#KuToo: Chiến dịch chống lại đạo luật bắt buộc mang giày cao gót của phụ nữ Nhật Bản
Business Insider Japan mới đây đã thực hiện một cuộc khảo sát 207 người, trong đó có 184 người là phụ nữ, về những quy định trang phục tại nơi làm việc.
Hơn 80% phụ nữ trả lời khảo sát cho biết họ đã gặp những vấn đề sức khỏe liên quan đến việc mang giày cao gót. Một phần tư cho biết rằng khi tham dự những chuyên đề về hành vi nơi công sở, họ được phổ biến rằng việc mang giày cao gót được cho là "một phép xã giao căn bản".
Kết quả của cuộc khảo sát này được báo cáo trong cuộc thảo luận tại Quốc hội Nhật Bản vào ngày 11/06. Đây là một cuộc thảo luận nhằm đấu tranh chống đạo luật bắt buộc phụ nữ mang giày cao gót. Nhóm chống lại đạo luật này được dẫn đầu bởi nữ diễn viên và nhà văn tự do Yumi Ishikawa (32 tuổi).
Vào tháng 01/2019, cô Ishikawa, bức xúc khi thấy các đồng nghiệp nam được mang những đôi giày bệt, bằng phẳng, đã đăng tải những suy nghĩ của mình lên Twitter. Tại nơi cô làm việc lúc bấy giờ, phụ nữ phải mang những đôi giày đen gót cao từ 5 - 7cm, và sau mỗi ngày làm việc lúc nào chân cô cũng sưng đỏ đến chảy máu.
Dòng chia sẻ của cô nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội và được cộng đồng khắp thế giới ủng hộ. Điều này đã thúc đẩy cô phát động chiến dịch #KuToo trên mạng xã hội vào cuối tháng 2.
Ishikawa chia sẻ:
Đa số mọi người đều nghĩ rằng không nên làm quá lên, nhưng theo tôi, nếu bạn nghĩ có điều gì là không đúng thì bạn nên lên tiếng và bàn luận về nó.
Khi thấy có rất nhiều người gặp phải vấn đề giống tôi, tôi đã quyết định phát động chiến dịch này.
#KuToo đã lấy cảm hứng từ #MeToo - một chiến dịch phản đối quấy rối phụ nữ, và kết hợp với hai từ tiếng Nhật là kutsu (giày) và kutsuu (nỗi đau). Chiến dịch được cộng đồng mạng cũng như ngoài đời thật nhiệt liệt hưởng ứng và ngày càng phát triển.
Đến ngày 03/06, một đơn kiến nghị với hơn 18.800 chữ ký đã được trình lên Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, kêu gọi chính phủ cấm việc ép buộc phụ nữ phải mang giày cao gót tại các cơ quan.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Takumi Nemoto cho biết tại Ủy ban Quốc hội:
Việc mang giày cao gót được xã hội chấp nhận là cần thiết và phù hợp trong môi trường làm việc.
Tại cuộc thảo luận Quốc hội ngày 11/06, ông cũng nói thêm rằng việc quy định trang phục dành riêng cho phụ nữ "chỉ là lạm dụng quyền lực khi chân của người lao động bị đau (khi mang giày cao gót)."
Trái ngược với quan điểm của ông Nemoto, Emiko Takagai, thứ trưởng cấp cao dưới quyền của ông, trong buổi thảo luận đó đã cho biết cô nghĩ rằng phụ nữ không nên bị ép phải mang giày cao gót. Thực tế cũng cho thấy đã có những người bị đau chân (như tài khoản Twitter @udondon1234), và tệ hơn là gặp những vấn đề về sức khỏe khác do mang giày cao gót đi làm.
Ishikawa chia sẻ rằng chiến dịch #KuToo là một bước nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề phân biệt giới tại Nhật Bản. Xã hội nơi đây vẫn còn nhiều định kiến về phụ nữ, cho rằng ngoại hình của phụ nữ bị quan trọng hóa hơn nhiều so với nam giới, đặt biệt là tại chốn công sở.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), Nhật Bản đứng thứ 110 trên tổng số 149 quốc gia trên phương diện bình đẳng giới. Thứ hạng này được đánh giá dựa trên những tiêu chuẩn như trình độ học vấn và những hiểm họa cho sức khỏe đối với phụ nữ.
Chỉ tập trung vào giày cao gót thôi nhưng Ishikawa cũng đã góp phần phơi bày những định kiến ngầm và cơ chế kiểm soát trong xã hội Nhật Bản. Theo lời một thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO):
Lý do phụ nữ phải mang những đôi giày cao gót kể cả khi chúng làm họ đau là vì chế độ phụ hệ tại Nhật Bản đã đề ra những chuẩn mực xã hội từ trước đến nay.
Nếu những chuẩn mực này có gì không hợp lý thì luật pháp phải giải quyết và thay đổi chúng.
Cuộc chiến của Ishikawa và những người phụ nữ Nhật Bản vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, cô cho biết sẽ không bỏ cuộc và tiếp tục đấu tranh cho quyền bình đẳng tại đất nước này. Cô chia sẻ thêm rằng đương nhiên những phụ nữ yêu thích giày cao gót thì hãy làm theo sở thích của mình, "và nam giới muốn mang giày cao gót cũng nên được ủng hộ."
- 0
- 0Bình luận