Đối phó với ô nhiễm, ong dại \'tập tành\' dùng nylon để xây tổ
Người ta tìm thấy tổ của loài ong dại trên các cánh đồng hoa màu ở Argentina lấp đầy những bao bì nilong mỏng còn sót lại trên cánh đồng.
Từ năm 2017 đến 2018, các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ Nông nghiệp Quốc gia Argentina đã dùng gỗ để chế tạo tổ ong nhân tạo cho loài ong dại. Không giống với những giống ong khác có tổ lớn, ong chúa và ong thợ, ong dại đào từng lỗ riêng trong tổ để đẻ ấu trùng. Những tổ ong này sẽ được xây dựng khớp với nhau tạo thành một hình chữ nhật dài với một lối vào nhỏ hẹp. Ong dại sau đó sẽ lấp đầy nhà mình bằng những chiếc lá, cành cây và bùn.
Các nhà nghiên cứu đã tạo ra 63 tổ ong bằng gỗ và 3 trong số đó được tìm thấy lót hoàn toàn bằng nylon. Với kích thước, hình dạng tương tự như móng tay, những mảnh nylon đã được từng con ong dại cắt xén cẩn thận và sắp xếp theo mô hình chồng chéo trong tổ của chúng. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây có thể là một phần của các túi nhựa hoặc màng nylon. Nguyên liệu này có cấu trúc giống hệt như loại lá mà loài ong thường sử dụng để lót tổ của mình.
Theo Science Alert, một trong số 3 chiếc tổ đặc biệt này chưa được hoàn thành, cũng đồng nghĩa với việc ong dại đã không đẻ ấu trùng ở đây. Trong hai tổ còn lại, người ta tìm chỉ thấy một ấu trùng chết, ấu trùng còn lại không được tìm thấy và các nhà nghiên cứu tin rằng nó vẫn còn sống.
Nghiên cứu về việc loài ong dùng nylon để xây nhà được công bố lần đầu trên tạp chí Apidologie chỉ mới gần đây. Nhưng từ nhiều năm trước, các nhà khoa học đã biết ong luôn kết hợp nylon trong các vật liệu làm tổ của chúng.
Vào năm 2013, một bài báo đăng trên tờ Ecosphere đã phác thảo cách mà loài ong sử dụng màng nylon và nước bọt để bọc tổ của mình trong các khu vực đô thị trên khắp Toronto, Canada. Tương tự như những chú ong ở Argentina, ong dại ở Canada cũng cắt tấm màng thành hình lá.
Đáng chú ý, nghiên cứu của Canada cho thấy loài ong ở đây không chỉ sử dụng các túi nhựa, mà chúng còn sử dụng cả nhựa thực vật. Loại nhựa này có thể chế biến thành bất cứ thứ gì, từ kẹo cao su cho đến latex và thường được ong dại dùng như chất kết dính các vật liệu.
Cả hai nghiên cứu đều lưu ý rằng họ cần phải tìm hiểu thêm mới có thể đưa ra kết luận về những tác động của nhựa lên loài ong. Tuy nhiên, việc xây dựng tổ này cũng cho thấy ong có khả năng thích ứng cao với việc thay đổi môi trường.
Đặc biệt, ở cả hai nơi, vật liệu xây dựng mà ong thường dùng là lá vẫn luôn có sẵn.
Hollis Woodard, một nhà côn trùng học nghiên cứu tại Đại học California Riversides, không hề ngạc nhiên khi nhìn thấy hiện tượng này xảy ra.
“Tôi nghĩ đây là điều đáng buồn, một ví dụ về hậu quả của việc sử dụng các vật liệu tràn lan và cuối cùng chúng xuất hiện ở nơi mà chúng ta không ngờ tới.”
Khi nhựa ở dạng microplastics (những mảnh nhựa siêu nhỏ được tạo ra khi các rác thải nhựa lớn hơn bị phá vỡ), chúng trở thành mối đe dọa đối với động vật hoang dã. Đặc biệt là trong môi trường biển, khi những sinh vật biển thường nhầm lẫn rác thải nhựa với thức ăn. Hơn nữa, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra loài ong có thể tiêu thụ nhựa.
Từ rất nhiều nguy hiểm mà ong phải đối mặt, bao gồm thuốc trừ sâu, môi trường sống bị phá hủy, hay việc tiếp xúc với virus, kí sinh trùng, các nhà nghiên cứu đã đưa ra suy đoán rằng nhựa có thể tạo thành một rào cản chống lại các vấn đề phổ biến về tổ như nấm mốc hay kí sinh trùng.
Cho dù ong dại thật sự chọn nhựa thay vì các nguyên liệu tự nhiên, thì đây cũng không phải là trường hợp đầu tiên động vật sử dụng rác thải cho lợi ích của mình: Chim sẻ dùng tàn thuốc xếp trong tổ để xua đuổi những con ve kí sinh; Loài diều hâu đen sống trên dãy núi Alps đã thu thập những dải nhựa nhiều màu sắc về trang trí tổ để thu hút bạn tình.
Theo Woodard, “Chúng ta cần nghiên cứu nhiều hơn để biết được chính xác nhựa có ý nghĩa gì với loài ong. Có thể nó sẽ đem lại vài lợi ích, nhưng điều này vẫn chưa được xác minh và theo tôi, khả năng lớn là việc này cũng đem lại nhiều tác hại cho chúng hơn.”
- 0
- 0Bình luận