Kimono: Là \'bộ mặt\' nước Nhật chứ không phải thời trang theo mùa
Trong những ngày qua, từ khóa "kimono" trở nên hot hơn bao giờ hết khi Kim Kardashian thông báo sẽ cho ra mắt dòng đồ lót định hình mới mang tên Kimono Solutionwear.
Trước sự chỉ trích và phản đối mạnh mẽ của dư luận, đặc biệt là từ cộng đồng người Nhật, Kim đã quyết định đổi tên khác cho dòng đồ lót này.
Vì sao người dân Nhật lại nổi giận đến vậy? Kimono có ý nghĩa sâu sắc đến nhường nào đối với nền văn hóa, lịch sử, và đời sống của họ? Hãy cùng Lost Bird tìm hiểu những điều này qua góc nhìn của những người làm việc trong ngành thời trang kimono tại Nhật Bản nhé!
Bề dày lịch sử ẩn mình trong từng nếp áo
Stasia Matsumoto, nhà tạo mẫu kimono và nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp tại công ty InKimono, lấy làm vui mỗi khi cô nhìn thấy ánh nhìn đầy ngưỡng mộ và hạnh phúc của khách hàng mỗi khi họ được khoác lên mình bộ kimono truyền thống. Cô chia sẻ, đây là phần cô thích nhất trong công việc của mình.
Họ luôn trầm trồ thốt lên những câu như "Tôi thấy mình thật đẹp khi mặc bộ kimono này, tôi cảm thấy thật thanh lịch, duyên dáng."
Vừa giúp khách hàng mặc từng lớp vải lụa, Matsumoto vừa giải thích ý nghĩa của từng nếp gấp, từng nút thắt một, và vô vàn những chi tiết khác: kiểu dáng của chiếc kimono, thời đại mà chiếc kimono đó được dệt nên, và cả chất liệu vải.
Matsumoto am hiểu tận tường về những quy tắc và truyền thống mặc kimono. Cô biết cả những quy tắc xã giao ít ai biết đến về cách đứng ngồi và ứng xử khi mặc kimono, chẳng hạn như cách không để tay áo trượt khỏi cánh tay và để lộ lớp da trần bên dưới.
Khi các khách hàng của Matsumoto mặc bộ sưu tập kimono truyền thống và cổ điển của cô, nặng hơn cả những lớp vải nặng nề, họ đang khoác lên mình một tinh thần trách nhiệm đối với những lớp áo thấm đẫm lịch sử lâu đời, phong phú bắt nguồn từ thời Heian (794-1185).
Tôi muốn mọi người hiểu được chiều sâu của từng chiếc kimono, bao nhiêu nghiên cứu, bao nhiêu công sức, bao nhiêu thời gian, tay nghề, cống hiến và đam mê được dành cho từng lớp áo.
Về việc Kim Kardashian đặt cái tên gây nhiều tranh cãi cho dòng đồ lót định hình mới, Matsumoto bình luận:
Điều này thật nực cười và vô cùng thiếu tôn trọng. Tuy có đồ lót kimono đấy nhưng nó hoàn toàn trái ngược với cái mà cô ấy đã tạo ra. Nó không phải là 'thời trang ăn liền', không nên được sản xuất hàng loạt như thế. Tôi không nghĩ việc này sẽ có ảnh hưởng tích cực về lâu dài đối với thương hiệu của cô ấy.
Một trải nghiệm văn hóa đầy thi vị
Theo Anji Salz, một nhà tạo mẫu kimono và nhà văn tại Tokyo, kimono đã chuyển từ trang phục hàng ngày sang trang phục trang trọng, thường được mặc trong những đám cưới, lễ tốt nghiệp, lễ rửa tội, lễ tang và lễ hội. Sau khi trang phục phương Tây du nhập sang Nhật Bản, mọi người có thể phối đồ mà không cần phải tuân theo một quy tắc truyền thống nào cả.
Salz sở hữu một trang web bán kimono và cung cấp dịch vụ tạo mẫu, chụp hình. Cô chia sẻ:
Có lẽ những quy tắc cầu kỳ và sự hiếm thấy của kimono đã làm nhiều người ái ngại. Không ai muốn mắc những lỗi sai mà.
Xuất thân từ vùng phía Bắc nước Đức, Salz lần đầu tiên biết đến văn hóa Nhật Bản qua âm nhạc, rồi cô học tiếng Nhật và được tặng một chiếc yukata làm quà.
Nhưng một trải nghiệm tại cửa hàng cho thuê kimono tại Kyoto đã thực sự đánh thức niềm đam mê trong cô, khiến cô mong mỏi được học hỏi và dạy về văn hóa, ứng xử, và phong cách mặc kimono.
Khoảnh khắc ấy đã thay đổi cuộc đời tôi. Khi khoác lên mình bộ kimono, tôi cảm thấy mình thanh thản và dịu dàng hơn với vạn vật xung quanh, khác hẳn với khi mặc Âu phục.
Từ khi bắt đầu kinh doanh vào tháng 3, Salz nhận thấy những ảnh hưởng tích cực của mạng xã hội lên việc giới thiệu kimono đến với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Có rất nhiều video trên Youtube dạy cách mặc kimono, biến những quy tắc phức tạp trở nên dễ tiếp cận hơn. Kimono xuất hiện nhiều hơn tại những cửa tiệm "vintage" và chợ trời, khiến việc sở hữu một chiếc kimono không còn khó khăn như trước.
Khi mặc kimono, bạn sẽ hiểu hơn về văn hóa Nhật và Nhật Bản nói chung. Tôi nghĩ việc tìm hiểu về văn hóa và trang phục của các quốc gia khác là vô cùng quan trọng để hiểu nhau hơn, nhất là khi chúng ta đang kết nối với nhau qua internet.
Từ cổ điển, truyền thống đến hiện đại, tân thời
Tuy những nghệ nhân theo trường phái cổ điển có thể phản đối việc lược bỏ bớt một vài quy tắc truyền thống gắn liền với kimono qua nhiều thập kỷ, nhà tạo kiểu kimono tân thời Yui Michael (đọc là "Michelle") cho biết, đây là điều không thể tránh khỏi nếu muốn lưu giữ truyền thống mặc kimono đến ngàn đời sau.
Yui chia sẻ về công việc của cô:
Đây là phong cách kimono tân thời. Tôi phối hợp kimono với quần áo và phụ kiện phương Tây, tạo nên một phong cách dễ mặc hơn là kimono truyền thống.
Kitsuke - phương pháp mặc kimono theo đúng chuẩn truyền thống nhất - cũng không quá xa lạ đối với Yui. Trước khi trở thành một nhà tạo mẫu chuyên nghiệp, Yui đã từng có 8 năm kinh nghiệm là người hỗ trợ mặc kimono. Trong quá trình làm việc, cô nhận ra rằng việc lưu giữ truyền thống bằng vô vàn những quy tắc cũng làm một số khách hàng phải ngán ngẩm.
Yui làm việc với cả những khách hàng người Nhật và người ngoại quốc, mang kimono vượt khỏi những rào cản văn hóa.
Mọi người đều được quyền lựa chọn cách ăn mặc. Đối với tôi, việc mặc kimono là một lựa chọn thời trang, và tôi muốn mọi người cũng được thoải mái mặc kimono theo cách của riêng mình.
- 0
- 0Bình luận