Đang ngày ngày xem bói, vẹt Ấn Độ \'bị\' các nhà bảo tồn động vật thu giữ vì nguy cơ tuyệt chủng
Khoác trên mình chiếc áo trắng và chiếc quần dhoti, Gopalakrishnan Sholamalai ngồi bắt chéo chân dưới gốc cây sung cổ thụ, trên con ngõ nhỏ dẫn đến một trong những ngôi đền Hindu quan trọng nhất tại Nam Ấn: đền Meenakshi Amman.
Đền thờ này nằm ở trung tâm thành phố cổ Madurai, nhà của hơn 3 triệu dân và cách vùng Ghat Tây 160km - một trong tám vùng đa dạng sinh học nhất trên thế giới.
Thường thì sẽ có một nhóm người vây quanh Sholamalai để được xem bói, nhưng hôm nay, nhà chiêm tinh vẹt 74 tuổi này không có lấy một vị khách - hoặc thậm chí là một chú vẹt.
Đôi mắt đỏ ngầu của ông nhìn xa xăm về phía dòng người tấp nập. Một tấm biển tựa lên thân cây ghi những dòng quảng cáo về tài chiêm tinh, xem bói tay, bói chân, nhưng vẫn không có vị khách nào nán lại.
Chiêm tinh vẹt - kili josiyam trong tiếng Tamil - là một truyền thống có từ lâu đời tại vùng Nam Ấn. Loài vẹt tại nơi đây được cho là những nhà "tiên tri" và là một biểu tượng thiêng liêng, có mối liên hệ lịch sử lâu đời với Madurai và là loài chim được yêu quý bởi nữ thần Meenakshi - vị thần cai quản ngôi đền Meenakshi Amman.
Các nhà chiêm tinh sử dụng những chú vẹt được huấn luyện để bốc bài tarot, rồi từ những lá bài đó, các nhà chiêm tinh sẽ xem bói cho khách hàng. Nhưng với những vấn đề về động vật tại Ấn Độ đang được đặc biệt quan tâm, truyền thống này đang mai một dần.
Mọi chuyện đã rất khác đối với Sholamalai vào năm 2012 khi ông xuất hiện lần đầu tiên trên YouTube, với video ông xem bói cho một cậu bé đạt hơn 69.000 lượt xem. Nhân vật chính của buổi trình diễn này chính là chú vẹt cổ hồng của ông. Chú vẹt rút những lá bài trong bộ bài 27 lá với hình ảnh những thần Hindu, và gật gù khi người chủ bảo chọn bài.
Nhưng giờ đây, chú vẹt xanh nhỏ bé ấy không còn ở bên ông nữa. Sholamalai chia sẻ, 6 tháng trước, những cán bộ lâm nghiệp tại vùng này đã bắt giữ ông, tịch thu chú vẹt, và phạt ông 15,000 rupee (tương đương 216 USD, hơn 5 triệu VNĐ).
Ông chia sẻ:
Tôi đã chăm sóc nó như con mình, và bây giờ, gia đình tôi phải chịu đói khát.
Hai người phụ nữ tiến tới chỗ Sholamalai, định nhờ xem bói. Người phụ nữ tóc bạc hỏi: "Này, con vẹt của ông đâu rồi? Chưa cho nó ăn à?" Khi ông thừa nhận mình không còn giữ con vẹt nữa, hai người phụ nữ bật cười. "Khỏi lo về vận mệnh của chúng tôi, ông hãy lo bản thân mình trước đi," người kia cười khẩy.
Vẻ giận dữ và hổ thẹn thoáng hiện trên khuôn mặt Sholamalai. Sáu tháng về trước ông vẫn còn là một trong số hàng trăm nhà chiêm tinh vẹt tại vùng đất này. Giờ đây, những nhà chiêm tinh vẹt chỉ hoạt động bí mật.
Loài vẹt được bảo vệ theo Đạo luật Bảo vệ Động vật hoang dã Ấn Độ năm 1972. Đạo luật này cấm việc săn bắt, giam cầm hay buôn bán những chú vẹt. Những kẻ vi phạm có thể phải chịu đến 3 năm tù giam, chịu phạt 25,000 rupee (hơn 8 triệu 300 nghìn VNĐ), hoặc cả hai.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ sáu tháng trước, việc thi hành đạo luật càng được siết chặt hơn bằng nỗ lực của những nhà hoạt động, bảo tồn động vật và những cán bộ lâm nghiệp trong vùng.
Chiếc mỏ khoằm, lông đuôi dài và dáng dấp thon gọn nhỏ bé là những đặc điểm nổi bật của loài vẹt cổ hồng Ấn Độ. Trong tự nhiên, chúng có thể sống đến 50 năm. Nhưng khi bị giam cầm, chúng chỉ có thể sống trong vòng 15 đến 25 năm. Sholamalai lại khăng khăng rằng chú vẹt của ông đã sống 30 năm và đã được huấn luyện bởi ông cha của ông - cũng là những nhà chiêm tinh vẹt.
Ấn Độ là nhà của 12 loài vẹt, và vấn đề bảo tồn và phúc lợi của chúng thường không được quan tâm như mong đợi - theo chia sẻ của Avin Deen, đại diện Ấn Độ của World Parrot Trust (tạm dịch Quỹ Cứu trợ Vẹt Thế Giới) - một tổ chức bảo tồn với trụ sở tại Anh. Ông nói thêm:
Chưa bàn về truyền thống, rất ít người nhận ra rằng việc giam giữ một chú vẹt là tàn nhẫn.
Loài vẹt cổ hồng rất được các chiêm tinh gia ưa chuộng, và tuy chúng có khả năng bị đe dọa ngoài tự nhiên thấp, loài chim này rất thông minh và sẽ chịu những nỗi đau về thể xác và tinh thần khi bị giam cầm.
Các nhà chiêm tinh sẽ cắt cánh của những chú vẹt để nhốt chúng vào những chiếc lồng nhỏ. Việc tỉa lông cánh sẽ không làm vẹt đau, nhưng nếu không cẩn thận mà cắt quá sát thì có khả năng cắt trúng vào mạch máu và làm vẹt rất đau.
Không thể huấn luyện vẹt trưởng thành nên các nhà chiêm tình chỉ sử dụng chim non bị bắt ngoài tự nhiên. Điều này dẫn đến sự phát triển của thị trường chợ đen.
Deen chia sẻ thêm:
Một khi bị bắt, chúng sẽ phải sống suốt dời trong cái lồng nhỏ bé, mãi mãi không được cất cánh. Nhiều loài vẹt có trí thông minh của một đứa bé 4 tuổi. Những nhà chiêm tinh có thể không làm hại chúng về mặt thể xác nhưng tinh thần của chúng chắc chắn bị ảnh hưởng.
Năm 2012, mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã Traffic - một bộ phận trực thuộc WWF - đã làm một poster tổng hợp hình ảnh của 8 loài vẹt đang bị buôn lậu lúc bấy giờ. Trong 8 loài này, 6 loài đã bị Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt vào danh sách những loài bị sắp đe dọa (NT: Near Threatened), và việc buôn bán bất hợp pháp là một mối đe dọa lớn. Đặc biệt trong đó có 3 loài vẹt Nicobar, vẹt đuôi dài, và vẹt Lord Derby rất dễ bị tổn thương. Tấm poster được phổ biến rộng rãi đến các cơ quan hành pháp và cơ sở giáo dục, và hiện vẫn được lưu hành.
Sarat Babu, cố vấn viên cho hoạt động của Traffic tại vùng Nam Ấn, cho biết "đa phần những chú chim bị buôn lậu là từ ba đến bốn tuần tuổi". Babu ước tính rằng đã cứu gần 5,000 chú chim khỏi cảnh giam cầm, và 30% trong số đó là chim non.
Hoạt động buôn lậu được tổ chức rất bài bản và diễn ra trên khắp vùng Nam Ấn.
Ông nói thêm, những nhà chiêm tinh vẹt chỉ là một phần của vấn đề. Những người giữ vẹt làm vật nuôi cũng một phần thúc đẩy việc buôn lậu. Tuy nhiên, việc cứu những chú vẹt bị giam cầm cũng không hề dễ dàng.
Deen chia sẻ rằng việc thả về với thiên nhiên thực chất lại là một án tử hình đối với những chú vẹt bị giam cầm - chúng cần ít nhất 6 tháng để học cách tự xoay xở - nhưng rất nhiều những cán bộ lâm nghiệp và nhóm cứu trợ động vật lại làm như vậy. Tại Ấn Độ chưa có đủ trại cứu hộ nhằm giúp những chú chim phục hồi khả năng sống ngoài thiên nhiên.
Thêm vào đó, việc diện tích môi trường sống tự nhiên của loài vẹt đang giảm dần do chặt phá rừng cũng là một vấn đề nan giải.
Loài vẹt Alexandrine (cũng được dùng trong chiêm tinh vẹt) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do những cây to khỏe bị đốn mất.
Một vấn đề khác là miếng cơm manh áo của những chiêm tinh gia. Không còn con đường nào khác, họ vẫn phải hành nghề một cách bất hợp pháp.
Deen chia sẻ thêm:
Vì liên quan đến sinh kế của người dân nên đây vẫn là một bài toán khó. Một số chiêm tinh gia đang sử dụng chuột lang thay cho vẹt, nhưng nếu nhu cầu bói toán này vẫn còn thì vẫn sẽ có động vật bị hại.
Jayaraj Pandey, một cựu chiêm tinh vẹt sống tại vùng ngoại ô Madurai, hiện đang làm việc tại một nhà máy. Ông sở hữu một chú vẹt cổ hồng được bốn năm, nhưng tổ chức Blue Cross - một tổ chức từ thiện phúc lợi động vật tại Ấn Độ - đã thu giữ nó hai tháng trước. Pandey nó rằng ông chuẩn bị có một chú vẹt mới.
Con vẹt của tôi đang được một gia đình trong thành phố huấn luyện, họ hành nghề qua nhiều thế hệ rồi. Tôi vẫn còn giữ lồng chim, và sẽ sớm quay lại với nghề xem bói.
Một nhà chiêm tinh giấu tên khác chia sẻ:
Tôi chỉ đang mưu sinh bằng cái nghề duy nhất mà tôi biết thôi. Không hiểu vì sao lại bị truy lùng như vậy. Tôi chăm sóc con vẹt rất chu đáo, vì nó còn nuôi cả gia đình tôi mà.
Với nhiều nỗ lực từ chính quyền và các tổ chức bảo tồn, truyền thống chiêm tinh vẹt cổ xưa đang nhanh chóng biến mất tại Ấn Độ. Nhưng có vẻ như truyền thống này đang được số hóa.
Những app chiêm tinh vẹt và chiêm tinh online đang dần thịnh hành hơn với những chú vẹt tiên tri ảo. Cũng như ngoài đời thực, những lời tiên tri này không quá đáng tin cậy, nhưng ít ra thì những chú vẹt ảo sẽ không phải chịu đau đớn gì.
- 0
- 0Bình luận