logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky5 năm trước
Lostbird

Hikikomori trở thành tội phạm - Mối nguy hiểm tiềm ẩn của xã hội Nhật Bản?

Thời gian gần đây, sau khi chứng kiến hai vụ án nghiêm trọng xảy ra liên tiếp, một lần nữa người dân nước này lại đặt ra câu hỏi: "Liệu Hikikomori có phải là mối nguy hại cho xã hội?"

hikikomori

Nguồn ảnh: wordpress

Hai vụ tấn công bằng dao gây chấn động Nhật Bản, Hikikomori rơi vào tầm ngắm của dư luận

Ngày 28/5, Ryuichi Iwasaki, 51 tuổi, đã dùng dao đâm liên tiếp vào đám đông ở bến xe buýt gần một trường tiểu học tại Kawasaki, khiến 2 người tử vong và 1 người bị thương. Sau khi thực hiện hành vi điên rồ của mình, hung thủ đã dùng dao đâm vào cổ tự sát.

kawasaki dam dao

Nguồn ảnh: tinmoi

Iwasaki, theo lời kể của hàng xóm, là một người sống khép kín, rất ít khi giao tiếp hay nói chuyện với người khác. Y sống với những người họ hàng già (hiện đã ngoài 80 tuổi) kể từ khi bố mẹ li dị nhưng gần như không nói chuyện với họ. Chính quyền địa phương tiết lộ, cô của Iwasaki đã từng bày tỏ nỗi lo lắng với Trung tâm Y tế và Phúc lợi rằng y đã không đi làm trong thời gian dài và có xu hướng cách li với xã hội. Sau khi án mạng xảy ra, cánh truyền thông bắt đầu tìm kiếm hình ảnh diện mạo của thủ phạm nhưng hầu hết những bức ảnh đều được chụp từ thời trung học cơ sở. Điều này cho thấy Iwasaki tiếp xúc rất ít với thế giới bên ngoài kể từ khi tốt nghiệp.

thu pham dam dao kawasaki

Iwasaki khi học trung học. Nguồn ảnh: yahoo.co.jp

Vài ngày sau đó, Nhật Bản lại một lần nữa rúng động trước việc Cựu thứ trưởng nước này đã đâm chết con trai vì sợ con làm hại người khác. Theo lời khai của ông, người này cũng có xu hướng thu mình với xã hội, thậm chí còn hay sử dụng bạo lực với người thân trong gia đình (đã từng dùng bật lửa đốt bỏng da mẹ). Vì thế, ngày hôm ấy, sau khi nghe con trai phàn nàn về tiếng ồn phát ra từ một trường tiểu học gần nhà và đòi giết cả trường, ông lo sợ thảm kịch tương tự sẽ xảy ra nên đã lấy dao đâm chết con mình rồi gọi điện cho cảnh sát tự thú. Cơ quan điều tra cũng xác nhận trên người ông có nhiều vết bầm gây ra bởi cậu con trai.

cuu thu truong dam con ruot

Nguồn ảnh: toyokeizai

Sau khi hai vụ án mạng xảy ra, nhiều người bắt đầu quan ngại về việc hiện tượng Hikikomori bị liên hệ với hành vi phạm tội. Các tổ chức hỗ trợ cùng với gia đình những người đang mắc hội chứng này đã cảnh báo các chuyên gia cũng như phương tiện truyền thông về việc tránh để lại những ấn tượng như vậy. Họ lo sợ rằng điều đó sẽ khiến cộng đồng Hikikomori ngày càng cách li khỏi xã hội hơn nữa. Thậm chí, những người trong cuộc đã phải lên tiếng: "Suy nghĩ coi Hikikomori như 'đội quân tội phạm dự bị' chính là một định kiến".

Về vấn đề này, trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những bình luận mang ý kiến trái ngược nhau.

Chẳng phải hiện tượng Hikikomori có liên quan đến hành vi phạm tội hay sao?

Vẫn còn rất nhiều người là Hikikomori nhưng không hề nguy hiểm.

Nhưng nói thẳng ra thì tỉ lệ phạm tội vẫn cao.

Không thể tránh được những định kiến như vậy.

Hikikomori là gì? Họ có phải là thành phần nguy hiểm trong xã hội Nhật Bản?

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Hikikomori là hiện tượng một người tự giam mình trong phòng từ 6 tháng liên tục trở lên, không đi làm, đi học và hầu như không giao tiếp với người khác ngoại trừ gia đình.

Mặc dù Hikikomori hiện là một vấn đề nhức nhối đối với xã hội Nhật Bản và nhiều người Nhật vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm về cộng đồng này, giới chuyên gia lại cho rằng đa số Hikikomori không phải là người có khả năng làm hại người khác trừ bản thân.

can phong cua hikikomori

Nguồn ảnh: wordpress

Không thể phủ nhận rằng bên cạnh vụ án tại Kawasaki vẫn còn những vụ án khác mà thủ phạm có biểu hiện của một Hikikomori. Tuy nhiên việc gán cho họ cái mác 'có nguy cơ trở thành tội phạm' có thể khiến việc tái hòa nhập cộng đồng trở nên khó khăn cũng như làm tăng khả năng gây án khi bị chỉ trích hay bị coi là thừa thãi của xã hội. Bởi vì suy cho cùng, Hikikomori không phải một lối sống do con người chọn mà theo nhà tâm lý học Tamaki Saito, nguyên nhân của hiện tượng này nằm ở yếu tố lịch sử và văn hóa Nhật Bản.

Hikikomori, đáng thương hay đáng chỉ trích?

Hikikomori đã trở thành một vấn đề xã hội ở Nhật Bản từ những năm 90. Trong cuốn sách Millenial Monster, Allison cho rằng hiện tượng Hikikomori xảy ra là kết quả của xã hội Nhật Bản sau chiến tranh quá đề cao việc giáo dục, chính điều này đã đẩy trẻ em vào những giá trị mang tính rập khuôn. Cả phụ huynh lẫn con trẻ đều có chung suy nghĩ rằng chỉ có con đường học tập thành công mới dẫn đến con đường sự nghiệp thành công.

stress hoc hanh

Nguồn ảnh: medicommi

Vào thời kì nền kinh tế bong bóng, đàn ông Nhật Bản hoàn toàn bị cuốn vào công việc. Điều này vô tính khiến sự hiện diện của người cha trong các công việc gia đình trở nên mờ nhạt, người mẹ trở thành người gánh vác trách nhiệm giáo dục con cái. Họ dần trở nên ám ảnh với việc nuôi dạy con và rất nghiêm khắc trong chuyện học hành vì 'luôn mong muốn con thành công sau này'.

Trong bộ phim tài liệu Hikikomori Loveless của RT Documentary, Ito, một trong những thanh niên Hikikomori, tự nguyện nhốt mình trong phòng, dành toàn bộ thời gian cho việc nghe nhạc, chơi game và lướt internet, đã nói rằng cha mẹ anh không hề nhận ra lỗi của mình, đặc biệt là mẹ. Trái với người em trai, Ito phải chịu đựng bạo hành từ thể xác đến tinh thần như: bị mắng, đánh, làm nghẹt thở, thậm chí bị nhốt ở ngoài trời lạnh mà không mặc quần áo.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái thì thành tích học tập tốt không còn đảm bảo một công việc ổn định nữa. Thất bại trong tìm việc cũng là một nguyên nhân dẫn đến Hikikomori. Nhất là đối với những người con trai cả, họ có trách nhiệm gánh vác kinh tế gia đình và chịu nhiều sự kì vọng từ cha mẹ. Việc đối mặt với áp lực từ nhiều phía dễ khiến họ cảm thấy bản thân kém cỏi khi không đáp ứng được kì vọng từ những người xung quanh, từ đó nảy sinh tâm lý muốn trốn tránh.

stress di lam

Nguồn ảnh: hatenablog

Ngoài ra, bắt nạt học đường cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng Hikikomori ở thanh niên Nhật Bản. Những người trở thành Hikikomori do bắt nạt thường có tâm lý chán ghét bản thân và gặp khó khăn trong việc chia sẻ vấn đề với người khác, kể cả gia đình. Chính vì thế, phụ huynh thường không hiểu vì sao con mình lại đột nhiên trở thành Hikikomori và nói những câu thiếu quan tâm như "Phải cố gắng lên", "Đừng có lười biếng",...

bat nat hoc duong

Cảnh học sinh bị bắt nạt ở trường trung học cơ sở Rikkyo - Tokyo, 1999.
Nguồn ảnh: baomoi

Một trường hợp khác trong bộ phim tài liệu nói trên là Ryoji Tan, 32 tuổi, là một Hikikomori trong suốt 8 năm. Anh chia sẻ mình thường xuyên bị bắt nạt về tinh thần khi học cấp 2 và sau đó đã quyết định nghỉ học. Mẹ của anh, cho là anh có thể tự giải quyết được mọi chuyện nên đã chọn cách im lặng và chờ đợi. Ryoji nói: "Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình được yêu thương, đặc biệt là khi còn nhỏ".

ryoji tan hikikomori

Nguồn ảnh: RTD

Việc giúp đỡ, hỗ trợ Hikikomori tái hòa nhập xã hội càng sớm càng tốt được cho là vô cùng khẩn cấp trong hoàn cảnh một hiện tượng xã hội mới tên là '8050' đang dần lan rộng tại Nhật Bản. Đây là hiện tượng những người ở độ tuổi trung niên không đi làm và phải sống dựa vào lương hưu của cha mẹ. Có thể nói, một người thất nghiệp và thiếu những kĩ năng xã hội do giam mình trong nhà quá lâu, nếu không nhận được sự giúp đỡ từ bên thứ ba, sẽ rất dễ rơi vào tình trạng này.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky5 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)