Những sinh vật sống dai nhất đã tồn tại trên hành tinh chúng ta
Thiên nhiên luôn ẩn chứa những bí ẩn kỳ lạ thôi thúc chúng ta khám phá, tò mò tìm hiểu. Như khả năng sống sót thần kỳ của các loài vật khiến giới khoa học phải ngạc nhiên khi biết được tuổi thọ trải qua hàng thế kỷ của chúng.
Dưới đây là 7 sinh vật được cho là sống lâu nhất trên trái đất.
7. Cá Koi
Koi là một loài cá chép đã được thuần hóa để nuôi làm cảnh trong các ao hồ, có xuất xứ từ Nhật Bản. Cá chép Koi có nhiều màu sắc khác nhau và các hình xăm trên mình cá được người Nhật coi là điềm may mắn.
Hiện nay, cá Koi được nuôi phổ biến trên toàn thế giới với các giống lai tạo qua nhiều thế hệ. Thông thường cá Koi có tuổi thọ trung bình từ 40 đến 60 năm nhưng chú cá Hanako là một trường hợp đặc biệt. Cá Koi Hanako được ghi nhận là con cá sống lâu nhất với 226 tuổi.
Hanako nghĩa là “hoa nữ” trong tiếng Nhật, chú ra đời năm 1751 và qua đời vào ngày 7/7/1977. Ông Komei Koshihara là người chủ cuối cùng đã công bố Hanako cho mọi người biết đến thông qua đài Nippon Hoso Kyokai. Tuổi của Hanako được kiểm chứng thông qua việc phân tích các vòng trên vảy của nó.
6. Rùa cạn
Rùa được biết đến là loài vật sống trường thọ, thuộc hàng “cụ kỵ”. Các loài rùa cạn thường phân bố ở các nước thuộc vùng nhiệt đới và xích đạo với tuổi thọ trung bình từ 90 đến 150 năm.
Kỉ lục thế giới dành cho "cụ rùa" sống thọ nhất toàn cầu được ghi vào sách Guiness là rùa Tui Malila. Chú rùa được thuyền trưởng Cook biếu tặng cho hoàng gia đảo Tonga (hòn đảo thuộc Châu Đại Dương) vào năm 1777. Tui Malila chết vào năm 1965, hưởng dương đến 188 năm.
Ngoài ra một chú rùa khác thuộc dòng Aldabra khổng lồ tại vườn thú Alipore, thành phố Kolkata, Ấn Độ được cho là sống lâu hơn nữa với tuổi thọ là gần đến 250 năm nhưng thông tin này vẫn chưa được xác thực.
5. Cá mập Greenland
Cá mập Greenland hay còn gọi là cá mập xám, sống ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, thuộc loài cá mập khổng lồ có kích thước như loài cá mập trắng lớn. Thịt của loài này có tính độc, chỉ ăn được khi đun sôi nhiều lần hoặc sấy khô để lên men trong vài tháng, món này được gọi là Hakarl, một đặc sản ở Iceland.
Cá mập Greenland hoạt động khá chậm chạp với tốc độ trung bình từ 1,22 km/h đến 2,6 km/h. Chúng thuộc loài cá mập bơi chậm nhưng tuổi đời thuộc hàng bô lão với độ tuổi sống tối thiểu 272 và tối đa 512 tuổi. Để đạt độ chín về khả năng sinh sản thì cá mập Greenland phải kiên trì chờ đến 150 năm.
4. Ngao biển Quahog
Đây là loài ngao sống ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương với độ sâu từ 8 m đến 396 m. Chúng được săn bắt, thu hoạch phục vụ cho mục đích thương mại thực phẩm hải sản.
Loài vật này thuộc loại nhuyễn thể có tuổi thọ khoảng 400 năm. Con sống lâu đời nhất là ngao biển Quahog Ming với 507 tuổi, được tìm thấy ở ngoài ngoài khơi bờ biển phía bắc Iceland vào năm 2006.
Theo nghiên cứu khoa học, chúng có thể sống qua hàng thế kỷ như vậy là vì trong cơ thể có chứa chất kháng oxit hóa cao lạ thường, giúp ngao biển Quahog sống lâu trăm tuổi.
3. Tuatara
Tuatara thuộc loài bò sát sống trong kỷ Jura, được coi là một hóa thạch sống. Nó là thành viên sống sót duy nhất của loài bò sát đã tuyệt chủng Sphehodontia sống cùng khủng long và đã tách khỏi các loài bò sát khác 200 triệu năm trước trong kỷ Triat.
Năm 1895, Tuatara được công nhận là động vật quý hiếm, cần được bảo tồn ở New Zealand. Tuatara là loài động vật có xương sống, tuổi thọ trung bình là 60 năm, có cá thể có thể sống tới 200 năm.
2. Cá voi Bowhead
Là loài động vật có vú sống ở vùng biển Bắc cực, còn được gọi là cá voi Greenland. Con trưởng thành có kích thước lớn với chiều dài tới 18 m và trọng lượng gần 100 tấn, là loài cá voi có chiếc miệng khổng lồ với tấm sừng ở hàm (thay cho răng) để lọc thức ăn từ nước biển.
Tuổi thọ của loài cá voi Bowhead thường sống trên 100 năm, một số trường hợp có thể sống đến 160-180 năm. Lập kỷ lục là vào năm 2007, chú cá voi đầu cong có độ tuổi ước tính lên đến 211 năm. Ngư dân tìm thấy nó cùng với một chiếc máy móc có niên đại hơn 100 năm về trước được gắn trên thân cá.
1. Sứa bất tử
Sứa bất tử là một loài thủy tức có hình dạng như cái chuông với kích thước nhỏ, đường kính tối đa khoảng 4,5 mm và chiều dài lớn hơn chiều rộng. Chúng thường được tìm thấy ở Địa Trung Hải và xung quanh vùng biển Nhật Bản.
Chúng thuộc giống sứa ngành Cnidaria có khả năng quay ngược vòng đời từ thời trưởng thành trở lại thời sinh vật đơn bào và từ đó lại tiếp tục phát triển. Cơ chế này gọi là "sự chuyển dịch tế bào", theo đó một dạng tế bào này có thể chuyển đổi thành dạng tế bào khác. Quá trình tái tạo đặc biệt giúp loài sứa này trở nên trường sinh bất lão, sống mãi với thời gian.
Tuy nhiên, trong môi trường sống tự nhiên như sinh vật phù du, sứa bất tử đang đối mặt với nhiều mối nguy hiểm đến tính mạng khi bị săn bắt và dễ bị nhiễm bệnh.
- 0
- 0Bình luận