Hồ nước thải độc hại nhưng du khách vẫn nườm nượp kéo đến check-in
Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại của Instagram, nơi mọi thứ đều có thể dễ dàng chia sẻ lên mạng xã hội. Từ những điều nhỏ nhặt như một bữa ăn ngon miệng, hình ảnh chú cún cưng đáng yêu hay đến chuyến đi bộ lên đỉnh Everest, bơi trong vùng nước thường xuất hiện cá mập, ghé thăm Chernobyl,... đều có thể xuất hiện trên Instagram.
Mặc dù có là người "sống ảo" như thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng đều cần phải biết điểm dừng. Không phải vì những bức hình lung linh trên mạng, chúng ta có thể hành động lố bịch hay thậm chí đối đầu với nguy hiểm.
Ví dụ như nhiều tài khoản Instagram đã bị chỉ trích nặng nề khi đăng tải những bức hình đùa nghịch quá trớn khi ghé thăm đài tưởng niệm Holocaust ở Berlin, Đức. Hay như gần đây, nhiều "thánh sống ảo" đã bất chấp nguy hiểm để chụp hình tại một hồ nước thải độc hại ở Nga.
Không phải tự dưng mà hồ nước này lại là địa điểm thu hút những thánh sống ảo ghé thăm. Khoác lên mình một màu xanh ngọc đặc biệt, hồ nước nhân tạo này còn được gọi với tên "Maldives vùng Siberia".
Với khung cảnh nên thơ, lãng mạn, mọi người đều cho rằng đây là nơi thích hợp để chụp một số bức ảnh đẹp. Tuy nhiên, các bức ảnh chỉ thực sự đẹp khi mọi người đi dạo quanh hồ hoặc chụp ảnh với cây cỏ hoa lá chứ không phải tiếp xúc trực tiếp với hồ nước nhân tạo này.
Đừng để màu sắc rực rỡ của nó đánh lừa, đây chính là một hồ nước thải của nhà máy điện gần đó. Thực sự, hồ nước nhân tạo này chính là một bãi thải tro vô cùng độc hại. Màu xanh đặc biệt của hồ là do các oxit kim loại và muối canxi hoà tan trong nước.
Khi biết được lai lịch của hồ nước này, có nhiều tin đồn không hay đã xuất hiện. Ví dụ như là có người nhìn thấy một con hải cẩu màu xanh sống trong khu vực, hay thảm thực vật gần hồ bị chết do nhiễm độc.
Vì vậy, vào tháng 6, công ty Siberian Generating đã đưa ra thông báo nhấn mạnh rằng nước trong hồ không hề có độc hay chất phóng xạ. Mặc dù vậy, việc nước tiếp xúc trực tiếp với da người có thể gây dị ứng. Công ty khuyến cáo rằng mọi người không nên đến nơi này chụp ảnh.
Sau khi sự việc này xảy ra, hồ nước thải ngày càng trở nên nổi tiếng. Phớt lờ lời cảnh báo của công ty Siberian Generating, nhiều người vẫn ghé thăm nơi này để chụp ảnh sống ảo. Không chỉ vậy, họ còn xuống hồ với mái chèo và phao.
Một số người sau khi mạo hiểm chụp ảnh với hồ nước đã bị sưng tấy, nổi mẩn ngứa trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải mối nguy hiểm chính khi tiếp xúc với hồ nước thải xinh đẹp này.
Vì đây là bãi thải tro của nhà máy điện nên dưới đáy hồ rất lầy lội. Khi rơi xuống hồ, bạn gần như sẽ không thoát khỏi đó một mình. Nhưng mối nguy hiểm chính này cũng chẳng thức tỉnh được các "thánh sống ảo" là bao...
- 0
- 0Bình luận