Yamaguchi-gumi tan rã, trật tự công cộng sẽ tồi tệ đi ngay lập tức.
3. Yakuza làm việc thiện
Trong thảm họa động đất tại Kobe 1995 và động đất sóng thần Tohoku 2011, Yakuza là những người đầu tiên gửi hàng cứu trợ cho người dân gặp thiên tai. Theo một chuyên gia nghiên cứu về Yakuza cho rằng: họ làm điều này rất lặng lẽ và hoàn toàn tự nguyện, chứ không phải quảng bá tên tuổi.
Ngoài ra với mục tiêu thiện nguyện, họ còn có lợi ích tài chính tiềm năng. Như vài tháng sau thảm họa năm 2011, các tổ chức Yakuza đã cạnh tranh nhau các hợp đồng xây dựng của chính phủ.
4. Tạp chí Yakuza
Yamaguchi-gumi đã từng phân phát tạp chí cho gần 28.000 thành viên. Tạp chí có tên Yamaguchi-gumi Shinpo với nội dung bao gồm các bài thơ haiku và bài viết về câu cá, cũng có bài xã luận của lãnh đạo băng đảng về giai đoạn khó khăn của tổ chức. Tạp chí ra đời nhằm khích lệ tinh thần thành viên do số lượng các Yakuza giảm dần.
Tạp chí được lưu hành nội bộ và không công khai bán ra thị trường do Yakuza sợ bị lộ thông tin ra ngoài.
5. Yubitsume
Đây là nghi lễ chặt tay chuộc tội hay là biện pháp trừng phạt của giới Yakuza nhằm trị tội kẻ vi phạm và khiến tổ chức gắn kết bền chặt hơn. Thành viên phạm tội sẽ tự chặt hoặc bị chặt đứt đốt cuối của ngón tay út, nếu tái phạm thì sẽ bị chặt đốt tiếp theo.
Chính vì thế mà các thành viên Yakuza thường có những bàn tay không nguyên vẹn, tránh bị phát hiện họ thường tìm cách làm ngón tay giả. Với nhu cầu đó, ở Nhật đã sinh ra nghề làm ngón tay giả cho Yakuza, nổi tiếng trong nghề này là “Ông ngón tay” Alan Roberts, một chuyên gia về da đến từ Anh.
6. Hình xăm
Hình ảnh mang tính biểu tượng, thể hiện lòng dũng cảm của Yakuza là nghệ thuật xăm hình toàn thân phức tạp. Quá trình xăm hình này được sử dụng theo phương pháp truyền thống gọi là irezumi với hình thức chèn mực dưới da và gây đau đớn cho người xăm.
Ngày nay, dù xu hướng xăm hình ngày càng mở rộng, phát triển trong giới trẻ và những người không phải Yakuza thì hình thức này vẫn xã hội Nhật kỳ thị.
7. Kiện tụng Yakuza
Kenichi Shinoda, ông trùm nguy hiểm của Yamaguchi-gumi đã từng bị khởi kiện bởi một chủ nhà hàng Nhật Bản. Bà chủ quán đã kiện Shinoda cầm đầu một nhóm côn đồ đến đòi tiền bảo kê và đe dọa đốt quán bar nếu không nộp tiền. Bà đòi bồi thường 17 triệu yên trong vụ kiện.
Đây không phải là người đầu tiên kiện Yakuza. Năm 2008, nhóm côn đồ Dojinkai cũng bị người dân địa phương kiện đuổi khỏi thành phố Kurume vì xung đột bạo lực nguy hiểm mà băng đăng này gây ra tại nơi họ sinh sống.
8. Các kỳ thi
Năm 2009, sau khi chính phủ Nhật Bản ban hành các điều luật chống lại tội phạm có tổ chức, Yamaguchi-gumi đã đưa ra một bài thi dài 12 trang cho các thành viên. Bài thi này nhằm giúp các thành viên Yakuza tránh được vi phạm khi nắm rõ luật pháp. Chủ đề kiểm tra khá toàn diện, bao gồm từ chất thải công nghiệp bị chôn lấp đến ăn cắp xe.
Hình ảnh một băng đảng xăm trổ đầy người ngồi nghiêm túc trong phòng thi khá là thú vị và hài hước đối với xã hội đen phương Tây. Với Yakuza đây là một hành động cần thiết để duy trì sự hoạt động của hội, nhằm phòng tránh rắc rối và rủi ro sẽ xảy ra với chính phủ.
9. Nghi lễ gia nhập
Cơ cấu lãnh đạo của Yakuza khá phức tạp với nhiều tầng lớp từ thấp đến cao. Thành viên mới khi tham gia vào tổ chức phải tham gia vào buổi lễ gia nhập, người này sẽ phải chích máu từ ngón tay trỏ và nhỏ máu lên bức hình của một vị thánh, bức hình sẽ bị đốt trên bàn tay trong khi anh ta thề trung thành với hội.
Rượu sake tượng trưng cho máu sẽ được chuẩn bị trong lễ kết nạp, sake được trộn với muối và vảy cá, sau đó được rót vào chén của người thủ lĩnh và thành viên mới ngồi khi họ ngồi đối diện với nhau. Chén của thủ lĩnh được rót đầy còn chén thành viên mới rót ít hơn, họ sẽ uống một ít rồi đổi chén cho nhau và uống cạn. Lúc đó, người gia nhập cùng vợ con của anh ta đều phải có bổn phận tận tụy phục vụ ông chủ của mình.
10. Yakuza tham gia vào chính trị
Năm 2012, ông Keishu Tanaka - Bộ trưởng Tư pháp của Nhật Bản đã buộc phải từ chức sau khi bị cáo buộc có dính líu đến Yakuza. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật 54 năm, được cho là có những liên kết với các Yakuza.
Thủ tướng Nobusuke Kishi cũng từng có quan hệ với Yamaguchi-gumi. Năm 1971, ông cùng với các chính trị gia khác đã bảo lãnh cho một nhà lãnh đạo Yamaguchi-gumi bị kết tội giết người. Ông cũng tham dự dự các đám tang và đám cưới của giới Yakuza.
Các thành viên của Yakuza hoạt động như những nhân viên chiến dịch và vệ sĩ trong các cuộc bầu cử. Yakuza có thể đảm bảo số lượng phiếu bầu nhất định cho ứng viên yêu thích của họ. Thủ lĩnh của một tổ chức Yakuza tại Kyoto khoe rằng mình nắm giữ khoảng 30.000 phiếu để bầu một thống đốc nhất định.
Có ít nhất bốn thủ tướng bị nghi ngờ có liên quan đến Yakuza, đáng chú ý nhất là Noboru Takeshita, người lên nắm quyền vào năm 1987. Ông đã nhờ đến nhóm Yakuza lớn nhất Tokyo là Inagawa-kai giải quyết rắc rối khi đối mặt với đối thủ có quyền ưu tiên cao hơn trong cuộc bầu cử.
- 0
- 0Bình luận