logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky5 năm trước
Lostbird

Thiên Thần và Ác Quỷ (Kỳ 6): \'Tứ Kỵ Sĩ Khải Huyền\' - Bộ tứ quyền năng mang đến ngày tận thế

Với bạn đọc theo đạo thì vốn không lạ gì với 4 nhân vật khét tiếng này khi đọc chương thứ 6 của Sách Khải Huyền. Mặc dù chỉ xuất hiện có vài dòng, Tứ Kỵ Sĩ Khải Huyền lại là những hình tượng truyền cảm hứng cho biết bao nhiêu tác phẩm văn học, phim ảnh, trò chơi điện tử và nhiều loại hình văn hóa phẩm khác.

Trong bài viết này, Lost Bird sẽ tản mạn về 4 nhân vật này, họ là ai, có vai trò gì và là hình ảnh ẩn dụ của điều gì?

Tứ Kỵ Sĩ Khải Huyền

tu ky si khai huyen

Sách Khải Huyền là gì?

Sách Khải Huyền là một văn tự cổ được viết vào những năm 60 của thế kỷ thứ 1, về sau được xem là sách cuối cùng trong Kinh Tân Ước, đồng thời cũng là một tài liệu chính thức (canon) mà cộng đồng những người theo đạo Cơ Đốc dùng để học tập và nghiên cứu.

Khải Huyền (hoặc Khải Thị) là cuốn được viết theo thể văn Khải Huyền. Từ "Khải Huyền" do từ ghép Hy Lạp apokalypsis. "Apo" nghĩa là lấy đi, "kalypsis" nghĩa là màn che. Khải Huyền có nghĩa là vén màn cho thấy điều bí mật bị che khuất bên trong.

john

Tranh vẽ Chúa và các thiên thần hiên ra để mặc khải cho John thấy về ngày tận thế.

Nội dung Sách Khải Huyền gồm 22 chương gồm nội dung mà tác giả - Thánh John "Người Mặc Khải" ở đảo Patmos viết cho 7 hội thánh ở Tiểu Á. Khải Huyền được viết trong giai đoạn lịch sử mà đế chế La Mã của vua Nero và sau đó là Domitian đàn áp dã man người theo đạo, khiến họ phải đi đày ở đảo Patmos. Lúc này Chúa hiện ra, cho John thấy những gì sẽ diễn ra vào ngày tận thế và bảo ông ghi chép lại cho mọi người cùng được biết.

Hiện tại chưa xác định rõ "Thánh John" tác giả của Khải Huyền là ai, là một người hay một nhóm người. Chúng ta có thể hiểu đơn giản là Khải Huyền như một tác phẩm văn học mà tác giả (khi đang sống lưu vong trên đảo Patmos) đã viết để truyền cảm hứng và động viên 7 giáo hội vùng Tiểu Á có thể vững tin vào đức tin của họ mà vượt qua giai đoạn khó khăn.

Lost Bird mang chủ đề này đến với các bạn không phải chỉ để bàn về những thứ viển vông huyền hoặc, đơn giản là chúng ta thông qua nó để nhìn nhận một giai đoạn lịch sử thế giới theo cách thú vị và hấp dẫn hơn mà thôi.

4 kỵ sĩ, họ là ai?

John thuật lại việc được thấy Chúa từ Chương 4. Chúa hiện ra từ một cánh cổng giữa trời, tay cầm cuốn sách vàng có 7 niêm ấn, xung quanh có 4 Sinh Vật với đầu sư tử, bò, người và đại bàng, trên cánh đầy những mắt - chính là các Minh Thần Cherubim được nhắc đến trong Kỳ 1.

Con Chiên của Chúa (Lamb of God) - một hiện thân của Chúa Jesus nhận cuốn sách có 7 niêm ấn và bắt đầu phá vỡ từng ấn một để giáng những tai họa của Ngày Tận Thế xuống trái đất và các Kỵ Sĩ Khải Huyền lần lượt xuất hiện.

4 horsemen

4 kỵ sĩ chỉ được nhắc đến trong 1 chương duy nhất là Chương 6 của Sách Khải Huyền, tuy nhiên họ có vai trò quan trọng khi là những nhân vật đầu tiên khai mở Ngày Tận Thế. Hình ảnh 4 kỵ sĩ cũng được xem là hình ảnh mang tính biểu tượng sâu sắc trong Sách Khải Huyền.

Nếu các bạn đã nghiên cứu Kinh Thánh thì sẽ nhận ra Chúa Trời sử dụng cả thiên thần và ác quỷ, tất cả đều phụng sự cho những kế hoạch của Chúa. Vì vậy, có nhiều câu hỏi được đặt về thân thế của 4 kỵ sĩ, họ là thiên thần, ác quỷ hay một thứ gì khác do Chúa tạo ra? Chúng ta sẽ trả lời câu hỏi này vào cuối bài.

Kỵ sĩ thứ nhất (Conquest/Pestilence)

Được gọi là Conquest (chinh phục, xâm chiếm) hoặc Pestilence (dịch bệnh) cưỡi trên lưng một con ngựa trắng. Thánh John đã mô tả lại như sau:

Tôi lại thấy : khi Con Chiên mở ấn thứ nhất trong bảy ấn, thì tôi nghe một trong bốn Sinh Vật hô lên, tiếng vang như sấm: “Hãy đến!” Tôi thấy: một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang cung tên. Người ấy được tặng một mũ triều thiên và ra đi như người thắng trận, để chiến thắng.

conquest

Có rất nhiều hình ảnh ẩn dụ liên quan tới kỵ sĩ thứ nhất này, dễ hiểu nhất theo nghĩa đen từ tên gọi của Conquest chính là nói đến xung đột giữa các quốc gia, khi những nước lớn đầy tham vọng sẽ bành trướng thế lực và lăm le xâm chiếm những nước nhỏ hơn.

Kế đến, kỵ sĩ trắng với tên gọi Pestilence tượng trưng cho bệnh dịch, cụ thể là dịch hạch, thứ bệnh truyền nhiễm không có thuốc chữa đã giết người hàng loạt vào thời cổ đại. Đây là hai nghĩa thông dụng và đơn giản nhất, cũng hợp lý nhất để bắt đầu sự kiện trong Ngày Tận Thế.

white horse

Ngựa trắng của kỵ sĩ Conquest/Pestilence.

Đi sâu hơn một chút, kỵ sĩ trắng sẽ là sự tiên tri cho giai đoạn thịnh vượng của đế chế La Mã, khi mà thời đại của những gã bạo chúa như vua Nero và Domitian đã qua đi. Vương triều tha hóa của Domitian (kẻ đã đày các tín đồ đến đảo Patmos, bao gồm cả John - tác giả Sách Khải Huyền) kết thúc vào năm 96 sau Công Nguyên.

Sau vương triều của Domitian sẽ đến một giai đoạn cực thịnh của đế chế La Mã với sự lần lượt trị vì liên tiếp của 5 vị vua tốt (Five Good Emperors) là Nerva, Trajan, Hadrian, Antoninus Pius, và Marcus Aurelius. Cả 5 vị vua này đều có tổ tiên bắt nguồn từ đảo Crete, vốn nổi tiếng với tài bắn cung.

good omens pollution

Kỵ sĩ Pollution trong Good Omens.

Xin nói thêm là trong phim The Good Omens của Amazon, Conquest/Pestilence trong 4 kỵ sĩ Khải Huyền bị thay thế bằng Pollution (Ô Nhiễm), vì trong thời buổi hiện đại, khoa học công nghệ phát triển giúp con người ngăn chặn bệnh dịch hạch nhưng sự ô nhiễm, hủy hoại môi trường lại gây ra nhiều thứ bệnh khác.

Kỵ sĩ thứ hai (War)

Tất nhiên kéo theo sau hành vi bành trướng và xâm lược sẽ là chiến tranh loạn lạc, War - kẻ tượng trưng cho bạo lực và sự đẫm máu được John mô tả:

Khi Con Chiên mở ấn thứ hai, thì tôi nghe Sinh Vật thứ hai hô: “Hãy đến!”. Một con ngựa khác đi ra, đỏ như lửa, người cỡi ngựa được quyền lấy hòa bình khỏi đất này, để cho người ta chém giết lẫn nhau, người ấy được ban một thanh gươm lớn.

war

Tương tự như kỵ sĩ thứ nhất, kỵ sĩ thứ hai cũng mang nghĩa ẩn dụ dưới dạng một lời tiên tri. Sau thời kỳ an bình thịnh trị của 5 vị vua tốt kể trên, La Mã lại một lần nữa rơi vào cảnh xung đột máu đổ đầu rơi.

Thật vậy, sau Marcus Aurelius, con trai của ông là Commodus đã trở thành một kẻ độc tài chỉ biết ăn chơi hưởng thụ trên thành quả của tiên vương, hậu quả là để đất nước rơi vào cảnh nội chiến liên miên. Sau đó Commodus bị một đấu sĩ ám sát và chết thảm.

red horse

Ngựa đỏ của kỵ sĩ War.

Xin nói thêm để các bạn được rõ, vua Commodus có xuất hiện trong Gladiator (Đấu Sĩ) - bộ phim đoạt giải Oscar phim hay nhất năm 2000 của đạo diễn bậc thầy Ridley Scott.

commodus tongue

Joaquin Phoenix trong vai bạo chúa Commodus.

Trong phim, nam tài tử Joaquin Phoenix đóng vai phản diện Commodus bị đấu sĩ Maximus Decimus Meridius (do Russel Crowe thủ vai) giết chết. Gladiator là bộ phim đưa cả 2 diễn viên trên vào hàng ngôi sao hàng đầu Hollywood.

Kỵ sĩ thứ ba (Famine)

Hậu quả của chiến tranh triền miên tất nhiên sẽ là cảnh đói kém lầm than, và Famine (nạn đói) là kẻ chịu trách nhiệm về điều đó. Hắn ta được tác giả John miêu tả như sau:

Khi Con Chiên mở ấn thứ ba, thì tôi nghe Sinh Vật thứ ba hô: “Hãy đến!” Tôi thấy: kia một con ngựa ô, và người cỡi ngựa cầm cân trong tay. Tôi lại nghe như có tiếng nói từ giữa bốn Sinh Vật vang lên : “Một cân lúa mì, một ngày lương! Ba cân lúa mạch, một ngày lương! Còn dầu và rượu thì chẳng được đụng đến!”

famine

Nguyên văn của "một ngày lương" ở trên là "denarius" - tức đơn vị tiền tệ của La Mã vào thời đó. Kỵ sĩ Famine khiến cho lương thực khan hiếm, vật giá tăng cao, một ngày công lao động mà người dân chỉ mua được một phần lúa mạch và lúa mì tức là không đủ để nuôi sống gia đình. Trong khi đó, dầu ô-liu và rượu vốn là hai thứ xa xỉ, chỉ có nhà giàu mới dùng thì kỵ sĩ lại không được đụng đến, tức là giá vẫn nguyên như cũ, cuộc sống của những kẻ giàu có không bị tác động gì.

black horse

Ngựa đen của kỵ sĩ Famine.

Như vậy, hình tượng của kỵ sĩ đen đại diện cho nạn đói cũng là ẩn dụ cho cảnh lầm than của dân chúng dưới một chế độ thối nát, người lao động thì không đủ ăn, kẻ giàu sang thì vẫn hưởng thụ những thứ xa xỉ.

Lời John thuật lại về kỵ sĩ đen cũng như lời tiên tri về một tương lai ảm đạm đã thực sự xảy ra vào thời vua Caracalla từ năm 188 đến năm 217. Caracalla không lo việc nước, suốt ngày chỉ lo ăn chơi, thu nhiều tô thuế chỉ để xây nhà hát, nhà tắm mà hoan lạc. Một vương triều như thế này rồi cũng sẽ sớm bị diệt vong.

Kỵ sĩ thứ tư (Death)

Như quy luật tự nhiên, dịch bệnh, chiến tranh, đói kém sẽ dẫn đến cái kết sau cùng: chết chóc. Khi hình tượng 4 kỵ sĩ được tái hiện trong các văn hóa phẩm, nhất là trò chơi điện tử, thì Death luôn được xem là kẻ mạnh nhất trong 4 kỵ sĩ. John mô tả như sau:

“Khi Con Chiên mở ấn thứ bốn, thì tôi nghe tiếng Sinh Vật thứ bốn hô: “Hãy đến !” Tôi thấy: một con ngựa xanh nhợt nhạt, người cỡi ngựa mang tên Tử Thần và sự chết theo sau hắn. Chúng nhận được quyền hành trên một phần tư mặt đất, để giết bằng gươm giáo, đói kém, ôn dịch và thú dữ sống trên đất.”

Như vậy, Death có quyền lực của cả 3 người kia cộng lại.

the death

Trong nguyên văn tiếng Hy Lạp cổ (ngôn ngữ Koine) thì kỵ sĩ Death ở đây được miêu tả chính xác là Thanatos (tức thần chết trong thần thoại Hy Lạp). "Sự Chết" theo sau kỵ sĩ Death nguyên văn tiếng Koine là Hades (âm phủ).

Theo nghiên cứu và đối chiếu lịch sử của các học giả, ý nghĩa ẩn dụ của hình tượng kỵ sĩ Death nhắc đến giai đoạn lịch sử từ năm 235 đến năm 301, khi đế chế La Mã thiếu một vị vua có tài và đất nước rơi vào tình trạng phân tranh, cát cứ bởi các thế lực của tướng lĩnh quân đội.

pale horse

Ngựa màu nhợt nhạt (pale horse) của Death.

Vào năm 285, vua Diocletian thống nhất được La Mã và lên ngôi hoàng đế, ổn định được tình hình. Mặc dù vậy, Diocletian lại là một người ngoại đạo, ông không tin vào thần thánh gì nên ra sức đàn áp các tín đồ theo đạo tương tự như bạo chúa Nero ngày trước. Vào giai đoạn lịch sử này, tín đồ Cơ Đốc bị chết oan rất nhiều, mỗi ngày có thể có hàng ngàn người bỏ mạng.

Không phải thiên thần cũng chẳng phải ác quỷ

Có thể nói Tứ Kỵ Sĩ Khải Huyền là những thực thể đầy quyền năng, mặc dù vậy không thể xếp họ vào một nhóm phân loại cụ thể nào. Trong tựa game Darksider nổi tiếng của hãng TQH, Hoa Kỳ, các nhà phát triển xếp 4 kỵ sĩ vào một giống loài riêng biệt, họ chỉ tồn tại duy nhất với một sứ mệnh là thực thi Ngày Tận Thế.

dark sider

4 kỵ sĩ trong game Darksiders.

Chúng ta có thể hiểu rằng, mỗi một kỵ sĩ là hiện thân của một yếu tố, một hiện tượng, một sự kiện nào đó có thể xảy ra trong xã hội ở một giai đoạn lịch sử nhất định, cụ thể là tại đế chế La Mã rộng lớn lúc bấy giờ và có ảnh hưởng mật thiết đến số phận của những người theo đạo Cơ Đốc.

Khải Huyền là một thể văn, Sách Khải Huyền là một tác phẩm văn học đậm màu sắc tôn giáo nhưng có giá trị phản ánh lịch sử, thông qua những hình tượng thiên thần ác quỷ, chiến tranh thiên đường hay 4 kỵ sĩ chết chóc nọ, tác giả chỉ phần nào muốn nói lên tâm tư của những tín đồ Cơ Đốc trong cảnh nhiễu nhương.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky5 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)